Đất thành nội, thành Thăng Long cũ, đầu đường xưa là cổng Chính Tây, đoạn cuối là cửa Đông Nam.
Năm 1909 đặt tên là đại lộ Puy-gi-ni-ê (Avenue Puginier) đến năm 1945 đổi thành phố Dân Chủ Cộng Hòa, năm 1949 đổi thành đại lộ Nguyễn Tri Phương nhưng dân chúng vẫn quen gọi là đường Cột Cờ. Đến ngày 7/5/1964 được đổi tên như hiện nay.
Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình và phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.
Đầu đường phía Tây Bắc là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình lịch sử. Đó cũng là cửa Chính Tây Môn của thành Thăng Long đời Nguyễn (xem mục Ba Đình).
Cuối đường phía Đông Nam, từ chỗ ngã tư Trần Phú đến chỗ chắn xe lửa, chính là cạnh phía Tây của thành dương mã, còn gọi là mang cá, tức một loại cộng sự gồm hai bức tường xây vuông góc để bảo vệ cửa thành Đông Nam của thành Thăng Long đời Nguyễn (cạnh phía Đông của mang cá gần trùng với đoạn đường xe lửa ở sau phố Tống Duy Tân). Tại cửa Đông Nam này, vào năm 1873, Nguyễn Tri Phương đã anh dũng chỉ huy chống Pháp và bị trọng thương. So với bản đồ Hà Nội 1831, có thể xác định một số địa điểm di tích cũ nằm ở hai bên đường Điện Biên Phủ:
Tịch điền, ở chỗ nay là góc Đông Nam quảng trường Ba Đình, là khoảnh ruộng dành cho viên quan đầu tỉnh Hà Nội cũ (thay mặt vua) hàng năm ra cầy ruộng vào ngày lập xuân coi như một nghi lễ mở đầu cho công việc cầy cấy.
Võ Miếu (nơi Hoàng Diệu tự vẫn ngày 25/4/1882 sau khi không thể giữ được thành) ở chỗ nay là khu tam giác nằm giữa ba đường Điện Biên Phủ, Chu Văn An, Lê Hồng Phong.
Cột Cờ nay vẫn còn và thường được coi như một biểu tượng của thành phố Hà Nội, được xây dựng vào năm 1805. Dưới là nền tam cấp gồm 3 tầng hình vuông xây gạch, tầng dưới mỗi chiều dài 42 mét, tầng giữa có 4 cửa nhìn ra 4 phía, trên 3 cửa còn ghi tên bằng chữ Hán: Nghênh Húc (đón ánh nắng ban mai) ở phía Đông, Hướng Minh (hướng về ánh sáng) ở phía Nam, Hồi Quang (ánh sáng phản chiếu lại) ở phía Tây. Tầng trên cùng mỗi chiều dài 15 mét. Trên tầng này là cột cờ hình tám cạnh cao trên 33 mét. Bên trong có 2 cầu thang xoáy ốc đưa tới đỉnh.
Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước vào năm thứ 8. Ta càng đánh càng mạnh. Địch lâm vào thế bị động. Trước tình hình đó, chúng đề ta kế hoạch Na-va nhằm tiêu diệt chủ lực của ta trong vòng 18 tháng.
Thực hiện kế hoạch ấy, ngày 20/11/1053 chúng cho quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ. Đây là một cánh đồng rộng ở vào giữa núi rừng Tây Bắc, gần biên giới Việt – Lào. Với sự viện trợ của Mỹ, Pháp đã xây dựng vị trí này thành một tập đoàn cứ điểm gồm ba phân khu yểm trợ lẫn nhau.
Ngày 13/3/1954, quân ta mở cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm này. Sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục và quyết liệt, vào lúc 17 giờ 30 phút chiều ngày 7/5/1954 quân ta tiêu diệt toàn bộ lực lượng của địch, bắt sống hàng vạn tù binh trong đó có toàn thể bộ tham mưu địch.
Thắng lợi Điện Biên Phủ cộng với thắng lợi trên các chiến trường khác trong Đông Xuân 1953 – 1954 đã đập tan kế hoạch Na-va, đánh bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Pháp – Mỹ, góp phần quyết định vào thắng lợi của hội nghị Giơ-ne-vơ, buộc Pháp phải ký hiệp định ngày 20/7/1954 lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Đúng 10 năm sau, ngày 7/5/1964, trong không khí toàn dân tưng bừng kỷ niệm ngày chiến thắng lịch sử này, vào lúc 17 giờ 30 quân và dân Hà Nội đã tổ chức lễ trọng thể đổi tên đường Cột Cờ thành đường Điện Biên Phủ. Như vậy, đây là một đường phố mang nhiều ý nghĩa lịch sử, do tên gọi và do vị trí của nó trong quá trình phát triển của Thăng Long – Hà Nội.
Bình luận của bạn