“Tại sao trong lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đô thị thì phần thua thiệt thường rơi về phía bảo tồn?”, TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu đặt câu hỏi trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học ngày 15 – 16.12 tại Hà Nội.
Bà nói nhiều đến Thương xá Tax, một di sản gắn với sự phát triển của TP.HCM mà sau nhiều thư ngỏ, ý kiến công khai, chỉ được bảo tồn một thảm gạch mosaic, tay vịn cầu thang chính, lan can, biểu tượng con gà trống và quả cầu bằng đồng. Tuy nhiên, như thế vẫn còn hơn không có gì. “Trải qua nhiều biến động lịch sử và hiện nay trong quá trình đô thị hóa, nhiều di sản văn hóa đô thị Sài Gòn – TP.HCM đã bị hủy hoại hoặc đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn về bảo tồn hay phát triển”, bà Hậu chia sẻ.
Tại Hà Nội, báo cáo thẩm tra của UBND TP.Hà Nội cho thấy có khoảng 40 công trình tuy có giá trị kiến trúc tiêu biểu, quy mô lớn, đẹp nhưng đã được đề nghị không đưa vào danh sách bảo tồn. Lý do vì chúng đã biến dạng và hư hại quá nhiều. “Với cách chúng ta đã cấp phép, hiện nay biệt thự Pháp chỉ còn được khoảng 10%”, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho biết.
TS Khuất Tân Hưng, ĐH Kiến trúc Hà Nội, lại xót xa trường hợp của Trường THPT Châu Văn Liêm, TP.Cần Thơ. Là người trực tiếp khảo sát, nghiên cứu tại đây, ông cho biết đó là quần thể kiến trúc Pháp hiếm hoi còn được giữ nguyên vẹn. “Trong bối cảnh nhiều công trình kiến trúc Pháp đang biến dạng, công trình kiến trúc mới chưa khẳng định được vị thế, thì Trường Châu Văn Liêm là một viên ngọc. Nhưng tôi không hiểu vì sao nó chưa được ghi danh thành một di tích lịch sử văn hóa, hay trở thành công trình kiến trúc trước năm 1954 cần được bảo tồn”, ông Hưng đặt câu hỏi khi một số dãy nhà của trường đã được quyết định đập bỏ để xây mới, bên cạnh phần được xác định trùng tu nâng cấp sau nhiều tranh cãi.
Ở Huế, một công trình đang được trùng tu cũng gây xôn xao trong giới nghiên cứu lịch sử văn hóa là bia Quốc học Huế. Bia còn có tên là Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, được xây dựng vào năm 1920, tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã chết trong cuộc chiến giúp Pháp chống lại Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Điều đáng nói, tư liệu phối cảnh sau khi hoàn thành của công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo này, trên mặt bia lại không có nội dung. Trong khi đó, theo tư liệu của TS Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, trên bia có danh sách những binh sĩ đã mất. “Đó là một phần của lịch sử, chúng ta không thể không công bằng với lịch sử”, GS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nói.
Cầu thang chính với lan can uốn lượn và thảm gạch mosaic của Thương xá Tax, TP.HCMẢNH: ALEXANDRE GAREL
“Không làm sớm sẽ mất sạch di sản”
TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng: “Cần chú ý đến khảo cổ học đô thị trước khi quá muộn. Vì các công trình kiến trúc vài trăm năm tuổi hiện chưa có hành lang pháp lý chặt chẽ. Không cẩn thận, chúng ta sẽ mất sạch các di sản này”.
Theo GS-KTS Hoàng Đạo Kính, các công trình có giá trị như vậy rất nhiều. Huế có sự kết hợp giữa kiểu thành Vauban của Pháp với bài toán phong thủy chuẩn mực của một kinh đô chuẩn mực. Đô thị Hà Nội kế thừa kiến trúc phố thị và những phường thợ được chuyên môn hóa. Đà Lạt cũng sở hữu quỹ di sản kiến trúc đô thị đáng giá. “Đà Lạt, nơi duy nhất ở VN, ngay từ đầu và trong suốt nửa đầu thế kỷ 20 được xây dựng với tư cách là đô thị nghỉ mát và nghỉ dưỡng, theo những chủ trương và quy hoạch nhất quán”, ông Kính cho biết.
Chính vì thế, theo ông Kính, việc bảo tồn quỹ biệt thự của Đà Lạt là việc đầu tiên cần làm nếu muốn phát triển du lịch của thành phố này. “Sự hiện diện của hàng ngàn biệt thự nghỉ mát, sắp đặt và lồng ghép ý tứ vào khung cảnh những sườn đồi có rừng thông bao phủ. Tiếc thay, nhà chức trách lại đang chủ trương biến Đà Lạt đô thị di sản, đô thị có thương hiệu thành thành phố trung tâm đa năng của tỉnh, như mọi trung tâm của mọi tỉnh khác”, ông Kính không giấu nổi tiếc nuối.
Một trong những việc phải làm, theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học, là mau chóng làm hồ sơ cho những công trình xứng đáng có danh hiệu di tích, hay công trình kiến trúc cần được bảo tồn tại các đô thị. Như thế, khi công trình xuống cấp, nó có cơ hội được trùng tu theo bài bản. Bia Quốc học Huế hiện là một công trình có giá trị, tuy nhiên do chưa có danh hiệu nên khi tu sửa, quy trình thực hiện sẽ giống một công trình xây dựng thông thường. Các công trình cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu ai đó có ý định đánh đổi chúng lấy một khối công trình khác hiện đại hơn.
Tất nhiên, việc cứu di sản chưa danh hiệu không phải chưa từng xảy ra. Mới đây nhất, việc phá dỡ ống khói của Nhà máy kẽm Quảng Yên, Quảng Ninh đã được dừng lại sau khi các nhà khoa học lên tiếng. Thậm chí, tỉnh cũng đang xem xét xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho nhà máy này. Còn theo TS Nguyễn Việt, Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, hoàn toàn có thể biến nhà máy này thành một bảo tàng để thu hút du lịch.
Hiện tại, theo TS Nguyễn Thị Hậu, ở TP.HCM đã có nhiều giải pháp để cứu di sản kiến trúc đô thị. Chẳng hạn, thành phố đã bắt đầu từ quy hoạch khu vực trung tâm (930 ha) với những quy định cụ thể về tầng cao, kiến trúc… phù hợp cảnh quan khu đô thị cũ. Sở Quy hoạch – Kiến trúc hiện cũng đang chủ trì để ban hành văn bản về bảo tồn cảnh quan đô thị, trong đó có cảnh quan biệt thự: kiểm kê, phân loại và có chính sách bảo tồn, sử dụng phù hợp với từng loại biệt thự. Viện Nghiên cứu phát triển lại đang chủ trì nghiên cứu xây dựng những cơ chế , chính sách cho công tác bảo tồn trên địa bàn TP.HCM. “Tất cả đều đặt trên nền tảng đánh giá giá trị của di sản đô thị từ các mặt: kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, cùng với di sản ký ức đô thị”, bà Hậu cho biết.
Bình luận của bạn