Khu Phố Cổ (Chương trình Phát triển Đô thị Tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP)

Thứ 6, 15/12/2023, 16:14 (GMT+7)

Chia sẻ

Bối cảnh và hướng tiếp cận

Khu Phố cổ là một khu đô thị chật hẹp có diện tích khoảng 100 ha với 14.374 hộ gia đình (khoảng 60.000 người) sinh sống trong khu phố. Trong lịch sử phát triển thịnh vượng Khu Phố cổ là nơi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho kinh thành Thăng Long, gồm cả sản phẩm thủ công và nông sản. Khu Phố cổ còn được gọi là khu “36 phố phường” do các phường hội thường tập trung theo tuyến phố để sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ mang tên phố (Ví dụ Phố Hàng Gai là phố tơ lụa còn Hàng Bạc là phố tập trung thợ chạm khắc ). Khu vực này hiện là khu vực có sự kết hợp các hoạt động sinh hoạt và thương mại sống động nhất của thành phố. Với nhiều công trình kiến trúc mang đậm bản sắc riêng của Khu Phố cổ, các lễ hội và sự kiện truyền thống và lối sống riêng của người dân Khu Phố cổ, Khu Phố cổ trở thành một không gian sống riêng có của Hà Nội, có sức hấp dẫn lớn đối với khách tham quan, mua sắm.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa của Hà Nội và lợi thế vị trí của Khu vực đã tác động lớn tới Khu Phố cổ khiến tất cả các khía cạnh đời sống, kinh tế và xã hội của Khu Phố không tránh được những thay đổi. Mặc dù có một số quy định áp dụng trong khu vực, gồm hạn chế về chiều cao, để bảo vệ cảnh quan 36 phố phường, tính chất kinh tế-xã hội truyền thống của Khu vực vẫn bị tác động. Các công trình văn hóa, lịch sử đang bị xuống cấp mà không được duy tu bảo dưỡng bởi cả chính quyền và người dân. Các giá trị văn hóa hữu hình và phi vật thể ngày càng mai một. Hoạt động xây dựng trái phép vẫn tiếp diễn, nhà ở chật chội ( Không gian sống trung bình của Khu Phố cổ chỉ bằng khoảng một nửa mức trung bình của Hà Nội trong khi tuổi thọ của các ngôi nhà ở khu vực này là khoảng 75 năm, cao gấp đôi mức trung bình của Hà ), công tác cải tạo cơ sở hạ tầng bị chậm trễ và môi trường sống tiếp tục bị suy giảm. Ngược lại, các hoạt động kinh tế và thương mại lại rất năng động do nằm ở vị trí trung tâm và nổi tiểng là không gian thương mại truyền thống. Do đó, mức thu nhập bình quân của các hộ gia đình trong khu vực này vào khoảng 360.000 đ/tháng, cao hơn mức trung bình 260.000 đ/tháng của người dân Hà Nội (xem Bảng 14.2). Đầu tư vào khu vực vẫn duy trì ở mức cao, với các ngành nghề truyền thống như sản xuất thủ công, cung cấp hàng hóa cho các cửa hiệu thời trang và các nhà hàng hiện đại cùng với nhiều ngành nghề kinh doanh khác.

Nhìn lại quá trình phát triển, có thể thấy những thay đổi này thường diễn ra trong suốt quá trình lịch sử. Điều này cho thấy trước hết phải xác định được các giá trị cốt lõi của Khu Phố cổ, trước khi thực hiện các biện pháp phát triển và bảo tồn và trước khi xin công nhận là Di sản của thế giới.

Tầm nhìn và định hướng bảo tồn và phát triển

Giá trị cốt lõi của Khu Phố cổ được xác định trong quá trình lập quy hoạch của dự án thí điểm trong đó người dân được tham gia đầy đủ. Kết quả cho thấy giá trị cốt lõi của Khu Phố cổ nằm ở các giá trị truyền thống phi vật thể chứ không phải các công trình cơ sở vật chất kỹ thuật. Do đó, tầm nhìn của Khu Phố cổ sẽ là “phát huy bản sắc và tính cạnh tranh của một khu phố thương mại truyền thống quan trọng bậc nhất và được đa dạng hóa với sự hòa quyện tài tình giữa các chức năng văn hóa, kinh tế, xã hội và đời sống”. Để củng cố đặc điểm riêng có của Khu Phố cổ, Nghiên cứu đã đặt ra các mục tiêu sau:

(i) Giữ gìn bản sắc và chức năng của “36 phố phường” trong Khu Phố cổ.

(ii) Cải thiện điều kiện sống cho người dân – những người gìn giữ giá trị cốt lõi của Khu Phố cổ và củng cố các cộng đồng giúp thúc đẩy mối quan hệ láng giềng gần gũi.

(iii) Cung cấp hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật gồm các kết cấu và cảnh quan mang đậm các giá trị truyền thống.

(iv) Đảm bảo không gian giao thông cho người dân, gồm cả không gian đi bộ và không gian cho các phương tiện thô sơ.

(v) Thúc đẩy các hoạt động thương mại/kinh tế truyền thống lâu đời để các hoạt động này đóng vai trò dẫn đầu trong phát triển kinh tế của Khu Phố cổ.

(vi) Khuyến khích người dân và hỗ trợ thể chế để đạt tầm nhìn cũng như khai thác và quản lý Khu phố cổ hiệu quả thông qua hỗ trợ công nghệ và tài chính.

Công tác bảo tồn và phát triển Khu Phố cổ phải được thực hiện ở cả cấp khu phố, ô phố và tuyến phố như sau:

(i) Ở cấp khu phố, cần đảm bảo sự toàn vẹn của toàn khu phố, trong đó cần có thể chế cần
thiết và năng lực quản lý tương ứng cũng như nguồn vốn để thực hiện.
(ii) Ở cấp ô phố/tuyến phố, cần thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể dựa trên đơn vị quản lý với sự tham gia chủ yếu là từ người dân.

 

.

.

Cơ chế thực hiện đề xuất

Trong toàn bộ khu Phố Cổ, có khoảng 70 tuyến phố và 70 ô phố. Mặc dù các hoạt động kinh tế được khuyến khích phát triển mạnh mẽ trên các đường phố, nhưng cuộc sống của người dân chủ yếu diễn ra ở sâu trong các khu nhà. Để tăng cường bản sắc của tuyến phố mà vẫn không làm mất đi tính cạnh tranh về kinh tế và cải thiện điều kiện sống mà vẫn giữ được các giá trị truyền thống, cần có sự tích hợp (mà chắc chắn sẽ có hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của người dân) giữa (i) quy hoạch tái phát triển một ô phố, (ii) quy hoạch phát triển một tuyến phố và (iii) thiết lập mô hình kinh doanh. Phương pháp quy hoạch đề xuất là một trong những nội dung của cơ chế thực hiện phối hợp với các biện pháp khác như xây dựng sự đồng thuận, cấp vốn, quản lý vào giám sát (xem Hình 13.11).

Mô hình phát triển đề xuất của khu Phố Cổ

14.20 Công tác bảo tồn và phát triển Khu Phố Cổ không thể thực hiện hiệu quả nếu chỉ có nỗ lực đơn lẻ mà cần có cơ chế linh hoạt huy động tất cả các bên liên quan và các cơ hội kinh doanh tiềm năng, các nguồn lực tài chính. Ngoài ra, khó khăn hiện nay của khu Phố Cổ là thiếu mạng lưới tổ chức, phối hợp và nguồn lực tài chính. Để thiết lập được cơ chế bảo tồn và phát triển bền vững cho khu Phố Cổ, cần thiết lập một mô hình kinh doanh phù hợp trong đó nguồn lực địa phương và người dân là những nhân tố chính trong việc thực hiện các kế hoạch
hành động và dự án.

Mô hình kinh doanh đề xuất chủ yếu bao gồm: (i) Quỹ Phố Cổ, (ii) thành lập các tổ chức mới, (iii) các tổ chức hỗ trợ tài chính, (iv) các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật và (v) các bên thụ hưởng. Động lực chính của mô hình kinh doanh này là thành lập “Quỹ Phố Cổ”. Quỹ này sẽ được sử dụng cho các hoạt động và dự án nhằm cải thiện môi trường xã hội, văn hóa và hạ tầng của khu Phố Cổ. Với chức năng là các cơ quan thực hiện chính mô hình kinh doanh này, bốn (4) tổ chức sẽ được thành lập: (i) Tổ chức Phát triển Cộng đồng (CDO) là cơ quan quản lý khu phố với chức năng đẩy mạnh và quản lý các hoạt động của Tổ chức Cộng đồng Địa phương, (ii) Cơ quan đầu mối (OSA) có chức năng cung cấp thông tin, tư vấn và phối hợp giữa người dân, khu vực tư nhân, khách du lịch và những người cần bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến khu Phố Cổ, (iii) Công ty Chuyên trách (SPC) là một tổ chức đặc biệt thực hiện các dự án phát triển đô thị (phát triển nhà ở, cải tạo các công trình tiện ích công cộng, v.v) và (iv) Tổ chức Cộng đồng địa phương (LCO) là tổ chức tự nguyện với sự tham gia của người dân để tăng cường các hoạt động văn hóa, xã hội, các loại hình kinh doanh của người dân và các dịch vụ công cộng, v.v. Sự đóng góp về mặt xã hội và lợi ích kinh tế của các tổ chức sẽ được huy động để bảo tồn và phát triển bền vững Khu Phố Cổ.

 

Người dân và các tổ chức, bao gồm các doanh nghiệp, trong Khu phố cổ rất muốn bảo tồn và phát triển khu vực này. Song khu vực này còn thiết một thiết chế hiệu quả và năng lực của các cơ quan thực thi. Những đề xuất cho việc phát triển thiết chế và năng lực như sau:

(1) Thiết lập một Cơ quan Một cửa: nhằm tiếp cận thông tin nhanh chóng và hỗ trợ việc thực hiện dự án có hiệu quả hơn, cơ quan này sẽ được thiết lập nhằm: (i) giới thiệu cho mọi người những thể chế phù hợp, (ii) thu thập và cung cấp thông tin đúng lúc, và (iii) phối hợp với các cơ quan liên quan. Cơ quan này sẽ phục vụ cả các ngành nhà nước và tư nhân và có nhân sự là các điều phối viên, tư vấn hoặc những người dân có kinh nghiệm.

(2) Thiết lập các Tổ chức Cộng đồng: Vì đội ngũ những người nghỉ hưu và người già sẵn sàng hỗ trợ công tác bảo tồn và phát triển Khu phố cổ và vì họ là những người khá thân quen với khu vực này, nên đây có thể là lực lượng chủ chốt trong các tổ chức cộng đồng mà sẽ được chính quyền địa phương và các biên liên quan thừa nhận. Với hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, những tổ chức này có thể hoạt động như các cơ quan thực hiện dự án cùng làm việc chung với các chuyên gia.

(3) Thiết lập các Hiệp hội Kinh doanh: Trước đây, đã có những hiệp hội kinh doanh tại Khu phố cổ dưới hình thức phường hội. Cho đến nay, các phường hội này vẫn còn hiện hữu nên các tổ chức kinh doanh này có thể thiết lập ở mỗi phố hoặc theo từng nghề nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và cải thiện điều kiện tuyến phố.

(4) Khuyến các Tổ chức Kinh doanh Cộng đồng: Các tổ chức kinh doanh cộng đồng tại Khu phố cổ có thể được thiết lập với sự tham gia của người dân, những người không những có thể kiếm sống được từ các tổ chức này mà còn đóng góp vào việc bảo tồn văn hóa và phân quyền ở cấp cộng đồng. Ví dụ, một tua du lịch do người dân địa phương hướng dẫn có thể không đạt mức chuyên nghiệp nếu xét về mặt dịch vụ, nhưng các thành viên tham gia có thể thu được nhiều thông tin địa phương hơn và cảm thấy hứng thú với những người dân địa phương này

(5) Tổ chức các Sự kiện và Lễ hội Văn hóa: Hiện có nhiều địa điểm văn hóa và lịch sử đã bị hư hại và lãng quên. Cần tu sửa lại những địa điểm này về nguyên trạng huy hoàng của chúng và để tái tạo các hoạt động truyền thống có liên quan tới những nơi này. Các địa điểm này có thể làm tăng nét quyến rũ của Khu phố cổ và củng cố mối quan hệ cộng đồng.

(6) Tổ chức các cuộc Hội thảo với sự tham gia của các nhà tài trợ và giới nghiên cứu: Mặc dù hiện có nhiều nghiên cứu và dự án về Khu phố cổ, nhưng vẫn chưa có kết quả rõ ràng về thông tin, dữ liệu và đề xuất. Các hoạt động hỗ trợ từ các nhà tài trợ và giới nghiên cứu bị cản trở do những hạn chế về thông tin. Giải pháp là tổ chức những cuộc hội thảo thường xuyên về Khu phố cổ về các lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, kiến trúc, kinh tế… Những nghiên cứu chung về việc bảo tồn và phát triển các khu phố cổ ở nhiều quốc gia khác có thể trở nên hữu ích.

(7) Lập hệ thống Tài chính vi mô để hỗ trợ cho các Hộ kinh doanh gia đình và Người dân: lập cơ chế tài chính vi mô cho các hộ gia đình và hộ kinh doanh nhỏ có thể là một biện pháp hiệu quả để cải thiện điều kiện sống trong khu vực và trong việc phát triển thương mại. Hệ thống này có thể do chính quyền địa phương (UBND phường) hoặc các ngân hàng quản lý.

(8) Thiết lập Quỹ Bảo tồn Khu phố cổ: Để lưu giữ những giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể có trong hơn 100 địa điểm tôn giáo, 70 tuyến phố và khu phố, và 200 căn nhà cổ trong Khu phố cổ, cần thiết phải lập ra quỹ này. Quỹ có thể huy động từ các nhà tài trợ, đơn vị kinh doanh tư nhân, thuế thu nhập, hoặc các nguồn thu từ nhiều hoạt động kinh tế đặc biệt là từ ngành du lịch.

Các kế hoạch hành động ưu tiên

Kết quả của dự án thí điểm về bảo tồn và phát triển bền vững Khu Phố cổ cho thấy người dân và các bên lien quan khác trong khu vực hiểu rõ tầm quan trọng của công tác bảo tốn và phát triển Khu Phố cổ, họ mong muốn thực hiện các dự án và kế hoạch hành động và sẵn sàng tham gia vào quá trình thực hiện. Mặc dù nhiều dự án trước đây đã không thành công hoặc không được thực hiện nhưng chủ yếu là do khung thể chế bảo tồn và phát triển chưa được xây dựng đầy đủ và năng lực của các cơ quan quản lý còn hạn chế. Do đó, Nghiên cứu đã đề xuất các kế hoạch hành động ưu tiên, gồm:

(i) Xây dựng QHTT phát triển bền vững Khu Phố cổ dựa trên cách thực hiện của HAIDEP.
(ii) Tăng cường năng lực quản lý của Ban Quản lý Phố cổ.
(iii) Thiết lập cơ chế khả thi cho công tác phát triển Khu Phố cổ dựa trên Hợp tác Nhà nước
– Tư nhân và sự tham gia của cộng đồng.

Nguồn - 36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác