Ngày đó, trên phố Hàng Bột, trăm nghề đua nở với không ít người thợ tài hoa nức tiếng gần xa. Tay nghề của họ đã kéo khách từ các phố khác theo các chuyến tàu điện leng keng ghé lại Hàng Bột.
Người vẽ truyền thần phố Hàng Bột
Ở phố Hàng Bột, đoạn ngã ba giao phố Hồ Giám bây giờ, xưa có hiệu vẽ truyền thần của họa sĩ Nùng Sơn, đối diện bên kia là đền Sòng Sơn.
Ông họa sĩ đã già và hiệu truyền thần này cũng có từ lâu, hồi chính quyền Pháp còn cai quản Hà Nội.
Ông hay mặc đồ Tây, áo sơ mi bỏ trong quần và có thêm dây đeo vòng qua vai xuống tận cạp quần. Phố tôi hồi đấy không ai mặc như ông. Dây đeo theo quần khi ấy chúng tôi chỉ thấy ở trong các họa báo.
Hiệu truyền thần mở thông ra hai bên phố Hàng Bột và phố Hồ Giám, bên trong treo đầy các bức vẽ truyền thần, đa phần đã hoàn thành. Ông họa sĩ có thói quen thỉnh thoảng lại ra chỉnh sửa ở các bức vẽ đang treo. Những bức ảnh truyền thần khách mang đến chỉ có hai tông màu đen, trắng nên màu vẽ cũng tương tự, dụng cụ vẽ chỉ có bộ bút chì và gói bột than, thêm bó que tre, cái để nguyên, vót mảnh ở đầu, cái lại được quấn bông, bày ngay ngắn trên chiếc khay đặt trước mặt ông.
Ảnh mẫu, ông kẹp góc phía trên khung giấy, áp lên ảnh là một tấm nhựa hoặc mica trong suốt được kẻ các ô vuông chia tỷ lệ. Làm thế để không ảnh hưởng tới tấm ảnh gốc. Sau khi dùng thước đo đạc, phác thảo đường viền khuôn mặt, ông tập trung vào vẽ đôi mắt. Có những lần chúng tôi đi qua, vẫn chỉ thấy ông đang vẽ đôi mắt. Có lẽ vì để lột tả thần thái người trong ảnh, quan trọng nhất là lột tả đôi mắt.
Tranh vẽ
Tranh vẽ bán bia hơi trên đường phố Hà Nội thời bao cấp của họa sĩ Hồ Minh Tuấn, con trai tác giả Hồ Công Thiết
Tranh vẽ người sửa xe đạp, bán bia hơi trên đường phố Hà Nội thời bao cấp của họa sĩ Hồ Minh Tuấn, con trai tác giả Hồ Công Thiết
Chibooks cung cấp
Khách của ông toàn là người trên phố. Đôi lúc, họ chỉ trao đổi với ông bằng tiếng Pháp. Những lúc ấy, trông ông rạng rỡ, khác hẳn vẻ đăm chiêu khi ông ngồi trước khung vẽ.
Sang những năm 70, 80, Hà Nội rộ lên nghề truyền thần. Thành phố lúc đấy có đến hơn 400 người làm nghề, rải rác từ phố cổ đến những vùng nông thôn xa xôi. Hợp tác xã truyền thần cũng được thành lập, quy tụ những họa sĩ giỏi của Hà thành. Hợp tác xã phân công công việc theo dây chuyền, ai thạo công đoạn nào thì nhận công đoạn ấy. Người vẽ mắt, vẽ râu, người vẽ quần áo hay mũ mão.
Chính vì phân chia từng khâu như vậy nên các bức truyền thần của hợp tác xã ngày càng xuống cấp về chuyên môn, khiến khách hàng vãn dần. Các trường mỹ thuật của Việt Nam khi ấy, trong giáo trình không dạy nghề vẽ truyền thần. Cho dù được đào tạo bài bản về hội họa nhưng để dấn thân theo nghề truyền thần, người họa sĩ có lẽ còn phải đam mê với nghề theo cách của các nghệ nhân, phải trăn trở với từng biểu cảm, đặc biệt là đôi mắt của nhân vật được truyền thần giống như ông họa sĩ Nùng Sơn vậy.
Tiếc là, khi bước sang giai đoạn hợp tác xã truyền thần, những họa sĩ vẽ truyền thần thế hệ trước như ông Nùng Sơn, phần vì tuổi cao, không ít người cảm thấy lạc lõng khó hòa nhập với xu thế mới.
Sau này, vẽ truyền thần trở thành nghề của các nghệ nhân, các họa sĩ trên khắp Việt Nam nhưng các họa sĩ Nùng Sơn (sống ở 37 phố Hàng Bột), Nguyễn Bảo Nguyên (số 47 phố Hàng Ngang) và ông Trần Thịnh (số 24 Hàng Đường) vẫn được xem là những người đi tiên phong trong nghề này tại Việt Nam.
Anh Ban "giặt là"
Phố Hàng Bột của tôi những năm 60 còn nhỏ hẹp, đã thế, lại có đường tàu điện án ngữ phía bên kia đường. Lúc nào tôi nhìn sang bên kia đường cũng thấy anh Ban đang lúi húi là quần áo.
Khách của anh Ban chủ yếu là người phố khác. Họ thường nhảy xuống từ tàu điện, đưa cho anh bọc quần áo, rồi lại sang đường - phía bên nhà tôi, nơi có mặt đường nhựa rất nhẵn để nhảy lên tàu. Phía bên đường nhà anh Ban toàn cỏ xen lẫn đá cục lổn nhổn nên hầu như không ai dám nhảy tàu điện từ đấy.
Nhà anh Ban thông thống, mặt tiền là những tấm gỗ dài ghép sát nhau tạo thành bức tường trước cửa nhà, chỉ có mỗi cái bàn dài chạy từ cửa vào tít bên trong, treo hàng dãy quần áo. Mỗi khi dọn hàng, anh Ban lại bê những tấm gỗ lùa một lúc là kín cửa. Ngay đầu cái bàn dài là một thùng phuy tròn dùng làm lò đốt than đá. Những chiếc bàn là được anh xếp ngay ngắn trên hai thanh sắt gác ngang. Bàn là làm từ gang đúc kín có tay cầm gỗ được anh quấn thêm lớp vải. Có chiếc lại to tướng, rỗng bên trong và có những lỗ viền phía trên. Đấy là những cái bàn là còn sót lại từ thời Pháp thuộc, bên trong rỗng là để cho than vào làm nóng bàn là. Có cái phía đầu lại "mọc" ra một con gà rất ngộ nghĩnh.
Thỉnh thoảng, thấy anh ghé miệng thổi vào cái vòi được gắn với cái ca tròn làm bằng sắt tây bịt kín. Từ đầu bên kia, nước như làn sương bay xuống quần áo anh đang là. Ở đầu cái bàn, anh Ban buộc cả tập vải. Nhấc bàn là lên, anh miết vào tập vải đấy rồi mới là. Bàn được trải vải trắng tinh, chỉ riêng tập vải dùng để miết bàn là là ố vàng, có chỗ bị cháy, chuyển màu nâu nâu.
Đến thời bao cấp sau chiến tranh, anh Ban bán nhà và chuyển đi nơi khác. Từ đấy, tôi chưa gặp lại anh - người thợ giặt là trên phố xưa Hàng Bột. (còn tiếp)
(Lược trích từ tác phẩm Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ của Hồ Công Thiết, NXB Lao động và Chibooks ấn hành, 2023)
Bình luận của bạn