Cùng với Giẽ Thượng, thôn Giẽ Hạ (xã Phú Yên, Phú Xuyên, Hà Nội) là một trong hai làng nghề giày da truyền thống, xây dựng nên thương hiệu hiệu giày da Phú Yên.
Vào các năm 1908 - 1926, trong xã Phú Yên có 02 cụ đi học nghề làm giày da là cụ Nguyễn Lương Các (bí danh cụ Hai Né) và cụ Nguyễn Lương Mạc. Thời gian theo học khá dài, sau khi học xong, hai cụ mang nghề về cho làng và đến nay, xã Phú Yên mới có được 2 làng nghề làm giày dép da truyền thống là Giẽ Hạ và Giẽ Thượng.
Có dịp về với xã Phú Yên bạn mới thấy hết nhịp điệu sản xuất sôi động của làng nghề. Trên dọc tuyến đường, các cửa hàng giày mọc lên đông đúc như một phố nghề sầm uất. Từ đầu đến cuối làng, một điểm chung dễ nhận thấy nhất đó là những cửa hiệu giày da truyền thống, với hàng trăm những đôi giày đủ mẫu mã, kích thước được bày bán. Toàn xã có trên 200 cơ sở sản xuất thu hút khoảng 2.000 lao động, sản xuất được gần 5 triệu đôi giày mỗi năm để cung cấp cho Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Nếu như trước đây, các hộ sản xuất giày ở Phú Yên chủ yếu làm thủ công thì hiện nay một số hộ đã đầu tư hàng tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất bán công nghiệp...và cũng vì lẽ đó so với các chủng loại giày dép khác thì giày da ở Phú Yên có giá rẻ hơn rất nhiều.
Nghề làm giày da không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho người dân Giẽ Hạ nói riêng, người dân xã Phú Yên nói chung, mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động trong làng và các vùng lân cận. Nghề giày da cũng vì thế đã trở thành niềm tự hào đối với mỗi người con đất Phú Yên.
Thông tin chung
Tên làng nghề | Làng da giầy Giẽ Hạ |
Tên làng nghề | 90 năm |
Sản phẩm chính | Giầy dép công sở, giày thể thao, giày vải, giày giả da.. |
Số lượng người sản xuất | 1550 lao động |
Nguyên liệu | Da, đế, mex, chỉ khâu, bột đá, keo |
Nguồn nguyên liệu | Mua tại địa phương do 18 hộ kinh doanh nguyên vật liệu cung cấp |
Năng lực sản xuất | Trên 5 triệu đôi giầy, dép các loại/ năm |
Thị trường chính | Thị trường nội địa |
Một số doanh nghiệp làng nghề | 2 công ty trên địa bàn: công ty Việt Anh và công ty Toàn Phong, 485 cơ sở sản xuất, hộ gia đình |
Thông tin khác |
Ngày nay, xã Phú Yên giống như một khu công nghiệp thu nhỏ. Mọi công đoạn liên quan đến nghề làm giày, dép, nghề da đều được kích hoạt, không khí lao động sôi nổi, rộn ràng để cho ra những đôi giày, dép đẹp mắt nhất, phục vụ người dân sử dụng.
Vào khoảng những năm 1970, địa phương là nơi gia công cho Công ty Giày da Việt Nam. Nhận thấy đây là nghề có thu nhập, thích hợp với nhiều lứa tuổi lao động nên nghề làm giày, dép da đã được người Phú Yên gìn giữ và phát triển. Nhưng phải đến những năm 2000, khi đất nước đổi mới, mở cửa mạnh mẽ, làng nghề giày, dép da Phú Yên mới thực sự khởi sắc. Lúc này, nghề giày, dép da đã không phải là nghề thoát nghèo nữa mà trở thành nghề làm giàu, với hàng chục tỷ phú trong xã. Những người dân ở đây cho biết, nghề của họ được gọi là nghề “ăn da”. Hộ dân nào, một năm “ăn” càng nhiều da thì càng giàu, càng giỏi. Bởi điều đó cho thấy, họ tiêu thụ được nhiều sản phẩm giày, dép ra thị trường.
Để làm ra những sản phẩm bắt mắt, phù hợp với giá cả thị trường, các hộ dân ở Phú Yên đã đi chiêu mộ các thợ giày giỏi về làm cho gia đình mình. Thợ giày được phân theo “đai đẳng”, qua thâm niên, sự khéo tay và con mắt tinh tế trong sáng tạo. Căn cứ vào đó phân ra làm hai loại: thợ mũi và thợ đế. Thợ mũi có nhiệm vụ tạo hoa văn, tạo dáng, gò và cắt gọt. Còn thợ đế, dùng sức, dùng keo và đinh, chỉ khâu để gắn đế sao cho chặt với thân giày. Trong hai cấp bậc thợ đó thì thợ mũi làm khó và được đánh giá cao hơn.
Thế mạnh của giày da Phú Yên là dòng hàng giày công sở, giá thành phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người tiêu dùng. Với sự tin tưởng của người tiêu dùng, dòng sản phẩm này ngày càng mở rộng; chiếm ưu thế trên thị trường trong nước vào những năm gần đây.
Với sự nỗ lực của các nghệ nhân và người lao động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tin tưởng nghề da giày truyền thống ở Phú Yên sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững và người dân trong xã sẽ thực sự có cuộc sống phát triển từ nghề truyền thống.
Bình luận của bạn