Hệ thống thoát nước ở thành phố Hà Nội thời cận đại

Chủ nhật, 24/11/2024, 22:04 (GMT+7)

Chia sẻ

Dưới thời cận đại, cho dù chính quyền thuộc địa đã có nhiều biện pháp như xây kè, đê bao quanh thành phố, bảo dưỡng đê thường xuyên... nhưng Hà Nội vẫn nhiều lần phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do sự tàn phá của thiên nhiên, điển hình là các hiện tượng mưa bão, lũ lụt chủ yếu do sông Hồng gây nên.

Trong lịch sử, kinh thành Thăng Long xưa có cấu trúc gồm 3 vòng thành, vòng ngoài cùng được gọi là thành Đại La vừa làm chức năng thành lũy bảo vệ toàn bộ khu vực kinh thành (kể cả vùng cư trú của nhân dân), vừa là đê ngăn lũ lụt. Thành Đại La được bao bọc mặt ngoài bởi 3 con sông: sông Nhị (tức sông Hồng), sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu. Không chỉ bao bọc mà cả 3 con sông này còn len lỏi vào tận bên trong kinh thành. Phía ngoài thành Đại La là những vùng sông nước, nhiều nơi còn lầy lội, phía trong thành cũng có nhiều hồ ao với mạng lưới khá dày đặc. Chính vì vậy mà nạn lụt thường xuyên xảy ra, đe dọa cuộc sống của cư dân trong kinh thành .
 

 Trận lụt tháng 7-1926. Đoạn đê Lâm Giu (bờ trái sông Hồng thuộc Ái Mộ, nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội). Ảnh sưu tầm

Trận lụt tháng 7-1926. Đoạn đê Lâm Giu (bờ trái sông Hồng thuộc Ái Mộ, nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội). Ảnh sưu tầm.

 Trận lụt năm 1926. Nước ngập đê bờ trái sông Hồng ở Ái Mộ (nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội). Ảnh sưu tầm.
Trận lụt năm 1926. Nước ngập đê bờ trái sông Hồng ở Ái Mộ (nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội). Ảnh sưu tầm.

 
Theo ghi chép của một số người phương Tây đã từng đến Hà Nội vào cuối thế kỷ XVII thì Hà Nội là kết quả của “sự cân bằng mong manh và không ổn định giữa đất và nước”; đường đất, nhà gianh lụp xụp với nền đất nện đã tạo ra bóng dáng của một thành phố cổ với tình trạng “bẩn thỉu lầy lội mỗi khi trời mưa”; các con phố trong khu người Việt không được lát đá, không có vỉa hè, không có hệ thống cống nên mỗi khi có mưa xuống thì đường phố đầy bùn rất khó khăn trong việc đi lại...

 Đền đình chìm trong nước lũ. photos Luzet Hanoi

Đền đình chìm trong nước lũ. photos Luzet Hanoi
 
 Gia cố đê quai Clémenceau năm 1926
Gia cố đê quai Clémenceau năm 1926
 
Chính vì vậy, vấn đề thoát nước cho thành phố đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết đối với bộ máy chính quyền thuộc địa.

Ngay từ năm 1888, vấn đề thuỷ chế trong khu vực Hà Nội đã được chính quyền thuộc địa quan tâm nghiên cứu. Trong báo cáo ngày 30-11-1888, thiếu tá Delstein, tiểu đoàn trưởng Công binh đã phân tích về tình hình nước sông Hồng, sông Sét và các hồ ao tại khu vực Hà Nội để đưa ra các giải pháp nhằm chống lũ và thoát nước cho khu vực này[1].

Tiếp đó, kế hoạch khảo sát một số công trình cần phải thực hiện gấp tại Hà Nội được Công sứ - Đốc lý vạch ra là “sửa chữa và lập các đường phố mới, lập một hệ thống cung cấp nước sạch, lập hệ thống cống nước thải và chiếu sáng đô thị” với kinh phí 750.000 đồng[2].

Hệ thống cống nước thải của Hà Nội được xây dựng theo các mốc thời gian như sau:

+ Từ năm 1892, sau khi khu phố Pháp đầu tiên được xây dựng ở phía đông hồ Hoàn Kiếm, chính quyền thuộc địa đã xây dựng hệ thống cống rãnh trên phố Paul Bert. Hệ thống cống ngầm này dùng để dẫn nước Hồ Gươm chảy qua Sapèquerie[3], chảy dưới vỉa hè phố Paul Bert, phía bên Grands magasins[4] và từ đó qua cống thu nước lớn chảy về hướng Abattoir (ống cống được xây bằng xi măng gồm 500 mét có đường kính 0,50 mét; 200 mét có đường kính 0,40 mét và 200 mét có đường kính 0,20 mét do nhà thầu Berthoin cung cấp; công trình do nhà thầu Tao Hing xây)[5].

+ Năm 1895, việc xây dựng các cống thoát nước trong thành cổ Hà Nội đã được Trưởng Khu Công chính Bắc Kỳ lập thành một dự án để tiến hành[6].

+ Từ năm 1897, chính quyền thuộc địa chú trọng đầu tư vào khu phố Pháp, tiến hành rải đá mặt đường, làm vỉa hè, xây cống ngầm và hoàn thiện hệ thống cung cấp điện và nước... Đồng thời, trong giai đoạn này, vào phiên họp thường kỳ ngày 13-10-1902, Hội đồng Thành phố đã nghiên cứu “Dự án quy hoạch chung cho khu bản xứ của Sở Đô thị” được đề xuất trong phiên họp tháng 5-1900[7].

+ Ngày 17-02-1898, đồ án xây dựng một đường cống thu nước dưới các phố Nattes en Jonc[8], Jean Dupuis[9] và Cuivre[10] tại Hà Nội với độ dài 600 mét đã được Giám đốc Sở Quản lý đường bộ Hà Nội lập ra. Gần một tháng sau, vào ngày 25-3-1898, Trưởng Ban Mỏ, Đường bộ và Đường sắt thuộc Khu Công chính Bắc Kỳ đã đề nghị nâng độ dày của nền đất đắp phía trên cống so với dự kiến ban đầu để công trình có chất lượng tốt hơn. Và ngày 10-11-1898, Thống sứ Bắc Kỳ đã ký nghị định cho phép tiến hành thi công công trình xây cống tại các con phố này[11].

+ Trong các năm từ 1889 đến 1892, cống ở các phố Paul Bert, Abattoir, Pont en Bois[12] và Sucre[13] đã được xây dựng[14]

+ Ngày 03-4-1900, dự án nghiên cứu xây dựng, cải tạo các cống thoát nước của Hà Nội đã được Khu Công chính Bắc Kỳ lập theo yêu cầu của Công sứ-Đốc lý Hà Nội[15].

+ Các đường cống được xây dựng từ sau 1901 gồm:

- cống dưới đường A[16] được xây dựng vào năm 1901[17];

- cống thoát nước trên đại lộ Carnot được xây dựng vào năm 1923-1925. Trường hợp này tương đối gây tranh cãi vì theo Sở Quản lý đường bộ, cống cũ nằm trên đại lộ này đổ ra sông Tô Lịch không đủ khả năng thoát nước cho một diện tích 52 héc-ta nằm trong khu vực đại lộ Carnot, phố Graines[18], phố Briques[19], đại lộ République[20] và đại lộ Brière de l’Isle[21]. Vì vậy, Sở Quản lý đường bộ đề nghị cho xây một chiếc cống khác nằm song song với chiếc cống đã có với kinh phí dự kiến là 36.000 đồng. Tuy nhiên, Trưởng Khu Công chính Bắc Kỳ lại cho rằng theo bản thiết kế do Sở Quản lý đường bộ lập thì trụ vòm của cống có vẻ yếu nên đề nghị cho xây theo mẫu cống của Paris vì các mẫu này đã được nghiên cứu tỉ mỉ và đã có một thời gian dài thử nghiệm. Không nhất trí với ý kiến của Trưởng Khu Công chính Bắc Kỳ, Đốc lý Hà Nội cho biết phần lớn cống của thành phố theo mẫu mà Sở Quản lý đường bộ Hà Nội đưa ra đều tốt và loại cống này có lợi là không đòi hỏi thợ nề trình độ cao. Hơn nữa, nếu xây theo mẫu cống của Paris thì rất khó tuyển thợ. Cuối cùng, sau khi kiểm tra, vào ngày 21-12-1925, Hội đồng nghiệm thu đã công nhận chất lượng và đề nghị nghiệm thu công trình cống này[22].

- các cống thoát nước trên các phố Delorme[23], phố Jambert[24], trên đường số 89[25] được xây dựng vào các năm 1925-1926[26].  

- trong các năm 1926-1928, dự án xây dựng hệ thống cống thoát nước ở một trong những khu bản xứ đông dân tại Hà Nội đã được Thống sứ Bắc Kỳ phê chuẩn. Theo yêu cầu của Giám đốc Khu Công chính Bắc Kỳ, hệ thống này đã không sử dụng cống thu nước có đường kính dưới 0,30 mét, các đường ống 0,15 mét chỉ được sử dụng cho các đường ống nhánh gia đình[27]; ngoài ra, cống thu nước thải tại đại lộ Van Vollenhoven[28] và phố Duvillier[29] cũng được xây dựng trong quãng thời gian này[30]. Đặc biệt, một chiếc cống trên đại lộ Van Vollenhoven (đoạn nằm giữa Sở Tài chính Đông Dương và đại lộ Félix Faure[31]) đã được xây dựng trong năm 1928 không bằng ngân sách của thành phố mà bằng ngân sách trung ương do Giám đốc Sở Tài chính quyết định với số tiền là 5.000 đồng[32].

 Sơ đồ các khu chứa nước thải của thành phố Hà Nội. Mạng lưới cống hiện có.
Sơ đồ các khu chứa nước thải của thành phố Hà Nội. Mạng lưới cống hiện có.

 - Vùng số 1 là khu Trúc Bạch với diện tích 77 ha.
-  Vùng số 2 là khu đại lộ Carnot (phố Phan Đình Phùng) với diện tích là 153, 92 ha.
- Vùng số 3 là khu đại lộ Félix Faure (phố Trần Phú) với diện tích là 197, 84 ha.
- Vùng số 4 là gồm các phố Bovet (Yết Kiêu), Delorme (Trần Bình Trọng), Jauréguibery (phố Quang Trung) và Lê Lợi (một phần phố Bà Triệu) với diện tích là 226, 80 ha.
- Vùng số 5 là khu đại lộ Armand Rousseau (Lò Đúc)  với diện tích là 351, 84 ha.
Sơ đồ được Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương lập ngày 16-12-1938 cho Hà Nội, tài liệu thuộc Fonds de l’Inspection générale des Travaux Publics (IGTP), hs: 2342.
 
Trong khoảng 10 năm (từ 1934 đến 1944), thành phố tập trung tiến hành những công trình nạo vét các con sông nhỏ như sông Tô Lịch hay sông Nhuệ và trong khu vực Bạch Mai thuộc hệ thống tiêu nước của thành phố. Tuy nhiên, trong kế hoạch dài hơi, việc mở rộng mạng lưới cống ngầm của thành phố đã được chính quyền thuộc địa chú trọng và ra quyết nghị ngay trong phiên họp của Hội đồng thành phố ngày 19-12-1938[33]. Kết quả là đến tháng 7-1942, dự án của kỹ sư Fayet ở Khu Thuỷ lợi về việc nối mạng lưới hệ thống thu nước thải của Hà Nội với mạng lưới tưới tiêu của Hà Đông-Phủ Lý đã được đệ trình lên Thống sứ Bắc Kỳ[34]. 

 Sơ đồ các khu chứa nước thải của thành phố Hà Nội. Mạng lưới cống hiện có.
Sơ đồ cống chia nhánh ở Hà Nội.

 - Đường kẻ to màu xanh nhạt là giới hạn các khu phố được trang bị cống chia nhánh.
- Khu vực tô màu hồng là khu vực được trang bị cống chia nhánh.
- Đường kẻ nhỏ màu xanh đậm là cống chia nhánh vùng.
- Đường kẻ nhỏ màu đỏ đậm là cống chia nhánh chính.
- Đường kẻ to màu đỏ đậm liền là cống chia nhánh có điểm giao nhau (loại 1).
- Đường kẻ to màu đỏ đậm cách quãng là cống chia nhánh có điểm giao nhau (loại 2).
- Hình tròn màu đỏ là điểm nạo vét.
- Hai đường kẻ song song, ngắt quãng màu đỏ là đường thoát nước lộ thiên.
Phía dưới là bảng phân bổ cư dân đô thị kèm theo.
Sơ đồ được Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương lập ngày 16-12-1938 cho Hà Nội, tài liệu thuộc Fonds de l’Inspection générale des Travaux Publics (IGTP), hs: 2342.
 
Nhìn lại quá trình chống ngập lụt ở Hà Nội thời cận đại, tuy có thiết bị trắc đạc tiên tiến nhưng suốt một thời gian dài tròn 60 năm kể từ ngày kỹ sư Pavillier thiết kế hệ thống phòng lũ để bảo vệ khu Nhượng địa (1875-1945), người Pháp vẫn không giải được bài toán trị thủy sông Hồng. Trong khoảng thời gian đó, thành phố Hà Nội đã phải chịu nhiều trận lụt do sông Hồng gây ra trong đó nặng nhất là trận lụt lịch sử năm 1926 mà nhiều ảnh chụp về hậu quả của nó vẫn còn được lưu lại đến ngày nay. Một trận lụt khác xảy ra vào tháng 6-1935 cũng khốc liệt không kém. Trong trận lụt này, chùa Liên Thuỷ (nằm ở phía sau phố Halais) đã bị ngập lụt nặng đến nỗi phải phá bỏ. Vì vậy, ngày 29-02-1936, Hội đồng Trị sự và trụ trì chùa Liên Thuỷ đã gửi đơn lên Đốc lý Hà Nội xin được xây chùa mới ở khu đất trước chùa cũ, bên cạnh đình để chuyển đồ thờ cúng sang[35].

TS. Đào Thị Diến.

  
[1] RST, hs: 7417.
[2] RST, hs: 5370.
[3] Xưởng đúc tiền kẽm thuộc Cục Bảo toàn Bắc Thành triều Nguyễn nay thuộc phố Phạm Sư Mạnh, Hà Nội.
[4] Nay là Tràng Tiền Plaza.
[5] MHN, hs: 4192 và RST, hs: 5527.
[6] TPT, hs: 2211.
[7] RST, hs: 6379
[8] Nay là phố Ô Quan Trưởng.
[9] Nay là phố Hàng Chiếu.
[10] Phố Hàng Đồng, sau gộp với phố Tasses thành phố Hàng Mã.
[11] RST, hs: 5945 và JOIF, 2è partie: Annam et Tonkin 1898, No93, p. 884.
[12] Nay là phố Cầu Gỗ.
[13] Nay là phố Hàng Đường.
[14] MHN, hs: 4192.
[15] TPT, hs: 2212.
[16] Đường A sau được đặt tên là đại lộ Carnot và nay là phố Phan Đình Phùng.
[17] RST, hs: 3192.
[18] Nay là phố Hàng Đậu.
[19] Nay là phố Ngõ Gạch.
[20] Nay là phố Hoàng Văn Thụ.
[21] Nay là phố Hùng Vương.
[22] MHN, hs: 4193.
[23] Nay là phố Trần Bình Trọng.
[24] Nay là phố Nguyễn Trường Tộ.
[25] Sau được đặt tên là phố Emile Nolly và nay là phố Phạm Hồng Thái.
[26] MHN, hs: 4194 và 4195.
[27] RST, hs: 78692.
[28] Nay là phố Chu Văn An.
[29] Nay là phố Nguyễn Thái Học.
[30] MHN, hs: 4197.
[31] Nay là phố Trần Phú.
[32] MHN, hs: 4198.
[33] MHN, hs: 391 và IGTP, hs: 2342.
[34] Khối tài liệu Thủy lợi, hs: 155.
[35] Fonds du Service du Cadastre et des Domaines de Hanoï, hs: 728.

 
 
Nguồn - TS. Đào Thị Diến

Bình luận của bạn

Tin khác