Khám phá Hồ Tây (kỳ 9): Kỳ thú làng hoa thủy tiên, cá cảnh

Thứ 3, 20/08/2024, 15:10 (GMT+7)

Chia sẻ

Tiếp tục cuộc du ngoạn quanh Hồ Tây, đến kỳ này chúng ta hãy dừng lại ở Yên Phụ. Làng Yên Phụ xưa có một xóm ở trên bán đảo nhô ra hồ, có một con đường đất ra chùa Trấn Quốc. Dân Yên Phụ vẫn coi Trấn Quốc là chùa của làng và không gọi là Trấn Quốc mà gọi Bờ Lũy vì chùa che gió, chắn sóng cho đất làng không bị xói lở. Yên Phụ lại có đê Yên Phụ, khúc đê trọng yếu của sông Hồng…

Từ Yên Hoa đến Yên Phụ

Làng Yên Phụ xưa có tên là Yên Hoa. Năm 1841, vì kỵ húy mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên làng phải đổi tên thành Yên Phụ.

Thực ra không riêng Yên Hoa, tất cả những gì có chữ Hoa đều bị vua Gia Long và các vua Nguyễn sau bắt đổi. Thanh Hoa đổi thành Thanh Hóa, hoa đổi thành bông, hoa lợi phải đổi thành huê lợi… Chuyện bắt đầu là bà Hồ Thị Hoa, vợ của vua Minh Mạng, con dâu vua Gia Long. Tháng 5/1807, Hồ Thị Hoa sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Miên Tông, 13 ngày sau thì bà qua đời (lúc mới 17 tuổi).

Mẹ mất, Miên Tông được gửi cho bà nội là Hoàng hậu Thuận Thiên nuôi cho đến trưởng thành. Năm 1841, người con mất mẹ lúc 13 ngày tuổi Miên Tông lên ngôi, niên hiệu là Thiệu Trị. Và Thiệu Trị đã triệt để kiêng kỵ tên hoa là tên mẹ ông.

Đình Yên Phụ

Đình Yên Phụ bên bờ Hồ Tây

Tuy nhiên cũng còn một giả thuyết khác. Thời Hậu Lê ở Quảng Bá có trại huấn luyện voi của triều đình. Sau khi huấn luyện xong thì quản tượng cho voi đi ăn quanh vùng, khi qua Yên Hoa chẳng may một con bị sa lầy và chết. Vua phạt vạ và bắt đổi tên làng.

Từ năm 1981, Yên Phụ là một phường của quận Ba Đình. Phường Yên Phụ bao gồm làng Yên Phụ sát Hồ Tây, phố Yên Phụ và đê Yên Phụ.

Làng Yên Phụ xưa có một xóm ở trên bán đảo nhô ra hồ. Thời Hậu Lê, từ làng ra chùa Trấn Quốc có một con đường đất. Dân Yên Phụ vẫn coi Trấn Quốc là chùa của làng và không gọi là Trấn Quốc mà gọi Bờ Lũy. Sở dĩ gọi như vậy vì Trấn Quốc che gió, chắn sóng cho đất làng không bị xói lở. Bản đồ năm 1831 vẫn còn con đường này. Nhưng sau này con đường biến mất. Vì coi Trấn Quốc như chùa làng nên vào dịp hội làng 10/2 Âm lịch, theo lệ xưa (ngày nay vào ngày 9/2) người ta vẫn tổ chức rước kiệu từ đình sang chùa Trấn Quốc lấy nước thanh tịnh về đình để tắm tượng.

Chuyện đê Yên Phụ và những con đê thành lối xe

Tuy sông Tô Lịch từng gây ra lũ lụt nhưng không kinh khủng như sông Hồng. Theo mô tả của bác sĩ Hocquard trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ, năm 1883, đoạn đê khu Đồn Thủy (từ Bảo tàng Lịch sử xuống bệnh viện Hữu Nghị hiện nay) đã rất cao nhưng năm 1884 mưa bão lớn làm vỡ 60m, khu Đồn Thủy nằm trong biển nước.

Đê qua Hà Nội cực kỳ cần thiết và quan trọng ấy vậy mà không hiểu sao ngày 9/7/1888, đốc lý Hà Nội đã ra quyết định cho phá bỏ đoạn đê từ Yên Phụ xuống Lương Yên. Ngay lập tức Thống sứ Bắc Kỳ đã có công văn giữ nguyên đoạn đê và yêu cầu đắp lại những chỗ đã phá.

Hà Nội hiện có 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài 469,913 km, trong đó 37,709km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt trong đó có đê từ Nhật Tân đến dốc Yên Phụ. Đây là đoạn đê hoành tráng nhất trong hệ thống đê điều miền Bắc, cao tới 14m, mặt rộng, thân lớn. Sở dĩ đê đoạn này cao lớn là do được đắp lại sau khi đoạn đê Quảng Bá bị vỡ (hồ Quảng Bá ngày nay là dấu vết chỗ đê vỡ, nước xói tạo ra hồ) thời vua Tự Đức. Trước đó, phố Yên Phụ và Nghi Tàm ngày nay xưa là đê.

Đầu thập niên 1990, ở Yên Phụ nổi lên chuyện lấn chân đê làm nhà. Cả một đoạn đê khoảng hơn cây số qua địa phận phường Yên Phụ bị người ta đua nhau làm nhà hai bên thân đê, xây bậc lên xuống, lối ngõ vào nhà ngay thân đê hoặc bạt mái đê, cuốc xới trồng rau.

Sau khi “dẹp loạn” nạn lấn chiếm đê xong, Nhà nước cắm mốc, vạch rõ các chỉ giới, làm đường rộng 5m lưu thông ngay sát chân đê thì chẳng còn mấy ai vi phạm cái mốc đó nữa.

Từ đầu những năm 2000, sông Hồng gần như không còn lũ và những con đê lừng lừng từng che chắn lũ cho Thăng Long - Hà Nội trong nhiều thế kỷ giờ chỉ còn là những bức tường đất ngăn cách thành phố nhìn ra sông con, sông mẹ.

Làng chơi hoa thủy tiên và gây cá cảnh đầu tiên ở miền Bắc

Xa xưa Yên Phụ có nghề làm hương. Tương truyền nghề làm hương ở Yên Phụ có từ thế kỷ 13. Thời bao cấp Yên Phụ còn một hai nhà làm nghề này. Hương se xong mang ra đê phơi. Lời lãi không nhiều, lại tranh nhau chỗ phơi nên người ta bỏ nghề.

Thời Nguyễn, đàn ông trong làng chủ yếu đánh cá ở Hồ Tây vì quan tỉnh cho các làng ven hồ được hưởng hoa lợi từ hồ. Nhưng khi Pháp chiếm Hà Nội, chính quyền thành phố đấu thầu đánh cá nên họ không được tự do bắt cá nữa. Từ đó, đàn ông, đàn bà trong làng làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp quanh vùng, trong đó một số ít vào làm công ở vườn gây giống rau và hoa ở Laforge phố Thụy Khuê.

Từ làm công họ trở thành cai, trong đó có ông Trưởng Thụ người xóm Giữa. Ông không chỉ thông thạo kỹ thuật, cách thức chăm bón sao cho hoa nở đẹp mà còn biết người Pháp có nhu cầu cắm hoa hàng ngày, ông mua giống về trồng ở vườn nhà rồi truyền nghề này cho em là Hương Hồi. Thấy họ hàng nhà Trưởng Thụ khấm khá hơn nhờ hoa, nhiều gia đình có đất cũng bắt chước và năm 1924-1925, Yên Phụ trở thành làng trồng hoa Tây.

Tuy không nức tiếng như Ngọc Hà, Hữu Tiệp nhưng Yên Phụ lại hơn vì biết tỉa thủy tiên để bán trong dịp Tết. Nghề buôn giống hoa thủy tiên bắt đầu từ Yên Phụ. Họ nhập giống từ Thượng Hải, Hương Cảng mang về bán củ và tỉa. Vì nghề cần nhiều vốn nên trong làng chỉ ba nhà có máu mặt là Trưởng Cộng, Trưởng Hán và Trưởng Canh làm được. Nghề tỉa thủy tiên gặp thời tiết thuận lợi và gặp năm khách chơi nhiều thì kiếm vài trăm đồng vụ hoa Tết là bình thường. Giá giò đẹp từ 10-15 đồng, gần bằng một tháng lương thợ khi đó.

Thế chiến II nổ ra, nguồn cung cấp giống bị cắt nên Yên Phụ chuyển sang ươm hoa giống. Cùng với buôn thì họ cũng chơi thủy tiên. Hội thi hoa thủy tiên được tổ chức vào dịp Tết tại đình làng Yên Phụ, Ngũ Xã, đền Bạch Mã (phố Hàng Buồm) và Văn Miếu.

Nghề nuôi cá cảnh ở Yên Phụ bắt đầu từ nhà Hương Hồi. Nhà này thuộc hàng khá giả ở làng. Năm 1930, trong lần đi sang Hương Cảng mua giống thủy tiên, Hương Hồi đã mua cá vàng về chơi. Ban đầu chỉ là chơi sau thấy có thể kinh doanh được đã mày mò tìm cách cho sinh sản.

Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng Hương Hồi cũng đã thành công. Hương Hồi đặt hãng thủy tinh Thanh Đức làm cóng tròn để người chơi thả cá trong đó. Nhiều người làng cũng muốn bắt chước Hương Hồi nhưng khó nhất là khâu sinh sản và cuối cùng thì có hai người có máu mặt trong làng là Trưởng Thành và Trưởng Hán cũng học được nghề này. Từ cá vàng, họ sang Hương Cảng mua thêm các loại mới như: kiếm, chọi, khổng tước, vạn long, mã giáp... Từ kinh nghiệm nuôi và cho cá vàng đẻ, họ mày mò tìm ra bí quyết cho các giống này sinh sản nên không phải sang Hương Cảng mua giống nữa.

Năm 1948-1950, chơi cá cảnh đã trở thành phong trào ở Hà Nội rồi lan ra các thành phố lớn ở miền Bắc khiến làng Yên Phụ trở thành trung tâm cung cấp giống cá cảnh lớn nhất miền Bắc. Sợ bị mất nghề nên các gia đình gây giống thống nhất giấu kín và chỉ đàn ông mới giữ bí quyết này. Thế nhưng, một vài cô gái về làm dâu làng Nghi Tàm cũng trộm được nghề, xúi chồng xây bể nuôi cá.

Thập niên 1940, làng Nghi Tàm đã có vài nhà biết gây một vài giống cá, việc đó khiến người Yên Phụ tức tối. Nhưng sau họ cũng nguôi vì mang nghề cho nhà chồng, con gái Yên Phụ không bị coi thường. Tuy nhiên hai bên thống nhất phải giấu kín, vì thế nghề gây giống cá cảnh suốt một thời gian dài chỉ có ở Yên Phụ và Nghi Tàm.

Năm 1958, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và tiểu thủ công diễn ra rầm rộ khắp nơi, ở Hà Nội, xích lô, cắt tóc, vận tải thô sơ… đều vào hợp tác xã nhưng riêng nghề nuôi cá cảnh thì không. Chính quyền xã vận động nhưng những người nắm bí quyết cho cá sinh sản lý sự nghề này không phải là thủ công nghiệp và các cửa hàng mậu dich quốc doanh lại không thể bán được cá nên việc thành lập hợp tác xã nuôi và gây giống cá cảnh không thành.

Ngày nay, Yên Phụ không còn nhà nào gây cá cảnh giống nữa, họ nhập cá cảnh từ các nơi về để bán lẻ và bán buôn.


Nguyễn Ngọc Tiến (Thể Thao & Văn Hóa)

Bình luận của bạn

Tin khác