Tại trung tâm Hà Nội vẫn còn rất nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi không được sửa chữa, trùng tu. Trên các tuyến phố cổ như Hàng Mã, Hàng Chuối,… nhiều căn nhà xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Hữu Thư, hiện đang sinh sống ở 1 trong số các ngôi nhà cổ chia sẻ: "Ngôi nhà này từ thời cha ông tôi để lại cho. Tôi sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà này. Dù nó đã cũ kĩ nhưng chứa đựng rất nhiều hoài niệm, sửa đi cũng phí".
Ngôi nhà cổ nằm trên phố Hàng Đồng này màu vôi ve đã cũ kĩ, phần tường bong tróc làm lộ ra phần gạch đỏ, rêu phủ kín 1 mảng hiên nhà như in hằn dấu vết thời gian. Được biết, người dân sinh sống tại ngôi nhà này phải kiên cố lại phần lan can đã gỉ sét, đứt gãy bằng cách buộc những đoạn dây thép lại với nhau.
Nằm trên con phố Hàng Mã, dù ngôi nhà cổ này đã xuống cấp; cỏ, rêu mọc um tùm song tại đây vẫn được người dân sử dụng làm nhà ở và làm nơi thu gom phế liệu. Có thể thấy, không chỉ phần tường mà nền gạch cũng đã bị nứt vỡ.
Ngôi nhà cổ trên phố Hàng Chuối cũng rơi vào tình trạng cần được tu sửa khẩn cấp. Cỏ cây mọc um tùm, không được ai chăm sóc; phần lan can sắt bị gãy, có dấu hiệu đổ sập bất cứ lúc nào. Chị Hoàng Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Những ngôi nhà cổ này rất nhiều hoài niệm, nhưng hiện tại nó đã quá cũ, nếu không được sửa chữa kịp thời có ngày bị thanh sắt rơi trúng đầu lúc nào không hay".
Tại con phố Bát Đàn, hoạt động kinh doanh buôn bán tại các ngôi nhà cổ vẫn diễn ra tấp nập. Người dân không những không sửa chữa, trùng tu căn nhà mà quyết định giữ lại phần tường trơ gạch này làm điểm nhấn cho quán của mình.
Chắc rằng nhiều người vẫn còn nhớ vụ sập căn nhà cổ 2 tầng tại số 56 phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) năm 2019. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng vụ việc này cũng khiến rất nhiều hộ dân sống xung quanh khu vực này lo sợ với chất lượng của những ngôi nhà cổ mà mình đang sinh sống. Ảnh: Tô Thế - Cường Ngô.
Được biết, vào ngày 22.3 Hà Nội công bố Đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Người dân kỳ vọng trong thời gian tới, Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử được triển khai sẽ vừa bảo tồn kiến trúc cổ, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Bình luận của bạn