Nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ gắn với quy hoạch Thủ đô

Thứ 5, 14/12/2023, 13:59 (GMT+7)

Chia sẻ

 Khu Phố cổ chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô, chứa đựng hệ thống giá trị di sản lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc… to lớn, trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Mới đây, PGS.TS.KTS Nguyễn Trúc Anh – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có những đánh giá về thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ gắn với quy hoạch Thủ đô.

 
Nhiều căn nhà cổ đã được tu bổ để bảo đảm an toàn.

Thực trạng về giá trị không gian kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội

(10/10/2020)   Theo khảo sát thực tế khu Phố cổ hiện nay có diện tích khoảng hơn 82ha với 10 phường, 79 tuyến phố và 83 ô phố. Và là di tích lịch sử cấp Quốc gia được xếp hạng năm 2004, có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hoá qua các giai đoạn lịch sử.

Trong khu Phố cổ phần lớn là các công trình nhà ở có tổ chức không gian hình ống với các lớp công trình (ngoài 3 trong 4) có sân trong, giếng trời xen kẽ và mái dốc lợp ngói, sơn vôi vàng. Các chức năng chủ yếu trong Phố cổ là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở và các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Nói đến kiến trúc độc đáo của khu Phố cổ Hà Nội thì không thể không nhắc đến ngõ nhỏ trong lòng phố cổ. Nếu đường phố trở thành một không gian gắn liền với cuộc sống trong khu Phố cổ thì ngõ phố là mối liên kết không gian đó, là các huyết mạch của khu Phố cổ. Từ kiến trúc nhà ở gồm nhiều hộ gia đình chung sống đã sinh ra những bức tường ngăn cách, ngõ phố cũng mang đặc trưng hình ống nhưng ngoắt ngéo hơn. Các ngõ trong phố cổ Hà Nội có đặc điểm nhỏ hẹp, rộng khoảng 1,8m đến 2,5m nhưng chiều sâu đến 100m và có thể thông được sang các ngõ, phố khác. Hiện ở Hà Nội vẫn còn khá nhiều các ngõ như vậy như ngõ Hàng Hành ở phố Bảo Khánh, ngõ Tạm Thương ở phố Hàng Bông, ngõ Phất Lộc ở phố Mã Mây…

Do nền kinh tế phát triển, nhu cầu kinh doanh đa dạng, những phường nghề, phố nghề hiện nay ở Hà Nội đã dần bị biến mất hoặc chuyển đổi. Những khu phố gắn với nghề nghiệp hoặc mặt hàng đặc trưng của mình ngày càng bị mất dần. Đa số hiện nay các phố chỉ còn lại các tên gọi: Hàng Gà, Hàng Bông, Hàng Da, Hàng Chiếu, Hàng Mắm, Hàng Thiếc… nhưng lại không còn kinh doanh các mặt hàng như tên gọi của nó. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng công trình để đáp ứng nhu cầu của các hộ kinh doanh ngày càng phát triển làm tác động thay đổi dần diện mạo, bộ mặt kiến trúc, cảnh quan đặc trưng vốn có của khu Phố cổ.

Như vậy, vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp gì để có thể nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ Hà Nội. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy được hết những giá trị quy hoạch kiến trúc nơi đây luôn là bài toán nan giải từ trước đến nay nhằm đảm bảo được sự hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Điều này chắc chắn phải có sự góp mặt và phối hợp đồng bộ của các ngành khác nhau như xây dựng, kiến trúc, văn hóa, du lịch…

Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc cảnh quan khu Phố cổ, góp phần nâng tầm vị thế di sản cấp Quốc gia

Cùng với nét văn hóa và ẩm thực xứ Bắc thì quy hoạch kiến trúc khu Phố cổ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch Thủ đô. Nhiều du khách nước ngoài thích thuê khách sạn mini ở khu Phố cổ giữa lòng Hà Nội, mặc dù có thể giá phòng cao hơn và tiện nghi không sang trọng bằng các khách sạn lớn nơi khác nhưng họ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp và tìm hiểu văn hóa, tính cách của người Hà Nội. Họ có thể đi bộ hoặc ngồi xích lô dạo quanh khu Phố cổ để chiêm ngưỡng những nét kiến trúc cổ kính, nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Hiện nay, “Tham quan Phố cổ Hà Nội” là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế khi tới thăm Thủ đô. Chính việc khai thác những giá trị này đã góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa kiến trúc Phố cổ Hà Nội.

 
Kiến trúc, cảnh quan của nhà cổ, nhà cũ cần được bảo tồn.

Ngoài ra, cần thường xuyên có những chương trình đánh giá những tác động của hoạt động và phát triển du lịch đến các giá trị kiến trúc của khu Phố cổ Hà Nội để có kế hoạch phân bố hợp lý, giảm thiểu những tác động bất lợi. Quản lý chặt chẽ sự biến đổi văn hóa và có cơ chế ứng phó với những biến đổi văn hóa tiêu cực. Bảo đảm tất cả các hoạt động du lịch được phép tại khu Phố cổ phù hợp với giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc tại đây. Có như vậy phát triển du lịch mới hài hòa với di sản và nhờ thế bảo vệ được các giá trị kiến trúc của di sản.

Việc quan trọng nhất là cần quy hoạch khu vực này thành khu du lịch đặc thù. Cụ thể, xây dựng một quy hoạch phù hợp với đặc thù các giá trị văn hóa và kiến trúc riêng có của Phố cổ Hà Nội để tạo thành một điểm đến hấp dẫn và độc đáo. Hình thành nên những tuyến phố du lịch điển hình nhưng vẫn đảm bảo được tính nguyên dạng của nhà cổ, phố cổ. Đối với mỗi con phố, nên chọn những vị trí điểm nhấn, trang trọng đặt bảng hiệu giới thiệu ngắn gọn lịch sử lâu đời của nó nhằm cung cấp các thông tin, hiểu biết cơ bản cho người dân và du khách thì mới tôn vinh được giá trị văn hóa của đường phố ấy. Có thể hoàn thiện, làm sinh động, độc đáo hơn phố đi bộ của Hà Nội (trục Hàng Ngang – Hàng Đào – Đồng Xuân) bằng việc kết hợp các hoạt động buôn bán vào ban đêm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ vào các thời gian khác trong ngày.

Không chỉ vậy, cần nghiên cứu, khắc phục phố nghề ở khu Phố cổ Hà Nội như một nét văn hóa riêng. Ở mỗi phường nghề, phố nghề chỉ cần khôi phục thí điểm một số cơ sở sản xuất các sản phẩm cổ truyền của phố nghề cùng với việc bán hàng tại chỗ để quảng bá các sản phẩm đó. Ví dụ như: Hàng Bạc là cơ sở sản xuất và bán các mặt hàng vàng bạc; Hàng Đào là cơ sở sản xuất, nhuộm màu và bán các mặt hàng vải lụa, quần áo; phố Hàng Trống với nghề thêu; Hàng Hòm với nghề sơn ta; Hàng Bông với nghề bật bông làm chăn, đệm; Hàng Gai với nghề in; Thuốc Bắc với nghề bốc thuốc… Việc hình thành các cơ sở sản xuất và điểm bán hàng như thế sẽ vừa giúp ngành du lịch trong việc thu hút thêm khách đến đây tìm hiểu, khám phá về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội xưa, vừa giúp bảo vệ, khôi phục được các ngành nghề cổ truyền ở Hà Nội.

Dưới con mắt của người làm du lịch thì Phố cổ Hà Nội là một tài nguyên quý giá, nhất là ở giá trị kiến trúc độc đáo của khu Phố cổ. Giá trị kiến trúc độc đáo và quý giá ấy cần phải được nghiên cứu, khai thác để phục vụ cho mục đích phát triển du lịch thủ đô nhưng hơn thế nữa, chính bằng du lịch, lại để bảo vệ và phát huy nó trong đời sống đương đại.

Nhìn lại quy hoạch khu Phố cổ với quy hoạch Thủ đô

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng đối với khu vực nội đô lịch sử đặc biệt là khu Phố cổ như sau: cần cải tạo chỉnh trang để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử; bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực; không phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú; bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hoá – lịch sử – tôn giáo, kiến trúc đặc trưng qua các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô.

Hơn hết, các di tích lịch sử – văn hoá – kiến trúc – tôn giáo tín ngưỡng có giá trị cần được khoanh vùng bảo vệ và có quy định kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động bảo tồn, xây dựng hoặc các hoạt động khác có liên quan.

Theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu Phố cổ Hà Nội năm 2013, một số quy định về việc bảo tồn không gian kiến trúc cảnh quan như sau: Bảo tồn tôn tạo các giá trị về cấu trúc không gian của khu Phố cổ, các công trình di tích tôn giáo tín ngưỡng, nhà ở truyền thống và các công trình có giá trị xây dựng trước năm 1954; Bảo tồn nhà ở truyền thống theo hình thức và cấu trúc không gian nhà ống, với các lớp công trình có sân trong xen kẽ, có mái dốc lợp ngói; Bảo tồn các không gian, chiều rộng hiện có của các ngõ, ngách, đặc biệt trong khu vực bảo vệ tôn tạo cấp I và các tuyến phố, đoạn phố cải tạo, phục dựng. Nghiêm cấm lấn chiếm không gian ngõ, ngách hoặc xây dựng bịt các khoảng thông tầng, lộ thiên của các ngõ… Bảo tồn không gian phố nghề, phố chuyên doanh, thương mại dịch vụ truyền thống; Bảo tồn tôn tạo không gian cảnh quan, cây xanh trong khu Phố cổ; Cải tạo khu vực lõi bên trong các ô phố, nâng cấp hạ tầng, môi trường sống theo hướng tăng cường không gian mở, bổ sung cây xanh và cải tạo hệ thống hạ tầng; Dỡ bỏ các chi tiết, vật kiến trúc cơi nới, lấn chiếm không gian ngoài chỉ giới đường đỏ, các biển hiệu, biển quảng cáo, vật che chắn cũ, bẩn, tạm bợ và trái với quy định, quy chế…

Về kiến trúc, khu Phố cổ Hà Nội chính là điển hình của nền kiến trúc dân gian Việt Nam với sự kết hợp hài hòa, sinh động của tổng thể kiến trúc và sự tiện lợi trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, khu Phố cổ thực sự là một sản phẩm du lịch có giá trị cao về kiến trúc vật thể và phi vật thể, là sản phẩm du lịch văn hóa có sức hút đối với du khách trong nước và thế giới. Tuy nhiên những giá trị ấy đang có nguy cơ ngày một mất đi do rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động. Do đó, cần có sự chung tay của cộng đồng, cấp chính quyền quản lý để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu Phố cổ.

Diệu Anh – Ảnh: Hiếu Nguyễn -Nguồn 

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác