Trong những nghiên cứu về thành Thăng Long lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã đúc kết được những nhân tố chính tạo nên thành Thăng Long là: Tường thành (bao bọc Kinh thành), các cửa ô, Hoàng thành, khu phố cổ (khu Kẻ chợ), khu phố cũ (khu phố Tây) và các công trình tôn giáo, đình chùa, miếu mạo. Như vậy, phần giá trị cốt lõi của nhân tố tạo nên thủ đô Hà Nội ngày nay không thể thiếu được khu vực Kinh thành Thăng Long lịch sử, là nơi hội tụ các giá trị bền vững về văn hóa, xã hội, là nơi giao thoa giữa lịch sử và hiện đại.Với tốc độ phát triển không ngừng của nước ta hiện nay, thủ đô Hà Nội đang ngày ngày cuộn mình thay đổi để nhanh chóng trở thành một trong những thủ đô hiện đại, văn minh với quy mô thế giới. Chính vì vậy, các giá trị lịch sử – văn hóa cần phải được gìn giữ một cách bền vững, để tránh bị quên lãng, nhạt nhòa theo thời gian.
Cả thành phố đang khẩn trương chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đây cũng là dịp để chúng ta quan tâm đầu tư, xây dựng những dự án mang ý nghĩa to lớn về mặt văn hóa, lịch sử cũng là đặt dấu ấn của một giai đoạn đổi mới và phát triển.
Bản đồ Hà Nội năm 1831
Dự án “Chỉnh trang tuyến đường kinh thành lịch sử 1.000 năm Thăng Long” do Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 nghiên cứu đề xuất nhằm đóng góp cho Thủ đô một công trình có giá trị lịch sử sâu sắc trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và trong tương lai, làm cơ sở cho một quy hoạch mở rộng thủ đô Hà Nội hoàn chỉnh về cả yếu tố kinh tế – xã hội lẫn văn hóa – lịch sử.
Ashui.com xin giới thiệu tóm tắt với bạn đọc dự án này:
Mục tiêu
- Xây dựng một dự án, mang tính tổng thể, giá trị lớn về văn hóa, lịch sử và thời đại nhằm kịp thời phục vụ đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
- Xác định vị trí và ranh giới của Kinh thành lịch sử 1000 năm Thăng Long trong đô thị Hà Nội ngày nay.
- Tạo dựng những không gian đô thị đẹp có giá trị thẩm mỹ, giàu tính văn hóa, góp phần gây dựng một vẻ đẹp tổng thể cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.
- Tăng quỹ đất và nâng cao giá trị các không gian giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân trong khu vực triển khai dự án cũng như trong thành phố.
Vị trí và ranh giới khu vực nghiên cứu lập dự án
Trong quá trình lịch sử hình thành và phát triển Kinh thành Thăng Long đã qua bao thăng trầm lịch sử, qua nhiều biến đổi, chúng ta rất khó khăn để có thể hình dung được Kinh thành, ranh giới của Kinh thành Thăng Long xưa. Tuy nhiên, từ những nghiên cứu trên bản đồ của thành Thăng Long qua các thời kỳ, có thể xác định sơ bộ được các tuyến đường ngày nay có vị trí trùng khớp với vòng thành trong lịch sử như sau:
- Phía bắc là tuyến đường Hoàng Hoa Thám có thể xem như một phần của tường thành, đã có từ những thời kỳ đầu tiên, nối với ranh giới phía đông bằng tuyến đường Thanh Niên.
- Phía đông bắt đầu từ Ô Yên Phụ đến cầu Chương Dương, Hàng Tre, Hàng Vôi, Ngô Quyền, Tông Đản, Lê Thánh Tông và một phần phố Lò Đúc đến Ô Đống Mác.
- Phía nam bắt đầu từ Ô Đống Mác chạy dọc theo tuyến đường Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Đê La Thành đến Ô Cầu Giấy.
- Phía Tây trùng với tuyến đường Bưởi ven sông Tô Lịch.
Bản đồ lồng ghép ranh giới Kinh thành lịch sử và bản đồ thủ đô Hà Nội ngày nay
Trong bản đồ tỉnh thành Hà Nội dựng năm 1831 có ghi lại vị trí và tên gọi của 16 của ô:
Ô Yên Hoa (hiện là ngã ba Yên Phụ và đường Thanh Niên)
Ô Yên Tĩnh (hiện là ngã ba đê Yên Phụ – Cửa Bắc)
Ô Thạch Khối (đầu dốc Yên Ninh)
Ô Phúc Lâm (đầu phố Hàng Đậu)
Ô Đông Hà (nay là ô Quan Chưởng)
Ô Trừng Thanh (đầu phố hàng Chính, đầu chợ Gạo cũ)
Ô Mỹ Lộc (ngã tư Hàng Mắm – Hàng Muối)
Ô Đông Yên (ngã tư Hàng Tre – Hàng Thùng)
Ô Tây Luông ( khu Nhà Hát Lớn)
Ô Nhân Hòa (ngã tư Trần Quang Khải – Trần Hưng Đạo)
Ô Thanh Lãng (còn gọi là ô Đống Mác – đoạn Lò Đúc gặp Lương Yên)
Ô Yên Ninh (ô Cầu Dền – đoạn ngã tư Bạch Mai – Trần Khát Chân)
Ô Kim Hoa ( ô Đồng Lầm – gần ngã tư Đại Cồ Việt – Kim Liên)
Ô Thịnh Quanh (ô Chợ Dừa)
Ô Thanh Bảo (khoảng bến ô tô Kim Mã)
Ô Thụy Chương (khoảng vườn hoa Tây Hồ đường Hoàng Hoa Thám)
Phần lớn các cửa ô Hà Nội đều tập trung ở mặt Đông (11 cửa) mặt Tây (2 cửa), mặt Nam (3 cửa).
Đánh giá thực trạng khu vực nghiên cứu
Hiện nay, ngoài những điểm di tích lịch sử nằm rải rác trên tuyến Kinh thành xưa thì gần như không còn bao nhiêu dấu ấn vật thể của lịch sử từ nghìn năm để lại. Toàn bộ phần thành đất bao bọc phía đông và phía nam Kinh thành Thăng Long nay đã bị san bằng, chính là các tuyến phố và công trình kiến trúc. Phía tây và phía bắc, dọc theo sông Tô Lịch hiện nay là tuyến đường Đê La Thành, đường Bưởi, Hoàng Hoa Thám được hình thành từ tường thành bao quanh Kinh thành Thăng Long trong lịch sử.
Duy nhất chỉ còn tuyến đường Bưởi phía Tây Kinh Thành và đường Hoàng Hoa Thám phía Bắc là còn giữ được phần nào cấu trúc của tường thành xưa có một phần đê cao chạy dọc theo bờ sông Tô Lịch. Phía dưới chân thành cổ là tuyến đường ven sông tạo nên một khung nhìn rộng cho toàn đoạn đê Đường Bưởi.
Bản đồ đánh giá hiện trạng khu vực đê Đường Bưởi
Như vậy, theo thực trạng, ta có thể xác định được ranh giới giữa Kinh thành và Ngoại thành xưa kia, dựa trên sự lồng ghép giữa bản đồ Hà Nội hiện đại và bản đồ Hà Nội từ các thời kỳ lịch sử để lại. Cần sớm có sự đầu tư quan tâm tới Kinh thành lịch sử 1000 năm Thăng Long bằng nhiều hình thức khác nhau, nếu không làm kịp thời, việc lưu giữ những dấu ấn lịch sử của Thủ đô trong quá trình phát triển không ngừng như hiện nay sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Số lượng và tên các cửa ô có những thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử, nhưng trong đó có một số cửa ô vốn là vị trí của các cửa thành lâu đời (ít nhất có từ thời Lý – Trần), những cửa này có tầm quan trọng đặc biệt, là cửa ngõ thông thương và bảo vệ kinh thành Thăng Long ngàn năm văn hiến, nên tên các cửa ô đó còn tồn tại và in đậm trong ký ức, trở thành niềm tự hào của người Hà Nội, đó là các ô Chợ Dừa (cửa Trường Quảng), ô Cầu Dền (Cửa Nam thành Đại La) ô Đống Mác (cửa Vạn Xuân), ô Cầu Giấy (cửa Tây Dương), ô Thạch Khối (cửa Triều Đông).
Không gian cụ thể của các vị trí cửa ô nói trên ở từng thời điểm khác nhau, nhưng đều là các nút giao thông quan trọng ở Hà Nội, có không gian tương đối rộng: là các ngã tư, ngã năm của các đường chính hoặc là ngã ba ở điểm tiếp xúc với đường đê Yên Phụ, Trần Nhật Duật. Đây là điểm thuận lợi cho việc tạo dựng những hình thức biểu đạt, nhằm bảo tồn dấu tích lịch sử của các cửa ô Hà Nội.
Một số hình ảnh hiện trạng trên tuyến đường Bưởi
Một số giải pháp chung
- Khôi phục hình ảnh cửa ô, biểu tượng, đặt biển tên tại 16 vị trí cửa Ô đã tồn tại trong lịch sử. Với “kiến trúc biểu tượng” quy mô nhỏ cho phép có thể đặt tại tất cả các vị trí lịch sử mà hiện nay là hệ thống đường phố, nút giao thông.
- Dựng lại các điểm góc thành lịch sử tại vị trí xưa, đó sẽ là nơI tổ chức điểm thăm quan, chụp ảnh, dừng chân, nghỉ ngơi cho khách du lịch.
- Thiết kế đô thị, tổ chức lại toàn bộ hệ thống biển quảng cáo. Xây dựng hệ thống bảng hiệu, panô giới thiệu về Thăng Long 1000 năm trên toàn tuyến.
- Xây dựng các nguyên tắc, điều lệ quản lý kiến trúc đô thị trên toàn tuyến và các vị trí giao nhau giữa tuyến đường mới với tuyến kinh thành Thăng Long.
- Xây dựng tuyến xe buýt chạy trên toàn tuyến với các điểm đỗ là di tích lịch sử và không gian có khả năng khai thác du lịch.
- Đưa tuyến du lịch Kinh thành lịch sử 1000 năm Thăng Long và quy hoạch phát triển du lịch tổng thể thành phố Hà Nội.
- Mở rộng, phát triển và đầu tư tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho các khu vực có di tích lịch sử và không gian công cộng trên toàn tuyến.
- Đưa tuyến đường Kinh thành lịch sử 1000 năm Thăng Long vào bản đồ du lịch thành phố Hà Nội.
Kè tuyến Đường Bưởi theo phương án thiết kế nhằm phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử và thời đại.
Giải pháp cụ thể
Các vị trí cửa ô và các góc thành Hà Nội (1802)
Thiết kế biển đá ghi tên các cửa Ô tại đúng các vị trí cửa ô xưa. Hình thức hiện đại kế thừa truyền thống, tạo dấu ấn và ghi nhớ các cửa Ô của thành Đại La.
Một số ví dụ phương án thiết kế biểu tượng đặt dấu ấn khu vực cửa Ô và các góc Thành Hà Nội (1802)
Kè tuyến Đường Bưởi
- Ý tưởng chủ đạo :
Xét trên toàn tuyến khảo sát về tường thành Thăng Long xưa, hiện nay chỉ còn duy nhất tuyến Đường Bưởi và tuyến đường Hoàng Hoa Thám là vẫn giữ được phần nào hình hài xưa. Tuyến đường Bưởi với phần đê cao từ 2 – 5m chạy bám dọc theo sông Tô Lịch, một bên đê là nhà ở, một phần còn lại tạo thành dải tường kéo dài từ đường Hoàng Quốc Việt đến Ô Cầu Giấy.
- Khu vực chưa có kè, thiết kế mới kè đê theo hình thức mới, với công nghệ hiện đại mang ý nghĩa về mặt kiến trúc, văn hóa và lịch sử. Khu vực đã kè sẽ cải tạo để có sự thống nhất trên toàn tuyến.
- Ý tưởng tổ chức mặt bằng tổng thể toàn tuyến :
Hệ thống tường thành mới được tổ hợp từ nhiều đoạn kè với độ dốc khác nhau xếp chồng nếp uốn lượn trên toàn tuyến, tạo hình ảnh như những chiếc vảy rồng.
- Ý tưởng mặt đứng toàn tuyến :
- Tường thành có chiều cao từng đoạn khác nhau tạo hình ảnh nhấp nhô giàu tính ẩn dụ.
Hình thức kiến trúc mang tính đa nghĩa: có thể tưởng tượng cả tuyến mang vóc dáng của Rồng thiêng Thăng Long, hay dáng dấp của mái ngói lô xô phố cổ, các phím đàn…
Phương án thiết kế
Giải pháp cụ thể cho việc kè tuyến đê Đường Bưởi được nghiên cứu thiết kế dựa trên ý tưởng tổng thể của dự án.
- Các đoạn tường thành có chiều dài từ 10 – 20 m, cao từ 2 – 5m tùy thuộc theo địa hình hiện trạng, được bố trí lệch nhau để tạo khe rộng từ 0,6cm – 1,2m (hình ảnh minh họa). Tại các khe đó bố trí đèn chiếu sáng hoặc thang đi bộ, nối không gian trên mặt với không gian phía dưới.
- Phần cao độ của mặt trên tường thành được thiết kế cao thấp khác nhau tùy đoạn, tạo thành một tổng thể nhấp nhô đầy tính ẩn dụ.
- Do tốc độ di chuyển của người dân trên tuyến quan sát ven sông Tô Lịch vào khoảng 30 – 40km/s nên khoảng cách các đoạn thành được thiết kế đảm bảo yếu tố thụ cảm thị giác.
- Trên mặt tường thành, trồng các loại hoa màu sắc khác nhau trong đó có các hoa quý, truyền thống của Thăng Long như đào, cúc kéo dài từ 50m – 100m để tạo các vệt màu rực rỡ trong mắt người di chuyển trên tuyến.
Phương án kè tuyến đê Đường Bưởi sử dụng gạch Vồ truyền thống
Tuyến Đường Bưởi sau khi cải tạo, được chiếu sáng vào ban đêm sẽ tạo được những ấn tượng mạnh.
Do bố trí các đèn chiếu sáng trong khe và phần ánh sáng chiếu xuôi theo hướng chuyển động, nên ánh sáng không ảnh hưởng đến người tham gia giao thông ,đồng thời tạo cảm giác dịu dần trên từng đoạn.
Trên mặt các đoạn tường thành, tạo các ô hình chữ nhật hoặc hình vuông để gắn các tranh, phù điêu về lịch sử tráng lệ, hào hùng của Thủ đô hay các họa tiết về các di vật Thăng Long nghìn tuổi. Buổi đêm có đèn chiếu sáng cho từng ô.
Mặt bằng chi tiết một đoạn tường thành
Vật liệu sử dụng
Lựa chọn vật liệu để kè tuyến đê Đường Bưởi vừa phải kế thừa được truyền thống, vừa thể hiện được tính thời đại. Có thể nghiên cứu giải pháp kè sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau thể hiện được giá trị của từng thời kỳ lịch sử.
Một số vật liệu tham khảo, áp dụng để kè tuyến đê Đường Bưởi:
- Gạch vồ
- Gạch đá ong
- Đá tự nhiên
- Hoa bê tông kết hợp trồng cỏ, v.v…
- Đắp đất (có phụ gia với công nghệ mới) theo các tài liệu về thành Đại La.
Những vật liệu trên có ưu điểm là dễ sản xuất, tiến độ thi công nhanh và giá thành hợp lý.
Phương án sử dụng gạch đá ong
Phương án sử dụng đá tự nhiên
Phương án sử dụng trồng cỏ kết hợp bê tông
Tính khả thi của phương án
- Theo kết quả khảo sát trên tuyến đê Đường Bưởi thì công tác đầu tư sẽ không cần phải giải phóng mặt bằng nên có thể triển khai thực hiện thi công ngay sau khi có thiết kế.
- Tiến độ thi công nhanh, có thể chia thành nhiều đơn vị thực hiện, trên nhiều đoạn khác nhau để đảm bảo kịp phục vụ đại lễ 1000 năm Thăng Long
- Giá thành đầu tư rẻ do sử dụng chủ yếu vật liệu địa phương, dễ sản xuất.
- Có thể đưa yếu tố xã hội hóa vào dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
- Yêu cầu kỹ thuật đơn giản.
Dự án “Chỉnh trang tuyến đường kinh thành lịch sử 1.000 năm Thăng Long” được thực hiện sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, thu hút thêm được một lượng lớn khách du lịch trong nước và ngoài nước tới thủ đô Hà Nội; nâng cao giá trị các không gian sống, không gian công cộng dọc theo tuyến đường được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp; khai thác các điểm dịch vụ, vui chơi giải trí nhằm đáp ứng những nhu cầu tham quan, du lịch nghỉ chân trên dọc toàn bộ tuyến đường; giáo dục thế hệ thanh thiếu niên trong cuộc sống hiện đại những hiểu biết về lịch sử, tự hào về một Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Rút kinh nghiệm từ những dự án nghệ thuật đường phố khác đã và đang được triển khai với nhiều “điều qua tiếng lại”, bên cạnh yếu tố mỹ thuật, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, các kiến trúc sư của Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đã tính toán kĩ giữa tốc độ di chuyển của người dân trên tuyến quan sát ven sông Tô Lịch và khoảng cách các đoạn thành, nhằm đảm bảo yếu tố cảm thụ thị giác. Vì được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa – dự kiến 70-80 tỷ đồng, vì thế, việc vinh danh các nhà tài trợ cũng đang được tính đến. KTS Hoàng Thúc Hào đại diện nhóm tác giả khẳng định, với dự án này, các nhà tài trợ sẽ được tôn vinh xứng đáng nhưng theo một cách hết sức tinh tế.
Bình luận của bạn