Các tác phẩm và dự án nghệ thuật trong không gian văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm: Kết nối Di sản – Ký ức và cộng đồng, Trải qua gần nửa năm lên ý tưởng cho Lễ hội thiết kế sáng tạo với những tác phẩm nghệ thuật trưng bày tương tác trong các không gian của Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, cũng như sau gần 2 tháng trực tiếp thiết kế, sáng tác, các tác phẩm của hơn 40 nghệ sĩ đã lấp đầy 8 không gian nghệ thuật tại đây.
Cuộc gặp gỡ tri ân các Nghệ sĩ – Nhà Thiết kế tham gia chương trình
Ngoài ra, trong suốt quãng thời gian hơn 1 tuần lễ hội, 8 cuộc toạ đàm hội thảo chuyên đề cũng đã được tổ chức nhằm chia sẻ các thực hành của các nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, nhà nghiên cứu đã tham gia dự án, đồng thời mở rộng các vấn đề liên quan tới di sản và sáng tạo nghệ thuật… nhằm mang tới những cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị của tinh thần sáng tạo của các các nghệ sĩ trong một TP sáng tạo – Hướng tới việc mở rộng tham gia sâu hơn vào một nền công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.
Dự án lớn nhất bao phủ phần lớn không gian tại 22 Hàng Buồm chính là Dự án “Hồn nhiên như cô tiên” với 4 không gian các tác phẩm “Tiên-Rồng”, “Diều Tiên”, “Mơ Tiên” và “Vườn Tiên”. Dự án này được thực hiện suốt gần 2 tháng với rất nhiều các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia dự án. Đây là một dự án giáo dục nghệ thuật thông qua tìm hiểu văn hoá di sản và lịch sử cũng đã được lồng ghép vào dự án khi hơn 20 hoạ sĩ trẻ nhiều thế hệ, phần lớn vừa tốt nghiệp các chuyên ngành lụa và sơn mài của trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam được hướng dẫn thông qua các buổi điền dã, nghiên cứu, khảo sát tiếp cận hệ thống tư liệu ở các ngôi đình cũng như Bảo tàng Mỹ thuật, sau đó là các buổi workshop làm việc với các nghệ nhân làm diều tiên, làm giấy Dó… Ý tưởng của các thành viên tham gia dự án dần hình thành và phát triển trong suốt quá trình diễn ra dự án, nghiên cứu cũng như tìm hiểu, tương tác và được thực hành trong chính không gian di sản của Hội quán Quảng Đông có tuổi đời hơn 2 thế kỷ.
Dưới vai trò giám tuyển và dẫn dắt, hướng dẫn cho các thành viên tham gia dự án, các tác phẩm từ chất liệu lụa, sơn mài, giấy Dó của các thành viên đã dần hình thành, trở thành những tác phẩm sắp đặt nghệ thuật lấy cảm hứng từ hình tượng tiên nữ cưỡi rồng tràn ngập trong các mảng chạm khắc trang trí Đình làng vùng Bắc Bộ, đồng thời các tác phẩm cũng đề xuất các phương án tương tác trực tiếp với không gian di sản kiến trúc, cũng như các lớp ký ức từng gắn kết với nơi chốn này. Ranh giới giữa các tác phẩm nghệ thuật với không gian kiến trúc trở nên xoá nhoà. Các yếu tố từ kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, ký ức, di sản trở thành một tổng thể vừa hoà hợp vừa đối thoại với nhau kích thích sự khám phá của người xem đủ các lứa tuổi. Những chiếc đèn tiên có cánh bằng composit phủ màu bỗng trở nên hoà quện với những mảng điêu khắc giấy bồi khắc hoạ loài dơi và ác điểu trang trí trên vòm trần. Hay những chiếc đèn tiên bằng giấy Dó của nghệ sĩ Vũ Kim Thư trở nên hấp dẫn, tô điểm ánh sáng huyền ảo của không gian tiền điện, lối cửa ra vào. Đôi cánh diều tiên của nghệ nhân diều Quan Hằng Cao sau bao chuyến bay trên khắp các bầu trời các nước trên thế giới mỗi dịp tham gia lễ hội diều quốc tế, khi quay trở về Hà Nội cũng đối thoại hoà hợp với không gian kiến trúc vòm trần và tác phẩm 100 trứng của hoạ sĩ Trương Hoàng Hải phía dưới. Sắp đặt “Diều Tiên” cũng trở nên ảo diệu hơn khi kết hợp với sắp đặt âm thanh sáo diều và những bản phối âm thanh rất đặc trưng của nghệ sĩ âm thanh Trí Minh. Bộ tác phẩm tranh lụa “Tiên nhỏ” kết hợp đèn của bạn Hội kết hợp với phần tương tác tô màu đã tạo nên những đối thoại rất thú vị với ký ức của không gian vốn từng làm nhà trẻ trường Mẫu giáo Tuổi Thơ trong một thời gian dài… Rất nhiều các tác phẩm khác trong không gian đã tạo ra những tương tác văn hoá rất thú vị và bất ngờ cho người xem. Ngay cả những không gian không ngờ tới như 2 ngõ nhỏ chạy dọc trong không gian Hội Quán xưa cũng khéo léo được làm nổi bật lên với sắp đặt tương tác “50/50” với trống và lụa vẽ bằng sơn mài của Trương Hoàng Hải.
Không gian “Mơ Tiên” cũng là một mảng trưng bày hấp dẫn người xem với những hình ảnh nghiên cứu lịch sử vấn đề về hình tượng tiên nữ trong khảo cứu bằng hình ảnh, bản dập, đồ hoạ nét – Kết hợp với phần ra mắt cuốn sách “Hình tượng tiên nữ” của nhóm nghiên cứu càng làm tăng thêm yếu tố nghiên cứu và học thuật của dự án. Trong không gian “Mơ Tiên”, các bức tranh của những lớp hoạ sĩ trước đây như nhà nghiên cứu hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Quân hay cố hoạ sĩ Vũ Dân Tân, hay cả tranh Kim Hoàng Tiên tắm đồ…cũng giúp người xem hình dung được tính chất nghiên cứu lịch đại của dự án, tạo nên sự chuyển tiếp và đối thoại rất hấp dẫn giữa những thế hệ hoạ sĩ – nhà nghiên cứu.
Không gian “Vườn Tiên” hai bên sân cũng được bố trí các tác phẩm sắp đặt ngoài trời bằng những chất liệu bền vững như sắt cắt CNC, hay phù điêu composit giả gỗ, tranh tường 3D… cũng bổ sung thêm những tương tác thú vị với hình tượng tiên nữ cưỡi rồng được thể hiện đầy sáng tạo bới các hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, Vũ Xuân Đông…“Cõi tiên” – Tác giả: Minh Nguyệt
“Đào” – Tác giả: Trần Thị Thu Thảo
Ngoài những tác phẩm trong các không gian chính với chủ đề về hình tượng tiên nữ cưỡi rồng, khu vực sân thiên tỉnh cũng trở nên lung linh huyền ảo với sắp đặt tương tác đèn lồng của hoạ sĩ trẻ Xuân Lam, vẽ lại tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ được cách điệu bằng ngôn ngữ tạo hình và thủ pháp digital art mới mẻ, gợi chất chuyển màu bút chì màu kết hợp với những hoạ tiết trang trí xưa của Hội quán. Sắp đặt đèn lồng “Cuộc gặp gỡ Xưa-Nay” của Xuân Lam như một đối thoại đa văn hoá nối dài tính chất đặc biệt giao thoa văn hoá Pháp-Hoa-Việt vốn có của Hội quán với bề dày lịch sử xa xưa trên đất Hà thành. Sắp đặt tương tác trong không gian sân thiên tỉnh cũng trở nên đặc biệt hơn vào mỗi buổi toạ đàm chuyên đề và biểu diễn nghệ thuật trong chương trình lễ hội, trở thành một “tấm phông” 3D lung linh sắc màu và ánh sáng tô điểm thêm cho không gian.
Cùng với sắp đặt ánh sáng với những chiếc đèn lồng, bộ tác phẩm sắp đặt rèm lụa “Ngũ hành” in bằng kỹ thuật nhiếp ảnh Cyanotype (in đơn sắc xanh) của nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc cũng góp phần làm mềm mại và đưa đẩy tinh thần huyền ảo cho không gian triển lãm. Với 5 bộ rèm được sắp đặt khéo léo từ ngay cửa ra vào của không gian Hội quán cho đến 2 hành lang có mái che 2 bên sân thiên tỉnh, kỹ thuật “dựng ảnh” trong buồng tối phơi sáng bằng đèn tia UV đã biến những hình ảnh hoạ tiết được được khảo sát nghiên cứu chụp hình trước đó trở nên biến ảo hoà lẫn xuyên thấu trong không gian. Những hình tượng rồng, tiên nữ, nghê, phượng, tễu… đặc trưng trong văn hoá mỹ thuật cổ được hoà lẫn, bay bổng, tương tác với trí tưởng tượng của người xem, nối dài những giá trị văn hoá cùng các tác phẩm tiên – rồng.
“Cô Tiên” – Tác giả: Lê Kim Mỹ
“Ngày xửa ngày xưa” Tác giả: Phạm Thuỷ Tiên
“Nguồn Động ” Tác giả: Minh Trang, Tuấn Ninh
Một phần rất đặc biệt trong tổng thể các không gian triển lãm lần này, chính là trưng bày sắp đặt tương tác tổng hợp đa chất liệu của nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia Lâm Ngọc Quang. Tác phẩm của anh đa chiều chiếm trọn không gian tiền điện như một sảnh sân bay hồi vọng từ quá khứ. Một trò chơi Game 3D tương tác được dựng lên từ chính mô hình bản đồ TP Hà Nội, khiến người xem đủ mọi lứa tuổi thích thú đến ngỡ ngàng khi được khám phá chính TP của mình cũng như tham gia vào một “trận chiến” giả tưởng nhằm cứu lại sự xâm chiếm của những toà nhà bê tông chọc trời đang chiếm trọn những mảng cây xanh cuối cùng trong TP. Cùng với đó, những tấm ảnh bưu thiếp được gửi từ Hà Nội thời đầu thế kỷ 20 cũng quay trở lại Hà Nội, trong không gian triển lãm này sau một thế kỷ, cũng là một phần trong tổ hợp sắp đặt của tác giả, khiến người xem như lạc vào một chiều kích khác của thời gian, kích thích những suy tư về tiến trình phát triển của công nghệ đối với cuộc sống của con người. Có thể nói không gian trưng bày của nghệ sĩ Lâm Ngọc Quang với một lịch sử vừa nên thơ vừa đậm tính chất công nghệ, chứa chất những suy tư của người nghệ sĩ cũng đã góp một phần quan trọng cho yếu tố thiết kế và công nghệ của Lễ hội thiết kế sáng tạo 2022.
Tiên nhỏ” – Tác giả: Hội Trần
Ngoài những không gian tác phẩm và dự án mới của năm nay, những tác phẩm từ trước đó năm ngoái như sắp đặt biển phố Hàng Buồm của hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế và không gian “Ký ức 22 Hàng Buồm” như những trưng bày cố định cũng góp phần làm sâu sắc hơn câu chuyện kết nối giữa di sản, ký ức lịch sử, ký ức nơi chốn và cộng đồng thông qua các thực hành sáng tạo nghệ thuật bằng những tác phẩm sắp đặt công cộng hay dưới hình thức như một khu tổ hợp trưng bày hiện vật xen lẫn cùng sắp đặt nghệ thuật.
Trưng bày triển lãm trong không gian Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm năm nay sẽ được mở cửa đón công chúng đến hết Tết Quý Mão 2023. Hi vọng sẽ mang tới nhiều niềm vui cho mọi người dịp chuyển giao năm cũ và năm mới, mở ra những hi vọng cho những bước tiến mới trong việc phát triển sức sống mới cho các không gian di sản gắn với sáng tạo nghệ thuật, cũng như củng cố niềm tin thêm cho sự phát triển hướng tới sự chuyên nghiệp dần cho các mùa Lễ hội thiết kế sáng tạo những năm sau.
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2022)
Bình luận của bạn