Năm 1960, từ miền Nam, tôi thi vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội, mang theo lời dặn của cơ quan: “Học tập tốt để mai này về xây dựng quê hương”.
Ngày ấy, đang là mùa xuân có mưa bay, rớt lại chút se lạnh của mùa đông, tôi co ro trong chiếc áo bông dày cộm, hình dạng vuông như chiếc bánh chưng. Vườn hoa Con Cóc, các con đường quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) rực rỡ sắc hoa, các gốc đào vẫn còn tươi nụ.
Tháp Rùa lung linh soi bóng nước nên thơ, thêm cho tôi chút lạ lẫm, cô đơn, nhớ nhà. Vì vậy mà những ngày cuối tuần, tôi thường đi xem các di tích văn hóa, những cảnh đẹp của Hà Nội, bằng tàu điện, xích lô và dạo quanh hồ Hoàn Kiếm (anh chị em miền Nam tập kết gọi vui là hồ Tìm Kiếm) để biết tin tức về quê hương. Hồ Hoàn Kiếm như là nhân chứng ghi lại những kỷ niệm sâu sắc của người miền Nam trên đất Bắc.
Thời tiết Hà Nội 4 mùa rõ rệt: mùa đông giá, rét, người Hà Nội có vẻ thích, vì rét không khô hanh, lại có chút rét ngọt ngào, giới trẻ Hà Nội lại trưng ra những bộ cánh đẹp, những chiếc khăn xoan màu sắc phất phơ, e ấp, vương hồng đôi má các cô gái làm cho Hà Nội thêm duyên. Nhưng đó cũng là lúc tôi lại mong được chút nắng vàng của phương Nam để sưởi ấm lòng.
Mùa hè Hà Nội thì nóng, inh ỏi tiếng ve kêu, hoa phượng nở rộ, khách thập phương lại về hồ Tây thưởng ngoạn đặc sản bánh tôm, tĩnh lặng, nơi từng đi vào câu thơ ai viết: “Mênh mông bát ngát hồ Tây. Phân chia chi hỡi ai xây con đường. Để rồi đôi ngả đôi phương. Bên kia Trúc Bạch bên đây Tây Hồ”.
Rồi mùa thu Hà Nội lại đến, mọi người “phải lòng” và yêu say đắm mùa thu Hà Nội, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Bởi vì mùa thu nên tôi ở lại, Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội. Mùa thu Hà Nội đâu chỉ có “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ”, nhạc sĩ còn đòi: “Sẽ có một ngày trời thu Hà Nội, sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi”...
Một nét văn hóa độc đáo, khó quên với người Hà Nội, đó là cảnh rộn ràng đón tết Nguyên đán với hoa chen người đi, với thịt mỡ, dưa hành, hoa đào thắm đỏ. Đêm 30 tết, người Hà Nội thả bộ quanh hồ Hoàn Kiếm chờ đón giao thừa, chào đón năm mới và hái lộc.
Tượng trưng cho “lộc” là những cành cây xanh non mọi người cầm trên tay, suy tư, cầu mong hạnh phúc đến với mọi nhà. Lúc ấy, tất cả lặng trong tiếng chuông trong đền Ngọc Sơn ngân vang và chờ đón, lắng nghe thơ Bác Hồ chúc tết.
Năm cuối đời sinh viên, tôi yêu một cô gái Hà Nội, nhưng tình yêu không suôn sẻ, gia đình cô cho rằng lấy chồng miền Nam xa xôi là mất con. Vì người Hà Nội có câu: “Có con mà gả chồng xa. Một là mất lợn hai là mất con. Có con mà gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng mang cho”.
Nhưng cũng rất may, người yêu tôi tâm sự: “Xa gần là ở lòng ta. Dặm trường cách biệt hóa ra lại gần”.
Thế là chúng tôi kiên trì thuyết phục, rồi gia đình cũng phải ưng thuận. Mùa đông năm ấy, tôi “đón nàng về dinh”, cũng là năm tôi tốt nghiệp, hạnh phúc vẹn cả đôi đường, đúng là “phúc hữu trùng lai”.
Bình luận của bạn