Hồi bao cấp khó khăn, đám thanh niên xóm tôi trên phố Hàng Bột rủ nhau nhao ra đường để... mưu sinh.
Thằng Nam xóm tôi thông minh và sáng dạ, thời bao cấp, nó xoay đủ nghề. Để "khởi nghiệp", nó chọn ngã ba Hàng Bột - Phan Văn Trị, nơi có vỉa hè rộng và luôn tấp nập người qua lại - đó chính là những khách hàng tiềm năng của cái hộp có dòng chữ được viết nắn nót: "Khắc bút và bơm mực bút bi".
rước cửa nhà chúng tôi là khoảng sân rộng nhưng mấy gánh hàng ăn đã xí chỗ, bán buôn ổn định. Ðể "khởi nghiệp", những thanh niên xóm tôi phải sang bên kia đường, chỗ ngã ba Hàng Bột - Phan Văn Trị, nơi có vỉa hè lớn, tiện xe đi ngang đỗ lại và luôn tấp nập người qua - đó chính là những khách hàng tiềm năng của cái hộp có dòng chữ được viết nắn nót: "Khắc bút và bơm mực bút bi".
Thằng Nam, con ông Thảo, thông minh và sáng dạ, thừa hưởng tư chất của ông bố - vốn là kỹ sư của xưởng toa xe bên Gia Lâm. Thời bao cấp, cũng như các "anh tài khởi nghiệp" phố Hàng Bột, nó xoay đủ nghề rồi trụ lại ở nghề khắc bút và bơm mực bút bi.
Tranh vẽ người bán kem (trái) và người gánh nước thuê ở Hà Nội thời bao cấp của họa sĩ Hồ Minh Tuấn, con trai tác giả Hồ Công Thiết
Nó cất công nhảy tàu điện mỗi ngày để lên chỗ cây đa trước đền Ngọc Sơn ở Bờ Hồ, theo học thầy Lê Văn Quý, một nghệ nhân khắc bút có lẽ là nổi tiếng nhất thời đó. Thuở mới vào nghề, ông Quý thấy một nhà ở phố Hàng Gai có chiếc máy khắc bút, nét "đi" trên thân bút đều tăm tắp nhưng có vẻ khuôn mẫu, cứng quèo. Ông bèn tự mình mài sắt, chế thành con dao khắc đặc biệt có chiếc mũi nhô lên cong cong, nhọn hoắt. Ông dùng dao tập tành khắc trên những miếng nhựa, trên gỗ; khi đã quen tay, mới bắt đầu khắc cho khách trên thân bút, tranh gỗ và cả lên tranh sơn mài. Nét khắc bay bổng, hình minh họa đẹp và chân thực khiến ông ngày càng nổi tiếng. Ở khu vực Bờ Hồ, hồi đấy có nhiều người làm nghề khắc bút nhưng khách kháo nhau, đa số quen gửi gắm chiếc bút máy quý giá của mình cho ông Quý khắc tên. Lắm người hào phóng còn trả dôi ra, nhờ ông Quý khắc thêm hình tháp Rùa hoặc cầu Thê Húc lên chiếc bút. Ông nhờ tay nghề khắc bút mà nuôi dạy cả bốn người con nên người.
Thằng Nam học nghề rất chăm chỉ. Khi thầy thao tác, nó ngồi như bất động, mắt hút vào từng nét đưa của chiếc bút khắc lên thân những cây bút máy. Người ta đi ngang qua, vừa đánh mắt nhìn ông thầy đang khắc bút là nó vồn vã chạy ra đón, cất xe, rồi dẫn đến chỗ bức tường thấp bao quanh gốc cây đa, nơi các vị khách ngồi chờ tới lượt được khắc bút.
Theo học ông Quý một thời gian, thằng Nam về mở hàng tại phố Hàng Bột và chẳng bao lâu đã đông khách. Nó trẻ, lại thông minh nên nhìn những dòng chữ khắc trên thân bút, đến người kỹ tính cũng khó phân biệt là nét khắc của nó hay của ông thầy.
Chiếc bút thời bao cấp được nâng niu, quý trọng. Nhiều người còn có cái túi gấm con con khâu tay để đựng bút. Tên mình được khắc trên thân bút, đó vừa là sở thích vừa để khẳng định quyền sở hữu của mình đối với chiếc bút, tránh người khác vô tình "cầm nhầm". Nếu chiếc bút mang thương hiệu Parker thì càng được chủ nhân chăm chút. Họ ngồi chầu hẫu trên vỉa hè, say sưa ngắm thằng Nam đưa bút khắc và xuýt xoa thán phục nét khắc tài hoa của nó.
Ngoài tên của chủ nhân chiếc bút, bút được khắc tại Hàng Bột nếu có thêm hình minh họa thì đều theo một kiểu riêng, đa phần là gác Khuê Văn trong Văn Miếu. Tùy thuộc khoảng trống còn lại trên thân bút sau khi đã khắc tên, Khuê Văn Các dưới bàn tay thằng Nam cũng hiện lên đủ góc độ và thật tinh tế.
Ngoài khắc bút, cửa hàng của thằng Nam còn có dịch vụ bơm mực bút bi.
Khi khách đến bơm mực bút bi, đầu tiên, thằng Nam tháo đầu bi khỏi ống đựng mực, dùng cồn tẩy sạch chỗ mực cũ, rồi di di đầu bút trên giấy xem đầu bi có trơn hay không. Nếu đầu bi dính cặn khó lăn, nó lại đem ngâm tiếp trong cái đĩa đựng cồn. Thằng Nam thửa một chiếc hộp nhỏ dùng để đựng các loại bi nhiều kích cỡ. Nếu bi mòn, chỉ chực tuột ra ngoài đầu bút thì nó dùng chiếc que nhọn ấn, đẩy viên bi cũ ra ngoài để thay vào viên bi mới.
Lắp xong xuôi, nó mới dùng ống xi lanh bơm mực vào ruột bút. Tay nó cầm chiếc ruột bút được bơm đầy mực mới ngoáy ngoáy trên tờ bìa. Mực dính đầu bi rồi in hằn lên mặt giấy. Nét bút to hay nhỏ tùy thuộc kích cỡ của viên bi. Bơm xong, nó lắp ruột vào bút rồi hai tay cung kính đưa cho khách. Quý khách nào cũng vui lòng thanh toán tiền, không mặc cả. Hồi bao cấp, phục hồi được chiếc bút quý hiếm, lại không phải mất công đi lên tận Bờ Hồ hay Cửa Nam nên chẳng khách nào lăn tăn đắt, rẻ.
Những ngày đầu thằng Nam mới có thêm nghề bơm mực bút bi, lũ chúng tôi thỉnh thoảng phải chạy ra, đứng hậu thuẫn đằng sau như bảo vệ để khách không… đánh nó vì thi thoảng, cũng có khách đến bắt đền, cầm theo chiếc bút chảy nhoe nhoét mực hoặc có khi còn mặc nguyên chiếc áo dính đầy mực. Do mực bơm là mực in thải loại nên loãng toẹt, cứ chảy dần trong bút, thấm cả ra ngoài. Khi đấy, thằng Nam chưa có kinh nghiệm nên chưa biết cách bơm keo vào ống đựng mực của bút bi. Gọi là keo cho oai chứ thực ra, nó được mách nước là lấy bột nếp quấy thành hồ rồi bơm vào đít ống mực. Có loại keo đấy ngăn lại, mực hết chảy và uy tín của nó lại lên vù vù. (còn tiếp)
(Lược trích từ tác phẩm Phố Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ của Hồ Công Thiết, NXB Lao động và Chibooks ấn hành, 2023)
Bình luận của bạn