Phố Hàng Bột mưu sinh thời bao cấp: Tẩm quất Hà thành

Thứ 3, 06/06/2023, 14:22 (GMT+7)

Chia sẻ

Cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, bên Sơ An-toan vẫn còn mấy ông già làm nghề tẩm quất.

Xưa, giáo xứ Hàng Bột rộng lắm, hai bên nhà thờ là khu vườn chạy dài, phía vườn bên hông phải của nhà thờ còn được bao quanh bởi hàng rào gang đúc, nghe nói chở từ bên Pháp sang nên rất đẹp và thanh thoát. Giữa vườn có một bức tượng Chúa được đặt trên trụ đỡ. Đám trẻ chúng tôi ngày ấy hay chơi trốn tìm cạnh đấy. Có hôm gặp cả đoàn người đi từ trong nhà thờ ra khu vườn, hành lễ quanh bức tượng. Phố tôi thời đó, ai nấy chỉ mặc quần áo tối màu nên khi đoàn rước lễ khoác áo trùm trắng đẹp uy nghi lướt qua, chúng tôi đứa nào cũng dừng cuộc chơi, ngẩn ra ngắm.

Ngay sau khu vườn có các dãy nhà một tầng nối đuôi nhau. Khu nhà đấy, người phố tôi hay gọi là Sở an toàn vì hồi chiến tranh thế giới thứ hai, quân Đồng minh không ném bom khu vực này. Vào buổi tối, có nhiều ông già khiếm thị từ khu nhà hay đi ngang qua chỗ chúng tôi đang chơi đùa trên vỉa hè. Các ông tay cắp chiếc chiếu, tay khua gậy dò đường, dáng đi rất bình thản như người sáng mắt; có lẽ, do đã thuộc từng viên gạch trên con đường quen. Qua chỗ chúng tôi chơi một đoạn, mới thấy các ông rao "Tẩm quất". Tiếng rao nhỏ nhưng kéo dài.

  Gần đây, các triển lãm về thời bao cấp thu hút rất đông người xem
 
Gần đây, các triển lãm về thời bao cấp thu hút rất đông người xem
Ngọc Thắng

Lớn lên, chúng tôi mới biết, hồi còn người Pháp ở Hà Nội, dãy nhà đánh số 107 bên này đường và dãy nhà số 162 bên kia đường rộng mênh mông đều là khu đất của Nhà thương làm phúc (phố tôi quen gọi là Sơ An-toan) do sơ Antoine xây dựng năm 1907. Sơ tên thật là Félicite Vacheron, từng là thầy thuốc trong quân đội Pháp. Phòng phát thuốc Phủ Doãn (sau, Bệnh viện Việt Đức được xây dựng tại khu vực này) cũng do một tay sơ lập nên. Đó là khu nhà một tầng nằm bên cạnh khu vườn thuộc số nhà 162 phố Tôn Đức Thắng bây giờ. Khu nhà này, nay chỉ còn rất ít nhà một tầng, hầu hết là nhà được xây mới khang trang trên nền đất cũ. Bên Trạm y tế số 107 thì ngược lại, chỉ có mặt tiền được chỉnh trang, còn phía bên trong và cả các dãy nhà ở phía sau dành làm Phòng Y tế quận vẫn giữ nguyên thiết kế từ thời Pháp. Cho đến giờ, mỗi khi phường tôi có sự kiện lớn thường "mượn" nơi này để tổ chức, bao năm qua vẫn vậy, có lẽ vì chẳng có nơi nào thoáng đãng, sạch đẹp và thuận tiện hơn.

Nhà thương làm phúc của sơ Antoine còn nuôi dưỡng cả trẻ tật nguyền hoặc trẻ mồ côi được đưa về từ khắp thành phố. Đến năm 1922, sơ Antoine nhận nuôi thêm một số me Tây già bị chồng bỏ lại khi họ trở về Pháp. Một số người mù cao tuổi, không con cháu cũng được sơ nhận nuôi.

 
 
Trong Nhà thương làm phúc, những người còn sức thì làm ruộng hoặc giặt giũ, may vá quần áo cho học sinh Trường Dòng. Ai khéo tay thì làm nghề mộc hoặc làm vườn. Những người khiếm thị không phải làm việc. Và mấy ông già khiếm thị nhưng còn khỏe đã rủ nhau đêm đêm… trèo tường ra phố, hành nghề tẩm quất.

Nghề tẩm quất khởi đầu từ một ông già người Hoa, gốc Quảng Đông, biết bấm huyệt và xoa bóp, rồi các ông truyền nghề cho nhau để ra phố đấm bóp cho đám con bạc về đêm và những người lao động sau một ngày làm việc mỏi mệt. Một manh chiếu trải nơi hè phố cho các vị khách nằm xuống là đủ để các ông hành nghề. Những động tác đấm bóp thuần thục được nâng tầm như nghệ sĩ. Đêm khuya, tiếng đấm bóp nghe giòn giã như nhạc điệu chứ không huỳnh huỵch như đám hậu sinh bây giờ. Các ông có biệt tài bẻ chỗ nào là chỗ ấy kêu tanh tách. Tôi đồ rằng dưới bàn tay các ông, những chỗ chỉ toàn da thịt cũng phải bật tiếng vang tựa nhịp phách ngân trong đêm thanh vắng. Lọ mọ cả đêm, mỗi ông kiếm được dăm xu để mua thuốc lào hoặc chè nước. Hôm nào may mắn, được một hai hào, các ông giắt lưng phòng những ngày trời đổ mưa không ra phố được.

Cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, bên Sơ An-toan vẫn còn mấy ông già làm nghề tẩm quất. Tôi cũng có lần được các ông tẩm quất. Từ bộ quần áo trên người các ông cho đến chiếc chiếu trải trên vỉa hè đều có mùi mồ hôi lưu cữu, nhưng các ông đấm bóp đến đâu là khoan khoái đến đấy. Có thể nói, các ông mù tẩm quất ở Sơ An-toan như ông Pha, ông Vạn, ông Quang chính là các ông tổ nghề của những người chuyên nghề tẩm quất ở Hà Nội (bao gồm cả người mù lẫn người mắt sáng), họ đã làm nên những bãi tẩm quất ngoài trời ở hè Bách hóa Cửa Nam hay sân ga Trần Quý Cáp rất đông khách một thời.

Xưa, khách tẩm quất chủ yếu là dân cờ bạc, người lao động hay đôi lúc là các cô đầu ở phố Khâm Thiên, họ thoải mái nằm xuống chiếc chiếu cói luôn có mùi ẩm mốc được trải trên vỉa hè. Nay, việc tẩm quất được tiến hành trong phòng ốc sang trọng, có máy lạnh cùng những chiếc giường được lót đệm mút mỏng, bọc da, phủ thêm tấm ra trắng tinh, thơm tho, sạch sẽ. Và khách cũng khác xưa. Tẩm quất bây giờ có cái tên tiếng Anh - massage (nghĩa là xoa bóp), thường dành cho giới trung lưu trở lên, chi phí cho một giờ tẩm quất khá lớn so với chi tiêu của dân nghèo thành thị.

Đêm về trên phố Hàng Bột của tôi, bây giờ, khó hoài niệm về các ông già tẩm quất xưa. (còn tiếp) 

(Lược trích từ tác phẩm Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ của Hồ Công Thiết, NXB Lao động và Chibooks ấn hành, 2023)

Bình luận của bạn

Tin khác