Đến phố Hai Bà Trưng bằng xe bus dừng chân có trạm bus lân cận: giữa phố (xe 01, 02, 09, 34, 38), đầu phố (02, 04, 11, 34, 36, 49). Phố Hai Bà Trưng dài gần 1,7km, đi từ ngã ba Lê Thánh Tông đến ngã năm Cửa Nam - Nguyễn Khuyến - Lê Duẩn qua địa phận 4 phường Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Trần Hưng Đạo, Cửa Nam. Nay thuộc: Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
Lược sử
Đầu thế kỷ XIX, phía đông nam hồ Hoàn Kiếm có Bảo Toàn Cục tức Tràng Tiền hay Xưởng đúc tiền của triều đình. Từ đó đi về phía Cửa Nam của tòa thành Hà Nội có các thôn Hàng Bài, Vũ Thạch, Vân An, Yên Tập, An Trung, thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương (cũ). Khu này hiện không còn gì cổ kính ngoài 3 di tích quốc gia: chùa thôn An Trung tức Thiên Phúc Tự, đình thôn Vũ Thạch và chùa Vũ Thạch.
Ngay sau khi chiếm Hà Nội, Pháp đã quyết định lấy làm thủ phủ Đông Dương. Nhượng địa, Tràng Tiền và lân cận được quy hoạch thành một “khu phố Tây” với các đại lộ gắn biển hiệu bằng tiếng Pháp, lắp đặt đèn chiếu sáng, xây cống rãnh và trồng cây che mát vỉa hè. Một trong những phố có nhiều nhà đẹp là Boulevard Rollandes, được thị trưởng Trần Văn Lai đổi tên thành đại lộ Hai Bà Trưng từ tháng 7-1945.
Institution St. Marie
Số 37 Hai Bà Trưng ngày nay là địa chỉ Tu viện Nữ tu Dòng Phaolô tại Hà Nội, thuộc Institution St. Marie. Các bà xơ thuộc Dòng thánh này có mặt tại Hà Nội từ năm 1883, Institution St. Marie đã mua đất xây dựng tu viện và một trường nữ học ở đây. Gần 80 năm sau, phần lớn khuôn viên trên đã chuyển thành các cơ sở y tế công cộng mà nổi tiếng nhất là Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba.
Trên đại lộ này, ngoài tu viện và các viện nghiên cứu, công ty, cửa hiệu, khách sạn, trường học, thư viện… còn mọc lên một số công trình đồ sộ để đề cao uy lực của các cơ quan chính quyền thuộc địa.
Khu di tích Nhà tù Hoả Lò
Năm 1901, nhà tù cũ từ phố Mã Mây đã chuyển về một cơ sở mới kiên cố hơn, có tường xây cao vút với đầy mảnh chai và dây thép gai. Người Pháp gọi nó là Maison Centrale (Đề lao Trung ương), nằm đối diện trụ sở Tòa án ở bên kia phố Hỏa Lò.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Maison Centrale được xây trên đất của làng Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương (cũ). Làng này có nghề sản xuất đồ gốm, ngày đêm rực lửa lò nung nên còn được gọi là Hỏa Lò. Trong thời kỳ không quân Mỹ ném bom miền Bắc, các tù binh phi công Mỹ bị giam ở đây đã đặt thêm biệt danh khác là khách sạn Hilton Hà Nội. Năm 1993, trừ cổng chính và một phần nhà tù được chuyển thành Bảo tàng Hỏa Lò, khu đất này đã bị phá để xây Hanoi Towers, bao gồm 2 tòa tháp làm khách sạn và siêu thị.
Tại số 8 phố Hai Bà Trưng có một cơ sở giáo dục của Thủ đô với kiến trúc bền đẹp đã trải qua hàng thế kỷ. Nơi đây từng đào tạo được khá nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử xứ Đông Dương, phần đông gồm người Pháp và người Việt. Khởi đầu là Collège Paul Bert thành lập năm 1902, sau đó nâng cấp thành Lycée de Hanoi năm 1919, rồi đổi tên thành Lycée Albert Sarraut vào 1923, trước khi giải tán và nhường chỗ cho trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm vào 1965.
Ngã tư Hai Bà Trưng - Ngô Quyền
Tràng Tiền Plaza có cửa phía nam tại 24 phố Hai Bà Trưng, giáp bên số lẻ của phố Hàng Bài. Mở cửa từ 2002, đây là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Hà Nội. Trong nửa đầu thế kỷ XX, trên khu đất này từng có tòa nhà Godard rồi sau đổi chủ với tên mới là Les Grands Magasins Réunis. Từ năm 1959 nó được quốc hữu hóa thành Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền và cuối cùng lại tư nhân hóa thành Tràng Tiền Plaza.
Địa điểm nổi tiếng
Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Lycée Albert Sarraut): 8 Hai Bà Trưng.
Tràng Tiền Plaza (Grands Magasins Réunis): cửa phía nam ở 24 Hai Bà Trưng.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Institution St. Marie): 37 Hai Bà Trưng.
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội: 43 Hai Bà Trưng.
Hanoi Towers (Maison Centrale): 49 Hai Bà Trưng.
Chùa Thiên Phúc: 94 Hai Bà Trưng.
Ngã phố Cửa Nam - Hai Bà Trưng - Lê Duẩn - Nguyễn Khuyến.
Các phố liên thông
Ngoài các phố Lê Thánh Tông, Cửa Nam, Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn ở hai đầu thì phố Hai Bà Trưng còn tiếp giáp hoặc cắt ngang các phố: Phan Chu Trinh, Nguyễn Khắc Cần, Ngô Quyền, Hàng Bài, Bà Triệu, Quang Trung, 19 tháng 12, Triệu Quốc Đạt, Hỏa Lò, Quán Sứ, Thợ Nhuộm, Phan Bội Châu.
Di tích lân cận
Chùa Quang Minh: số 8 phố Y Miếu.
Chùa Quán Sứ: số 73 phố Quán Sứ.
Chùa Tiên Tích: số 110 phố Lê Duẩn.
Chùa Vũ Thạch: số 13 phố Bà Triệu.
Đình Vũ Thạch: số 13 phố Bà Triệu.
Y Miếu Thăng Long: số 12 phố Y Miếu.
Bình luận của bạn