Ngôi nhà cổ 87 Mã Mây là loại nhà ở truyền thống, tái hiện không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa. Ngôi nhà nước đầu tư tôn tạo như một dấu ấn lịch sử của Hà Nội 36 phố phường.
Nhà cổ 87 Mã Mây | Nhà cổ 87 Mã Mây (Video) | Ngôi Nhà Di Sản trưng bầy 2024 | Ngôi Nhà Di Sản trưng bầy 2019 | Ngôi Nhà Di Sản 360 | Tour tái hiện nếp sống trong nhà cổ ở Hà Nội xưa |
Ngôi nhà 87 Mã Mây được xây dựng từ đầu thế kỉ XIX, theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam với chức năng sử dụng để ở và bán hàng. Tổng diện tích của ngôi nhà là 157,6m2, được xây dựng vuông góc với đường phố, chiều dài đất là 28m2, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng của mặt hậu là 6m.
Ngôi nhà bắt đầu được trùng tu từ cuối năm 1998, và được hoàn thành vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Ngôi nhà 87 Mã Mây được cấp bằng Di sản cấp quốc gia vào ngày 16/2/2004.
Nhà cổ 87 Mã Mây
Ngôi nhà mang đặc trưng của nhà cổ xưa Hà Nội, tức là theo dạng hình ống và có nhiều lớp nhà, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí. Đây cũng là nơi bày cây cảnh, uống nước, ngắm trăng. Kết cấu chủ yếu của công trình là gỗ và có nhiều họa tiết trang trí.
Nội thất gian ngoài khi kê làm phòng khách trong ngôi nhà 87 Mã Mây ( Gian cửa hàng )
Do yêu cầu việc buôn bán ở thành thị nên việc mở cửa hàng để bán hàng ở những nhà có mặt cửa rộng quay ra phố là một vấn đề quan trọng tất yếu. Vì vậy, nhà chỉ có bề ngang từ 2 đến 6m, tức là bằng bề rộng một gian trong ngôi nhà 3 hoặc 5 gian khi xưa, nhưng lại được phát triển mạnh theo chiều sâu mà vẫn dùng kết cấu mái cũ của nhà dân gian nên không gian mái lớn và để tận dụng người ta thường làm thêm những gác lửng leo lên bằng cách để lỗ sàn và gác một cầu thang một về với độ dốc 70 độ đến 75 độ làm bằng gỗ.
Cầu thang lên gác trên nghiêng 70 đến 75 độ là nét kiến trúc đặc sắc của người Hà Nội xưa.
Gác lửng để chứa hàng dự trữ hay kê giường ngủ nên có độ cao không quá 2,2m. Nếu cần phát triển hơn nữa về diện tích để ở thì người Hà Nội xưa thường phát triển nhà theo chiều cao để thành những tầng nhà hẳn hoi. Chính vì vây mà nó được gọi với cái tên là “nhà hình ống”.
Không gian bếp
Mọi đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng
Tầng hai là không gian thờ và phòng ngủ. Giữa các lớp nhà có sân bày chậu cảnh tạo cảnh quan môi trường, có cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Quan hệ nội bộ các phòng đều là quan hệ xuyên phòng, lợi dụng khoảng không kê đồ sát một mặt tường dọc làm lối đi. Nhu cầu người dân lúc đó còn đơn giản, họ chưa cần những khoảng không gian riêng tư như ngày nay, vì vậy việc xuyên suốt từ không gian phòng này sang phòng khác là đặc trưng nổi bật không gian nhà ở trong khu 36 phố phường.
Giữa các lớp nhà ở tầng 2 có sân bày chậu cảnh tạo cảnh quan môi trường
Không gian thờ được đặt cạnh cầu thang lên ở phía bên trái
Tiếp theo gian thờ là gian giữa (phòng tiếp cố nhân)
Trong cùng là gian ngủ, được bày biện thoáng đãng
Hiện nay, ngôi nhà trở thành điểm giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà phố của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội. Du khách đến tham quan ngôi nhà sẽ được hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Đây cũng là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý về cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ.
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN NHÀ 87 MÃ MÂY
Nhiều ngôi nhà trong Khu phố cổ Hà Nội dài đến 70m, chiều rộng hẹp tới 2m, được gọi là nhà ống. Việc hình thành nhà ống được cho là do chủ hộ phân mảnh đất ra để bán cho nhiều hộ. Ý khác cho rằng mặt trước hẹp thuật lợi cho việc giảm thuế, được thu theo chiều rộng mặt phố. Để có đủ ánh sáng, trong những ngôi nhà ống này bố trí 1 hay nhiều sân trời, tạo thành các lớp nhà với các chức năng khác nhau. Thông thường nhà ống có các lớp không gian: Tầng 1: Cửa hàng – sân trong – phòng ngủ, kho hàng và nhà bếp. Tầng trên: Phòng khách, thờ cúng - sân trong - phòng ngủ. Trong các sân trong bày chậu cảnh tạo môi trường cảnh quan, thông thoáng cho nhà.
Ngôi nhà 87 Mã Mây là một ví dụ điển hình về ngôi nhà ống cuối thế kỷ 19 ở Khu phố cổ Hà Nội. Hiện công trình đã được cải tạo để gần đúng với tình trạng ban đầu của nó.
Công trình cao 2 tầng.
Tầng 1 từ mặt đường vào gồm 4 lớp không gian: i) Phòng ngoài gồm cửa hàng, sân trời với hàng hiên nối vào không gian phía trong; ii) Hàng hiên, phòng ngủ; iii) Không gian cho hoạt động sản xuất với 2 sân trời hẹp; iv) Bếp, phòng tắm, vệ sinh.
Không gian đường phố
Nhà lớp 1, tầng 1
Khi trưng bầy gian hàng
Sân trong tầng 1, lớp 1
Nhà lớp 2, tầng 1
Sân trong lớp 2, tầng 1 và khu phụ.
Nhà lớp 1, tầng 2
Sân trong lớp 1, tầng 2
Nhà lớp 2, tầng 2
Sân trong lớp 2, tầng 2 và nhà phụ.
Mặt bằng và các góc nhìn
Mặt bằng và mặt căt
Quan điểm và giải pháp cải tạo, bảo tồn
Công tác cải tạo trong khu phố cổ Hà Nội phải khôi phục lại giống những yếu tố nguyên gốc hoặc xây dựng mới phải đảm bảo cảnh quan tuyến phố, phù hợp với kiến trúc nhà truyền thống. Có nghĩa là xây dựng mới cần quan tâm đến quy mô và chiều cao công trình, không chỉ là hình thức bên ngoài.Cũng theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, khi cải tạo nhà phải tuân thủ cấu trúc truyền thống sân – nhà và kiến trúc nhà truyền thống.Sau khi nghiên cứu hiện trạng và đề xuất phương án trùng tu, di chuyển các hộ dân ra khỏi công trình; đơn vị thi công phải hạ giải toàn bộ các cấu kiện để đảm bảo việc gìn giữ và bảo tồn các chi tiết bằng gỗ, đánh giá, phân loại các cấu kiện, tu bổ các chi tiết còn tốt và thay thế các chi tiết thiếu hoặc hư hỏng, gia cố hệ thống nền móng công trình và lắp dựng công trình theo các kết cấu và kiến trúc ban đầu.
Hiện nay, trong khu phố cổ Hà Nội có ba kiểu nhà: Nhà truyền thống, nhà kiểu thuộc địa và nhà kiểu Art – deco (ảnh hưởng của Trung Quốc và châu Âu). Đặc trưng nhà truyền thống tạo nên bởi hình thái kiến trúc thửa đất sâu và hẹp, phân chia cấu trúc không gian các lớp nhà bằng các sân trong; được gọi là nhà hình ống. Lớp nhà tiếp giáp với mặt đường thông thường được sử dụng làm nơi kinh doanh buôn bán, phía trên có gác xép để chứa hàng hóa. Các lớp nhà phía trong là xưởng sản xuất thủ công và là nơi sinh hoạt gia đình.Trong khi các thành phố lớn châu Á khác đang xóa bỏ những khu đô thị cổ, xây dựng những thành phố mới hiện đại thì Hà Nội tập trung bảo tồn di sản phố cổ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, thu hút khách du lịch. Hiện thành phố cũng đang xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ Hà Nội nhằm quản lý tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo, xây mới các công trình trong phố cổ góp phần gìn giữ đặc trưng kiến trúc phố cổ Hà Nội.
Biên tập lại: 36phophuong.vn
Bình luận của bạn