Mỗi tên phố thường mang đặc trưng của một ngành nghề thủ công truyền thống như: Hàng Bông, Hàng Gai, Lò Rèn, Hàng Đường,... đã tạo nên Khu phố cổ là nơi hội tụ của 36 phố phường buôn bán sầm uất có bề dày gần một ngàn năm lịch sử.
Thuở xa xưa, dọc theo hai bờ sông Hồng đã hình thành những khu vực dân cư sinh sống, quần tụ thành những làng nhỏ. Vào thế kỷ thứ V (454 - 456), thuộc thời kỳ Bắc thuộc, một trong những điểm dân cư này phát triển thành một quận nhỏ có tên là Tống Bình. Trải qua hàng ngàn năm, từ một đô thị sơ khai của người Việt với quy mô nhỏ bé, Tống Bình đã trở thành một thành phố trên ba triệu dân và là trung tâm đầu não về chính trị, quốc phòng, văn hoá, kinh tế quan trọng của đất nước Việt Nam. Từ Tống Bình tới Hà Nội ngày nay là cả một quá trình đô thị hoá phức tạp diễn ra trong không gian rộng với quy mô lớn.
Trong thời kỳ phong kiến, Hà Nội sớm trở thành trung tâm chính trị của đất nước khi Viên đô hộ Cao Biền cho mở rộng Đại La Thành vào năm 866 và đặt tại đây đại bản doanh của chính quyền đô hộ Trung Hoa. Nhưng Hà Nội chỉ trở thành Thủ đô của nước Đại Việt vào năm 1010, khi Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ, vị vua đầu tiên của Triều đại Lý quyết định cho dời Đô từ Hoa Lư về Đại La.
Qua tư liệu cũ để lại, khu vực sầm uất đông vui nhất của Hà Nội xưa là huyện Thọ Xương (tức quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng hiện nay) mà người ta quen gọi là Khu phố cổ. Nơi đây là cửa hàng cửa hiệu buôn bán hay sản xuất hàng thủ công chen vai sát vách nhau tạo thành những dãy phố, mỗi phố bán một mặt hàng hay hành một nghề riêng biệt và người ta lấy luôn tên sản phẩm để đặt tên cho phố.
Dưới thời nhà Lý, nhà Trần, Phố cổ Hà Nội bao gồm nhiều phường trong tổng số 61 phường thời đó. Dưới thời Lê, đầu thế kỷ XVI, Hà Nội trở thành Đông Kinh, khắp nơi đổ về buôn bán làm ăn trong 36 phường lúc bấy giờ, và dần dần, nơi đây chính là Khu Phố cổ thời nay. Vậy, cùng với những yếu tố nổi trội về lịch sử khác, Khu Phố cổ xứng đáng được xem là một không gian, mà tại đó một thời đã thể hiện một dấu ấn không thể phai mờ về cuộc sống đô thị khá toàn diện về kinh tế, xã hội, tập quán, truyền thống.
Trong lịch sử phát triển Hà Nội đã đón chào các du khách và thương gia nước ngoài vào thế kỷ XVII, trong đó phần lớn là các thương gia Trung Quốc. Từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, Khu Phố cổ Hà Nội cơ cấu đô thị trở nên dày đặc hơn, khoảng cuối thế kỷ XIX Khu Kinh Thành đã đạt tới các giới hạn tự nhiên của nó, sau đó việc mở rộng được tập trung theo hướng vào trong lõi của khu phố, các ao, hồ, đầm, dần dần bị lấp kín để xây dựng.
Với diện tích khoảng 100 ha, nằm ở phía Đông Kinh thành Thăng Long xưa, Khu phố cổ có lối kiến trúc khá độc đáo. Các ngôi nhà mái ngói nhỏ bé, thường có sân chung, lô nhô nối tiếp nhau từ dãy phố này đến dãy phố khác. Đến đây, du khách sẽ bị hấp dẫn bởi những giá trị văn hóa phi vật thể sống động với những di tích như: chùa cổ, đình làng, đền, miếu, quán... và cả những nhà thờ tộc với các lễ hội phong phú diễn ra thường niên trên các phố phường của Khu phố cổ Hà Nội.
Các phố được ngăn với nhau bởi những chiếc cổng lớn xây như bức tường mà bề rộng chiếm cả mặt đường. Trong mỗi phố là những dãy nhà san sát làm theo kiểu chồng diêm mà nay ta còn thấy ở các phố Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào... Nó vừa là nhà ở lại vừa là cửa hiệu.
Khu Phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, mang nặng bản sắc dân tộc Việt. Nơi đây diễn ra đồng thời nhiều hoạt động trong đời sống hằng ngày của cư dân đô thị: sinh sống, bán hàng sản xuất, lễ hội, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, tạo nên một sức sống mãnh liệt để Khu Phố cổ tồn tại vĩnh viễn và phát triển không ngừng.
Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, quy hoạch Hà Nội bắt đầu có sự thay đổi: Khu Phố cổ có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Đường phố được nắn lại, có hệ thống thoát nước, có hè phố, đường lát trải nhựa và hệ thống chiếu sáng. Nhà cửa hai bên đường phố xây gạch lợp ngói. Bên cạnh những nhà cổ mái ngói với các gờ đấu, bờ nóc dật tam cấp xuất hiện các ngôi nhà có mặt tiền được làm theo kiểu cách Châu Âu.
Từ năm 1954 - 1985, trong buổi quá độ dân cư, ở Khu Phố cổ có sự thay đổi. Nhiều gia đình từ chiến khu trở về được bố trí vào ở Khu Phố Cổ. Kể từ đó, số hộ ở trong mỗi số nhà cứ tăng dần lên từ một hộ đến hai, ba hộ; rồi mỗi hộ gia đình lại phát triển thêm theo kiểu tam tứ đại đồng đường v.v...Từ 1954 trở đi, do chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư nhân; chính sách phát triển sản xuất, chính sách kinh tế thời bao cấp, toàn bộ Khu Phố cổ nơi buôn bán sầm uất đã trở thành khu đơn thuần để ở, mặt tiền nhiều nhà cửa được sửa lại thành mặt tiền nhà ở có cửa đi và cửa sổ - phố xá yên tĩnh hơn; sự nhộn nhịp tùy từng nơi, từng lúc, thường theo giờ ca kíp đi làm vào sáng, trưa, chiều tối...
Phố cổ Hà Nội sở dĩ chiếm được vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của Thủ đô, trở thành niềm tự hào, say mê và quan tâm sâu sắc trong lòng mọi người của cả nước như ngày hôm nay, bởi vì, trong Phố cổ Hà Nội đã và đang chứa đựng được một hệ thống giá trị di sản lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc... to lớn.
xNgày nay, Khu Phố cổ đang tận dụng cơ hội phát triển kinh tế và đón nhận lượng khách du lịch rất lớn: các quán cà-phê, nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm thủ công và các khách sạn nhỏ đã lần lượt ra đời. Đi bộ để khám phá Khu Phố cổ “36 phố phường” có thể sẽ là niềm vui lớn nhất của du khách khi đến Hà Nội. Giữa khu phố Tràng Tiền náo nhiệt với những dòng người đổ về để ăn kem có một phòng trưng bày nghệ thuật rất rộng để thưởng ngoạn. Vào phố Hàng Gai, qua phố Hàng Hòm, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Buồm… đâu đâu không khí mua sắm cũng nhộn nhịp, đặc biệt là vào các tối cuối tuần. Nếu du khách yêu thích Huyền thoại Che Guevara thì ghé qua đầu phố Hàng Vôi, tại đây có hẳn một shop mang tên Anh hùng Che Guevara với nhiều đồ kỷ niệm có in hình Che. Và nếu là người thích sách, hãy dạo qua phố Đinh Lễ để thấy người Hà Nội háo hức với sách thế nào. Còn nếu bạn thích những quán cà phê mang phong cách “Tây” thì nên đi dạo dọc phố Lý Thái Tổ…
Ngày 5 tháng 4 năm 2004, Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng Khu Phố cổ là Di sản lịch sử của quốc gia
Bình luận của bạn