Năm 2011, lần đầu tiên sau 35 năm, UNESCO đưa ra khái niệm mới: Cảnh quan đô thị lịch sử (Historic Urban Landscape). Khái niệm này không thay thế cách tiếp cận bảo tồn truyền thống, mà thực chất, cung cấp công cụ bổ sung để ứng xử với môi trường xây dựng trong bối cảnh phát triển đô thị nhưng vẫn tôn trọng các giá trị kế thừa được tạo dựng trong bối cảnh khác biệt về văn hóa, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, chứng minh vai trò quan trọng của cảnh quan đô thị lịch sử trong thế giới đang đổi thay đang chóng. Nằm giữa vòng xoáy của sự phát triển, Khu phố cổ (KPC) Hà Nội đang đứng trước những thách thức hội nhập toàn cầu và chủ động tham gia tiến trình tất yếu đó, trong suốt 20 năm qua, đã có nhiều dự án chỉnh trang, bảo tồn di sản được thực hiện trên địa bàn KPC Hà Nội và có những thành công nhất định.
Từ cuối thập kỷ tám mươi, Hà Nội đã từng bước khép lại thời kỳ 40 năm quản lý đô thị theo kiểu bao cấp. Sự “giải phóng” đất đai để xây dựng các công trình kiểu mới đã đe doa trực tiếp đến những khu phố lịch sử trong thành phố… do vậy cần một công cụ quản lý mới. Năm 1993, Viện Quy hoạch Đô thị – Nông thôn Bộ Xây dựng lập “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát triển”. TP Hà Nội ban hành “Quy định quản lý xây dựng và bảo tồn KPC Hà Nội”. Thành phố giao KTS trưởng Thành phố chủ trì cùng với giám đốc Sở VHTT, Sở Xây dựng, Sở Nhà đất, Sở Giao thông công chính và UBND quận Hoàn Kiếm quản lý và phối hợp với các Sở, Ban, Ngành của Thành phố thực hiện.
Bản đồ thể hiện vị trí KPC Hà Nội
Năm 1995, việc Bộ Xây dựng công bố “Quy hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát triển KPC Hà Nội” đã khởi đầu cho hàng chục dự án nghiên cứu quy hoạch, phát triển KPC Hà Nội của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế: Thụy Điển, Pháp, Australia, Đức, Nhật Bản, Bỉ, Nauy, Đan Mạch… Hầu hết các dự án trên mới chỉ là nghiên cứu và không áp dụng vào thực tế, nhưng nó cho thấy tính đa dạng và phức tạp của nội hàm “bảo tồn/ phát triển”. Để tiếp nhận và thực hiện các dự án thí điểm, TP Hà Nội đã lập Ban quản lý dự án cải tạo thí điểm khu phố cổ – khu phố cũ Hà Nội.
Năm 1998, Hà Nội thành lập Ban quản lý phố cổ trực thuộc Thành phố. Đồng thời TP Hà Nội giao các Sở ngành Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng lập kế hoạch bảo tồn, các giải pháp, nguồn lực và ngân sách. Năm 1999, Hà Nội công bố “Điều lệ tạm thời về quản lý xây dựng, bảo tồn, tôn tạo Phố cổ Hà Nội” với mục tiêu: Gắn công tác quản lý kiến trúc KPC Hà Nội với quản lý trật tự xây dựng. Năm 1999 đánh dấu sự kiện quan trọng, TP Hà Nội bảo tồn ngôi nhà cổ đầu tiên số 87 phố Mã Mây: TP thực hiện GPMB 05 hộ dân và TP Toulouse (Pháp) nghiên cứu và hỗ trợ kinh phí tôn tạo.
Tiếp theo (năm 2000), Hà Nội triển khai việc giải phóng mặt bằng tại 38 phố Hàng Đào để TP Toulouse hỗ trợ trùng tu đình Đồng Lạc. Thành phố đầu tư lớn để cải tạo toàn bộ hố xí thùng trong KPC, cấp điện, cấp nước, viễn thông được cải tạo, nâng cấp (1998-2000). Dân cư KPC đóng góp 50% để cải thiện nhà vệ sinh gia đình.
Năm 2004, Quận Hoàn Kiếm đã khai trương tuyến phố đi bộ Hàng Đào đến Đồng Xuân gắn với chợ đêm Đồng Xuân. Một số ngôi nhà cổ được trùng tu: 19 Hàng Đồng, 51 Hàng Bạc, 135 Hàng Bạc, 105 Hàng Buồm… Bộ Văn hóa thông tin công bố “Xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia – KPC Hà Nội”
Hình ảnh KPC Hà Nội những năm đầu hế kỷ 20
Giai đoạn 1998 đến 2007 ghi nhận sự phong phú của các nội dung nghiên cứu “bảo tồn phát huy giá trị của KPC…” và sự thành công của các dự án bảo tồn, tôn tạo được đầu tư bằng ngân sách Thành phố và hỗ trợ quốc tế. Tuy vậy, bối cảnh kinh tế – văn hóa – xã hội TP Hà Nội có bước chuyển mạnh mẽ, KPC đứng trước thách thức: KPC trở thành lực hút đầu tư Bất động sảnh du lịch, thương mại, dịch vụ… và có sự thay đổi lớn thành phần dân cư và cơ cấu đầu tư, cần một mô hình quản trị năng động hơn
Năm 2007, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội do UBND quận Hoàn Kiếm quản lý. Từ đó, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã phát huy thế mạnh của chính quyền cơ sở, tăng cường đối thoại với cộng đồng dân cư và các bên liên quan để chủ động lập kế hoạch và thực thi công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản KPC.
Trong giai đoạn 2008-2015, có hàng chục di tích đã được giải phóng mặt bằng để trùng tu như: Đền Bạch Mã, đình Nam Hương, đình Yên Thái, chùa Lý Quốc Sư, chùa Bà Đá, đình Nam Hương, đền Quan Đế, đình Kim Ngân, đình Phả Trúc Lâm, chùa Kim Cổ, chùa Cầu Đông, đình Đức Môn, đình Đông Thành, đình Tú Thị, quán chùa Huyền Thiên, chùa Vĩnh Trù, đình Tân Khai, chùa Thái Cam,… hàng trăm ngôi nhà được chỉnh trang trên tuyến phố Tạ Hiện, phố Lãn Ông… Nhiều không gian kiến trúc cảnh quan của KPC cũng được đẩy mạnh hoạt động văn hóa, dịch vụ, thương mại du lịch như: Khu vực chợ Đồng Xuân – Bắc Qua; ngày hội nghề kim hoàn khu phố Hàng Bạc; Hội nghề thuốc Đông Nam dược Lãn Ông và Phố nghề Hàng Gai; Lập tour du lịch tham quan KPC và khu vực hồ Hoàn Kiếm bằng xe điện…
Năm 2014, tuyến phố đi bộ Hàng Đào – Đồng Xuân mở rộng sang các phố Hàng Buồm, Mã Mây, Tạ Hiện, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ. Năm 2016 mở Phố đi bộ quanh Hồ Gươm và phụ cận. Năm 2017, Dự án phố nghệ thuật cộng đồng Phùng Hưng đã tương tác với lễ hội Trung Thu đã mở rộng không gian phố đi bộ trên khắp địa bàn KPC. Phố đi bộ đang kích hoạt một chuỗi các hoạt động hợp tác các bên để phát triển văn hóa – kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng kiến trúc cảnh quan KPC.
Bên cạnh những dự án đầu tư tôn tạo cơ sở vật chất, Quận Hoàn Kiếm cũng đã hợp tác với cộng đồng dân cư và các đối tác để củng cố, phát triển văn hóa đô thị trong khu phố đặc trưng của Hà Nội: Đề án “Nghiên cứu, tổ chức lễ hội truyền thống trong KPC và khu vực hồ Hoàn Kiếm”, với việc phục hồi 14 lễ hội truyền thống. Các lễ hội được khôi phục thu hút người dân tham gia được gắn với các ngày lễ lớn như: Lễ hội Vua Lê đăng quang; Hội Đình Yên Thái, Đình Kim Ngân; Lễ Trung thu Phố cổ, Chợ hoa Tết Hàng Lược, hoạt động văn hóa đường phố và các câu lạc bộ ca trù trong di tích… tổ chức các hoạt động tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; đình Đồng Lạc 38 Hàng Đào; đền Quan Đế 28 Hàng Buồm, đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ. Từ năm 2010 đến nay đã xếp hạng xong di tích cấp Quốc gia Đình Kim Ngân, đình Hà Vĩ, đình Tú Thị, đình Đông Thành, đền Hương Tượng, đền Quán Đế…
Những thách thức và cơ hội mới
Dự án cải tạo chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố nhánh nối ra hồ Hoàn Kiếm
Địa bàn: Phường Lý Thái Tổ, các tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Trống, Hàng Đào, Hàng Bạc.
Do có những đặc thù về mặt quản lý, vận hành nên công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong KPC Hà Nội đã và đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Được sự quan tâm, chủ đạo sâu sát của Đảng ủy, chính quyền, công tác quản lý KPC đã có những bước tiến đáng kể, đem lại kết quả tích cực, cụ thể như sau: Tin tưởng rằng với nhận thức và sự tham gia của các cấp các ngành và cộng đồng người dân trong KPC, công tác bảo tồn và phát huy giá trị KPC Hà Nội sẽ chủ động hơn, biến khó khăn và thách thức thành cơ hội phát triển bền vững.
- Quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng trong KPC vốn rất phức tạp. Quận Hoàn Kiếm đã triển khai và đẩy mạnh mô hình “khoán quản” thực hiện xã hội hoá quản lý, mô hình này được đánh giá cao, cộng đồng tham gia một cách tích cực;
Công tác cấp phép xây dựng minh bạch, đơn giản đã giảm tỷ lệ xây dựng trái phép. Công tác bảo vệ môi trường, an toàn PCCC nhờ đó được tăng cường; - Thực hiện giãn dân phố cổ theo quy trình hành chính rất phức tạp và chậm chạp, nhưng trong thị trường BĐS, xu hướng tích tụ nhà đất đã đẩy mạnh tốc độ giãn dân tự giác, phù hợp với đặc thù và nguyện vọng của người dân KPC;
- Đầu tư giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo các công trình lịch sử, văn hoá, kiến trúc cảnh quan trong KPC đòi hỏi ngân sách lớn, Quận Hoàn Kiếm đã khai thông các nguồn vốn huy động trong cộng đồng (đặc biệt các công trình tôn giáo hay dịch vụ) và sẽ tiếp tục mở rộng thời gian tới;
- Các hoạt động lễ hội trước đây còn đơn điệu, tẻ nhạt thì nay nhờ có sự tham gia nhiều bên, ngày càng thu hút đông đảo người tham gia và tiếp tục mở rộng, đặc biệt là sự hợp tác với nhiều đối tượng để các hoạt động này phong phú, chất lượng, hiệu quả .
Trong xu thế phát triển chung của TP Hà Nội, KPC sẽ có những ảnh hưởng tương tác, dẫn đến cần điều chỉnh các kịch bản phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Các kế hoạch phát triển trong tương lai cần phải huy động nhiều bên liên quan cùng đối thoại, thay đổi phương thức hoạt động, thúc đẩy sự liên kết và phối hợp đa ngành. Đó là những thách thức và cũng là cơ hội mới trong quá trình phát triển.
Một số dự án bảo tồn trong khu Phố Cổ
Dự án thí điểm bảo tồn một đoạn phố Tạ Hiện
Bảo tồn, tôn tạo đình đồng lạc 38 Hàng Đào
Dự án tu bổ Đình Kim Ngân 42 hàng bạc
Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 đào duy từ
Dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị tuyến phố Đông Nam Dược Lãn Ông
KTS Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2018)-Nguồn
Bình luận của bạn