Ngõ Tạm Thương là một con ngõ chỉ rộng khoảng 7m và dài hơn 100m, mặt phía nam mở ra phố Hàng Bông. Khoảng đầu thế kỷ XIX, quan chức nhà Nguyễn tại Hà Nội có cho dựng ven con đường đi qua thôn Yên Thái một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho tạm. Vì vậy nên con đường này về sau đổi tên thành ngõ Tạm Thương.
Thời Pháp thuộc cũng dịch đúng và gọi là Ruelle Tam Thuong. Ngõ này từ mấy năm nay được biết đến như phố của các món nhậu, nơi có món nem chua rán rất khoái khẩu cùng các thứ đồ nhắm bình dân khác.
Ngõ Tạm Thương - Hàng Bông. Panorama
Giữa phố phường Hà Nội đông đúc và tấp nập, mấy ai biết rằng vẫn còn một con ngõ hiếm hoi lưu giữ đầy đủ hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình đặc trưng của làng quê Bắc Bộ.
Nhiều người có thể ngồi ở đây đến tận khuya để tán gẫu, đàn hát hoặc nhâm nhi vài cốc bia với các món ăn đặc sản của ngõ phố Hà Nội.
Ngõ Tạm Thương nằm trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tuy chỉ dài khoảng chừng 800m nhưng đây là một trong những con ngõ có lịch sử lâu đời nhất nhì đất Hà Thành.
Con ngõ với bề dày lịch sử
Đã có nhiều giai thoại về tên gọi "Tạm Thương" của con ngõ này, phần đông người dân tại đây cho rằng cái tên này đã xuất hiện từ thời nhà Lý, tức là gần một nghìn năm trước.
Một góc ngõ nhỏ Ngõ Tạm Thương. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (70 tuổi) là một người đam mê lịch sử và có nhiều thế hệ trong gia đình sống tại ngõ Tạm Thương, cho biết: "Tên gọi ngõ Tạm Thương này là cả một lịch sử. Ngày xưa khi nhà Lý tiếp quản kinh thành Thăng Long có lập ở khu vực này và phố Đường Thành, phố Hàng Mành một cái kho thóc hình vuông. Thời đó, ngõ Tạm Thương có thể hiểu là trạm thương mại buôn bán, người dân ở con ngõ hầu như đều làm nghề buôn bán, trao đổi thóc ở kho này.
Chữ ‘Thương’ theo chữ Hán là ‘kho thóc hình vuông’, vì vậy ‘Tạm Thương’ có thể hiểu là kho thóc tạm thời của triều đình có hình vuông. Kho thóc tại con ngõ này có trách nhiệm cân đối giá thóc tại kinh thành Thăng Long lúc bấy giờ.
Đình Yên Thái thuộc số 40, ngõ Tạm Thương. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Nhiều người cho rằng, câu nói "Trai Yên Thái, gái Tạm Thương" cũng bắt đầu được lưu truyền trong dân gian thời điểm ấy.
Không chỉ có tên gọi chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, mấy ai biết rằng con ngõ nhỏ bé này lại có mối liên hệ đặc biệt với Nguyên Phi Ỷ Lan hay Linh Nhân Phù Thánh Hoàng thái hậu, phi tần của Hoàng đế Lý Thánh Tông và cũng là sinh mẫu của Hoàng đế Lý Nhân Tông.
Tương truyền, khi Nguyên Phi Ỷ Lan nhiếp chính, bà thường đích thân di giá đến ngõ Tạm Thương để kiểm kê kho thóc đồng thời tham gia trợ cấp cho dân nghèo. Cũng nhiều người cho rằng, chính lòng thương dân của bà đã tạo tiền đề cho sự ra đời của hai chữ "Tạm Thương".
Giếng cổ trong đình Yên Thái được khơi mạch vào năm 1063, khi vua Lý Thánh Tông xây dựng cung Động Tiên. Ảnh: Nguyễn Tùng.
"Nguyên Phi Ỷ Lan thường về đây trợ cấp cho dân nghèo nhưng vì kho lương có hạn nên bà không thể giúp được tất cả mọi người. Có thể hiểu, ‘Tạm Thương’ nghĩa là ‘có ít thì thương tạm, thương ít’, thương dân nhưng không có đủ để cho dân", bà Nguyễn Thị Thuý Lan (80 tuổi) chia sẻ.
Ghi nhớ công ơn của Nguyên Phi Ỷ Lan, sau khi bà mất, người dân nơi đây đã đặt tượng thờ của bà tại đình Yên Thái (số 40, ngõ Tạm Thương) để thường xuyên dâng hương, thờ phụng.
Vào các ngày âm lịch từ 15 đến 17 tháng Ba, từ 23 đến 25 tháng Bảy hàng năm, lễ hội truyền thống đình Yên Thái lại được tổ chức vô cùng long trọng để kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của bà.
Cây đa, giếng nước, sân đình
Là một con ngõ với bề dày hàng trăm năm lịch sử, ngõ Tạm Thương vẫn giữ trong mình dáng vẻ mộc mạc, truyền thống trước sự biến hoá nhanh chóng của xã hội hiện đại.
Ghé thăm con ngõ, nhiều du khách không hỏi bất ngờ trước hình ảnh của cây đa, giếng nước, sân đình vốn vô cùng phổ biến tại làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa.
Đầu tiên, không thể không nhắc đến đôi đa cổ thụ nằm song song bên cạnh lối vào đình Yên Thái. Tuy hai gốc đa này không quá to lớn, chỉ cao khoảng 10 m nhưng đã có tuổi đời trên dưới một trăm năm.
Chiếc giếng cổ rêu phong tại ngôi nhà số 25 của ông Nguyễn Văn Ngọc. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Ngõ chật, người đông nhưng người dân Tạm Thương không hề cảm thấy đôi đa này chiếm diện tích hay vướng víu. Không chỉ bởi cây đa cổ thụ là vật linh thiêng không được phép mạo phạm mà chúng còn chứa chan nhiều kỷ niệm, chiếm vị trí quan trọng trong lòng của người dân nơi đây.
Ngõ Tạm Thương trước đây vốn có rất nhiều giếng cổ nhưng hầu như đã bị san lấp gần hết trong quá trình tu sửa, cơi nới nhà cửa. Hiện tại, chỉ còn lại hai chiếc nằm ở đình Yên Thái và số nhà 25.
"Giếng cổ ngõ này hiện nay bị lấp hết rồi, chỉ còn hai cái giếng là giếng bên đình và giếng nhà tôi, tuổi đời cũng xấp xỉ ngôi đình này. Thời Pháp thuộc có xi măng nên được cải tạo lại, xây đắp lên thành giếng", ông Ngọc cho biết thêm.
Những chiếc giếng có tuổi đời hàng trăm năm, hầu như không còn được sử dụng nhưng lại là hiện vật lịch sử vô cùng quan trọng, thể hiện tinh thần tôn vinh giá trị truyền thống của người dân Tạm Thương.
Không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp truyền thống, ngõ Tạm Thương còn sở hữu đặc sản nem chua rán vô cùng nổi tiếng. Khi ánh mặt trời đã bớt gay gắt, những chiếc nem chua rán thơm ngon, béo ngậy lại được người dân tất bật chuẩn bị, từ năm giờ chiều đến nửa đêm là thời điểm kinh doanh chủ yếu tại đây.
Ngõ Tạm Thương luôn mang trong mình một vẻ đẹp đặc biệt, làm siêu lòng bất cứ du khách nào ghé thăm. Ảnh: Nguyễn Tùng.
Bình dị, gần gũi là thế, ta nhận ra ngõ Tạm Thương cũng có những lúc nhộn nhịp và hối hả tới không ngờ. Những tiếng cười đùa, nói chuyện của người đến, kẻ đi như thổi một luồng sinh khí mới cho khoảng không gian nơi đây.
Ở Tạm Thương quả thật có một điều gì đó vô cùng đặc biệt, đủ để làm siêu lòng bất cứ vị lữ khách có cơ hội ghé thăm. Thậm chí, nhà thơ Chế Lan Viên sau một lần "lạc chân" vào con ngõ nhỏ này đã từng viết: "Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương/Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm/Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm/Thương một đời đâu phải Tạm Thương".
Bình luận của bạn