Hàng Bột đệ nhất kéo

Thứ 5, 01/06/2023, 09:55 (GMT+7)

Chia sẻ

Tác phẩm Hàng Bột, chuyện "tầm phào" mà nhớ (NXB Lao động và Chibooks mới ấn hành) của tác giả Hồ Công Thiết đưa độc giả khám phá phố Hàng Bột của Hà Nội ở nhiều khía cạnh: con người, phong tục tập quán, văn hóa, sinh hoạt thường nhật. Thanh Niên xin giới thiệu những trang viết về mưu sinh thời bao cấp ở phố Hàng Bột.

Tranh vẽ thợ cắt tóc trên đường phố Hà Nội những năm 1980 của họa sĩ Hồ Minh Tuấn, con trai tác giả Hồ Công Thiết

Tranh vẽ thợ cắt tóc trên đường phố Hà Nội những năm 1980 của họa sĩ Hồ Minh Tuấn, con trai tác giả Hồ Công Thiết

Bên phía nhà đánh số chẵn ở phố Hàng Bột, hồi chưa mở đường có nhiều nhà sâu hun hút. Nhà ông Bảo Toàn ở số 160B. Ông mở hiệu cắt tóc từ thời Pháp thuộc trên phố này.

Ông Bảo Toàn suốt ngày hí hoáy cắt tóc cho khách, dân phố tôi đều thích la cà chỗ ông. Chiều chiều, quanh chiếc ghế cắt tóc của ông, hàng phố thường kê ghế, tụ tập hóng gió thổi dọc đường tàu và bàn chuyện thế sự, chuyện nhân tình thế thái. Ông như cuốn tự điển, cái gì cũng biết, nên thỉnh thoảng lại phải dừng nhịp kéo để góp chuyện. Dáng người cao gầy, thêm cặp kính trắng tụt gần chóp mũi, trông ông cũng hệt như mấy ông học giả ở Viện Viễn Đông bác cổ hay ghé qua cắt tóc. Đêm xuống, ông kê cái ghế cạnh chân cột đèn sát đường ray tàu điện để cắt tóc cho người hàng phố mai sớm đi làm ăn xa. Lũ trẻ chúng tôi hay chơi quanh cột đèn, thi thoảng reo lên khi bắt được con cà cuống đang sà xuống thấp.Khác với các thợ cắt tóc ở Hà Nội thời ấy, ông không phải người làng Kim Liên, nơi cha truyền con nối nghề "đè đầu vít cổ thiên hạ", mà quê ở thôn Lê Dương, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Hồi chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, tôi được bố mẹ gửi gắm cho ông, một mình theo gia đình ông về quê để sơ tán. Ông dựng cái chòi cắt tóc ngay gần đình Tam Hưng. Tôi phụ giúp ông, xuống ao múc bùn lên, nhào với rơm rồi móc vào những gióng nan tre đan vuông vức, miết thành vách che mưa gió của cái chòi. Sau đận đấy, tôi bị hắc lào, chữa mãi mới khỏi.

Hiệu ông đông khách. Danh tiếng thợ cắt tóc Hà Nội khiến người ở Bối Khê, Đại Định, Hưng Giáo, Tê Quả, Văn Khê, Bùi Xá cũng đổ dồn về Lê Dương để cắt tóc. Ông mang từ Hà Nội về chiếc ghế. Chắc ghế được nhập từ nước Pháp nên kiểu dáng khá lạ, có tay vịn hai bên và lưng cao. Ghế có thêm tấm tựa đầu với thanh gỗ được khoan lỗ và một đinh sắt to để gài cố định theo cữ người ngồi trên ghế.

Ngoài cái ghế, ông mang theo về bộ đồ nghề cắt tóc đựng gọn trong chiếc hộp gỗ bất ly thân. Trước mỗi lượt dùng cái dao cạo gióng trúc có từ thời Pháp, ông lại lướt lướt lưỡi dao trên mặt miếng da dài ngả màu nâu cánh gián, mài cho sắc. Cái dao cạo có sống dày, lòng khom đến phần lưỡi được ông chăm chút nhất trong bộ đồ nghề. Nó bén đến nỗi cầm sợi tóc miết qua cũng đứt làm đôi.

Ông có đến mấy cái tông đơ. Thi thoảng, ông nhờ người về Hà Nội để quay tông đơ ở cửa hàng quen. Có lẽ ngoài Hà Nội ít nơi nào có người quay tông đơ được ông tin tưởng. Cái lược gỗ ông dùng lên nước đen bóng như gỗ mun, chải từ tóc trẻ con đến các loại tóc "rễ tre" mà không gãy cái răng nào. Ông lựa chiều tóc rồi chải hất lên. Chiếc tông đơ nhịp nhàng đưa theo. Từng đám tóc thừa rơi trên tấm dù khoác quanh cổ khách.

Dũi xong mấy đường cơ bản, ông dùng kéo tỉa tót, bấm tanh tách quanh vành tai rồi mấy chỗ tóc lờm xờm quanh đỉnh đầu khách. Nhiều người muốn cho nhẹ đầu còn nhờ ông tỉa tóc thật mỏng. Lúc đấy, ông dùng chiếc kéo như hai cái lược bắt chéo nhau để tỉa ngắn tóc cho đều. Thường khách đến cắt tóc không dặn ông cắt kiểu gì. Ông nhìn khuôn mặt, dáng tóc cũ là biết phải cắt như thế nào.

Tác giả Hồ Công Thiết là người đã gắn bó suốt từ tuổi thơ với phố Hàng Bột. Anh rất hiểu và yêu con phố này

Tác giả Hồ Công Thiết là người đã gắn bó suốt từ tuổi thơ với phố Hàng Bột. Anh rất hiểu và yêu con phố này

Có mấy ông nhà ở làng pháo Bình Đà cũng hay đến. Chưa tới kỳ cắt tóc thì nhờ bấm tỉa. Họ khoái nhất là lúc được cạo mặt và lấy ráy tai. Nhúng chiếc chổi lông tròn xoe vào cái bát nhựa nông thành trôn rộng, ông quét nước xà phòng loãng lên mặt, lên vành tai khách rồi cạo. Những nhát dao khoáng đạt, dứt khoát. Trông thấy ghê mà chưa có ai bị sứt sát vành tai. Bây giờ, ra hiệu cắt tóc, thợ không dùng dao cạo loại cũ mà bẻ đôi lưỡi dao lam, gài vào thành dao cạo. Lưỡi dao mới sắc và cạo rất êm nhưng động tác cẩn thận, chậm rãi của họ khiến tôi càng thán phục những động tác xưa của ông Bảo Toàn - rất nhanh, dứt khoát và vô cùng êm ái. Ông cạo mà như múa trên khuôn mặt người khách.

Hết chiến tranh phá hoại, ông Bảo Toàn trở về ngôi nhà trên phố Hàng Bột và lại tiếp tục nghề "đè đầu vít cổ thiên hạ". Nhưng tới năm 1985, sau hai lần mở rộng đường, nhà ông bị ngắn lại, trở nên chật chội nên ông bán nhà, dọn đi nơi khác.

Cùng thời với ông, ở số nhà 122 cũng trên phố Hàng Bột có cửa hàng cắt tóc của ông Vân. Cửa hàng sau công tư hợp doanh thành tổ cắt tóc to nhất phố Hàng Bột và khu Đống Đa. Ông Vân cũng là bậc kỳ tài trong làng cắt tóc. Đi ngang, lúc nào nhìn vào cửa hàng cũng thấy có khách đang kiên nhẫn ngồi chờ đến lượt.


Những quán cắt tóc xưa của Hà thành đều như vậy, quán nào cũng có khách quen. Nhiều khi khách mong tóc mau dài để được đến hàn huyên với những ông thợ cắt tóc vui tính và mau chuyện.

 (còn tiếp) 

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác