Phố Thợ Nhuộm

Thứ 6, 23/08/2024, 16:18 (GMT+7)

Chia sẻ

Phố Thợ Nhuộm dài 928 mét, đi từ ngã phố Hàng Bông - Cửa Nam đến ngã phố Bà Triệu - Trần Hưng Đạo. Nay thuộc hai phường Cửa Nam và Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 1,3km (hướng 8h). 

Phố Thợ Nhuộm  

Theo ông Nguyễn Vinh Phúc, phố Thợ Nhuộm đi qua 4 thôn trên bản đồ Hà Nội năm 1831: Anh Mỹ, Bích Du, Nam Phụ, Nguyên Khánh, thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương xưa. Tổng Tiền Nghiêm sau đổi là tổng Vĩnh Xương.

Năm 1849, thôn Anh Mỹ hợp với một số thôn khác thành thôn Đông Mỹ, thôn Bích Du hợp với thôn Hoa Cẩm và thôn Lưu Truyền thành thôn Bích Lưu, thôn Nam Phụ hợp nhất với thôn Nguyên Khánh thành thôn Phụ Khánh.

Phố Thợ Nhuộm thực ra chỉ có đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Hai Bà Trưng (trên đất làng Đông Mỹ và làng Bích Lưu), là có nghề nhuộm thâm. Thợ nhuộm là dân làng nơi khác di cư đến: làng Liêu Xá, làng Liêu Xuyên (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương), và làng Vân Hoàng (nay thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Tương truyền, nghề nhuộm ở phố này có từ đầu thời Nguyễn, và chỉ bị thất truyền trước sức cạnh tranh của thuốc nhuộm công nghiệp do người Pháp đem sang.

Có một điều đáng lưu ý là, trước khi có nghề nhuộm thì làng Bích Du, tiền thân của thôn Bích Lưu, có nghề ép dầu thảo mộc như: lạc, vừng, ... và có tên Nôm là thôn Hàng Dầu. Chữ "Du" trong tên gọi của làng này, cũng có nghĩa là "Dầu". Có lẽ chỉ từ khi những người thợ nhuộm Vân Hoàng đến đây sinh cơ lập nghiệp thì nghề ép và bán dầu mới dời đến bờ hồ Hoàn Kiếm.

Thời Pháp thuộc, đoạn từ phố Hàng Bông đến phố Hai Bà Trưng, được gọi là "rue des Teinturiers" (phố Những người thợ nhuộm), đoạn còn lại là "rue Jean Soler". Từ ngày 10-08-1945, gọi chung là phố Hàng Bông Thợ Ruộm. Đến tháng 10 năm 1964 mới có tên phố Thợ Nhuộm như hiện nay.

Đoạn từ ngã phố Quán Sứ đến ngã phố Hoả Lò giáp với di tích Nhà tù Hoả Lò (tiếng Pháp là Maison centrale), nơi thực dân Pháp từng giam giữ nhiều nhân vật nổi tiếng và trở thành một điểm tham quan du lịch từ cuối thế kỷ XX.


Jun 2024 




Ngôi nhà số 7 phố Jean Soler (nay là số 90 phố Thợ Nhuộm) đã đi vào lịch sử nước ta. Đây nguyên là biệt thự của Bertheur, một viên thanh tra tài chính ở phủ Toàn quyền Đông Dương. Tại tầng hầm nhà này, từ khoảng tháng 4 đến tháng 8 năm 1930, Tổng bí thư Trần Phú đã soạn bản dự thảo Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng CSVN.

Đình, chùa cũ

Đình thôn Anh Mỹ nay ở số 33 phố Thợ Nhuộm. Hiện ở đó còn một tấm bia đá khắc năm 1853 cho biết đây vừa là đình, vừa là chùa gộp lại của giáp Anh Mỹ. Đình thôn Đông Mỹ thì nay toạ lạc ở số 127 phố Hàng Bông.

Đình thôn Bích Lưu nay ở nhà số 66 phố Hai Bà Trưng và chùa Bích Lưu thì ở nhà số 64 liền kề. Tuy chùa mới được đại tu gần đây nhưng nguồn gốc cũng khá cổ, vì ở đó có tấm bia đá "Bích Lưu tự bi kí" nói về việc sửa chùa vào năm dựng bia là 1860.

 
Đình Phụ Khánh vốn ở trên khu vực sau là nhà tù Hỏa Lò. Năm 1897, thực dân Pháp đã chiếm đất làng Phụ Khánh để lập nhà tù và tòa án. Do đó dân làng này phải chuyển đến ở nhờ trên đất thôn Thể Giao gần Vân Hồ. Ngày nay đình Phụ Khánh và chùa Chân Tiên toạ lạc ở số 151 phố Bà Triệu.

Di tích liên quan

- Số 33 phố Thợ Nhuộm: Đình thôn Anh Mỹ.
- Số 64 phố Hai Bà Trưng: Chùa Bích Lưu, nơi có tấm bia đá "Bích Lưu tự bi kí" nói về việc sửa chùa vào năm dựng bia là 1860.
- Số 66 phố Hai Bà Trưng: Đình thôn Bích Lưu.
- Số 120 phố Hàng Bông: Đền Thiên Tiên, thờ Lý Thường Kiệt.
- Số 120b phố Hàng Bông: Đền Vọng Tiên, ghi nhớ sự tích Lê Thánh Tông gặp tiên, nay thờ Mẫu.
- Số 127 phố Hàng Bông: Đình thôn Đông Mỹ.

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác