Phố Tạ Hiện dài gần 270m, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 250m về hướng bắc. Phố đi từ ngã ba Hàng Buồm, đoạn giữa thông với các ngõ Đào Duy Từ, Hài Tượng và cắt ngang qua phố Lương Ngọc Quyến. Phía nam giáp phố Hàng Bạc và nối với phố Đinh Liệt.
Phố Tạ Hiện
Thời Pháp thuộc, phố có tên Rue Géraud. Từ năm 1945 phố mang tên chí sĩ Tạ Hiện (1841 – 1887 hoặc 1893), người gốc Thái Bình, một trong các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương vũ trang chống Pháp.
Ngày nay, cư dân của phố Tạ Hiện hầu như đều làm nghề du lịch với những điểm đặt tour từ trọn gói đến đơn lẻ, và kinh doanh khách sạn, cửa hàng, quán ăn… Du khách mọi tầng lớp đều có thể hài lòng và tìm thấy những nét hấp dẫn riêng của phố, phù hợp với điều kiện của họ.
Phố Tạ Hiện còn gọi là Phố Bia, ngã tư quốc tế
Với kiến trúc bao gồm những mặt tiền kiểu thuộc địa, phố Tạ Hiện được xem là con phố có giá trị vào bậc nhất với tuyến phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến – Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang, Hàng Đào. Những cái tên từng nổi tiếng Hà thành một thời như rạp Quảng Lạc, ngõ Hài Tượng, ngõ Sầm Công… đều nối với tuyến phố này.
Nếu khách du lịch ít tiền, điều đó cũng chẳng hề hấn gì vì sinh hoạt ở phố Tạ Hiện khá rẻ. Giá cả tại những quán ăn vỉa hè, những hàng phở, cháo, mì vằn thắn… hay quán giải khát, bia hơi với các đồ nhắm khác cũng rất bình dân, bằng đúng với giá bán cho dân bản xứ. Sau một ngày bận rộn thăm thú Hà Nội, hoặc mua sắm, cứ tầm 8-9h tối cho đến tận đêm khuya, du khách lại tụ tập về đây, cùng ăn uống và hát hò chật kín những vỉa hè.
Rạp Quảng Lạc
Rạp Quảng Lạc nay ở số 8 Tạ Hiện, do Nhà hát kịch Hà Nội quản lý. Rạp cũ được xây dựng vào khoảng những năm 1900, không chỉ diễn tuồng mà còn diễn kịch nói. Tháng 4-1920 diễn vở “Ai giết người” của Tô Giang soạn theo truyện ngắn của Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng, tháng 7-1920 diễn vở “Già kén kẹn hom” của Phạm Ngọc Khôi; năm 1930, diễn vở “Cô Minh Nguyệt” của Tương Huyền; tối 26-02-1931 diễn vở “Tiểu thư đi bộ” của Lê Công Đắc…
Đến những năm 30 tuồng cổ gần như tàn cuộc ở thị thành. Ban Quảng Lạc của Phủ Trọng tan vỡ, rạp Quảng Lạc chuyên diễn cải lương, nổi tiếng nhất là Nhật Tân Ban, do các ông Doãn Bá Chính, Trần Quang Cầu lập khoảng năm 1935, với những diễn viên như Hải Tý, Chử, Hùng, Vân Thái, Khánh Hợi, Lữ Nhàn, Bích Thuận, Ánh Tuệ, Kim Chung…
Tiếp theo là Quốc Hoa Ban với những diễn viên Tư Ban, Bá Quyền, Hải Tý, Bích Lộc, Phước Thọ (con gái nghệ nhân tuồng Doãn Khoái), Tuấn Sửu, Bích Hợp, Mộng Dần, Lệ Thanh, Ngọc Dư, Bích Được. Ban hát lại có soạn giả giàu kinh nghiệm Hải Tùng trông coi tuồng tích, và sự cộng tác của Phạm Ngọc Khôi. Năm 1935-1936 có gánh Liên Hiệp với các diễn viên Ái Liên, Lan Phương, Đào Mộng Long, Anh Đệ. Sau đó lại có gánh hát Ái Liên, gánh Huỳnh Lan Anh (Huỳnh Thái – Lan Phương – Anh Đệ).
Rạp Quảng Lạc khi chưa cải tạo
Rạp Quảng lạc hiện là quán Bar
Ngõ Đào Duy Từ
Đối diện rạp Quảng Lạc có một con ngõ dài nối thông Tạ Hiện với phố Đào Duy Từ, xưa kia gọi là ngõ Sầm Công vì có ngôi đền nhỏ xíu thờ Sầm Nghi Đống, viên tướng nhà Thanh phải thắt cổ tự tử sau chiến thắng Đống Đa chớp nhoáng của quân Tây Sơn. Nơi đây từng là một làng chơi thời thuộc Pháp và cũng là khu ở của những người Tàu nghèo, quanh đó có một số kho hàng lớn của những chủ hiệu buôn giàu. Những người Tàu di cư sang đây thường bắt đầu cuộc sống bằng các nghề lao động chân tay hoặc bán hàng ăn nhỏ lẻ: bánh bao, thịt quay, các loại chè vừng, chè khoai…
Ngõ Đào Duy Từ
Ngõ Hài Tượng
Ngõ Hài Tượng thuộc đất thôn Hài Tượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ; nay ở gần dưới ngã tư Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến. Thời Pháp cũng vẫn gọi là Ruelle Hài Tượng. Ngõ dài nhưng rất hẹp, tên dân gian là ngõ Hàng Giày vì trước đây thông sang phố Hàng Giày, nơi cư ngụ và hành nghề của thợ đóng giày dép da gốc làng Chắm (Phong Lâm, Tứ Kỳ, Hải Dương) lên kinh thành từ thế kỷ 17-18. Đình của họ có cổng bên mang số 16 trong ngõ Hài Tượng, cổng trước quay ra phố Tạ Hiện.
Ngõ Hài Tượng
Phố Tạ Hiện đêm
Đến phố Tạ Hiện ban đêm, du khách sẽ bị choáng ngợp trước không khí sầm uất, náo nhiệt của những quán bar, quán pub. Đây là “tụ điểm” của giới trẻ Hà thành, du khách trẻ và khách Tây là chính. Đến đây, du khách có thể cháy hết mình và thăng hoa cùng âm nhạc. Âm thanh sống động, ánh sáng chất ngất và những màn trình diễn cực HOT là điểm hẹn lý tưởng cho “team hướng ngoại”.
Phố Tạ Hiện về đêm
Bình luận của bạn