Phố Cửa Bắc

Thứ 7, 27/05/2023, 15:31 (GMT+7)

Chia sẻ

Nguyễn Vinh Phúc

I/ Vị trí
 Phố Cửa Bắc dài 668 mét, từ đường Yên Phụ đến phố Phan Đình Phùng. Tiếp nối với phố Nguyễn Tri Phương. Nay thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình. Đây nguyên cũng là con đường có từ xưa, bắt đầu từ cửa ô Yên Tĩnh (sau đổi là Yên Định). Cửa ô này ở vào chỗ ngã ba đường Yên Phụ - phố Cửa Bắc), chạy thẳng tới cạnh phía Đông của cái "mang cá" bảo vệ Chính Bắc Môn của thành Thăng Long thời Nguyễn.

Vua Gia Long (1802 - 1819) cho xây dựng theo kiểu thành của châu Âu, từ năm 1804 đến năm 1805. Thành hình vuông xây bằng gạch vồ, mở ra 5 cửa : Chính Bắc, Chính Tây, Chính Đông, Đông Nam và Tây Nam. Bên ngoài mỗi cửa thành đều có một cái "dương mã thành" còn gọi là "mang cá", tức là một loại công sự gồm hai bức tường xây vuông góc để bảo vệ cửa thành từ mé ngoài. Xung quanh thành là một hệ thống hào bao quanh, bề rộng tới 15 mét, do đó từ ngoài đi vào thành phải qua hai cái cầu, một xây ngang hào ở ngoài cửa "mang cá", một xây ngang hào ở ngoài cửa thành chính (Riêng mặt Bắc thành này, hào là một khúc của sông Tô Lịch).

Khu vực Hoàng thành Thăng Long thời Nguyễn. Ảnh : Nguyễn Bắc.

Khu vực Hoàng thành Thăng Long thời Nguyễn.
Ảnh : Nguyễn Bắc.

II/ Lịch sử

1/Phố Cửa Bắc ngày nay trùng với con đường chạy thẳng tới cửa của "mang cá" (mở ở tường phía Đông, nay ở vào khoảng trước cửa trường Phổ thông Trung học Phan Đình Phùng), tiếp đó con đường này bẻ quặt về phía Tây để vào cửa Chính Bắc.

Dọc phố Cửa Bắc còn có nhiều đình chùa là dấu vết của các thôn xóm cũ :

- Đình Yên Định (nhà số 18), thờ Uy Linh Lang, một hoàng tử có công chống giặc Nguyên.
- Chùa Phổ Quang (chùa Am), ngôi chùa của thôn Yên Canh cũ (nhà số 29).
- Đình Yên Canh (nhà số 48), thờ Triệu Quang Phục (? - 571), người anh hùng chống giặc Lương.
- Đình Yên Viên (nhà số 66), chưa rõ thờ ai.

Như vậy là phố Cửa Bắc đã đi qua địa phận ba thôn (Yên Định, Yên Canh, Yên Viên), tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận xưa.
Trừ đình Yên Định ra, các đình chùa khác đều đã bị giặc Mĩ ném bom huỷ hoại năm 1967. Đáng tiếc nhất là ngôi đình Yên Canh, nơi duy nhất ở nội thành Hà Nội thờ Triệu Quang Phục, người anh hùng nổi tiếng về đánh du kích ở đầm Dạ Trạch. Tương truyền rằng, khi đánh đuổi giặc Lương, ông đã từng đóng quân tại thôn Yên Canh này. Vì vậy mà dân làng thờ ông làm Thành hoàng.

Phố Cửa Bắc 13:00 11/03/2023 Ảnh : Trần Quang Dũng

Phố Cửa Bắc
13:00 11/03/2023
Ảnh : Trần Quang Dũng

Về ngôi nhà số 67 :
- Năm 1918 là trường Sư phạm, đào tạo giáo viên tiểu học cho toàn xứ Bắc Kì.
- Năm 1933 là trường Cao đẳng tiểu học Đông Dương (viết tắt theo tiếng Pháp là EPSI).
- Nay là trường Phổ thông trung học Phan Đình Phùng.

Về lịch sử cách mạng Thủ đô, phố Cửa Bắc tự hào về nhà máy phát điện Yên Phụ (cổng chính là nhà số 1) :

  Năm 1930 nhà máy chính thức phát điện. - Trong những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945, tổ chức Công nhân cứu quốc ở đây đã tập hợp công nhân viên chức tước vũ khí quân Nhật đóng tại nhà máy này, và kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cao ống khói vào đúng ngày 19 tháng Tám lịch sử.

- Thời tạm chiếm, công nhân ở đây vẫn đấu tranh bằng nhiều hình thức, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh giữ máy trong những ngày chờ Chính phủ ta về Tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).
- Tự vệ nhà máy đã hai lần hạ máy bay F-4 của giặc Mĩ, bằng súng đại liên 14,5 li vào trưa ngày 26/10/1967, và sáng ngày 10/05/1972.
- Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, giặc Mĩ ném bom dữ dội xuống đây nhưng dòng điện Yên Phụ vẫn không hề bị gián đoạn.

2/ Thời Pháp thuộc đây là phố Đỗ Hữu Vị. Tên gọi như hiện nay có từ đầu tháng 8 năm 1945.

( Trần Quang Dũng trích sách PHỐ VÀ ĐƯỜNG HÀ NỘI - Nhà xuất bản Giao thông vận tải - Năm 2004)

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác