Ngôi đình cổ làng Xuân Dục

Thứ 2, 28/11/2022, 12:19 (GMT+7)

Chia sẻ

Xuân Dục là một thôn thuộc xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Trước đây, Xuân Dục thuộc tổng Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (thời Lê), tỉnh Bắc Ninh (thời Nguyễn). Xa xưa là khu Xuân Ổ, trang Lỗ Thường.

Sự tích đình Xuân Dục liên quan đến lịch sử của đất nước vào thời kỳ đầu tiên dựng nước và giữ nước, xung quanh là các địa danh nổi tiếng như: Cổ Loa - kinh đô của Nhà nước Âu Lạc từ hơn 2000 năm về trước, Cổ Pháp - quê hương của vương triều Lý. Tại làng Xuân Dục, dấu ấn vàng son của quá khứ còn được lưu lại qua sự tích của vị thần Nam Phổ - một thần linh tối cổ trong thần điện của người Việt và vị nhân thần của vương triều Lý là Lý Tam Lang.

dao-dinh-1.jpg
Ngay buổi đầu Công nguyên (năm 40), khi Hai Bà Trưng vì nợ nước thù nhà đã phất cờ khởi nghĩa, trên đường tiến về Luy Lâu, đến khu Xuân Ổ, trang Lỗ Thường thì dừng chân nghỉ lại. Đêm ấy khoảng cuối canh ba, Hai Bà mơ thấy một người hình dung cổ quái tự xưng là con Lạc Long Quân, thủy thần tên là Nam Phổ và nói “nay thấy nhà ngươi xuất quân dẹp giặc, ta muốn giúp giập cùng trừ bạo cứu dân”.


Hôm sau trước khi xuất quân, Hai Bà đến miếu mà người dân Xuân Ổ đã lập từ lâu thờ thần Nam Phổ để tế lễ, cầu nguyện thần linh phù hộ. Trận đó nghĩa quân của Hai Bà đại thắng, thu lại 65 thành, giành lại độc lập tự do cho đất nước. Sau khi lên ngôi, để ghi nhớ công đức của các thần linh, Hai Bà Trưng đã phong thủy thần Nam Phổ làm Tuyên Linh Đại vương và cho dân Xuân Ổ được phụng thờ mãi mãi. Các đời sau đến cầu đảo, tế lễ rất linh ứng. Triều đình thường ban tặng sắc phong. Hiện nay di vật còn để lại 34 đạo sắc phong thần có niên đại thuộc 4 thế kỷ 17,18,19 và 20.

Lý Tam Lang là người được ông bà Vạn Hạnh nuôi dạy, có học vấn uyên thâm, tinh thông võ nghệ, đức lớn, trí cao, khai hóa văn minh cho người dân Xuân Ổ. Ông đã mở trường dạy học cho con em dân làng đồng thời còn cùng với Lê Phụng Hiểu dẹp loạn “Tam vương” và đánh tan giặc Chiêm Thành bình được phương Nam, sau đó xin vua trở về Xuân Ổ dạy học.

mat-truoc-dinh-va-ao-dinh-1-1-1.jpg

 Đình làng Xuân Dục.

Đến thời Lê Sơ (thế kỷ 15), vì có công lớn nên Lý Tam Lang được vua Lê Thái Tổ phong làm Thượng đẳng Phúc thần. Do được tôn làm Thành hoàng làng, nên thần Nam Phổ và thần Lý Tam Lang được nhân dân Xuân Ổ thành kính thờ phụng và lưu truyền, trong văn hóa giao tiếp và đặt tên người đều phải tránh tên húy của thần: Nam, Phổ, Tam, Lang.

Đến đầu thế kỷ 17, tín ngưỡng thờ thần và kiến trúc đình làng ở nước ta phát triển rất mạnh, đình Xuân Ổ được ra đời sớm. Vẫn tích đó, thần phả ghi lại dân làng Xuân Ổ lấy ngày 10/3 Âm lịch làm ngày lễ hội.

Đình Xuân Dục được xây dựng trên một khu đất cao, rộng giữa làng chừng (100 x 150)m. Đình hướng chính Nam, phía trước có hồ rộng. Trước sân đình là một ao nhỏ hình bán nguyệt, tường hoa bằng con tiện sành cổ. Hai bên sân đình xây hai dãy nhà tả hữu mạc. Một cổng tam quan to cao duy nhất vào đình. Trải qua nhiều năm tháng, hai bộ phận kiến trúc tuyệt đẹp và quan trọng này đã bị hư hỏng cùng với tiền tế của đại đình.

Đình chính nằm ở vị trí trung tâm khu đất, kết cấu kiểu chữ công, gồm tòa đại đình, nhà cầu và hậu cung. Nền nhà đại đình được tôn cao 65cm so với mặt sân, xung quanh nền xây bậc bằng những hộp đá lớn màu xanh xám, trắng. Đại đình chia thành 5 gian, 2 dĩ, gian giữa để lòng thuyền thuận lợi cho việc tế lễ, các gian bên tôn nền cao hơn để thuận tiện cho việc hội họp mỗi khi có việc làng.

Bộ khung gỗ của tòa đại đình rất bề thế và vững chắc, sáu bộ vì chính và phần kết cấu của mái được liên kết chặt chẽ bằng hệ thống xà đại thượng, hạ, ngang, dọc khắp năm gian. Các bộ vì được làm giống nhau dạng “Thượng chồng giường, giá chiêng hạ kẻ”. Mỗi bộ vì gồm sáu hàng chân, mái phân thượng tứ hạ ngũ. Cột có kích thước lớn hình đòng đòng. Cột cái đường kính 60cm, cột quân đường kính 51cm, cột hiên đường kính 40cm.

Nhà cầu, nối chính giữa tòa đại đình và hậu cung, gồm 3 gian xây dựng trên khu nền cao 30cm so với nhà ngoài. Hậu cung là một nếp nhà ngang 3 gian xây kiểu tường hồi bít đốc. Mặt ngoài của 2 bức tường hồi đắp nổi đôi rồng lớn chầu mặt hổ phù. Các bộ vì có kết cấu làm giống nhau kiểu “Chồng giường giá chiêng hạ kẻ”.

Nghệ thuật trang trí thể hiện dấu ấn của thế kỷ 18 là các mảng chạm rồng chầu, cá hóa rồng, vân mây, các hình thú, hình người có cánh… Nét tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 19 là các hình mẫu trang trí sinh động, các mảng chạm khắc mạch lạc, dứt khoát nhưng rất phong phú.

Qua nghiên cứu nội dung lịch sử và khối kiến trúc đình làng, các nhà sử học đã khẳng định, đình Xuân Dục là một trong số các ngôi đình được ra đời rất sớm ở nước ta; là một di tích có vị trí văn hóa - lịch sử cao trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà. Sự hiện diện của thần Nam Phổ trong ngôi đình làng đã khẳng định lịch sử lâu đời cùng nguồn gốc tiên rồng của dân tộc ta và bề dày tồn tại của một làng quê truyền thống.

Sự cổ kính và vẻ đẹp của kiến trúc nghệ thuật đình làng Xuân Dục đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng vào nhóm đình tiêu biểu của nước ta. Hằng năm, dân làng Xuân Dục tổ chức lễ hội đình làng rất lớn vào ngày 10/3 âm lịch. Ngoài sự góp mặt của 3 làng kết chạ là Tam Tảo (Bắc Ninh), Cổ Loa, Đông Trù (huyện Đông Anh, Hà Nội), hội làng Xuân Dục còn lôi cuốn đông đảo nhân dân trong vùng và khắp nơi cùng về tham dự.

Trong những ngày lễ hội có nhiều bộ môn thể thao và trò chơi dân gian được tổ chức tưng bừng như: đấu vật, cờ tướng, trò chơi bịt mắt đập niêu, trò chơi đu bay, trò chơi vừa chạy vừa mặc quần áo rồi cả thi đấu chọi gà, thả chim bồ câu. Trên mặt ao bán nguyệt trước sân đình, bồng bềnh chiếc thuyền nan, các liền anh liền chị của quê hương Tam Tảo (Bắc Ninh) còn trổ tài hát quan họ.

Trước đây, hội làng có cả trò chơi thi đi xe đạp chậm nhất trong ô kẻ, đi xe đạp đốt pháo và biểu diễn ngoài trời của đoàn chèo hoặc cải lương được nhân dân mến mộ đón về trình diễn. Tuy nhiên, theo thời gian, các trò chơi, hoạt động này không còn nữa, nhường chỗ cho các môn thể thao mới như cầu lông, bóng chuyền hơi và thể dục dưỡng sinh thu hút nhiều câu lạc bộ trong vùng về tham dự. Tối đến tại sân khấu trung tâm đình làng có các tiết mục văn nghệ của các diễn viên chuyên và không chuyên của 2 làng anh em kết nghĩa Tam Tảo - Xuân Dục, với các giọng ca “cây nhà, lá vườn” thể hiện tình cảm thắm đượm hai thôn kết chạ.
Trong những ngày hội, ngoài các trò chơi thượng võ và văn hóa dân gian, dân làng còn tổ chức đám rước long trọng, để đưa hai vị thần từ miếu Đông - nơi Hai Bà Trưng tế lễ cầu thần Nam Phổ và miếu Đoài - nơi trường học của vị nhân thần Lý Tam Lang về đình dự lễ. Mãn hội các vị thần lại được rước về miếu để thờ phụng, toàn dân trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường với cuộc sống an vui và tấm lòng thành kính hai vị Thành hoàng làng.

Ngô Định-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác