Những thách thức và quan điểm bảo tồn mô hình định cư 36 phố phường Hà Nội

Thứ 7, 24/02/2024, 12:58 (GMT+7)

Chia sẻ

So với các mô hình định cư nông thôn truyền thống – Vốn đã có thời gian tồn tại và phát triển khá dài trong lịch sử và đạt được sự ổn định tương đối cho đến thời cận đại, các mô hình định cư đô thị ở Việt Nam có thời gian tồn tại ngắn hơn nhưng lại chịu những biến động mạnh mẽ hơn. Với tư cách là một mô hình định cư đô thị có lịch sử lâu đời nhất, khu 36 phố phường Hà Nội đã và đang phải đối mặt với những thách thức trong quá trình phát triển, dẫn tới nguy cơ bị biến đổi hoàn toàn và mất đi những giá trị đã được tích lũy qua nhiều thế hệ. Chuyên đề này sẽ phân tích những yếu tố gốc làm nên đặc điểm của khu 36 phố phường Hà Nội, đánh giá những thách thức mà nó đang phải đối mặt, từ đó đề xuất quan điểm và định hướng cho sự tồn tại và phát triển tiếp theo của nó.

 qm8a-1.jpg
Góc phố vắng
 
Sự hình thành và phát triển

Cũng giống như các mô hình định cư truyền thống khác, sự hình thành của Khu 36 phố phường Hà Nội phụ thuộc vào 4 yếu tố cơ bản là: Nguồn tài nguyên, Phương thức khai thác tài nguyên, Phương thức giao thông đối ngoại và Quản trị, tổ chức cuộc sống [4].

  • Nguồn tài nguyên chính là một trong những yếu tố gốc thu hút sự tập trung dân cư, bởi nó tạo ra khả năng sinh kế cho con người. Đối với các mô hình định cư nông nghiệp thì nguồn tài nguyên quan trọng nhất là đất, sau đó là những điều kiện tự nhiên thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Nhưng đối với khu 36 phố phường Hà Nội thì đó chính là yếu tố vị trí. Nằm ở trung tâm của châu thổ sông Hồng, nơi hội tụ và lan tỏa của các tuyến giao thông thủy – bộ, lại có mối liên hệ trực tiếp với Hoàng thành Thăng Long và được bao bọc bởi các vành đai nước xung quanh (sông Hồng, sông Tô Lịch, hồ Tây, hồ Lục Thủy…), đây là một địa điểm lý tưởng để định cư.
  • Phương thức khai thác tài nguyên: Đóng vai trò quyết định đến đặc điểm của mô hình định cư. Trong khi những cư dân nông nghiệp lúa nước vùng châu thổ sông Hồng có xu hướng sống co cụm trên các khu đất cao ráo, dành phần đất trũng ngập nước để canh tác, thì Khu 36 phố phường đã được khai thác và phát triển theo hướng tạo thành một trung tâm sản xuất, phân phối và trao đổi các sản phẩm thủ công truyền thống cho nhu cầu tại chỗ và cả cho toàn khu vực. Nơi đây, ngay từ thế kỷ 11 khi Thăng Long được lựa chọn là kinh đô của Đại Việt, ở Cửa Đông thành đã có sự tập trung dân cư đông đúc “với nhiều phường, phố, chợ, bến, trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập” [2, tr.269]. Từ thế kỷ 14, khu vực này đã trở nên nổi tiếng với tên “Kẻ Chợ” – vừa diễn ra các hoạt động sản xuất, trao đổi buôn bán, vừa là nơi ở của những người thợ thủ công. Nhận xét về hoạt động này, Philippe Papin cho rằng, “Đây chính là nét độc đáo của một cơ chế linh động, đặc biệt phù hợp với những hộ buôn bán nhỏ” [6, tr.161]. Phương thức khai thác tài nguyên này tỏ ra rất hiệu quả, bởi đến thế kỷ 17-18 Thăng Long – Kẻ Chợ đã trở thành một thành phố lớn trong khu vực với mật độ dân cư rất cao như mô tả của Samuel Baron: “Về mặt diện tích, thành phố này có thể sánh với nhiều thành phố khác ở châu Á, nhưng về mặt dân số thì đông hơn các thành phố kia rất nhiều, đặc biệt là vào ngày đầu tháng và ngày rằm” [6, tr.157].
  • Phương thức giao thông đối ngoại: Kết quả khảo cổ học cho thấy những dấu vết làng xóm đầu tiên ở nước ta đều nằm ở ven sông, bên bồi của dòng chảy [7]. Những vị trí định cư trên cơ sở khai khác lợi thế của dòng chảy tạo ra mô hình định cư ven sông theo cách rất riêng của cư dân châu thổ sông Hồng – tập trung ven sông. Điều này cũng đúng đối với khu 36 phố phường khi nó được phát triển co cụm trên một dải đất phù sa tương đối hẹp ngay sát bờ sông Hồng1, bất chấp nguy cơ thường xuyên bị lũ lụt đe dọa. Cho đến tận thế kỷ 17-18, sông Hồng vẫn tiếp tục là “nhân tố sống còn của nền kinh tế của kinh thành, nơi thu hút phần lớn nhất của các luồng giao dịch và đặt nền kinh tế này trong liên lạc thường xuyên với phần còn lại của đất nước cũng như với nước ngoài” [5, tr.224].
  • Hệ thống quản trị, tổ chức cuộc sống: Giúp tổ chức cuộc sống bên trong cộng đồng, từ việc phân chia đất đai, xây dựng nhà cửa, tổ chức giao thông nội bộ, khai thác tài nguyên, sản xuất, trao đổi, tiêu thụ sản phẩm, ứng xử với môi trường, đến quan hệ xã hội và tổ chức hoạt động trong cộng đồng… Những quan sát của người phương Tây từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 cho thấy: Khu 36 phố phường là một tập hợp thu nhỏ của các làng nghề thủ công truyền thống trong vùng châu thổ sông Hồng, trong đó mỗi phường sản xuất và/hoặc buôn bán một mặt hàng riêng. Các phường nằm sát cạnh nhau nhưng lại độc lập tương đối với nhau và ngăn cách với nhau bằng những cổng lớn – được đóng lại vào ban đêm [6, tr.157-163]. Mỗi ngôi “làng trong phố” đó đều có hệ thống quản trị và những thiết chế tín ngưỡng riêng, mà tiêu biểu là ngôi đình – nơi thờ vọng vị thành hoàng ở quê hương gốc của họ. Theo PGS Nguyễn Quốc Thông, vị trí và sự phát triển của mỗi phố phụ thuộc vào nhu cầu trao đổi giữa các vùng và điều kiện địa lý của địa điểm, do vậy “hướng của các tuyến phố, cùng các ngôi nhà hai bên thường phát triển theo dạng tự nhiên khiến cho hình thái cấu trúc đô thị của khu vực này có đặc điểm tự do, không đồng đều”, với những dãy phố ngắn và hẹp, mang lại cho Khu 36 phố phường một diện mạo riêng rất hấp dẫn [1, tr.21-22].

Tài nguyên nhân văn

Tài nguyên nhân văn là những giá trị tích hợp trong quá trình phát triển của một mô hình định cư, được thiết lập bởi cư dân bản địa nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của chính họ chứ không phải đối tượng nào khác. Về mặt vật thể, những giá trị mới có thể là di sản kiến trúc và quần thể kiến trúc đã khẳng định được chỗ đứng trong mô hình định cư. Đó cũng có thể là những sản phẩm đặc trưng của các phường nghề truyền thống và những công cụ tạo ra chúng…

Về mặt phi vật thể, đó có thể là di sản thể chế, các kinh nghiệm hay kiến thức/kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng tổ chức cuộc sống được tích lũy qua nhiều thế hệ, các lễ hội gắn với nghề nghiệp, các sinh hoạt văn hóa tinh thần, phong tục tập quán hay thậm chí là lối sống và các thế ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội [4].

Trải qua 1000 năm tồn tại và phát triển, Khu 36 phố phường Hà Nội đã tích hợp được khá nhiều tài nguyên nhân văn, góp phần làm nên “linh hồn” của địa điểm. Một cách tóm tắt, đó là sự độc đáo của cấu trúc không gian đường phố và nhà cửa, sự ngẫu hứng trong việc định hình các tuyến phố; là sự đậm đặc của các công trình tôn giáo tín ngưỡng; là sắc thái tinh thần không thể nhầm lẫn của địa điểm với sự sôi động và phong phú của các hoạt động buôn bán, sản xuất, lễ hội và sinh hoạt đời thường theo cách rất riêng; là sự đan xen một cách thú vị của các loại hình và phong cách kiến trúc của các thời kỳ; là sự đa dạng và linh hoạt trong tổ chức không gian và cấu trúc các ngôi nhà ống – vốn đã trở thành một thứ “đặc sản” của Khu 36 phố phường…

 long-bien-2-2316-1652253984-1-1.jpg
Cầu Long Biên
 
Những thách thức

Đối với Khu 36 phố phường Hà Nội, thách thức lớn nhất không phải là sự biến đổi của các yếu tố gốc có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của mô hình định cư này, mà là sự biến đổi của tài nguyên nhân văn – tức là các giá trị được tích hợp về sau. Chắc hẳn có nhiều nguyên nhân cho sự biến đổi này, nhưng lý do đáng kể nhất chính là sự vận động không ngừng nghỉ của nó trong quá trình mà người ta gọi là đô thị hóa.

Dù là một quốc gia nông nghiệp, nhưng quá trình đô thị hóa đã diễn ra liên tục ở Việt Nam trong suốt 1000 năm lịch sử. Viết về xu thế đô thị hóa của Thăng Long thế kỷ 17-18, Nguyễn Thanh Nhã cho biết, “Thành phố được mở rộng là do một tiến trình sáp nhập các vùng ngoại ô diễn ra một cách mạnh mẽ và thuận lợi trong suốt một thế kỷ rưỡi không bị các công trình phòng thủ ngoại vi cản trở… Kinh thành có mọi tự do để bung ra và thu hút các vùng đất ngoại thành không khác một hiện tượng thẩm thấu” [5, tr.219]. Tuy nhiên, với riêng Khu 36 phố phường, quá trình này chỉ thực sự mạnh mẽ từ cuối thế kỷ 19, khi Hà Nội trở thành Thủ đô của Đông Dương thuộc địa. Cùng với quá trình mở rộng về phía Tây đến sát ranh giới cũ của thành Hà Nội là quá trình chỉnh trang đô thị, lấp ao hồ phía trong các ô phố, thay đổi hoàn toàn diện mạo của 36 phố phường, tạo thêm một loạt phố mới như Phùng Hưng, Cửa Đông, Đường Thành (ở phía Tây) và Đinh Liệt, Tạ Hiện (tại vị trí ao hồ cũ [8])… Dù bị mất đi một số di sản giá trị trong thời kỳ này, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận những khía cạnh tích cực mà người Pháp mang lại cho cảnh quan đô thị Khu 36 phố phường. Từ đây, khu phố buôn bán sầm uất này đã được định hình rõ nét hơn và trở nên thị thành hơn với những đường phố sạch sẽ, 2 bên là những dãy nhà gạch có chiều cao 1-2 tầng ăn nhập với nhau trong một tổng thể hài hòa. Dù không phải là không có những tiếc nuối về sự thơ mộng quyến rũ đã ít nhiều phai nhạt [1, tr.197], Khu 36 phố phường vẫn tràn trề sức sống, sự hấp dẫn và vẫn duy trì được trạng thái cân bằng bởi sự ổn định của những yếu tố gốc làm nên đặc điểm của mô hình định cư này, duy chỉ có phương thức giao thông đối ngoại có xu hướng chuyển dần sang giao thông đường bộ và đường sắt.

Từ sau năm 1954 đến những năm đầu thập niên 1980, hoạt động kinh doanh và làm nghề thủ công tại 36 phố phường Hà Nội trở nên trầm lắng hơn. Đây cũng là thời kỳ có những biến động mạnh mẽ về dân số và thành phân dân cư. Sự biến động này cùng với sự suy thoái của các nghề thủ công truyền thống là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự xuống cấp và thậm chí biến mất của các công trình tôn giáo tín ngưỡng trong khu phố cổ, trong đó có cả những ngôi đình – từng là biểu tượng tâm linh có vai trò gắn kết các thành viên của phường nghề. Nhiều công trình bị lấn chiếm, bị biến dạng, hoặc thậm chí hoàn toàn biến mất… Từ sau năm 1986, với chính sách mở cửa nền kinh tế, Hà Nội nói chung và Khu 36 phố phường nói riêng đã nhanh chóng lấy lại sức sống của mình. Kèm theo đó là sự gia tăng tốc độ đô thị hóa với hậu quả là sự thay đổi nhanh chóng đặc điểm cấu trúc của các không gian cư trú. Thay vì những ngôi nhà ống chiều cao chỉ 1-2 tầng mang phong cách truyền thống, những ngôi nhà kiểu thị dân Trung Hoa điệu đà và những ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc Pháp với các mô típ trang trí đa dạng là những khách sạn hiện đại với chiều cao ngất ngưởng, phá vỡ tỉ lệ không gian đường phố và tạo ra những tranh chấp ngày càng lớn. Những không gian sản xuất – vốn là một thành tố làm nên sức hấp dẫn của 36 phố phường, cũng dần dần phải lùi bước trước nhu cầu về chỗ ở ngày càng gia tăng, kèm theo đó là sự mai một của các kỹ năng nghề nghiệp và sự biến đổi của các phố – hàng. Vậy là sự thiếu kiểm soát và lúng túng trong quản lý đô thị trong quá trình đô thị hóa đã làm Khu 36 phố phường mất đi một phần không nhỏ tài nguyên nhân văn của mình trong thời gian tương đối ngắn.

Trong bối cảnh đó, một xu hướng có thể mang lại nhiều lợi ích cho công cuộc gìn giữ di sản văn hóa là trào lưu du lịch di sản ngày càng phát triển mạnh mẽ, làm gia tăng mối quan tâm đến giá trị di sản và việc bảo tồn di sản cả trong những người quản lý và người dân bản địa, giúp các quốc gia/địa phương sở hữu di sản phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân, đồng thời có thêm kinh phí cho bảo tồn. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những sức ép không nhỏ lên di sản khi phải “oằn mình” phục vụ lượng du khách đang tăng lên không ngừng. Điều đáng chú ý là trào lưu này lại ẩn chứa nguy cơ không dễ nhận biết – đó là nó sẽ góp phần làm thay đổi phương thức khai thác tài nguyên của mô hình định cư (một cách chậm chạp và khó lường) khi phần lớn dân cư bản địa từ bỏ phương thức mưu sinh gốc để quay sang làm dịch vụ du lịch. Vậy là những giá trị đã từng làm nên sắc thái tinh thần của địa điểm, trong đó người dân bản địa đóng vai trò chính sẽ dần mai một, hoặc bị biến thành một thứ đồ giả vô hồn. Đây là câu chuyện đã từng xảy ra ở nhiều di sản đô thị trên thế giới, khiến chúng trở thành một dạng bảo tàng chẳng hề có sức sống, đóng băng trong những “trò diễn” nhàm chán và rẻ tiền để “móc túi” khách du lịch.

Quan điểm bảo tồn 

Trước hết, với tư cách là một di sản đô thị với sức sống mãnh liệt, Khu 36 phố phường Hà Nội cần được nhìn nhận trong sự vận động không ngừng nghỉ với các yếu tố tác động khác nhau. Để tiếp tục đạt được trạng thái cân bằng bền vững và bảo tồn được những sắc thái tinh thần – hồn nơi chốn của địa điểm, cần phải đảm bảo để các yếu tố gốc của nó, đặc biệt là phương thức khai thác tài nguyên không biến đổi quá mạnh, đồng thời với việc bảo tồn và lưu giữ, chắt lọc các tài nguyên nhân văn, và không ngừng bổ sung những giá trị mới.

Với quan điểm đó, mọi tác động chủ quan và khách quan lên Khu 36 phố phường cần được xem xét, đánh giá cụ thể và thực hiện một cách thận trọng. Chẳng hạn tuyến phố nào được phép và không được phép xây dựng khách sạn, nhà nghỉ? Loại hình lưu trú nào nên được ưu tiên trong khu phố cổ? Sự xuất hiện của hàng trăm khách sạn và nhà nghỉ trong Khu 36 phố phường trong những năm qua không những làm biến đổi cấu trúc và tỷ lệ không gian các tuyến phố mà còn có thể là nguyên nhân gây ra sự chuyển đổi phương thức khai thác tài nguyên trong khu phố cổ như phân tích trên đây. Hay kế hoạch di dân phố cổ ồ ạt ra một khu vực khá xa trung tâm (khu đô thị mới Việt Hưng) liệu có phù hợp? Những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra là gì? Từ góc độ định cư con người, rõ ràng việc di dân này vô hình chung sẽ cắt đứt nguồn mưu sinh của rất nhiều cư dân phố cổ, đẩy họ vào trạng thái bấp bênh về thu nhập và sự bất ổn trong cuộc sống gia đình, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chung của xã hội. Vậy thì nên chăng nên tìm kiếm những địa điểm tái định cư gần hơn, để họ có thể tiếp tục phương thức mưu sinh quen thuộc của mình và tham gia vào bức tranh sống động của đời sống 36 phố phường?

Đối với công cuộc bảo tồn, nên áp dụng phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị2 để nhận diện được các vấn đề mấu chốt và có chiến lược phù hợp. Áp dụng cho Khu 36 phố phường Hà Nội, phương pháp này cho thấy những giá trị nổi bật của mô hình định cư này là đặc điểm cấu trúc độc đáo và sắc thái tinh thần trong sử dụng hỗn hợp chức năng các không gian kiến trúc đô thị [3], trong đó đóng vai trò trung tâm chính là những cư dân phố cổ và những người buôn bán nhỏ lẻ, từng được mô tả một cách vô cùng hấp dẫn: “Những hàng xe cộ dày đặc đan xen nhau trong bụi bặm… cũng không làm chúng ta quên được trong dòng người đi bộ bóng một phụ nữ bán hàng rong, hàng ngàn năm qua vẫn đội chiếc nón trắng, từ sáng sớm tới tối mịt, vẫn với gánh hàng trên vai, nhịp nhàng theo bước chân đi…” [1, tr.197-198]. Vậy nên, bên cạnh công tác quản lý xây dựng và bảo tồn các ngôi nhà, tuyến phố… có giá trị, còn cần phải quan tâm lưu giữ những yếu tố phi vật thể đã làm nên “hồn nơi chốn” của Khu 36 phố phường. Chẳng hạn nên duy trì và khôi phục từng phần những nghề thủ công truyền thống đặc trưng cho từng tuyến phố. Hay việc trùng tu các công trình tôn giáo tín ngưỡng nên gắn với việc trả chúng về cho cộng đồng để chúng thực sự trở lại với vai trò biểu tượng liên kết và chỗ dựa tinh thần của các thành viên trong mỗi phường nghề…

KẾT LUẬN

Trải qua 1000 năm tồn tại và phát triển, thật may mắn là Khu 36 phố phường Hà Nội luôn luôn tìm được trạng thái cân bằng của mình, bởi những yếu tố gốc làm nên đặc điểm của mô hình định cư này đã trải qua rất ít thay đổi. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ và trào lưu du lịch di sản đang ngày càng lan rộng, khu phố này đang phải đối đầu với những thách thức không nhỏ liên quan đến sự biến dạng và mất mát nguồn tài nguyên nhân văn đã được tích lũy qua nhiều thế hệ, thậm chí là sự biến đổi của phương thức khai thác tài nguyên. Sự thận trọng trong việc xem xét và đánh giá những tác động khách quan và chủ quan lên Khu 36 phố phường từ góc độ định cư con người là điều kiện tiên quyết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý giá này.p

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Clément, P., Lancret, N., 2005. Hà Nội chu kỳ của những đổi thay. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật
Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011. Với Thăng Long Hà Nội. Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội
Khuất Tân Hưng. Phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản đô thị – lấy Khu phố cổ Hà Nội làm ví dụ nghiên cứu. Tạp chí Kiến trúc số 8/2013
Khuất Tân Hưng. Mô hình định cư truyền thống – bảo tồn và phát triển tiếp nối. Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 3+4/2015
Nguyễn Thanh Nhã, 2013. Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. NXB Tri thức, Hà Nội.
Papin, P., 2009. Lịch sử Hà Nội. Nhà xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội
Chử Văn Tần, 2003. Văn hóa Đông Sơn, văn minh Việt cổ. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Phan Phương Thảo, 2013. Khu phố cổ Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội


TS. Khuất Tân Hưng
Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí kiến trúc, Số 08-2015)

Bình luận của bạn

Tin khác