Madame Antigeon - Phố Đặng Tất

Thứ 5, 21/12/2023, 15:29 (GMT+7)

Chia sẻ

Đặng Tất là một con phố nhỏ dài 280m, rộng 5,5m, bắt đầu từ phố Trấn Vũ bên bờ hồ Trúc Bạch cắt qua phố Quán Thánh tới phố Phan Đình Phùng thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Đây nguyên là địa phận thôn Quan Quang thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn này đổi tên thành thôn Yên Quang.

Phố Đặng Tất ngày nay

Phố Đặng Tất ngày nay

Lịch sử tên phố Đặng Tất cho thấy, trong khi đặt tên cho các đường phố ở Hà Nội thời thuộc địa, cho dù phải theo nguyên tắc chung là các đường phố phải được mang tên những người Pháp có kỷ niệm gắn với lịch sử đô hộ của Pháp ở Việt Nam, những người Pháp đã chết trong hai cuộc đại chiến thế giới, những người Việt Nam nổi bật trong lịch sử dân tộc, các nhà chính trị hoặc các nhà văn… nhưng Hội đồng Thành phố đã rất thận trọng, có cân nhắc, tôn trọng truyền thống của dân tộc Việt Nam và các danh nhân Việt Nam.

Theo biên bản phiên họp thường kỳ ngày 25-10-1920 của Hội đồng thành phố, chủ tọa phiên họp đã đọc nguyên văn lá thư của bà Mercier, một người Pháp sống tại Hà Nội gửi Toàn quyền Đông Dương xin được đặt tên mẹ của bà là Camille Autigeon cho một đường phố ở Hà Nội với lý do là mẹ bà đã dành 16 năm cuối cùng của cuộc đời mình để dạy người Bắc Kỳ học thêu ren, một nghề mà trước đây chưa từng có ở thuộc địa này. Bà Mercier cũng nói rõ: bà Camille Autigeon có một xưởng làm đăng-ten ở Hà Nội, đã có nhiều cố gắng để truyền nghề thêu ren ở Bắc Kỳ và đã đem lại nhiều thành công trong các hội chợ ở Lyon, Roubaix, Bruxelles, Marseille, Paris, Hanoï…

Trong thư, bà Mercier mong muốn được lấy tên của bà Camille Autigeon để thay cho tên phố Hàng Điếu (rue des Pipes) vì theo bà, “ngày nay người ta không còn bán một cái điếu nào ở đây” và hơn nữa, “phố này nằm trong khu bản xứ, nơi mà nghề thêu ren đang rất thịnh hành và nơi đây là nơi thường xuyên có người Âu qua lại”[1].

Lá thư của bà Mercier được Toàn quyền Đông Dương chuyển cho Thống sứ Bắc Kỳ cùng với ý kiến sau:

“Tôi cho rằng cần phải lưu truyền lòng tưởng nhớ tới người phụ nữ nhiệt tình này, người đã từng là tác nhân cho sự thịnh vượng của Bắc Kỳ nói chung và cho thành phố của chúng ta nói riêng. Về điểm này, sự tinh tế bẩm sinh của dân xứ Bắc Kỳ đã thích ứng được với sự truyền nghề của bà Camille Autigeon mà đăng-ten, và nhất là sản phẩm thêu ren do họ làm ra ngày nay đã tìm thấy ở khắp nước Pháp.

Tuy nhiên, ngay cả việc phải thừa nhận sự nghiệp lỗi lạc này, theo ý tôi, thì không thể, theo như yêu cầu của bà Mercier, bỏ tên phố Hàng Điếu, một cái tên gốc đã được đặt từ lâu và được dân chúng quen dùng.

Nhìn bao quát bản đồ Thành phố, tôi nhận thấy có một phố nhỏ, nằm dọc một cách chính xác theo ngôi biệt thự của các con bà Camille Autigeon đang ở, phố đó mang tên phố Lò Gạch[2] mà tôi đoán là nó dẫn tới một cái lò gạch.

Phố này, bắt nguồn từ đại lộ Carnot[3], đến đại lộ Grand Bouddha[4], ở xa khu bản xứ và tên của nó thì hoàn toàn hiện đại, còn chưa ăn sâu vào thói quen của dân chúng…”[5].

Vì những lý do đã nêu mà Toàn quyền Đông Dương đề nghị Hội đồng thành phố nghiên cứu và đặt tên bà Camille Autigeon cho phố Lò Gạch[6].

Phần cuối của báo cáo, chủ tọa cuộc họp thông báo Đốc lý Hà Nội mới nhận được một lá thư khác của bà Mercier, xin từ bỏ ý định thay tên phố Hàng Điếu mà chỉ xin được đặt tên mẹ bà cho một đoạn của rue de la Citadelle[7], giữa rue du Coton[8] và phố Hàng Điếu.

 Đền thờ và mộ phần của Quốc công Đặng Tất.
Đền thờ và mộ phần của Quốc công Đặng Tất.

Tuy nhiên, tại phiên họp ngày 25-10-1920 của Hội đồng thành phố, yêu cầu của bà Mercier đã không được giải quyết. Mãi cho đến 11 năm sau, trong phiên họp thường kỳ của Hội đồng thành phố ngày 23-2-1931, Rue de la Briqueterie mới chính thức được đổi tên thành Rue Madame Autigeon[9]. Và ngày 1-12-1945, theo danh sách tên phố cũ đổi sang tên mới được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt y[10], phố Madame Autigeon chính thức được đổi tên thành phố Đặng Tất – một danh tướng thời Hậu Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh thế kỷ thứ XV và vẫn giữ nguyên tên gọi này cho tới ngày nay.

 
[1] TTLTQG I, Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (RST), hs: 79024-01.

[2] Phố Lò Gạch (Rue de la Briqueterie). Cần phân biệt phố này với phố Hàng Gạch (Rue des Briques), phố Hàng Gạch năm 1920 đổi tên thành phố Julie Blanchart, từ năm 1945 đến nay mang tên là phố Ngõ Gạch.

[3] Phố Phan Đình Phùng.

[4] Phố Quán Thánh.

[5] RST, tlđd.

[6] Phố Nguyễn Biểu ngày nay.

[7] Phố Đường Thành.

[8] Phố Hàng Bông.

[9] Bulletin municipale de Hanoï, 1931, numéro unique, tr. 247-248.

[10] VNDQCB, 1946, tr. 288-291

TS. Đào Thị Diến - Nguồn 

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác