Nhà thơ Việt Phương

Chủ nhật, 29/01/2023, 01:09 (GMT+7)

Chia sẻ

Bài viết trong "Chuyện Người Hà Nội 3"

NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG - GIỌT NGƯỜI RẤT SÁNG, RẤT TRONG

Phạm Kim Thanh
Nhà thơ Việt Phương (1928-2017)

Lứa chúng tôi truyền tay nhau đọc những bài thơ tình yêu chép tay bằng bút máy Trường Sơn trên trang giấy học trò từ thuở cặp tóc đuôi gà 13 tuổi trong sắc trời thu hoà bình năm 1973:“ Anh dâng em / Bài thơ anh mà em là /tác giả/ Đoá hoa anh mà em là/Sắc hương/ Thanh gươm anh mà em là / Chất thép.. Tình yêu như một hạt cườm trên trời” nhưng lại không biết ai là tác giả bài thơ. Mưởi bảy tuổi, tôi mới biết những câu thơ gợi mở bầu trời cao vời kia là của chính nhà thơ Việt Phương. Mùa thu năm 2009, tôi đã may mắn được gặp ông- một thần tượng thơ của tôi và nhiều bạn đồng môn - trong ngôi nhà giản dị ấm cúng ở 71 Trần Quang Diệu. Tôi được nghe ông kể về thế hệ thanh niên học sinh Hà Nội những năm 40 của thế kỷ XX, đã đi theo ngọn cờ cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh và sau nàyvẫn luôn sắt son với lý tưởng giải phóng Con Người của một trí thức yêu nước và cách mạng, với biết bao kỷ niệm sâu sắc không bao giờ phai mờ

*Từ Đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu (TNCQHD) đến chiến sĩ Nam Tiến

Nhà thơ Việt Phương ( tên thật là Trần Quang Huy) cất tiếng khóc chào đời năm 1928 trong căn nhà nhỏ ở phố Charron, nay là phố Mai Hắc Đế. Tuổi thơ ông gắn với những trò chơi đánh trận giả ở con phố ven ô cầu Dền, với mái trường tiểu học Hàm Long thân quen (nay là trường THCS Ngô Sĩ Liên) nơi cha ông dạy học, lưu giữ bao kỷ niệm thuở đồng ấu khai tâm để rồi từ đó bước vào trường trung học Bưởi (nay là trường PTTH Chu Văn An) dấn thân trên con phụng sự lý tưởng cao đẹp- giải phóng dân tộc khỏi ách gông xiềng nô lệ.

nha-tho-viet-phuong-1.jpg

Sau khi tốt nghiệp bậc Thành chung tháng 5/1944 (tương đương với trung học cơ sở bây giờ), ông nộp đơn thi Tú tài phần 1(tháng 7/1944), sau đó thi vượt cấp và trúng tuyển được vào học ngay Ban Toán của Tú tài phần 2, khiến bạn bè kính nể. Nhưng chương trình của Việt Minh như một luồng gió mới thổi vào tâm trí lớp thanh niên yêu nước tràn đầy nhiết huyết cứu nước để thoát khỏi tủi nhục nô lệ. Ông hăng hái tham gia những cuộc tuyên truyền, rải truyền đơn của Thanh niên cứu quốc trường Bưởi rồi được ông Vũ Oanh, cán bộ Thanh vận của Ban cán sự Đảng Hà Nội đưa vào tổ TNCQ của trường Bưởi. Niên khoá 1944-1945, trường Bưởi sơ tán vào Thanh Hoá để tránh bom Mỹ dội xuống thành phố. Cuộc tuyên truyền rải truyền đơn ở thị xã Tết 1944 rất rầm rộ, chủ quan nên hàng loạt đoàn viên TNCQ, trong đó có Trần Quang Huy bị bắt giam tại Sở Liêm phóng Thanh Hoá. Ở trong tù, bị chúng đánh đập, cạo trọc đầu, anh em kiên quyết không khai. Nhớ lại những trận đòn trung cổ ấy, ông nhắc lại kỷ niệm đẹp: “Anh Vũ Đức Huề, học trường Bưởi trước tôi mấy niên khoá và đã đi hoạt động, cùng bị bắt giam với tôi, quý mến nhau nên đã lấy tên tôi- Trần Quang Huy- làm tên của mình. Sau khởi nghĩa, anh ấy còn lấy tên là Nguyễn Huy Khôi, và là Chủ tịch lâm thời Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Hà Nội”.

Sau đêm Nhật đảo chính Pháp, toà án Nam triều ở Thanh Hoá lôi tù tạm giam ra xét xử, nhưng không có chứng cớ rõ ràng, chúng đành phải xử cho hưởng án treo 3 năm. Trở về Hà Nội thân yêu, ông và các bạn lao vào hoạt động trong không khí chuẩn bị khởi nghĩa mỗi ngày một dâng cao sôi sục. Ông được giao phụ trách tổ TNCQ ở phố Charron và phố Lò Sũ. Những cuộc tuyên truyền, diễn thuyết. mít tinh công khai trên đuờng phố như một chất xúc tác mạnh, tác động cả những ai còn rụt è, e ngại...đứng về phía Việt Minh. Vậy mà cuối tháng 7, trong khi đang tìm cách liên lạc với một đồng đội ở phố Huế, ông và ông Nguyễn Phan Tính lại bị chúng bắt, giải ngay về nhà giam của Sở Hiến binh Nhật (nay là tầng hầm của Bộ khoa học và Công nghệ ở phố Trần Hưng Đạo). Giữa trung tâm thành phố, bọn Nhật biến biệt thự thành nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng hết sức dã man “ Một dãy cũi có chấn song gỗ, sàn gỗ nhầy nhụa, ghét đóng một lớp dầy; trên trần có ngọn đèn thắp sáng suốt ngày đêm, góc cũi có chiếc thùng phân.Mỗi tù chỉ có khoảng không gian đủ ngồi bệt xuống sàn, hai tay bó gối, không được nằm đã đành,duối thẳng chân cũng không được. Mỗi ngày, chúng phát hai nắm cơm gạo hẩm nấu với nước vôi loãng”(1) Cứ như thế, cho đến sáng 17/8/1945, ông Phạm Hy Đào (tức Thái Hy), Liên đội trưởng Liên đội 1 của Đội tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu được lệnh vào đón tù nhân chính trị, trong đó có Việt Phương và Nguyễn Phan Tính, các ông mới thấy mặt trời.

Như cánh chim bay tới ánh sáng tự do, Trần Quang Huy đi trong Đoàn TNCQHD chiếm Phủ khâm sai Bắc Bộ và Trại bảo an binh, sau đó ông cùng đồng đội làm quản lý nhà tù Hoả lò và Sở Liêm phóng(nay là Sở Công an thành phố). Ngày 9-9-1945, ông trở thành chiến sĩ của Chi đội 3 giải phóng quân (chi đội được bổ xung một trung đội thanh niên Hà Nội do ông Nguyễn Tiệp là Trung đội trưởng, ông Thái Vĩnh là chính trị viên, để đi Nam Tiến). Ngày 10-9-1945, theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam”, ông lấy tên mới là Trần Văn Tử và cùng đồng đội tạm biệt thành phố quê hương, lên xe lửa vào Thanh Hoá, đóng ở Ngô Xá hạ. Ngày 26-9, các chiến sĩ từ Ngô Xá hạ lên xe lửa đi tiếp vào Nam. Ngày 5-10-1945, Uỷ ban kháng chiến miền Đông Nam Bộ đưa 10 xe ô tô ra Phan Thiết đón; sau đó, chi đội chia đôi, nửa đi ô tô, nửa đi xe lửa vào Biên Hoà. Ông tham gia ngay trận Cầu Bình Lợi- Sài Gòn (từ ngày 10 đến 15-10-1945) và tiếp theo đó là những tháng ngày chiến đấu gian khổ. Chỉ trong khoảng một tháng mà trung đội Hà Nội có 31 người đã hy sinh và bị thương bị thất lạc 16 người; 15 người còn lại được về Hà Nội bổ xung quân số. Ngày 25-12-1945, trung đội Hà Nội có 42 chiến sĩ trở lại miền Nam, gặp Chi đội 3 Độc Lập và đóng quân ở Ninh Hoà, củng cố lực lượng rồi tiếp tục đánh trên đường lên Buôn Ma Thuột. Chiến trận đã tôi luyện ông sớm trở thành Đảng viên của Đảng vào tháng 4/1946 (lúc này, Chi đội 3 Độc Lập ở Sông Cầu, Phú Yên), củng cố, kiện toàn tổ chức. Tháng 6- 1946, Chi đội 3 Độc lập sông Cầu đổi thành Trung đoàn 95 của Đại đoàn 22. Tại Đại hội lần thứ nhất của Trung đoàn cuối năm 1946, ông được bầu là Bí thư Trung đoàn uỷ. Sau đó, thấy ông còn quá trẻ, Quân khu ủy đã cử ông Trần Lương (tức Trần Nam Trung), về Trung đoàn 95 làm Bí thư và ông làm đảng ủy viên Đảng uỷ Trung đoàn. Tôi hỏi: “Ngày 19/12/1946, Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, bác đang chiến đấu ở đâu” “Tôi ở mặt trận An Khê, cũng dữ dội, khốc liệt lắm”. Lại hỏi: “ Chiến trận Nam trung bộ ác liệt thế, bác lại được ra làm thư ký cho ông Phạm Văn Đồng, duyên cớ thế nào ạ?”. Ông cười rất vui, như trẻ lại mươi tuổi “ Tháng 7/1947, Đoàn TNCQ Nam trung bộ mở Đại hội có đến vài trăm đại biểu. Lúc đó, bác Phạm Văn Đồng là ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Liên khu ủy V đến dự Đại hội. Tôi là đại biểu của Trung đoàn 95. Tình cờ gặp tôi, bác Đồng hỏi: -Quê ở đâu? -Dạ Hà Nội ạ. -Học trường nào? -Trường Bưỏi ạ. - Biết ngoại ngữ gì? -Tiếng Pháp và tiếng Anh ạ. Cứ thế, người hỏi, người đáp, và quan trọng nhất là tôi phát biểu “ vo”, không có giấy tờ gì, đã gây ấn tượng với bác Đồng chăng? Sau Đại hội Đoàn, bác điều động tôi sang làm thư ký cho bác ở văn phòng Đại diện của Đảng và Chính phủ tại Nam trung bộ. Lúc ấy, tôi mới 19 tuổi. Câu chuyện làm thư ký cho bác Đồng giản dị thế thôi. Tôi học được nhiều điều quý giá ở người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ những năm tháng không bao giờ quên ấy. Tháng 2 năm 1949, tôi được bác Đồng chọn đi cùng bác ra Việt Bắc và mang tên mới: Trần Việt Phương, cái tên gắn với tập thơ Cửa mở sau ngày Hà Nội giải phóng. Thì ra là vậy. “ Còn kỷ niệm sâu sắc nhất của bác thời đi Nam tiến ạ? Ông xúc động nói: “Đất Nam bộ, đặc biệt là vùng ngoại ô Sài Gòn, là nơi tôi bắn phát súng đầu tiên vào quân địch; là nôi tôi chôn cất người đồng đội hy sinh đầu tiên, là nơi tôi bắt đầu hiểu thế nào là con người và cuộc sống. Cuộc gặp giữa một người trai 17 tuổi với nhân dân Nam Bộ, như tình yêu đầu mà tôi mang theo suốt đời và đã từng viết:

Như lần đầu ta gặp được sao trời
Đêm Đồng Nai gió từng hồi mặn mát
Giọng Nam bộ nồng nàn trong từng giọt
Ta vào đây choáng ngợp giữa lòng dân”

*Tiếng thơ cất cánh từ tâm hồn của ngưòi chiến sĩ

Tôi cứ tự hỏi, Nàng Thơ tiềm ẩn trong tâm hồn ông, trên những trang giấy học trò từ khi nào để rồi hiện thành những dòng ánh sáng kỳ diệu? Chỉ biết rằng, đọc thơ ông, thấy một trí tuệ hiền minh, một khí chất khẳng khái, một tâm hồn thanh cao với tình yêu người, yêu đời cháy bỏng, một ý chí phi thường… Tất cả những điều ấy dồn tụ trong ông, làm nên thơ ông, riêng biệt ở một con người chân chính. Ông không chỉ đi trước thời đại trong cách nhìn nhận, suy nghĩ về hiện tại, tương lai, mà còn sáng tác hoàn toàn không lệ thuộc vào lệ luật nào. Mỗi bài thơ vừa chứa đựng ý tưởng mang tính minh triết sâu sa vừa thể hiện tình yêu đôi lứa, yêu đời, yêu người trong cuộc chiến đấu chống Mỹ. Những khung cửa mở, Tiếng hát của niềm vui, Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi, Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc, Người như sự sống mãi sinh sôi là những khúc tráng ca hùng vĩ, đầy thi hứng và triết luận thời cả dân tộc ta đánh Mỹ, mà chỉ khi đã trưởng thành trong lửa đỏ và nước lạnh, với tầm nhìn thấu suốt, bản lĩnh vững vàng, mới có được những thi phẩm trác tuyệt đến thế:“Mỗi đơn nguyên người là một phức hợp thiên tài của những gì kỳ lạ nhất/ Một dải ngân hà với khoảng không thăm thẳm đen và vô số tinh cầu ngời ngời trong vắt”.(Ta nhìn trời đêm nay và ta đọc). Cách nhìn, cách cảm mới mẻ ấy, hiếm người có được khi mọi người đang ở trong dàn đồng ca chỉ biết ngợi ca cái Chung mà quên đi, hay làm mờ đi cái Riêng. Và ông là người đi tiên phong trong đổi mới thơ từ giữa thế kỷ XX. Cả khi viết về Hà Nội đau thương mà anh hùng dưới làm bom huỷ diệt của bầy thú dữ năm 1967, ông cũng có cách viết rất riêng của người con yêu thành phố quê hương: “ Người con trai đi lính pháo sau khi bỏ mái đầu đít vịt/Mười lăm trận đánh rồi mà thư xin lỗi mẹ viết chưa xong/ Bạn bè xa chỉ nghe đài tưởng phố phường đây đến hơi người cũng hết/ Nào biết đêm đêm quanh Hồ Gươm tuổi trẻ vẫn đi vòng”.(Một mùa thu- không biết sớm hay chiều)

Đọc thơ ông, thấy ngọn lửa khát vọng sống, cống hiến tâm trí cho Dân cho Nước, luôn sáng một chữ Tâm. Cách đặt tiêu đề chỉ một chữ, nhưng chứa đựng hàm súc ý tưởng và cả sự minh triết của toàn bài thơ. Chỉ một chữ Nét, ông vẽ đúng chân dung tính cách mình, nhẹ tênh mà đọc lên thấy xót xa : “Làm lý luận như tìm gặp lời thề/ Ham mê vô độ/ Làm thơ như người nghèo đi chợ/ Nhiều thèm thuồng ít mua/ Ở đời như ở chùa/ Thanh bần chay tịnh/ Làm kinh tế như làm lính/ Đạn thường tránh ai biết liều/ Nhìn đời bằng đôi mắt tình yêu/ Ngây dại”. Là người đã xông pha trận mạc, nhà thơ đã khẳng định một niềm tin son sắt với Bác kính yêu khi Người đã đi với Cụ Các Mác: “ Ta sẽ nói một lời tha thiết nhất/ Lời còn ghi khi tất cả quên rồi/ Lời sâu kín từ bao đời ấp ủ/Về Người như sự sống sinh sôi”( Người như sự sống mãi sinh sôi)

Đi qua bể trần ai, ngộ ra bao điều hư danh, phù phiếm, ông vịn vào thơ trút tâm tư mà vẫn kiên cường đấu tranh cho lẽ phải và công bằng. Sống như là viết, ông không rời bỏ trận địa, cứ rừng rực cháy trên con đường mình đã chọn, đã đi, để rồi có một xác tín trong tâm thức:“ Loang loáng hồi quang tháng năm/ Gặp tuyệt đỉnh thoả lòng trong tha thứ/ Tôi là tôi đầy đủ đến dâng tràn/ Lâng lâng tôi lâng lâng tự do/ Buổi sáng mai nao cũng hồi hộp đợi chờ”.(Chờ) Trường sức sáng tạo và yêu thương cuộc sống, “Hiệp sĩ của cái Đẹp”- như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gọi ông đầy khâm phục - đã cho ra đời tập thơ thứ tư “Cỏ dọc đường trần”( NXBHNV-2010); tập thứ năm Cát dưới chân người(NXBHNV-2011);tập thứ sáu Nhặt nắng trong suơng(NXBHNV-2011) với cách đặt tiêu đề một chữ và câu thơ xuống dòng không có dấu chấm, phẩy nào rất Việt Phương.

Sống giữa Đời và cho Đời, cho Thơ, ông tin yêu cõi trần gian thật an nhiên, tự tại sau bao trải nghiệm: “Sống cứ thật lòng mà sống đấy/ Kìa con nắng nhảy lướt qua rào/ Buổi sáng xanh xao đang chín dậy/ Thì là như vậy chứ còn sao”(Vậy)

Và với quan niệm Thơ thật sự bắt đầu/Khi bài thơ kết thúc, tôi tin ông đã và sẽ sáng tạo không ngừng cho cõi Đẹp và Cõi Thiện mà ông nguyện dâng hiến: “Cho dẫu nếu hồn anh sắp cạn/ Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng/Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn/Một giọt người rất sáng rất trong/ Đậu xuống vai em làm giọt sương đồng”(Đậu)

· Và miệt mài cùng đồng nghiệp tìm ra lối đi mới, chống đói nghèo, lạc hậu.

Những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, mô hình một hoá ba cải-hợp tác hoá, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, cải tạo tiểu thương, tiểu chủ đã bộc lộ những bất cập trong sự phát triển sản xuất. Và thêm nữa, cái bệnh thần tượng, tôn sùng Anh cả Liên Xô từ phương pháp quản lý, đề ra kế hoạch, áp đặt chỉ tiêu sản xuất theo kiểu tập trung bao cấp, đến phân phối lưu thông cũng bao cấp theo tem phiếu, định lượng. Nhà nước huy động thu mua của dân theo kiểu “mua như cướp, bán như cho” đã dẫn tới xơ cứng hoá, triệt tiêu sự năng động sáng tạo của dân trên tất cả mọi lĩnh vực. Ông và một số đồng nghiệp sớm nhận ra những bất cập ấy, nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề với bản lĩnh vững vàng của người cộng sản để mong sao vượt qua ấu trĩ ban đầu: “Năm xưa ta vô tình tô đẹp cuộc đời để mà tin/Nay ta càng thêm tin mà không cần tô gì nữa cả/Quen thuộc rồi mọi bất ngờ kỳ lạ/Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn”. Nhưng từ mong muốn đến hiện thực là một khoảng rất xa mà phải từ cuối năm 1979, với nghị quyết Trung ương 6 (khoá IV) mở đột phá khẩu đầu tiên, sản xuất mới được bung dần ra. Nhớ lại những ngày đầy sóng gió ấy, Cố Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TW ông Nguyễn Văn Trân đã từng nói: “ Anh Việt Phương cùng với anh Đoàn Trọng Truyến, Đoàn Đỗ, Lê Đăng Doanh…. là những người đầu tiên làm nòng cốt xây dựng Viện Quản lý kinh tế TW năm 1978. Ngay sau khi thành lập, Viện chúng tôi được Thủ tướng Phạm văn Đồng giao nhiệm vụ nghiên cứu và trình lên Hội đồng Chính phủ đề án Cải tiến quản lý kinh tế. Thủ tướng đã đọc duyệt công trình nghiên cứu của Viện và rất tán thành các quan điểm Viện đưa ra. Trong bước đi đầu tiên để tiến tới đổi mới, anh em làm việc quên ăn quên ngủ nghiên cứu đề án và anh Việt Phương thực sự là người luôn đưa ra những ý kiến xác đáng, rất có sức thuyết phục. Có anh ấy là người giúp việc chính, viết bản Tổng hợp của Viện trình lên Thủ tướng Chính phủ, tôi thực sự yên tâm”

Hành trình đi đến chân lý đầy gian nan, đấu tranh giữa cái mới - tiến bộ và cái cũ- lạc hậu, mong sao góp phần cho dân được cơm no áo ấm sau khi đất nước thống nhất, lúc đó không hề đơn giản. Canh cánh trong ông câu hỏi làm thế nào để đổi mới? Đổi mới phải bắt đầu từ đâu? Câu trả lời đã tìm thấy từ dân với thực tế sống động ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Bình, Hưng Yên.. Nhưng phải có lý luận rường cột để thay đổi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và phải bắt đầu từ tư duy, nhận thức lại con đường ta đã đi hơn 20 năm qua theo mô hình cũ, xoá bỏ cái gì, giữ lại cái gì, từ đó xây nên mô hình kinh tế mới đáp ứng thực tiễn đang đòi hỏi. “ Chính sách kinh tế mới của Lê Nin (NEP) thực sự soi rọi cho bạn và cho ta nhiều điều về điểm khởi đầu đổi mới”, ông Việt Phương kể cho tôi nghe như vậy. “ Trong quá trình nghiên tìm tòi con đường phải đi cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam , những chuyên đề của một số nhà khoa học Liên Xô có tư tưởng cải cách kinh tế, xã hội của Liên Xô như A-ban-kin, Ku-li-cốp, Tri-khô nốp…ta mời sang thuyết trình đã giúp cho ta củng cố thêm quyết tâm phải phá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp”

Cái cẩm nang để thoát khỏi cơn đói triền miên cho dân, dân mạnh thì nước giàu, phải là nền kinh tế nhiều thành phần, hôm nay, chúng ta thấy đó là tất yếu, nhưng ở những năm 70-80, nhiều người còn nặng giáo điều. Thay đổi lối mòn, một nếp nghĩ tiểu nông đã khó, thay đổi tư duy trước hết là tư duy kinh tế, còn khó hơn nhiều. Vì thế, năm 1981, Ban Bí thư trưng tập một số người, thành lập nhóm nghiên cứu cơ bản quản lý kinh tế khoảng 20 người (Trần Xuân Giá, Trần Triệu, Thanh Sơn, Thái Nguyên, Lê Sỹ Thiệp, Bùi Thế Vĩnh, Vũ Cao Đàm, Lê Đăng Doanh…) do ông Nguyễn Duy Trinh trực tiếp phụ trách và ông Trần Việt Phương làm Trưởng nhóm. Thực tế của các cơ sở sản xuất, các địa phương và ý kiến của nông dân, công nhân, giám đốc xí nghiệp là căn cứ vững chắc để nhóm đưa ra những kiến nghị với Ban Bí Thư trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và VI: “Lúc ấy các lực lượng tham gia nghiên cứu cải tiến cơ bản quản lý kinh tế gồm cả một số Bộ, các Viện và trường Đại học, trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ trí thức ở tất cả các cơ quan chức năng đầu ngành kinh tế đều được huy động, nhóm chúng tôi là dòng suối nhỏ đổ ra sông lớn thôi. Tôi nhớ nhất khi đến cơ sở, anh em kêu lên “ Chúng tôi bị trói chân trói tay, trên có thấy không?”. Những kết quả ban đầu khi thực hiện Chỉ thị khoán 100 và nghị định 25/CP, 26 CP đã củng cố thêm quyết tâm phải xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã trở thành rào cản, phải xé rào. Muốn vậy, phải có lực lượng cán bộ đi tiên phong giúp dân thực hiện. Liên tục trong 3 năm, Trung ương chỉ đạo Viện quản lý kinh tế tổ chức cho hơn 500 cán bộ chủ chốt của các ngành của Trung ương sang Liên Xô để nghiên cứu, học tập, khảo sát những kinh nghiệm cải cách kinh tế, xã hội, mỗi lớp chừng 40 người, nghiên cứu trong 3 tháng. Những năm sau đó, Viện tổ chức giảng các chuyên đề cho cán bộ chủ chốt của các Bộ, Ngành của trung ương, các tỉnh thành xuống đến cấp huyện theo nội dung bài giảng của Việt Nam, với
những cuộc thảo luận về tình hình thực tế nước ta, sát với nhu cầu và khả năngViệt Nam. Đó là nguồn cán bộ đầu tiên thực hiện đường đổi mới của Đảng năm 1986. Tôi hỏi ông đã góp cho công tác đào tạo mới nguồn cán bộ đó thế nào, vẫn chỉ nhận được câu trả lời rất khiêm tốn: Tôi không làm gì nhiều,anh em làm là chính. Còn nhớ ông Nguyễn Văn Trân cưòi vui khi tôi hỏi về công tác giảng dạy: “ Tôi và một số cán bộ của Viện, trong đó có anh Việt Phương tham gia giảng chuyên đề ở các khoá học, anh em mê anh Phương lắm. Khi đến trường Bách Khoa giảng, cán bộ nhà trường phục lăn vì kiến thức của anh ấy rất giỏi, nắm sâu rộng nhiều lĩnh vực khoa học.Tôi chắc anh ấy nghiên cứu rất nhiều tài liệu trực tiếp từ nguồn tiếng Pháp và tiếng Anh”. Ông Đào Xuân Sâm, nguyên Trưởng khoa kinh tế chính trị trường Đảng Nguyễn Ái Quốc trân trọng nói: “Ở Viện quản lý kinh tế TW, anh Việt Phương là người có kiến thức uyên bác, sắc sảo. Anh ấy nắm được rất nhiều nguồn thông tin lúc đó từ các nước Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc, và ở Viện, ý kiến của anh ấy bao giờ cũng có sức nặng dựa trên cơ sở khoa học”. Còn ông vẫn chỉ một lời: “Tôi không làm được gì nhiều đâu, đó là trí tuệ tập thể, là sức mạnh nội lực của người Việt Nam tìm ra con đường của Việt Nam”

Từ năm 1993, là thành viên thường trực nhóm chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rồi của Thủ tướng Phan Văn Khải, là cộng tác viên thường xuyên của Hội đồng lý luận Trung ương, là thành viên Hội đồng cố vấn của Viện nghiên cứu nhân tài, nhân lực, ông như con tằm rút ruột nhả tơ,viết nhiều sách và những công trình nghiên cứu mang tính lý luận và có giá trị thực tiễn cao, góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới của đất nước: “Nhận thức, vận dụng và phát triển lý luận Mác, Tư tưởng Hồ Chí Minh”; “Dân chủ”, “Các học thuyết của nền kinh tế thị trường hiện đại”, “Tư duy chiến lược và tầm nhìn thời đại trong chiến lược phát triển đất nước”, “Nhà nước pháp quyền Việt Nam”, “Lý thuyết thể chế”, “Xã hội dân sự Việt Nam”, “Cải cách doanh nghiệp nhà nước”, “Phát triển kinh tế nông thôn và đới sống nông thôn ở Việt Nam”...

Ông còn là thành viên của Ban cố vấn cho báo Vietnam.net, có nhiều ý tưởng hay khi ông tư vấn cho các nhà báo năng động và giàu sức trẻ, để bay cao, đi xa trên con đường đã chọn.

* Vĩ thanh
Nghĩ về ông là nghĩ về cây đại thụ đã trụ vững trong bão tố, trả cho đời hoa thơm trái ngọt. Tình yêu cuộc sống, khát khao được dâng hiến cho con người, trong ông, người chiến sĩ cộng sản, thi sĩ Việt Phương là một.

Bây giờ, trên giá sách tôi vẫn còn các tập thơ ông tặng với dòng chữ Thân ái tặng cháu Kim Thanh mỗi khi đến nhà nghe ông, học ông, và thấm thía cõi đời bởi những câu chuyện không có trong sách của nhà giáo Trần Tú Lan dạy học ở trường cấp 3 Chu Văn An, vợ ông, đã vì ông mà gánh gồng mọi gian truân của những ngày gian khó, đắng cay…. Này đây, Cửa mở (NXBVH, tái bản 2009), Cửa đã mở (NXBTN-2008), Bơ vơ đông đảo ( 2009), Cỏ dọc đường trần( 2010), Cát dưới chân người( 2011),Sống( 2012), Nắng( 2013)…. Tôi vẫn như thấy ông những ngày cuối đời, thật gầy, vì đang phải lọc máu ở bệnh viện; chỉ có đôi mắt rất sáng, đang giở chồng sách, tìm cho tôi cuốn sách ông tâm đắc

Ông đã về cõi Vĩnh Hằng ngày 6/5/2017, nhưng những câu chuyện ông kể cho tôi nghe đã thành cổ tích, thành gia sản của thế hệ vàng đã góp bao mồ hôi, xương máu giành lấy ánh sáng độc lập tự do của kỷ nguyên Hồ Chí Minh mà chúng ta hôm nay không được phép quên lãng : “Có phải những người lính trẻ ngã xuống ở Lạng Sơn không liên quan gì đến ngày hôm nay nữa/ Chỉ còn những lo toan ghế nhỏ lên ghế to/ Xe cúp lên ô tô lên chung cư lên biệt thự/Trong cuộc đời bơ sữa mà thôi”(Lời).Và như thế, cái nghiệp thơ ông đa mang, bao lần tự hỏi “Thơ là gì có thật thơ là thơ”, hay “ Không thơ là siêu thơ”, “Thì thơ ngơ ngẩn là thơ/ Thì người đông đảo bơ vơ là người”, nhưng ông vẫn chung thuỷ, vẫn “Mong sao viết được bài thơ một âm thanh hàm mọi chuyện”.

(1) Nguyễn Phan Tính: Thời học sinh sôi nổi, đăng trong sách: Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. NXBLĐ, 1999, tr 397

Bình luận của bạn

Tin khác