Phố Hà Trung

Thứ 7, 27/05/2023, 16:48 (GMT+7)

Chia sẻ

Phố Hà Trung trở thành nơi chuyên sản xuất các loại hàng giả da như cặp sách, va li, túi xách, giày da đủ các kích cỡ và màu sắc, chủng loại. Cũng do nhu cầu mới của thị trường nên người dân phố này đã mở thêm nghề sản xuất vỏ bọc yên xe máy, đệm bạt ô-tô và sửa chữa quần bò, áo da. Rồi giữa phố Hà Trung mọc ra vài cửa hiệu chuyên kinh doanh vàng bạc và đổi ngoại tệ, về sau trở nên rất nổi tiếng, khiến cho hoạt động giao thông và thương mại tại đây càng trở nên tấp nập hơn.

Phố Hà Trung thuộc phố cổ Hà Nội, phố dài 206m, đi từ ngã ba Hàng Da – Ngõ Trạm đến ngã tư Phùng Hưng – Trần Phú, nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng tây.

Đầu thế kỷ 19, từ năm Minh Mạng 21 (1832), ở góc phía nam cửa Đông thành Hà Nội (chỗ cuối phố Hà Trung bây giờ) có một trạm dịch (chuyển phát công văn giấy tờ) của vua quan nhà Nguyễn. Ngày ấy, trạm dịch được đặt tên bằng cách lấy một chữ trong tên tỉnh ghép với một chữ trong tên thôn. Do Thăng Long đã bị đổi là tỉnh Hà Nội cho nên trạm ở thôn Yên Trung được gọi là trạm Hà Trung, từ đó mà có tên phố.

Xưa kia đây nguyên là đất thôn Yên Trung, thuộc tổng Tiền Nghiêm cũ (sau đổi thành tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương. Trong tờ bẩm lên huyện Thọ Xương ngày 6 tháng 7 năm Thành Thái 3 (1891) có ghi rõ tên nơi gửi là phố Yên Trung Thượng.

Phần lớn phố Hà Trung thuộc đất thôn Yên Nội, nay hãy còn ngôi đình ở số nhà 33 gọi là Yên Nội Cổ Vũ để phân biệt với đình Yên Nội Đông Thành. Thực ra khu vực đó vốn chỉ là một xóm nhỏ của Yên Nội phía Hàng Da tách ra làm thôn riêng vì một số người trong phố xích mích với đàn anh bên Yên Nội phía Hàng Nón.

Khoảng từ năm 1910, dân Hà Nội thường gọi phố Hà Trung là Ngõ Trạm Hà Trung hoặc Ngõ Trạm Cũ để phân biệt với phố Ngõ Trạm Mới lúc đó vừa được chính quyền Pháp mở mang thành Rue Bourret, giáp phố Hà Trung ở chỗ chợ Hàng Da. Phố Ngõ Trạm Hà Trung vốn kéo dài đến tận chỗ đối diện rạp tuồng Hồng Hà bây giờ. Các nhà quy hoạch Pháp đã cắt đi đoạn đầu phố nhằm mang lại không gian thoáng đãng cho mặt phía nam của ngôi chợ lớn này.

Dân phố không có mấy gia đình người bản địa, những người lập nghiệp sớm nhất ở đây có mấy gia đình gố người Tây Tựu, rồi làng Ninh Hiệp, làng Kiêu Kỵ chuyên làm đồ da. Khởi đầu là từ ông Thạch Văn Ngũ, quê làng Nành (Phù Ninh, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đi lính và học được nghề đóng giày tây, khâu yên cương ngựa, túi đựng đạn… trong quân đội Pháp. Khi giải ngũ, ông mở cửa hiệu sản xuất các mặt hàng đồ da ở phố Hà Trung, truyền nghề cho con cháu và người cùng làng.

Dân làng Nành dời quê đến sinh cơ lập nghiệp ở đây ngày một đông và làm nên một dãy phố gồm phần lớn các cửa hàng đồ da kiểu mới như va li, cặp sách, giày tây. Khoảng đầu thế kỷ 20, một số chủ cửa hàng đồ da góp công của và quyên thêm tiền mua đất làm đình riêng, vẫn gọi là đình Yên Nội nhưng lại thờ Từ Đạo Hạnh chứ không cùng thờ vị tướng của vua Hùng với bên Yên Nội phố Hàng Nón. Đình có gác, trên gác là chỗ thờ tự và họp việc làng, dưới nhà cho thuê lấy hoa lợi cúng tế. Gác thờ đóng cửa quanh năm trừ những ngày có lễ.

Ngã tư Trần Phú—Hà Trung. Panorama ©NCCong 2011 winter

Ngã tư Hà Trung—Phùng Hưng. Panorama ©NCCong 2014 summer

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác