Một tình yêu lớn cho Hà Nội

Chủ nhật, 05/02/2023, 16:04 (GMT+7)

Chia sẻ

Định cư tại Paris từ năm 1988, hầu như năm nào tôi cũng về Hà Nội, dạo Hồ Gươm, ghé thăm Văn Miếu, các thắng cảnh di tích của thủ đô và đất nước mà những người ruột thịt của tôi có công gìn giữ.
Hằng năm, tôi thường về Việt Nam, du lịch các miền đất nước, từ mũi Đại Lãnh (Phú Yên) nơi đón bình minh đầu tiên ở Việt Nam đến địa đầu Hà Giang, Cao Bằng. Nhưng mọi kỷ niệm sâu sắc và những ký ức quý giá của đời tôi đều có được, tìm thấy tại trung tâm Hà Nội, nơi gia đình tôi gắn bó mấy đời. Tôi thường ở và ăn Tết Mậu Tuất tại gia đình kỹ sư Đào Đức Hoàng, anh cùng mẹ khác cha. Mẹ tôi, dược sĩ Phạm Thị Thành (1920 – 1969) có chồng trước là kỹ sư canh nông Đào Đức Thông, liệt sĩ chống Pháp hy sinh năm 1947, bố của anh Hoàng. Mẹ tôi tái giá với bố tôi, dược sĩ Thẩm Hoàng Tín (1909 – 1990), Thị trưởng Hà Nội năm 1950 – 1953.

5-16755240538041131707513-1.jpg

 Cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn thời Pháp thuộc

Cha tôi và cầu Thê Húc
Một điểm trùng hợp, cha tôi – Thẩm Hoàng Tín và cụ ngoại tôi – Phạm Văn Thụ đều có công giữ những di tích quan trọng cho Hà Nội cổ kính. Khi làm Thị trưởng Hà Nội, cha tôi đã cho sửa cầu Thê Húc. Nguyên do Tết Nhâm Thìn 1952, người dân đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông, làm cầu Thê Húc bị sập. Rất may nước hồ Gươm năm đó cạn nên trẻ con rơi xuống hồ không bị đuối nước. Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới.

Để có thiết kế đẹp, dược sĩ Tín tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu và trong hơn 30 mẫu của kiến trúc sư Pháp và Việt tham gia, thì mẫu của Nguyễn Ngọc Diệm được lựa chọn. Vẫn giữ lại dáng cong cầu vồng xưa, nhưng cong hơn để cầu khỏe hơn đồng thời làm cầu nổi hơn, giữ nguyên 16 hàng cọc tròn, các đầu trụ được vuốt nhọn gợi nhớ lại chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938. Dầm ngang, dầm dọc, mặt và thành cầu đều bằng gỗ.

2-1675524053890238494187-1.jpg

 Chân dung dược sĩ Phạm Thị Thành, tranh của Thẩm Hoàng Tín

Cụ ngoại giữ  Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Mấy năm trước, tôi tìm thấy một quyển sách bìa màu xanh lá cây trên giá sách cũ nhà anh Hoàng, bên trong giấy ngả màu vàng. Mở ra là tập hồi ký của cụ ngoại Phạm Văn Thụ – một đại thần triều Nguyễn – được dịch từ Hán Nôm ra tiếng Việt, rất khó đọc vì câu văn cổ ngày xưa.

“Vào một đêm cuối năm đúng 30 tết, ông Phan Chu Trinh (1872 – 1926) đến nhà và ở lại ăn tết một tuần, đêm nào cũng nói chuyện đến khuya. Ông Phan nói: “Thời cuộc này, tất phải thi hành chính thể dân chủ mới tiến hóa được”…

Nam thanh nữ tú, học sinh sinh viên, du khách thăm thú Văn Miếu – Quốc Tử Giám, có ai biết được để giữ gìn sự tồn tại của Văn Miếu cho đến ngày nay, đã có công lao không nhỏ của cụ Phạm Văn Thụ.

Năm 1902, bệnh dịch hạch lan tràn ở Hà Nội, lính Pháp và thường dân lây nhiễm vô kể, bệnh viện quá tải, chính quyền Pháp định phá Văn Miếu để xây dựng nhà thương, dự chi hai vạn bạc để dời Văn Miếu về Hà Đông. Phạm Văn Thụ tìm gặp Pasquier, Đổng lý văn phòng Phủ Toàn quyền (sau này là Toàn quyền Đông Dương), với thái độ cương trực, đòi giữ lại bằng được Văn Miếu, ông quyết liệt: “Dẫu triều Nguyễn dời đô vào Phú Xuân, cũng không hủy được Văn Miếu, phải để nguyên làm cổ tích nước Nam…”. Hơn nữa, ông đã phân tích lợi hại cho Pasquier hiểu: “Nếu nay hủy đi làm cho sĩ dân cả nước ngã lòng rất là phương ngại…”. Pasquier đã nghe lời, giữ nguyên, còn cho sửa sang, tẩy uế miếu đường nơi thờ cúng. Sĩ phu Hà thành lúc đó rất cảm kích công lao của ông.

Xin nhắc lại câu của lãnh tụ Nguyễn Thiện Thuật dành cho cụ tôi, cũng là lẽ sống của những người làm quan đức độ mà mọi thời đều mong muốn: “… Làm quan không phải để vinh thân phì gia, mà phải VÌ DÂN!”.

1-1675524053852657277637-1.jpg

 Tác giả vẽ lại chân dung cha từ tranh gốc của danh họa Bùi Xuân Phái

Sống lại ký ức
Tôi sinh ra tại Hà Nội, khi cha tôi là thị trưởng thời Pháp thuộc. Lúc ông đương chức, gia đình tôi được ở công thự chính là biệt thự Pháp 51 Trần Hưng Đạo, sau này là trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Bố tôi, một người yêu nước, đã chọn du học Paris, ngành dược, cho nhanh, thay vì học để thành bác sĩ. Học nhanh để về Hà Nội mở hiệu thuốc, trụ cột gia đình. Người vợ đầu của bố tôi tử nạn khi xe đi lễ ở Thái Bình bị trúng bom Pháp. Ông tục huyền với mẹ tôi, sinh được duy nhất con chung là tôi, là con út của hai người.

Dãy nhà số lẻ đầu phố Cửa Nam là cơ ngơi của Thẩm Hoàng Tín. Sau này, nhà nước trưng thu, vẫn giữ hiệu thuốc 8.3.

Về Hà Nội, tôi tập trung vẽ tranh cha, mẹ. Tôi làm việc nhiều năm cho hãng máy ảnh ở Pháp, gien vẽ là thừa hưởng từ cha. Cha tôi nổi tiếng yêu nghệ thuật, trọng nghệ sĩ. Nhà tôi suốt nhiều năm là một nơi hội tụ những nghệ sĩ lớn của thủ đô và đất nước, những bậc thầy.

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác