Phố Đường Thành

Thứ 5, 01/06/2023, 20:48 (GMT+7)

Chia sẻ

Phố Đường Thành thuộc phố cổ Hà Nội, phố dài 468m, theo hướng 5h đi từ ngã năm Cửa Đông—Phùng Hưng xuống ngã tư Hàng Bông—Phủ Doãn, cắt các phố Nhà Hỏa, Bát Đàn, Hàng Nón, Nguyễn Văn Tố, Hàng Điếu, Hàng Da. Nay thuộc: phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Phố Đường Thành

Phố Đường Thành 

Phố Đường Thành chạy qua địa phận thôn Hữu Đông Môn (nghĩa là "Xóm bên phải Cửa Đông") và thôn Kim Cổ, thuộc tổng Tiền Túc (Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Đến thời Nguyễn, phố là con đường chạy dọc hào nước dẫn tới cửa Nhân Môn của dương mã thành (tức công sự bảo vệ phía trước Chính Đông Môn của trấn thành Hà Nội), vì vậy mà có tên phố Cửa Thành.

Cuối thế kỷ XIX, quân Pháp cho phá gần hết thành Hà Nội cũ để lấy vật liệu xây dựng, họ lấp con hào và mở mang phố Cửa Thành, đặt tên là Rue de la Citadelle (Phố Thành). Từ sau cuộc đảo chính của Nhật ngày 9-3-1945, phố mới chính thức mang tên Đường Thành. Phố dài 450m, theo hướng 5h đi từ ngã năm Cửa Đông—Phùng Hưng xuống ngã tư Hàng Bông—Phủ Doãn, cắt các phố Nhà Hỏa, Bát Đàn, Hàng Nón, Nguyễn Văn Tố, Hàng Điếu, Hàng Da.

Đoạn giữa phố Đường Thành, đối diện ngã ba Hàng Nón là một villa cũ ở số nhà 14 của tuần phủ Hoàng Thụy Chi, do KTS Hoàng Như Tiếp thuộc lứa KTS đầu tiên của Việt Nam thiết kế. Theo nhà thơ Hoàng Hưng, cháu nội cụ Chi, đó là một tòa nhà 3 tầng, tường dày 40cm, bố trí phòng ốc kiểu Tây, cổng trong bằng sắt trổ chữ Thọ, cổng ngoài có 2 cột mang đôi câu đối khảm mảnh sứ đỡ tấm hoành bê-tông trang trí cảnh sơn thuỷ kiểu Tàu với nhiều tượng sứ Tàu, mặt tiền trang trí những miếng gốm màu hoa dây như ở nhà hát Opera và các chữ triện Phúc Lộc Thọ. Trong nhà có lò sưởi nhập từ Tây bằng cẩm thạch trắng, có bàn gỗ lim lớn kiểu Tây nhưng mặt bàn khảm 100 chữ Phúc Lộc Thọ các kiểu bằng đồng, có dàn cửa kính màu như trong nhà thờ Tây lại có cửa và bình phong gỗ khảm chữ nho, có bàn thờ đồ sộ sơn son thếp vàng truyền thống nhưng ảnh thờ là ảnh chụp in trên sứ, có bộ sưu tập đồ cổ bằng ngọc, sứ Tàu và trống đồng Lạc Việt.

Rạp Hồng Hà

rạp Hồng Hà

Hiện nay, gần chỗ đó có nhiều quán ăn ngon, đáng chú ý là quán chả cá Thăng Long ở số nhà 21 và 31. Quãng dưới nữa thì phố Đường Thành cắt ngã tư Nguyễn Văn Tố—Hàng Điếu rồi chạy qua khu chợ Hàng Da nổi tiếng một thời, sau xây lại thành một trung tâm thương mại.

Đối diện chợ Hàng Da có rạp Hồng Hà ở số 51 phố Đường Thành. Thời Pháp thuộc, rạp mang tên Olympia, một trong những rạp chiếu bóng được xây dựng đầu tiên ở Hà Nội. Từ năm 1954 rạp phim được sửa chữa lại thành nơi biểu diễn chính của Nhà hát Tuồng Việt Nam; ngoài ra đôi khi cũng còn tiếp đón các đoàn nghệ thuật sân khấu khác như chèo, cải lương, kịch nói. Rạp Hồng Hà hiện có 393 ghế ngồi, trong có 273 ghế gần sân khấu và 120 ghế ở khu vực ban công. Sân khấu nhà hát rộng 7,89m, cao 6,41m. Liên hệ qua điện thoại: 024 3837 0046.

Đoạn cuối phố Đường Thành có một ngôi chùa ở số nhà 73, tên chữ Kim Cổ cổ tự. Nơi đây vốn thuộc đất cũ của thôn Kim Bát, sau đổi thành thôn Kim Cổ, còn gọi là Cổ Vũ. Vào thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông đã cho xây một cung thất nhỏ tại đây cho nguyên phi Ỷ Lan. Sau đó bà đã lập quán Đồng Thiên trong cung này.

Chùa Kim Cổ

Chùa Kim Cổ

Đến đầu thời Tây Sơn, Đồng Thiên Quán được dời sang thôn Yên Thái. Trên nền cũ, dân làng đã dựng đền thờ hoàng thái hậu Ỷ Lan. Rồi quán trở thành chùa Kim Cổ vào thời Nguyễn, tượng Phật được đưa vào thờ. Quá trình xây dựng, trùng tu và biến đổi của di tích được đốc học Thanh Hóa là tiến sĩ Lê Duy Trung ghi lại trên tấm bia đá “Kim Cổ thôn bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 13 (1860).

Panorama Ngã ba Đường Thành—Hàng Nón

Panorama Quảng trường chợ Hàng Da

Panorama Ngã phố Đường Thành—Hàng Bông

36phophuong.vn

Bình luận của bạn

Tin khác