Khu phố cổ khác khu phố cũ Hà Nội thế nào?

Thứ 3, 07/05/2024, 00:40 (GMT+7)

Chia sẻ

Ở trung tâm nội thành (thuộc quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình) có hai khu vực ở Hà Nội mà không phải ai cũng phân biệt được. Đó là “khu phố cổ” và “khu phố cũ”.

KHU PHỐ CỔ

Khái quát

Ở Việt Nam, có lẽ ngoài Hội An và thành phố Nam Định ra chỉ có Hà Nội là còn giữ được một khu phố cổ. Đành rằng do khí hậu, thời tiết, nguyên vật liệu xây dựng và do các cuộc chiến tranh nên diện mạo khu vực này như hiện thấy cũng chỉ là có từ cuối thế kỷ XIX. Nhưng theo các nguồn sử liệu khác nhau thì khu vực này đích thực là nhân lõi của kinh đô Thăng Long từ khi mới thành lập, tức cũng đã có từ ngàn năm tuổi.

Nói về địa giới không gian khu phố cổ thì có thể coi đó là một hình tam giác cân có đỉnh là phố Hàng Than, cạnh phía đông là đê sông Hồng, cạnh phía tây là các phố Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da, còn đáy là trục Hàng Bông - Hàng Gai - Cầu Gỗ. Tại khu phố này cho tới trước khi người Pháp tới đều chung một dáng dấp: các phố chi chít dọc ngang kiểu bàn cờ, phần lớn mang tên gọi của các mặt hàng sản xuất hay kinh doanh tại những nơi đó: Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Bồ... Tất cả các ngôi nhà ở hai bên đường đều theo kiểu “nhà ống”. Nhà như một cái ống, bề ngang hẹp, chiều dài sâu có khi thông ra một ngõ khác, phố khác. Bố cục cũng tương tự như sau: gian ngoài là chỗ bán hàng hoặc làm hàng. Tiếp đó là một quãng sân lộ thiên để lấy ánh sáng. Trên sân có bể cạn (trong có hòn non bộ, có cá vàng), quanh sân là cây cảnh, là giàn hoa. Gian nhà trong , mới là nơi ăn ở và nối vào đó là khu phụ. Đa số là nhà một tầng, lợp bằng những viên ngói nhỏ nhắn, với đặc trưng hai bức tường hồi vượt cao lên khỏi mái, xây giật cấp như những bậc thang và đầu nóc là hai trụ đấu ngộ nghĩnh. Cũng có một số nhà xây thêm tầng gác nhưng thấp và không mấy khi trổ cửa sổ, nếu có thì rất nhỏ (vì các triều đại cũ cấm dân không được nhìn mặt vua quan, nhất là nhìn từ cao, khi vua quan đi trên đường).

Như vậy, nhà ống ở khu phố Hà Nội bé nhỏ, bình dị, vừa là xưởng sản xuất thủ công, vừa là cửa hàng, vừa là nơi sinh hoạt của gia đình. Tại khu phố đó, người mua bán vào mọi thời điểm, đem lại cảnh tượng tấp nập và nhà cạnh nhà, liền mái, liền tường, sum vầy nâng đỡ nhau. Cái hấp dẫn của khu phố cổ Hà Nội chính là ở chỗ này, ở cái tổng thể do người xưa đã sắp xếp thành một cơ thể đầy sống động, khăng khít, gắn bó, kề tựa nhau mà tồn tại, sinh sôi... Bên cạnh các nhà ống còn phải kể tới những chùa - đình - đền - miếu rải rác trong nhiều đường phố. Những công trình này trước hết là nơi thờ của các làng thôn phường cũ, như đình 38 Hàng Đường là của làng Đức Môn, một làng mà phố Hàng Đường chạy qua, hay là chùa Huyền Thiên ở 54 Hàng Khoai là chùa của làng cùng tên, nay là đất đai phố Hàng Khoai. Ngoài các công trình đó còn phản ánh gốc gác của cư dân kinh thành mà một bộ phận đáng kể là từ nhiều nơi khác, tỉnh khác di cư về đây làm ăn, như đình Hoa Lộc 90 Hàng Đào là của dân phường nhuộm màu ở Đan Loan (Hải Dương) lập ra, đình Tú Đình Thị 2A ngõ Yên Thái là nơi thờ tổ nghề thêu do dân làng thêu Quất Động (Hà Tây) dựng lên... Mặt khác sự tồn tại của các đình miếu này còn là bằng chứng của tâm linh người Hà Nội cũ: bên cạnh sự hoà đồng với tự nhiên và cộng đồng xã hội, người Hà Nội còn luôn tìm cách hòa đồng với một thế giới tâm linh, vì cùng với một không gian đô thị vật chất, vẫn tồn tại một không gian đô thị mang màu sắc huyền thoại, ẩn chìm và thiêng liêng, ở đó có thể giao hoà cùng quá khứ chứa chất sức mạnh tiền ẩn.

Ngày nay, đành rằng qua các biến động của lịch sử, qua sự thích ứng với đời sống xã hội, khu phố cổ đã biến dạng, nơi ít nơi nhiều, song bóng dáng của người xưa (dù chỉ là của thế kỷ XIX song cũng đã là dư trăm tuổi) vẫn còn lưu lại ở dăm căn nhà này, ở vài đoạn phố kia và đặc biệt ở cái không gian văn hoá vẫn đậm đà hương vị cổ. Cho nên khu phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà ống nhỏ nhắn, xinh xắn, những con đường ăm ắp người đi, những đền chùa mái cong mềm mại, lại còn cả những không gian cây xanh mượt mà và ngọt ngào hương... tất cả đã làm nên một vẻ đẹp mà ở Việt Nam chỉ thành phố Hà Nội mới có.

Vì vậy, dù có biến dạng do sự hiện diện của những ngôi nhà theo kiến trúc mới thì khu phố cổ Hà Nội vẫn là một “kỷ niệm” mà người xưa gửi cho người ngày nay để rồi lại truyền lại cho đời sau. Cho nên chính quyền thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu triển khai những dự án để bảo vệ và tôn tạo quỹ đô thị quý hiếm này.

GIÁ TRỊ CỦA KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI

Giá trị lịch sử văn hoá:

Khu “36 phố phường" Hà Nội ra đời cùng với hoàng thành Thăng Long từ thế kỷ XI đời Lý. Khu thị dân cổ này nằm ở phía đông và đông bắc thành cổ trong gần 10 thế kỷ đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm giữ nền độc lập cho nước nhà. Khu phố cổ này, cùng với sông Hồng, là khu bảo vệ vòng ngoài cho thành cổ trong thời chiến, là khu vực buôn bán sầm uất nuôi sống thành cổ trong thời bình, là gương mặt của đất nước trong quan hệ đối ngoại.

Khu “36 phố phường" trước năm 1954 theo thống kê có 115 công trình tôn giáo tín ngưỡng, tới nay hiện còn 54 ngôi đình, 6 chùa, 22 đền, 3 miếu, tổng cộng là 85 công trình phân bố trên khu vực gần 100ha. Có thể nói là mật độ công trình tôn giáo tín ngưỡng ở khu phố cổ thuộc loại cao. Nhiều công trình có niên đại khởi dựng từ thế kỷ XI cùng thời đặt móng xây dựng thành Thăng Long. Các công trình tôn giáo tín ngưỡng ở khu phố cổ thuộc loại cao. Nhiều công trình có niên đại khởi dựng từ thế kỷ XI cùng thời đặt móng xây dựng thành Thăng Long. Các công trình tôn giáo tín ngưỡng này là không gian tâm linh mang tính cộng đồng, nó có mối quan hệ vô hình với các không gian tâm linh riêng của từng ngôi nhà trong khu vực. Các không gian văn hoá tâm linh này vẫn đang tồn tại, góp phần tạo hồn cho khu phố cổ.

Khu “36 phố phường" xưa, nay đếm được 76 phố, ngõ, có tới trên 50 phố được đặt tên phố bắt đầu bằng chữ Hàng, như: Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Lược, Hàng Cân v.v... Tên phố là tên phường nghề, tên của các sản phẩm bày bán... Cảnh sống sinh hoạt từ xưa đã nổi tiếng khắp đất nước là nơi “ngàn năm văn vật" là nơi.... Dập dìu tài tử giai nhân - Ngựa xe như nước, áo quần như nêm... (Truyện Kiều của Nguyễn Du). Nơi đây không chỉ đã từng là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá đa dạng: văn hoá ẩm thực phong phú với nhiều cửa hàng ăn uống nổi tiếng, văn hoá nghệ thuật tiêu biểu của các đoàn Quảng Lạc, Chuông Vàng, Kim Chung, Kinh Phụng; hoạt động sôi nổi của các rạp chiếu phim. Nơi đây có các trụ sở làm việc của toà soạn các báo trong thời kỳ Cận đại, như Trung Bắc tân văn, Hà thành Ngọ báo, Phong hoá, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy, Tin tức Đảng Cộng sản Đông Dương, Nhà xuất bản Tân Dân, trụ sở Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội Khai trí tiến đức, và đặc biệt là di tích lịch sử Cách mạng ở 48 Hàng Ngang, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập v.V...

Giá trị về không gian đô thị, về quần thể kiến trúc:

Trước hết phải nói lại rằng khu “36 phố phường" là thành phần khu thị dân trong tổng thể kinh thành Thăng Long, được hình thành theo quan điểm của thuyết phong thuỷ. Thăng Long là một đô thị sông nước: sông Nhị Hà viền quanh từ bắc sang đông; phía tây nam có hồ lớn: hồ Tây, Bảy Mẫu, có sông Tô Lịch, Kim Ngưu chảy quanh.

Khu “36 phố phường" nằm ở phía đông thành Thăng Long, xưa là phường Giang Khẩu; nơi có nhiệm vụ trấn phía đông kinh thành với đền Bạch Mã thờ Thành hoàng của Thăng Long là Long Đỗ (76 phố Hàng Buồm), có chợ Cửa Đông, chợ Đông Bạch Mã, xưa đặt ở phố Hàng Buồm sau chuyển lên địa điểm chợ Đồng Xuân ngày nay. Khu chợ Đông Bạch Mã này gắn kết với sông Nhị Hà là nơi “trên bến, dưới thuyền", buôn bán sầm uất là một thương cảng cổ - xuất phát từ lịch sử văn hoá truyền thống đó, kết hợp với thực tại hiện hữu về di sản nhà cửa ở nơi đây, các nhà nghiên cứu đã đề xuất khu vực mà giới hạn ở phía bắc là phố Hàng Chiếu, phía đông là đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, phía nam là phố Hàng Bạc, phía tây là Hàng Đường, Hàng Ngang, là khu vực bảo tồn số một; phần còn lại được gọi là khu hai.

Cả khu vực 1 và khu vực 2 của khu phố cổ Hà Nội hiện nay, mặc dầu đã được cải tạo nhiều từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, song đến nay vẫn còn phản ánh được một cấu trúc đô thị Á Đông với đường phố, ngõ nhỏ hẹp, nhiều đoạn đường gãy khúc hoặc uốn cong từ thời xa xưa để lại (nhất là ở khu vực 1). Hai bên phố là các loại nhà với đa phong cách, các nhà chia lô nhỏ bé, chiều cao 2 - 3 tầng phù hợp với không gian đường phố. Nhà lợp ngói, mái ngói lô xô cao thấp khác nhau; cùng các hoạ tiết trang trí mặt tiền nói lên sự giao lưu, cộng sinh văn hoá giữa văn hoá Việt với các văn hoá Hoa, Pháp và có cả văn hoá ấn trong quá trình hình thành, phát triển khu cư dân, buôn bán, thủ công nghiệp phố cổ.

Giá trị về công nghệ xây dựng tiêu biểu cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử:

Trong phần trình bày về giá trị các loại hình công trình kể trên đã đề cập đến phần nào về công nghệ xây dựng - khu “36 phố phường” xưa của Hà Nội là nơi tụ hội buôn bán, thợ thủ công nghiệp có tiếng của cả nước; do vậy nơi đây trở thành đặc trưng sự tài hoa của người kinh kỳ. Nghệ thuật, kỹ thuật xây dựng cổ truyền với các kiểu hệ vì kèo gỗ trang trí chạm khắc từ các công trình tôn giáo tín ngưỡng, đến nhà ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Kỹ thuật xây nhà với tường gạch chịu lực, với hệ san vỉa gạch trên dầm gỗ, hay trên dầm sắt - trần vôi trơn, mái ngói Tây... Và ngày nay là sử dụng khung bê tông cốt thép với các vật liệu trang thiết bị hiện đại v.V...

Các giá trị về công nghệ xây dựng ở các giai đoạn lịch sử trước cũng cần được tôn trọng giữ gìn cùng với những hình thức kiến trúc đã được sáng tạo trên cốt cách của kỹ thuật đã được sử dụng.

Từ những giá trị kể trên có thể nói rằng khu “36 phố phường" xưa là tài sản có giá trị kinh tế và văn hoá của Hà Nội, của đất nước. Nó là di sản văn hoá quý báu của đất nước.

Giữ gìn khu phố cổ Hà Nội là giữ gìn một dấu ấn bản sắc cho đô thị Hà Nội; làm cho Hà Nội trong tương lai có được những không gian truyền thống trong lòng không gian hiện đại... Khu phố cổ Hà Nội đang được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền thành phố Hà Nội rất quan tâm trong việc bảo tồn, cải tạo, phát triển sẽ là những khu vực hấp dẫn khách du lịch đến thăm, tạo đà phát triển kinh tế du lịch cho Hà Nội và cho đất nước. Thăm khu phố cổ Hà Nội, khách tham quan hiểu được sinh hoạt và truyền thống “ngàn năm văn hiến” góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hoá, trong quá trình hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc.

Khu phố cổ Hà Nội đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2004.

KHU PHỐ CŨ

Cuối thế kỷ XIX, từ năm 1883, người Pháp chiếm Hà Nội. Năm 1886 đã có một quy hoạch cho thành phố Hà Nội mới. Ban đầu tập trung cải tạo khu quanh hồ Gươm. Trên sát mái nhà số 3 Hàng Khay, nay vẫn mang dòng chữ 1886 là năm xây dựng. Sau đó có việc lấp hồ ao, lấp cả sông Tô Lịch và rồi phá toà thành cổ (năm 1894 - 1896) và toà luỹ đất. Các phố cổ được uốn cho thẳng hàng và thêm các công trình hạ tầng. Tại đây một số nhà cổ được xây lại kiên cố hơn vẫn theo kiến trúc cổ. Một số xây theo kiểu “Tây”, một hai hoặc ba tầng, chịu ảnh hưởng của vật liệu xây dựng mới và hình thức trang trí kiến trúc châu Âu.

Lần lượt xuất hiện của khu phố Tây, một ở quanh ngôi thành cũ vừa bị phá và một ở phía nam hồ Gươm, không kể khu Nhượng địa đã được quy hoạch từ những ngày đầu chiếm đóng. Ba nơi này, quen gọi gộp lại là “khu phố cũ”:

1. Khu Nhượng địa hình chữ nhật mà hai cạnh dài nay là đường Bạch Đằng và phố Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, hai cạnh ngang là đoạn đầu phố Tràng Tiền và phố Nguyễn Huy Tự. Đây nguyên là đồn Thuỷ quân của tỉnh Hà Nội cổ, tháng 8 năm 1875 bị buộc phải nhượng hẳn cho quân đội Pháp xây doanh trại, dinh thự và bệnh viện. Đây là những công trình kiến trúc kiểu “chính thống”, mái lợp ngói đá đen, mặt bằng có hành lang chạy bốn xung quanh, nhà cuốn hình cung. Dinh thự Tổng tham mưu trưởng quân Pháp (nay là Nhà khách Bộ Quốc phòng) còn mang trên nóc hàng chữ số ghi năm xây dựng 1874 - 1877. Bệnh viện Lanessan (nay là Quân y viện 108 và Bệnh viện Hữu Nghị) được xây dựng năm 1892 - 1893.

2. Khu thành cũ gồm các phố Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Chu Văn An, Trần Phú. Vì việc giải phóng mặt bằng dễ dàng (đất trong thành cũ) nên việc xây dựng có nhiều thuận tiện. Đường phố rộng, dài, vỉa hè cũng rộng với hệ thống cây xanh phong phú.

Phủ Toàn quyền nay là Phủ Chủ tịch xây dựng trong những năm 1901 - 1906, bề thế, hài hoà. Công trình do kiến trúc sư Ch.Lichtenfelder thiết kế, gồm hai tầng chính thức đặt trên một tầng đế và dưới một tầng sát mái. Tầng đế là một tầng nửa hầm xây nổi, có kẻ mạch vừa giả đá thường thấy trong kiến trúc cổ điển Pháp, đặt các phòng phục vụ, tầng hai vốn là phòng khách, phòng làm việc và phòng đặt tiệc. Tầng ba là những phòng riêng và nơi ở của toàn quyền.

Mặt bằng đối xứng hoàn toàn, có một khối lớn ở giữa và hai khối bên nhô ra, kiểu bố cục ba khối kiến trúc.

Sự phân bố chức năng hoàn toàn theo nguyên tắc bố cục đối xứng, ngoài phần sảnh lớn ở giữa, hai khối hai bên có cách tổ chức mặt đứng xử lý kiến trúc hoàn toàn giống nhau, mặc dù công năng mặt bằng khác nhau (phần bên trái là không gian lớn để tiếp tân, phần bên phải là các không gian nhỏ để dùng làm việc). Chi tiết kiến trúc bên trong dùng cột Côranh diêm dúa, giữa các cột là vòm, lan can cầu thang dùng sắt uốn.

Ngoài ra, đặc biệt các biệt thự ở đây thường theo kiến trúc miền Bắc nước Pháp, mái dốc, các chi tiết trang trí ở cửa, ở nóc diêm dúa, tỉ mỉ, có thẩm mỹ cao (các chủ nhà biệt thự này phần lớn là người vùng bắc Pháp).

3. Khu nam hồ Gươm là một hình chữ nhật mà hai cạnh dài nay là Tràng Thi - Tràng Tiền và Trần Hưng Đạo, hai cạnh ngang là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Khu vực này được xây dựng đồng thời với khu thành cũ song quy trình, quy hoạch có chậm hơn vì phải giải toả nhiều làng xóm.

Nhà hát Lớn do hai kiến trúc sư Boyer và Harvey thiết kế xây từ năm 1901 đến 1911, giống nhà hát Opéra Paris nhưng khối tích nhỏ hơn. Chi tiết bên trong của nhà hát tập trung chủ yếu ở trang trí vòm phòng biểu diễn và các sảnh lát gạch hoa kích thước lớn trong khi chi tiết bên ngoài cũng tập trung ở mái lợp ngói đá có các con giống ở các góc mái và mặt chính trang trí kiểu cột Côranh và các hoa văn sắt trang trí ở mái các lối vào hai bên.

Một số công sở quy mô lớn khác như nhà Ga Hà Nội và nhà Công ty hoả xa Vân Nam (nay là Tổng Công đoàn) được xây dựng xong năm 1902, trường Đại học Đông Dương năm 1904, Dinh Thống sứ và Phủ Thống sứ (nay là Nhà khách Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh Xã hội) năm 1919.

Trường Đại học Đông Dương được thành lập năm 1904 nhưng kiến trúc toà nhà chính được xây dựng vào năm 1923 và đến năm 1925 mới hoàn thành. Trường được xây dựng theo thiết kế mang từ Pháp sang, mặt bằng theo kiểu “chính thống” thường thấy, mặt đứng có được sửa đổi một ít, thêm những mái dốc chống nắng trên cửa sổ xây bằng ngói ta cho nhẹ và khối sảnh chính giữa được Đông phương hoá.

Kiến trúc trường Đại học này bấy giờ là hình thức có thể nói là đặc trưng cho kiến trúc Pháp trước thế kỷ XX, mặt bằng hoàn toàn đối xứng, nhấn mạnh những lối ra vào chính và cầu thang chính, trên mặt bằng không lấy gì phức tạp đó dựng lên mặt đứng khá cầu kỳ.

Dinh Thống sứ (Nhà khách Chính phủ hiện nay) và Phủ Thống sứ (Bộ Lao động Thương Binh Xã hội hiện nay) là hai công trình xây dựng vào những năm 1897 - 1906, (tới 1918 - 1919 có đại tu) với hình thức kiến trúc đánh dấu sự bắt đầu của việc rời bỏ phong cách kiến trúc địa phương, bắt đầu sự nhập cảng toàn bộ phong cách kiến trúc châu Âu như mái đá dốc có tầng áp mái và các cửa sổ nhỏ, dùng các hình thức kiến trúc cửa vào, đường xe lên, thường thấy trong các kiến trúc châu Âu. Phong cách này tồn tại trong loại hình kiến trúc dinh thự và công cộng dịch vụ cho đến những năm 1925 thì chấm dứt và được thay thế bằng phong cách kiến trúc có thể gọi chung là kiến trúc phương Đông.

Ngoài ra ở khu vực này đa số biệt thự có mái không dốc lắm và nhiều cửa, đó là theo kiểu kiến trúc phía nam nước Pháp.

Ở cả ba khu trên, tới những năm 20 và 30 của thế kỷ XX xuất hiện các công trình kiến trúc theo xu hướng kết hợp phong cách Á Đông. Một số có giá trị thẩm mỹ cao như Viện Bảo tàng Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử, 1928 - 1932), Sở Tài chính (nay là Bộ Ngoại giao, 1929 - 1931), Viện Pasteur 1930.

Nhà Bảo tàng Loius Finot tác giả là kiến trúc sư Héberard nay là Bảo tàng lịch sử, khởi công năm 1928 và khánh thành năm 1932, là một công trình kiến trúc phương Đông và nhiệt đới xuất hiện cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930. Công trình kiến trúc này cùng với viện Pasteur và Sở Tài chính là một biểu hiện của những tìm tòi mới chống lại hình thức sao chép nguyên bản kiến trúc Pháp. Mặt bằng bảo tàng chỉ gồm hai thành phần chính: Sảnh lớn bát giác phía trước và phòng trưng bày phía sau. Trên mặt bằng ấy dựng lên một hệ mái ngói nhiều mái, những ô văng đề chống mưa, chống nắng và chống gió.

Sở Tài chính Đông Dương nay là trụ sở Bộ Ngoại giao, tác giả cũng là kiến trúc sư Hébrerd là một ví dụ tiêu biểu nhất của xu hướng cách tân thịnh hành từ đầu những năm 1930. Nhà có dạng mặt bằng chữ I, phía trước là dãy các phòng làm việc kiểu hành lang giữa, phía sau là khu lưu trữ kiểu xuyên phòng, phần giữa là không gian cầu thang chính. Đáng chú ý sự cấu tạo hệ mái (với rất nhiều mái lớn nhỏ khác nhau) và cách xử lý cả ban công lớn, trên cửa có mái ô-văng nhỏ, và cách xử lý các khu cửa vào có sảnh thoáng. Do những yếu tố trên, cùng với kết cấu tường dầy, đã làm cho nhà rất mát, tạo hình kiến trúc ở đây cũng gây được ấn tượng khá bay bổng.

Viện Pasteur, nay là Viện Vệ sinh dịch tễ học, hoàn thành năm 1930, tác giả: kiến trúc sư Roger, là công trình có mặt bằng kiểu hành lang bên. Hành lang đặt ở phía nam so với các phòng thí nghiệm lớn. Bút pháp của tác giả tỏ ra thận trọng khi xử lý hình thức kiến trúc: mái lớn thành từng mảng, không nhấn mạnh sự bay bướm, cửa kính lớn hai tầng trên không chia nhỏ mặt đứng. Trang trí chi tiết chỉ chú trọng ở phần gác chuông trên mái tương ứng với sảnh chính, ở các gờ và cửa thông hơi dưới cửa sổ và mái hắt lợp ngói ta trên cửa sổ.

Việc lợp ngói ta có tải trọng nhẹ ở những mái ô văng dốc cũng là một đặc điểm thường thấy ở những công trình Viện Pasteur cũng như Sở Tài chính, nói lên việc dùng những vật liệu nặng ở những mái có độ dốc lớn là không thích hợp.

Tóm lại, cả ba khu trên nay được gọi là khu phố cũ hoặc “khu phố Tây”. Đấy cũng là một quỹ đô thị rất đặc trưng của Hà Nội./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bình luận của bạn

Tin khác