Thời nhà Lê, Thăng Long có 2 huyện là Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có 18 phường và phường là cấp hành chính cuối cùng ở kinh đô. Trong các phường có các hộ cùng làm một nghề hoặc buôn bán mặt hàng giống nhau, gọi chung là phường nghề.
Phố Hàng Đào. Ảnh: Đan Toàn
Năm 1802, vua Gia Long chuyển kinh đô vào Huế, đổi tên Thăng Long thời Lê với nghĩa “rồng bay” thành Thăng Long với nghĩa “thịnh vượng”. Gia Long vẫn giữ tên huyện Thọ Xương, đổi huyện Quảng Đức thành Vĩnh Thuận nhưng thêm cấp xã, thôn, trại tương đương với phường. Giữa huyện và phường, xã, thôn, trại, vua Gia Long đặt cấp trung gian gọi là tổng. Huyện Thọ Xương thời vua Gia Long có 19 thôn gắn với nghề nghiệp mang tính đặc thù của các phường nghề, như thôn Hàng Cháo, thôn Hàng Bột, thôn Hàng Bài, thôn Hàng Chài, thôn Hàng Đàn, thôn Hàng Nồi...
“Hàng” trong chữ Hán có nhiều nghĩa, song người Việt dùng thông dụng là một dãy buôn bán. Cứ năm, bảy nhà liền nhau bán một mặt hàng dân gian được gọi là “hàng”. Theo cách gọi này nên Hà Nội có rất nhiều “hàng”. Ví dụ, chỉ một đoạn ngắn bán cuốc gọi là “Hàng Cuốc”, bán áo gọi là “Hàng Áo”. Đầu phố Bà Triệu ngày nay, vào thời Nguyễn chuyên bán bánh giò được gọi là “Hàng Giò”... Những tên này không sử dụng chính thức trong hoạt động hành chính.
Năm 1831, vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính trên cả nước, đổi tên Việt Nam thành Đại Nam, xóa bỏ Trấn Bắc (tức Thăng Long thời Lê), lập tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ, 15 huyện. Hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức. Dưới hai huyện chỉ còn phường và thôn, không có cấp phố. “Phố” là từ Hán - Việt có nhiều nghĩa. Từ triều vua Gia Long, Minh Mạng cho đến vua Thiệu Trị (1841 - 1847), từ “phố” được dùng với nghĩa “bến” hay “con đường ven sông”. Trong bài “Thu chí” của Nguyễn Du (1766 - 1820) có câu: “Hồi thủ Lam Giang phố” ("Ngoảnh đầu về bến Lam Giang"). Bài “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan (1805 - 1848) có câu: “Gác mái ngư ông về viễn phố” ("Chiều tà ngư ông gác mái chèo thả thuyền về bến xa").
Trong “Lịch sử Hà Nội”, nhà sử học người Pháp Philippe Papin cho rằng, năm 1850 (hoặc 1851), ở huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận có chức trưởng phố, tức là đã xuất hiện phố với nghĩa cửa hàng, buôn bán. Sách “Đại Nam nhất thống chí” hoàn thành thời vua Tự Đức chép: “Hà Nội là kinh đô xưa nguyên trước có 36 phường phố, nay ở quanh phía Đông Nam tỉnh, thành gồm 21 phố, nhà ngói như bát úp, tụ họp các mặt hàng cũng phồn thịnh”. Tuy nhiên, phố giai đoạn này không phải là cấp hành chính, nó nằm trong thôn và trưởng phố, do dân bầu để giúp phường, thôn thu thuế và giữ trật tự an ninh.
Trong 21 phố chỉ có 8 phố tên Hàng gồm: Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Giày Hia, Hàng Muối, Hàng Gai, Hàng Chè. Các phố này buôn bán hay làm nghề đúng như tên phố. Năm 1876, ông Trương Vĩnh Ký từ Nam Kỳ ra Bắc khi trở về đã viết cuốn “Chuyến đi thăm Bắc Kỳ năm Ất Hợi”, trong đó, ông kể ra 21 phố đúng như sách “Đại Nam nhất thống chí”.
Năm 1888, Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa của Pháp. Họ lập mô hình hành chính mới, xóa bỏ cấp phường, thôn, thành phố có hai cấp là hộ (tương đương như cấp quận ngày nay) và phố. Công báo ngày 21-4-1890 đăng tên 71 phố và một số ngõ được đánh số, trong đó có 39 phố “Hàng”, 10 phố tên Pháp. Trong 39 phố “Hàng”, nhiều phố vẫn làm nghề thủ công hay buôn bán các mặt hàng như tên của nó nhưng có phố đã chuyển sang bán mặt hàng khác. Ví dụ như, phố Hàng Khoai không còn bán khoai, Hàng Cá không còn bán cá vì khúc sông Tô Lịch làm bến đỗ cho thuyền bè đã bị lấp để xây chợ Đồng Xuân. Sau khi cải tạo lại khu vực huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, họ mị dân lập thêm 17 phố mới tên “Hàng”, nâng số phố tên “Hàng” lên 56. Việc làm này là tiếp nối chính sách mị dân bản xứ của thực dân Pháp. Phố Hàng Khoai chia làm hai, phần đầu là Hàng Khoai, phần cuối thành phố Hàng Mã, xưa có nghề làm và bán đồ mã. Bến sông Tô Lịch xưa chuyên bán rươi đã bị lấp năm 1889, song họ vẫn lập phố Hàng Rươi. Phường làm lọng không còn sản xuất song họ vẫn đặt tên là phố Hàng Lọng.
Tháng 7-1945, bác sĩ Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội đã xóa bỏ tên phố bằng chữ Pháp thay bằng chữ Việt, bỏ tên phố là những người Pháp thay bằng tên anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, nhà tư sản dân tộc yêu nước. Năm này chỉ còn rất ít phố giữ nghề truyền thống, phần lớn đã chuyển sang buôn bán các mặt hàng khác hoặc làm nghề mới như uốn tóc, bán cà phê, bán các mặt hàng nhập khẩu từ phương Tây nhưng ông Trần Văn Lai vẫn giữ lại tên phố Hàng. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngày 1-12-1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt y tên phố mới đổi. Một số phố tên “Hàng” nhỏ hẹp chuyển thành ngõ “Hàng” nên số phố Hàng còn 49. Lần đổi năm 1951 tăng thêm phố Hàng Đẫy nên Hà Nội có tổng cộng 50 phố “Hàng”.
Ngày nay, Hà Nội chính thức có 48 phố mang tên “Hàng” nhưng chỉ vài phố còn bóng dáng nghề xưa như Hàng Đồng, Hàng Thiếc. Trong khi đó, rất nhiều phố buôn bán một mặt hàng nhưng lại không phải là phố “Hàng”.
Bình luận của bạn