Trước năm 1885, dân chúng Hà Nội đi lại trong thành phố chủ yếu là cáng, xe đẩy và thuyền vì sông Tô Lịch, Kim Ngưu và các hồ còn thông với nhau. Sau năm 1886 có thêm xe kéo tay.
Ngày Quốc khánh-Tranh sơn dầu 1970 Tàu điện là cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ. Họa sĩ Lương Xuân Nhị có bức vẽ tàu điện được giới mỹ thuật đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ. Nhà văn Nguyễn Tuân có bút ký về tàu điện hay liên quan đến tàu điện khá nhiều. Trong bài Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp có câu: Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy |
Từ xe ngựa đến tàu điện
Vấn đề đi lại được cải thiện vào năm 1885 nhờ sáng kiến của viên chỉ huy trưởng TP khi ông này cho mở dịch vụ xe ngựa. Chiếc xe chở 4 người là phương tiện giao thông công cộng đầu tiên ở Hà Nội.
Báo Tương lai Bắc Kỳ số ra ngày 22.8.1885 đăng bài viết về chuyến xe khách công cộng này, tác giả cho đây là “sự tiến bộ của tiến trình đi lên của một xứ sở, một dân tộc”.
Lúc đầu xe chạy từ khu nhượng địa (phố Phạm Ngũ Lão hiện nay) qua Paul Bert (nay là Tràng Tiền và Hàng Khay) rẽ ra phố Nhà Chung. Một thời gian sau chính quyền mở thêm tuyến từ khu nhượng địa vào thành và ngược lại.
Xe ngưa trước nhà số 29 Hàng Cót khi còn là nhà hát
Tất nhiên khách trên xe là Tây. Lý do để giao thông công cộng Hà Nội ra đời là do các tuyến phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Gia Long (nay là Hàng Bài), Hàng Trống, Nhà Chung đã được cải tạo mở rộng.
Vì phố Nhà Chung hẹp, đi lại đôi khi bị tắc nghẽn nên ngày 28.8.1885, cảnh sát đã ra quyết định: “Nhà Chung là đường một chiều và chỉ được phép đi theo chiều từ Tràng Thi lên Nhà Thờ”. Cảnh sát cũng quy định, xe ngựa chở hàng của dân tránh đi cùng giờ với xe khách. Còn xe khách qua chỗ đông người phải rung chuông nhiều lần.
Tháng 5.1890, Công ty Điền địa Đông Dương thành lập nhà máy xe điện đặt trụ sở tại đầu làng Thụy Khuê. Vì tàu điện phải có đường ray, hệ thống dây điện, cột nên số tiền đầu tư rất lớn, do đó công ty đề xuất đổi đường ray lấy đất và công sứ Pháp đã chấp thuận.
Tuy nhiên phải 10 năm sau, ngày 13.9.1900, công ty mới cho chạy thử tuyến đầu tiên Bờ Hồ - Thụy Khuê. Năm 1901 khai trương tuyến Bờ Hồ - Ấp Thái Hà, sau đó năm 1915 làm thêm đường vào Bến xe Hà Đông. Năm 1906 khai trương tuyến Bờ Hồ - Chợ Mơ. Điện để chạy tàu do 3 máy phát hơi nước nhãn hiệu Alioth Buise cung cấp. Đến năm 1915, Hà Nội có 22 đầu kéo, mỗi đầu có công suất 25 mã lực.
Place Neyret – Vườn hoa Cửa Nam – Xe điện trên Phố Hàng Bông (Rue du Coton)
Năm 1929 khai trương tuyến Bờ Hồ - Đại Cồ Việt và năm 1943 thì kéo dài tới trước cổng chính Bệnh viện Bạch Mai. Tuyến Bờ Hồ - Mơ ban đầu là đường ray đi qua phố Cầu Gỗ nhưng khi chỉnh trang khu vực này, chính quyền TP cho chuyển ra sát mép hồ. Từ bến chính Bờ Hồ, tàu điện tỏa đi 6 hướng (Hà Đông, Cầu Giấy, Mơ, Vọng, Bưởi và Yên Phụ).
Có một bài vè về tàu điện: “Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành/Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường/La ga thì ở Thụy Chương/Dây đồng, cột sắt thì đường cái quan/Bồi bếp cho chí bồi bàn/Chạy tiền ký cược đi làm sơ vơ (bán vé)... Ba xu ghế gỗ rẻ tiền/Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng/Năm xu ngồi ghế đệm bông/Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình”. Năm 1925, Nhà máy điện Yên Phụ hoàn thành thì tàu điện mới bỏ máy phát và sử dụng điện lưới.
Kể từ khi tàu điện ra đời cho đến năm 1954, các gánh xẩm chỉ được phép hát ở bến vì Tây không cho hát trên toa và Xẩm tàu điện là tên gọi chung để chỉ các gánh xẩm hát ở bến tàu. Sau năm 1954, các gánh xẩm được hát trên toa và cùng với xẩm là những người bán hàng rong, họ bán cao dán mụn nhọt, thuốc cam, thuốc sài đến thuốc hôi nách, thuốc ho, tăm tre, bấc đèn... Mỗi người một kiểu rao, mỗi loại thuốc họ rao một kiểu. Anh chàng bán thuốc ho rao: “Đàn ông ho ca nông/Đàn bà ho ca tút/Trẻ em ho gà ho vịt/Thanh niên nam nữ ho vì tình/Đến đứa trẻ giật mình cũng biết ho/Ai thuốc ho đê...ê...ê...ê”. Bà bán thuốc cam, sài đẹn: “Trẻ nóng trẻ đổ máu cam/Thuốc ông lang Tích 3 gam khỏi liền/Mua đi, mua nhanh kẻo hết nào”.
Tàu điện là cảm hứng sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ. Họa sĩ Lương Xuân Nhị có bức vẽ tàu điện được giới mỹ thuật đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ. Nhà văn Nguyễn Tuân có bút ký về tàu điện hay liên quan đến tàu điện khá nhiều. Trong bài Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp có câu: “Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, cầu Giấy”. Dù tàu điện không còn nhưng mỗi khi nghe lại câu hát này những người của một thời rưng rưng ký ức.
“Mỹ nhân kế” xe buýt
Trước năm 1954, Hà Nội bé nhỏ, dân số cũng không đông nên các tuyến tàu điện đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và những người buôn bán nhỏ, vì thế chính quyền đã không phát triển xe buýt nội đô. Tuy nhiên, sau tiếp quản, dân số TP tăng cao, chính quyền mới mở rộng địa giới hành chính nên xe buýt đã ra đời.
Năm 1957, cán bộ miền Nam tập kết ra Hà Nội được Ban Thống nhất trung ương cấp vốn mua 10 ô tô khách lập Tập đoàn ô tô buýt Thống Nhất phục vụ đi lại của dân. Tháng 2.1958 mở tuyến Kim Liên - Hà Đông. Đến tháng 12.1962, Xí nghiệp xe khách Hà Nội và Tập đoàn xe buýt Thống Nhất hợp nhất thành Xí nghiệp xe khách Thống Nhất phục vụ giao thông công cộng của TP với 192 xe gồm 4.106 ghế.
Xe buyt ở khu vực ngã năm Cửa Nam – Năm 1990.
Xe buýt nhanh chóng trở thành phương tiện đi làm chủ yếu của cán bộ công nhân viên chức, sinh viên đi học. Năm 1964 có 903 khách mua vé tháng. Cuối năm 1965, dù Mỹ ném bom miền Bắc nhưng Hà Nội đã có tới 300 xe buýt với 8 tuyến. Giá vé đồng hạng ở tất cả các tuyến, và TP bù lỗ nên vé rất rẻ vì thế nhiều người bỏ tàu điện đi xe buýt cho nhanh. Vào giờ cao điểm các tuyến đông nghẹt và lái xe bỏ chuyến diễn ra như cơm bữa. Sinh viên trường thương mại, sân khấu điện ảnh, trường múa, xiếc và diễn viên các nhà hát giao hưởng, ca múa nhạc dân tộc...
Đi xe buýt, thường xuyên phải dùng “mỹ nhân kế”, cử một ca sĩ hay diễn viên múa ra vẫy. Khi xe dừng lập tức vài chục con người nấp trong ùa ra. Biết vậy, nhưng cánh lái xe vẫn thích vì có các em xinh đẹp ngồi bên cạnh.
Khách chen chúc gây ra chuyện dở khóc dở cười, cặp lồng cơm mang đi ăn trưa bẹp dúm cơm, rau, trứng phòi ra ngoài. Thế nhưng tầm 9 - 10 giờ thì các tuyến từ ngoại thành về lại vắng khách. Trên chiếc Karosa dài ngoằng chạy từ Diễn, Nhổn ra Lò Đúc, từ đầu đến cuối xe ngổn ngang các thúng thịt chó của những người mang ra bán ở các quán bia hơi nội đô. Rồi xe đạp, xe máy tăng lên nhanh chóng do những người đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Liên Xô gửi về nên nhiều người bỏ xe buýt sử dụng phương tiện cá nhân.
Đến năm 1985, đi xe buýt chủ yếu chỉ là sinh viên, thói quen đi xe buýt mất dần. Cho đến đầu những năm 1990, Hà Nội tổ chức lại hệ thống xe buýt, dù xe gắn máy lạnh, giá vé rẻ song chỉ mấy người đi nên mới có chuyện người giúp việc dỗ con chủ nhà ăn bằng cách cho đứa bé lên xe buýt đi sang Nội Bài rồi lại đi về.
Bình luận của bạn