Kiến trúc biệt thự thời Pháp ở Hà Nội

Thứ 5, 08/12/2022, 18:31 (GMT+7)

Chia sẻ

Biệt thự (villa) là nhà ở gia đình riêng biệt, có vườn trên một khuôn viên, thường là nơi ở của giới thượng lưu. Biệt thự xuất hiện sớm nhất ở Hy Lạp cổ đại, sau đó, trải qua thời gian có mặt ở nhiều nước trên thế giới và được hoàn thiện với chuẩn mực của kiến trúc cổ điển Ba-rốc vào thời cận đại ở châu Âu thế kỷ 17-18. [7]. Hiện nay, biệt thự vẫn là một trong các loại hình kiến trúc nhà ở gia đình phổ biến ở các nước trên thế giới.

20a07004-01-1.jpg
 Thư viện trường Chu Văn An – Thụy Khuê (Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

20a07004-02-1.jpg
 Hình 2. Nhà vườn Ngọc Sơn Công Chúa, Huế

20a07004-03-1.jpg
 Hình 3. Nhà ở nông thôn truyền thống, làng Đường Lâm, Hà Nội [Internet]


Ở nước ta, “Nhà vườn” Huế, kể cả nhà ở nông thôn truyền thống, nhất là những ngôi nhà của tầng lớp trên cũng có thể coi là một dạng biệt thự. Như vậy, có thể thấy, biệt thự phản ánh một lối sống của xã hội và trong quá trình phát triển của kiến trúc biệt thự, bên cạnh những đặc điểm chung, luôn có những nét riêng phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội và điều kiện tự nhiên của từng dân tộc, quốc gia. Đó là cơ sở để tạo nên các phong cách kiến trúc biệt thự khác nhau. Biệt thự được xây dựng thời Pháp ở Hà Nội không là ngoại lệ (Hình 1,2,3). Quá trình phát triển kiến trúc biệt thự ở Hà Nội trong gần một trăm năm đã tạo nên một quỹ di sản kiến trúc và đô thị có giá trị, góp phần làm nên bản sắc đô thị. Do đó, việc nhận diện các giá trị nhiều mặt của kiến trúc biệt thự được xây dựng thời Pháp ở Hà Nội có ý nghĩa quan trọng và quyết định đối với thái độ của chúng ta trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc biệt thự trong cuộc sống đương đại.

Kiến trúc biệt thự thời Pháp ở Hà Nội
Ngày nay, khi nói về biệt thự được xây dựng thời Pháp ở Hà Nội, chúng ta có thể dễ dàng thống nhất: Đó là một bộ sưu tập phong phú các phong cách kiến trúc Pháp ở Hà Nội với ý nghĩa, không chỉ là di sản kiến trúc đơn chiếc mà còn là di sản đô thị Pháp ở Hà Nội. Bởi chính các biệt thự được xây dựng trong các giai đoạn khác nhau với các phong cách kiến trúc khác nhau đã góp phần làm rõ quá trình thực dân hóa và đô thị hóa của Pháp ở Hà Nội. Kiến trúc biệt thự không có quy mô lớn, hình thức kiến trúc hoành tráng và ở những vị trí quan trọng với vai trò là điểm nhấn, chế ngự không gian trong đô thị như các công trình công cộng, nhưng lại áp đảo về số lượng và tập trung thành một khu vực với chức năng cư trú, chiếm diện tích lớn nhất so với các khu vực chức năng khác trong đô thị. Vì thế, khu vực biệt thự là một thành phần đặc trưng, góp phần tạo nên giá trị độc đáo của của cấu trúc không gian đô thị thời Pháp ở Hà Nội – Một dạng “Thành phố – Vườn” kiểu Pháp ở Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, sau hơn 10 năm với 2 lần đánh Thành Hà Nội (1873, 1883) và khi đã chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp với ý định ở lại lâu dài, nên ngay từ 1886 đã bắt đầu công cuộc quy hoạch và xây dựng trên quy mô lớn để Hà Nội trở thành thủ đô của Đông Dương thuộc Pháp [5]. Từ con đường được mở đầu tiên nối khu vực Nhượng địa mà người Pháp đã chiếm trước đó năm 1874 ở dọc bờ sông Hồng với Hoàng thành vừa bị thất thủ, mà ngày nay là các phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, một mạng lưới đường dạng ô cờ dần được hình thành, định hình khu phố kiểu Pháp ở phía Nam Khu 36 phố phường truyền thống và cả trên khu vực Hoàng thành Thăng Long. Hà Nội thời Pháp là một thành phố được quy hoạch với 2 tính chất và chức năng khác nhau: Là thủ đô của Đông Dương (khu vực Hoàng thành Thăng Long với trung tâm Ba Đình) và là thủ đô của Việt Nam (khu vực phía Nam với trung tâm được xây dựng xung quanh hồ Hoàn Kiếm). Chính tính chất khác nhau này quy định các chỉ tiêu quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy mô công trình kiến trúc công cộng và biệt thự khác nhau ở mỗi khu vực. Diện tích khuôn viên và quy mô công trình cũng như đường, phố ở khu vực Hoàng thành Thăng Long luôn lớn hơn so với các công trình tương tự ở khu phố Pháp ở phía Nam. Cụ thể là: Khuôn viên biệt thự ở khu vực được quy hoạch là thủ đô Đông Dương có diện tích trung bình khoảng 1000m2, trong khi ở khu vực phía Nam là 500m2, còn diện tích khuôn viên biệt thự giành cho công chức người Việt là 250m2.

Ở giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ I (1886-1920), thực dân Pháp đã tàn phá không ít các công trình thể hiện quyền lực và văn hóa của người Việt như Hoàng thành, Chùa, đình, đền miếu,… để lấy đất xây dựng những công trình phục vụ nhu cầu của người Pháp, thực chất là muốn xóa đi những giá trị tinh thần và ảnh hưởng văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của người Việt.

20a07004-04-1.jpg

 Hình 4a. Biệt thự ở Hà Nội theo phong cách cổ điển thuần túy – Biệt thự số 6B Quang trung
(Ảnh: KTS Nguyễn Phú Đức)

20a07004-05-1.jpg
 Hình 4b. Biệt thự ở Hà Nội theo phong cách Ba-rốc


Những công trình đầu tiên, mang phong cách kiến trúc thực dân và nhiều hơn cả là phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp, nhất là đối với các công sở. Thông qua kiến trúc, thực dân Pháp thể hiện mong muốn áp đặt văn hóa và phô trương sức mạnh của chính quốc ở thuộc địa. Phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tạo hình dựa trên các trục đối xứng trong tổ hợp mặt bằng và mặt đứng công trình cùng với việc sử dụng các thức và chi tiết trang trí theo các chuẩn mực của kiến trúc cổ điển phương Tây, như Rô-măng, Phục hưng, Gô tích và Ba rốc. Chính cách sử dụng các thức kiến trúc khác nhau mà có tên gọi phong cách Tân cổ điển tương ứng khác nhau. Đối với biệt thự, một mô hình nhà ở gia đình mới, lần đầu tiên được đưa vào xây dựng ở Hà Nội dành cho giới thượng lưu, quan chức và nhà giàu. Công trình cao từ 2 đến 3 tầng, có thể có vọng lâu và tầng hầm, ở giai đoạn đầu được thiết kế và xây dựng theo 2 phong cách phổ biến là Tân cổ điển thuần túy và Ba-rốc. (Hình 4a,b)

Những năm tiếp theo, nhiều biệt thự và một số trường học ở Hà Nội được xây dựng theo phong cách kiến trúc Địa phương Pháp. Điều này phản ánh tâm lý vọng quê của những người Pháp đầu tiên đến định cư tại Hà Nội. Với mong muốn có được ngôi nhà như ở quê hương, họ nhập khẩu hoặc đề nghị KTS thiết kế biệt thự cho mình ở Hà Nội theo đúng như mẫu nhà ở bản quán. Khác với phong cách Tân Cổ điển, phong cách Kiến trúc Địa phương không sử dụng các thức và chi tiết trang trí kiến trúc cổ điển, đồng thời vận dụng cả các dạng bố cục tự do trong tạo hình kiến trúc cùng với việc chú trọng sử dụng vật liệu cũng như đảm bảo sự thích ứng với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương. Phong cách Kiến trúc Địa phương ở Hà Nội khá đa dạng về tạo hình, tiêu biểu cho các vùng, miền ở Pháp, như miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Có thể dễ dàng nhận ra phong cách kiến trúc miền Bắc nước Pháp thông qua bộ mái có độ dốc lớn, thường được lợp bằng đá phiến đen (Ardoise), cửa sổ nhỏ, phần tường lớn và ít trang trí. Trong khi phong cách kiến trúc miền Trung nước Pháp lại thể hiện qua bộ mái có độ dốc vừa phải, đôi khi đầu hồi mái vát chéo (sơn tường) được lợp bằng ngói máy màu đỏ với hệ thống dầm (Console) gỗ với nhiều kiểu dáng, cửa đi và cửa sổ lớn, được trang trí cùng với góc tường bằng gạch gốm men khá độc đáo. Còn phong cách kiến trúc miền Nam nước Pháp thường có độ dốc mái nhỏ và được lợp bằng ngói ống, cửa sổ và cửa đi rộng gắn với hệ thống hàng hiên và sân, vườn (Hình 5a,b,c) [1,3]

20a07004-06-1.jpg

 Hình 5a. Phong cách kiến trúc miền Bắc nước Pháp

20a07004-07-1.jpg
 Hình 5b. Phong cách kiến trúc miền Trung nước Pháp

20a07004-08-1.jpg
 ình 5c. Phong cách kiến trúc miền Nam nước Pháp
 

Giai đoạn 1920-1945, thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II ở Đông Dương sâu, rộng hơn với các chính sách cởi mở nhằm khắc phục những thiệt hại nặng nề do chiến tranh thế giới lần thứ I gây ra ở Pháp. Mặt khác, bối cảnh kinh tế – xã hội ở Đông Dương và thế giới ở giai đoạn này đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho các xu hướng và ý tưởng kiến trúc tiến bộ phát triển, trong đó có kiến trúc biệt thự.

Trước hết là sự xuất hiện của xu hướng kiến trúc Tiền hiện đại với các phong cách Art Deco và Art Nouveau. Đó là triết lý sáng tạo kiến trúc mới theo hướng hiện đại khá tự do với mong muốn thoát khỏi ảnh hưởng của các thức kiến trúc và hình thức trang trí của phong cách Kiến trúc cổ điển vốn nghiêm ngặt và cầu kỳ (Hình 6). Tiếp đến là xu hướng kết hợp văn hóa Đông – Tây và phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu bản địa trong kiến trúc với đỉnh cao là phong cách Kiến trúc Đông Dương. Sau cùng là Biệt thự ghép (đôi) dành cho công chức người Việt được xây dựng tập trung ở khu vực các phố Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Mai Hắc đế ngày nay chủ yếu theo xu hướng kiến trúc Tiền hiện đại.

Điều cần nhấn mạnh là, Kiến trúc Đông Dương do KTS E. Hebrard sáng tạo dựa trên nguyên tắc kết hợp khéo léo giữa mặt bằng, phân vị khối kiến trúc công trình theo ngôn ngữ kiến trúc cổ điển phương Tây với bộ mái dốc phương Đông và chi tiết trang trí phỏng theo văn hóa kiến trúc truyền thống địa phương trên mặt đứng công trình, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp thích ứng với sự khắc nghiệt về khí hậu nhiệt đới ở Hà Nội, nóng, ẩm về mùa hè và lạnh về mùa đông được áp dụng, như: Mái dốc thường đua xa cùng với hàng hiên rộng để che mưa, chống nắng; sử dụng tầng bán hầm, tầng áp mái trong công trình cùng các ô trống ở sát sàn và trần của các phòng để tăng cường hiệu quả tích cực của thông thoáng tự nhiên và giảm độ ẩm tương đối thường rất cao ở Hà Nội vào đầu mùa hè.

20a07004-09-1.jpg

 Hình 6. Phong cách kiến trúc Art Deco

20a07004-10-1.jpg
 Hình 7. Biệt thự theo xu hướng kiến trúc kết hợp


Trên thực tế, Kiến trúc Đông Dương dù xuất hiện muộn hơn ở Hà Nội, nhưng là kiến trúc hài hòa với khung cảnh đô thị bởi sự tương đồng về quy mô và tỷ lệ của kiến trúc, đồng thời tạo ấn tượng gần gũi thân thiện với cộng đồng bởi các yếu tố văn hóa kiến trúc truyền thống đã được vận dụng trong công trình. Có thể khẳng định tư tưởng sáng tạo kiến trúc trên cơ sở kết hợp văn hóa Đông – Tây với phong cách Kiến trúc Đông Dương là thành tựu cao nhất của Kiến trúc Pháp ở Đông Dương, có ảnh hưởng sâu sắc đến những thế hệ KTS đầu tiên và sau này ở nước ta trong sáng tác kiến trúc theo hướng hiện đại và bản sắc (Hình 7).

Nhận xét
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về kiến trúc đô thị Pháp, trong đó có Biệt thự Pháp ở Hà Nội, được công bố. Các ý kiến đánh giá về phong cách kiến trúc biệt thự là tương đối thống nhất. Nhưng đánh giá toàn diện về kiến trúc biệt thự Pháp và ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển nhiều mặt của thành phố Hà Nội, thì chưa nhiều.

Trước hết, về kiến trúc đô thị: Như đã nói ở trên, sự đa dạng về phong cách kiến trúc biệt thự Pháp ở Hà Nội thể hiện đúng quy luật tiếp biến văn hóa trong phát triển của kiến trúc, đi từ nhập khẩu đến kết hợp và sau cùng là sáng tạo phong cách kiến trúc phù hợp với địa phương.

Bên cạnh giá trị đơn chiếc về kiến trúc biệt thự, mà chúng ta dễ dàng thừa nhận, rất cần sự thống nhất về giá trị tổng thể của khu phố Pháp như là di sản kiến trúc đô thị lịch sử – một thành phần quan trọng góp phần tạo nên giá trị của cấu trúc không gian đô thị khu vực nội đô lịch sử của Hà Nội để có giải pháp can thiệp thích ứng và nhất quán trong quá trình phát triển hiện nay.

Tiếp theo là về phương diện văn hóa, xã hội: Lối sống ở biệt thự góp phần khẳng định vị thế của tầng lớp thị dân mới ở Hà Nội – chủ nhân đích thực của đô thị Hà Nội, tiệm cận với các chuẩn mực của tầng lớp thị dân đô thị hiện đại ở nhiều nước trên thế giới. Yếu tố thanh lịch của người Tràng An xưa, nay kết hợp với những chuẩn mực mới của văn minh phương Tây đã tạo nên nét văn hóa cư trú mới, tích cực của người Hà Nội. Rất tiếc, cho đến nay những nghiên cứu về lĩnh vực này vẫn chưa nhiều và chưa đủ.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông
Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2020)-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác