Có những tấm lụa Hà Đông

Thứ 3, 14/11/2023, 11:53 (GMT+7)

Chia sẻ

Mẹ đã xa chúng con và các cháu 2 năm rồi.

Có những lần Mẹ nghìn ngày không ngủ, ngày con ra đi nơi trận mạc, nơi bom đạn, rừng núi xa xăm...
Nay Mẹ mãi mãi yên nghỉ cùng Bố con rồi,...

Con thắp hương nơi xa xôi, xin Mẹ về cùng chúng con , thêm một nén hương của người bạn con, xinh đẹp nhờ qua tay "Bà đỡ Hải",.......

Kỷ niệm về Mẹ không bao giờ kể hết, chúng con xin dâng bài viết của em con-Tạ Mỹ Dương, như tấm lòng của các con cháu nhớ về Bố Mẹ.
*
" Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông "

Lụa Hà Đông vào Sài Gòn lần đầu năm nào, Nguyên Sa viết những dòng thơ ấy năm nào, tôi không biết. Nhưng tôi biết một nơi, một con phố ngang, nhỏ như một cái ngách nứt ra từ những khối nhà, phố Carabelli, ( bây giờ là Nguyễn Thiệp), nối hai con đường lớn nổi tiếng một thời, Catinat và Charner, (Đồng Khởi và Nguyễn Huệ bây giờ). Vào năm 1938, ở một trong những ngôi nhà của cái dẫy phố hai tầng do ông ba tầu giầu có là chú Hỏa cho thuê, có một người phụ nữ gốc bắc đã mở một cửa hàng tơ lụa, những súc lụa Hà Đông được gửi vào từ Hà Nội, những súc lụa sắc trắng, sắc ngà và những đường tơ óng lên trong nắng Sài Gòn.

Những súc lụa ấy đã đi con đường nào đến đấy. Con đường của sự giao thương hàng hóa hay con đường của số phận con người.

Đã có những câu chuyện về lụa, bắt đầu từ lụa, số phận con người như bị cuốn vào cái vòng giăng tỏa của cái thứ vải mềm óng ánh đầy mê hoặc ấy. Như câu chuyện từ thế kỷ 19 của nhà văn Ý Alessandro, mà theo tờ Newsday đã viết như là một một câu chuyện tình “có những sắc mầu rực rỡ, có cuộc sống bị dồn nén, và có cả bùa ngải của một bức tiểu họa”. Bắt đầu từ một cuộc viễn chinh vì lụa, dẫn đến một câu chuyện tình có sức ám ảnh như một thứ bùa mê.

Hai chị em. Paris, năm 1954.

Đã có một cuốn phim truyện Việt Nam về lụa. Phim cho thấy một cách thể hiện “nặng tình” với lụa. Nhưng dường như người ta đã áp đặt vào đó quá nhiều “giá trị tinh thần”, nên vô tình đã ấn cái tấm lụa mong manh ấy trôi theo một cuộc đời sóng gió, đấy chìm nổi, vật vã, và khốc liệt của chiến tranh. Đẩy số phận của lụa vào chỗ phải chịu một kiếp khổ đau không đáng có.

Có thể có một tấm lụa Hà Đông như thế.

Nhưng thực ra, có một đời sống khác của lụa. Giá trị cũa những tấm lụa Hà Đông không giản đơn như thế, thân phận của những tấm lụa Hà Đông không đáng thương như thế.

Có những tấm lụa Hà Đông không cần phải đi qua chiến tranh, không cần chìm nổi vật vã, kể cả lúc lọan lạc, nó vẫn sống, mềm mại, óng ả ngay bên lề cuộc chiến.

Những súc lụa Hà Đông không chịu kiếp nghèo hèn, mà sang trọng lắm.

Ngòai những cô gái quê chân chất, mộc mạc, những tấm lụa ấy còn khóac lên những tấm thân ngà ngọc của cô tiểu thư, của quý bà môi son má phấn nện giầy cao gót trên phố Hàng Đào, con đường một thời được gọi là “rue de la Soie” giữa lòng Hà Nội.

Những súc lụa có thể đẩy đưa, dẫn dắt đời người, chứng kiến mọi diễn biến của đời người, có thể cuốn chặt vào mình những đời người, những số phận, những mối tình vừa ngập tràn hạnh phúc, vừa tan nát, khổ đau.

Nhưng lụa không cần và không phải chịu khổ theo số phận con người. Lụa của cái cửa hàng mép mình trên con phố cũ Carabelli nhỏ bé kia là như thế. Một ngày tôi đọc được câu chuyện về lụa từ những bức hình đen trắng cũ của gia đình. Chúng như những tấm hình dừng lại của một cuốn phim.

Paris 1954.

Paris 1954.

Là câu chuyện về những cuộc đời thật, những con người thật, và một ngôi nhà thật.

Là câu chuyện về những người đàn bà tài sắc đã mang lụa đến đây, bán lụa ở đây.

Bắt đầu từ một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Hà Đông.

Làng nghèo, đến cái tên nghe cũng mộc và nghèo. Làng Bồ Nâu. Chả có nghĩa to tát gì, chỉ là tên của một lọai củ dùng nhuộm vải, cho ra những tấm vải gụ nâu sồng.Nhưng lụa không phải là hình ảnh dẫn dắt đầu tiên. Mà bắt đầu là một khuôn mặt chùm khăn mỏ quạ giữa Paris tuyết trắng. Hai người đàn bà đẹp, sang trọng và quý phái trong hai tấm áo lông. Họ đã mang lụa từ Hà Đông vào Sài Gòn. Nhưng lụa đã dẫn họ đến Paris. Bắt đầu là họ mang lụa đi, nhưng rồi lụa dẫn dắt, đưa đường cho họ.

Paris 1954.

Paris 1954.

Những tấm lụa đi bằng tầu hỏa, tầu biển, máy bay. Những tấm lụa không chìm nổi, tuy cuộc đời những người mang lụa cũng rất nhiều chìm nổi. Khăn mỏ quạ xuất thân từ ngôi làng ấy, khăn mỏ quạ lớn lên, khăn mỏ quạ lấy chồng. Chồng là một ông hàn,( cách gọi những người có tí chữ ở quê), khăn mỏ quạ trở thành bà hàn.

Rồi ông hàn ra Hà Nội làm công chức nhà dây thép. Có lúc bị bổ đi làm ở những miền xa, tận Lạng Sơn, Cao Bằng. Ông bà Hàn có một ngôi nhà ở Hà Nội, phố Sinh Từ. Sống cuộc đời êm ả, đủng đỉnh công chức thời tây, ăn uống cầu kỳ, kỹ lưỡng. Ngồi nhấp trà từng ngụm nhỏ, thức đêm ngắm hoa quỳnh. Bà Hàn sinh bốn người con, ba gái một trai út. Gái cả tính tình cẩn trọng, căn cơ, theo nghề dậy học. Lấy chồng đốc học tỉnh Thanh. Gái hai nhan sắc mặn mà, thông minh, sắc sảo, mạnh mẽ, có máu họat động xã hội, ra đời với nghề đầu tiên là viết báo. Vào đầu những năm ba mươi viết cho tờ “Phụ nữ thời đàm” ở Hà Nội. Gái ba kém chị kế chín tuổi, đẹp, rực rỡ, hiền lành, nhân hậu. Nữ sinh Đồng Khánh, một ngôi trường mà từ đó khá nhiều người trở thành những bậc phu nhân của những trí tức tài danh, chính khách. Theo lời kể, thì là một trong năm cô gái đầu tiên đi xe đạp ở Hà Nội vào đầu thế kỷ trước. Tốt nghiệp lycée, đi làm ở sở canh nông. Sắp được đi Pháp học thì xẩy ra chiến tranh thế giới, Đức chiếm Pháp, việc đi học bị hủy. Thì ở nhà bán lụa. Câu út giai một được chiều, học hành phất phơ. Bà hàn mở một cửa hàng bán lụa ở phố Sinh Từ, lấy tên gái thứ ba (đẹp nhất nhà) đặt tên cho cửa hiệu, tiệm Nguyễn Hải. Lụa lấy từ Hà Đông, vừa bán, vừa bỏ cho những cửa hiệu khác nổi tiếng trên phố Hàng Đào, như nhà Quản Đại Lợi, Ba Năng, rồi những nhà buôn có tiếng ở Hải Phòng. Những mối quan hệ với mấy nhà mà sau nầy gọi là “tư sản” bắt đầu từ đây, chuần bị cho một “con đường tơ lụa” xuôi Nam.

Năm 1950, Bà Nguyễn Thị Hải đưa con gái đầu Tạ Mỹ Dung (1 tuổi ) từ Việt Bắc kháng chiến về Hà nội thăm cụ Tạ Mỹ Ân-thân sinh ông Tạ Mỹ Duật. Năm 1956, cụ Tạ Mỹ Ân mất trong trại “Cải cách ruộng đất” tại Hưng Yên.

Năm 1950, Bà Nguyễn Thị Hải đưa con gái đầu Tạ Mỹ Dung (1 tuổi ) từ Việt Bắc kháng chiến về Hà nội thăm cụ Tạ Mỹ Ân-thân sinh ông Tạ Mỹ Duật.
Năm 1956, cụ Tạ Mỹ Ân mất trong trại “Cải cách ruộng đất” tại Hưng Yên.

Năm 1932 nhân có cuộc triển lãm đấu xảo ở Paris, nhà báo Nguyển Thị Khang, gái thứ bà hàn, sang Paris dự hội chợ, có lẽ là một chuyến đi định mệnh, vì đã dẫn đến cuộc gặp gỡ định mệnh. Có một người đàn ông tây học, một chủ bút báo, tờ Tân Thế Kỷ ở Sài Gòn, cũng sang Paris lúc đó để tham dự cuộc triển lãm đấu xảo. Ông Cao văn Chánh. Cao văn Chánh sinh năm 1903, là con một điền chủ Nam bộ, du học ở Pháp trong những năm đầu thế kỷ XX, tốt nghiệp cử nhân văn chương. Tân Thế kỷ là một trong số ít những tờ báo tiếng Việt (theo lời kể của các nhân vật sau này trở thành các cụ kể cho con cháu) có tinh thần yêu nước (như tờ Tiếng Dân của Phan Châu Trinh?) ngòai miền trung. Cao Văn Chánh có người chị gái là madame Nghuễn Đức Nhuận (Theo cách tây, lấy tên chồng), cũng là chủ bút, tờ Phụ Nữ Tân văn. Và họ gặp nhau, Cao văn Chánh và Nguyễn Thị Khang, tại cuộc triển lãm đấu xảo Paris (1932).

Sài Gòn 7/1954. Nhà Bà Nguyễn Thị Khang (Cao Văn Chánh) -chị ruột Bà Nguyễn Thị Hải.

Sài Gòn 7/1954.
Nhà Bà Nguyễn Thị Khang (Cao Văn Chánh) -chị ruột Bà Nguyễn Thị Hải.

Sau khi về nước, lấy rồi theo chồng vào Sài Gòn. Bà Khang vẫn cùng chồng tiếp tục những năm viết báo. Nhưng còn một dòng máu nữa vẫn chẩy trong người phụ nữ ấy, máu kinh doanh. Gia đình ngòai Hà Nội vẫn nghề buôn lụa. Từ chuyến xuất giá theo chồng, một con đường mới mở cho những súc lụa Hà Đông đi vào Sài Gòn. Cô em gái xinh đẹp ở Hà Nội là người lo đầu cung cấp hàng cho chị trong Sài Gòn, gửi những súc lụa vào Nam. Ông Cao Văn Chánh vừa viết báo vừa họat động chính trị, có tinh thần chống Pháp. Vào năm 1940 bị bắt và đi đầy ở Bà Rá vì có liên can đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Đầu 1942 Cao Văn Chánh tuy đã được thả nhưng vẫn bị quản thúc, chính quyền thực dân cấm không cho đi khỏi Nam Kỳ, đến nỗi khi bố vợ mất cũng không ra được HN chịu tang. Mãi đến 1943, lần đầu tiên mới ra Bắc dự giỗ đầu ông bố vợ. Khi ấy cô em ở Hà Nội chưa lấy chồng. Tiểu thư xinh đẹp hàng ngày áo dài tung cánh, đi làm Sở Canh nông, rồi vừa đi học lớp nữ hộ sinh quốc gia, vừa lo việc hàng hóa. Cửa hàng lụa phố Sinh Từ được xây dựng lại, ông thầu khóan giới thiệu anh ruôt là kiến trúc sư vẽ kiểu nhà.

Đường Catinat- Sài Gòn 7/1954

Đường Catinat- Sài Gòn 7/1954

Tạ Mỹ Duật khi đó ngòai ba mươi, chả đẹp giai gì, nhưng tài ba, lại gặp lúc nổi danh, đang thời phất, mới có vài giải thưởng kiến trúc, mua được chiếc “tac xông” citroyen, complet đũi trắng, giầy tây nện lốp cốp, vào ra, giao tiếp khách hàng chỗ giầu có, lớp danh giá Hà thành. Quen biết cũng nhiều, nhưng đến đây đưa mắt liếc trộm tiểu thư con nhà hàng vải.

Sài Gòn – Vườn hoa , trước Dinh Norodom, 7/1954. Nhà thầu khoán Tạ Mỹ Nhạ, em ruột KTS Tạ Mỹ Duật. Bé Giang- “cụ Mao” đứng trên nắp capot

Sài Gòn – Vườn hoa , trước Dinh Norodom, 7/1954.
Nhà thầu khoán Tạ Mỹ Nhạ, em ruột KTS Tạ Mỹ Duật.
Bé Giang- “cụ Mao” đứng trên nắp capot

Chàng KTS và tiểu thư con gái nhà tơ lụa thành duyên số.

Nhưng Cao Văn Chánh và Tạ Mỹ Duật, chồng của hai nhan sắc, hai tên tuổi chưa một lần gặp nhau. Cách mạng Tháng tám bốn nhăm, ông kiến trúc sư đang thời họanh phát, danh tiếng như cồn,vợ đẹp, xe hơi hồ hởi với mùa thu cách mạng như bao nhiêu tri thức văn nghệ sỹ khác. Độc lập rồi, độc lập rồi, còn một cuộc đời rộng lớn lắm. Thế là theo, thế là ra nhập, ngun ngút ngọn lửa của tinh thần yêu nước, chứ chưa biết cộng sản là gì.

Sài Gòn 7/1954

Sài Gòn 7/1954

Rồi cả nước vào cuộc khánh chiến chống Pháp. Tạ Mỹ Duật cùng gia đình rời Hà Nội một đêm mùa đông năm bốn sáu để lên Việt bắc, ra nhập Đòan văn hóa khánh chiến cùng bao văn nghệ sỹ khác. Điểm dừng chân đầu tiên trong đêm là gia đình ông Dương chuyên bán lụa ở làng Vạn Phúc, Hà Đông. (Là chỗ lấy mối lụa). Đang ngồi trên nhà thì như có linh tính, ông chủ nhà bảo”thôi cô xuống nhà đi, tôi thấy nguy hiểm lắm”, vừa xuống đến dưới đất thì một quả đạn xuyên qua tầng hai. Ngôi nhà nầy cũng chính là điểm dừng chân của nhiều ông lãnh đạo chính phủ VN Dân chủ Cộng hòa trên đường rút lên Việt Bắc.

Đi kháng chiến. Thị trấn Tam Đảo 1948 (?), sau tiêu thổ kháng chiến.

Đi kháng chiến.
Thị trấn Tam Đảo 1948 (?), sau tiêu thổ kháng chiến.

Trong cái gánh thúng mủng treo hai đầu quang gánh do người làm gánh của gia đình Tạ Mỹ Duật, ngòai hai đứa con còn có vài đứa cháu con bà chị ở Sài Gòn, chúng bị gửi ra Hà Nội ở với dì vì gia đình trong Nam xẩy ra biến cố trước đó, ba bị tù đầy, má vừa lo đi nuôi chồng, vừa tần tảo ngược xuôi, buôn bán. Ở ngòai kháng chiến, ngòai giới kiến trúc, Tạ Mỹ Duật hay túm tụm với giới văn như cụ Phan Khôi, Bùi Huy Phồn, Nguyễn Tuân. Và họa, thân với gia đình Tô Ngọc Vân, nhà ông là nơi lui tới, rượu chè của dân văn nghệ, vợ đẹp hàng ngày trồng rau, nuôi gà , cơm nước phục vụ cho đám bạn văn của chồng…

Cũng năm 1945 ở Sài Gòn, một ngày sau 23 tháng chín, ngày Nam Bộ kháng chiến, ông Cao Văn Chánh mượn ô tô của bạn chở gia đìng về Cần Thơ lánh nạn. .Sau đó vào một ngày cuối tháng mười, khi trở lại Bến Lức, Long An trả xe thì mất tích. Từ biệt vợ con ngày 31 tháng 10 năm 1945. Lộn về Sài Gòn, bà chủ cửa hàng tơ lụa vừa đi khắp lục tỉnh tìm chồng, vừa phải lo buôn bán, một mình tất tả ngược xuôi. Lũ con một số gửi ngòai kháng chiến, số gửi dần sang Pháp học. Hàng ngày bà ngồi bàn giấy, tóc tết vấn cao, áo dài sang trọng, gọi tê lê phôn đi các nơi điều hành công việc. Tầng dưới là cửa hàng, tầng trên là văn phòng điều hành nhập xuất. Nhìn tấm ảnh bà mềm mại trong tấm áo dài, nhưng gương mặt đầy quyết đóan như một vị tướng. Thời gian này lụa đang bán chạy, những súc vải đầu tiên sắp lên tầu sang Pháp.

Hai năm sau, với những dòng thông tin chắp nối lại, bà được biết là chồng đã bị thủ tiêu vào một buổi chiều bên một bờ sông, những người du kích nghi là việt gian vì ông không mang theo giấy tờ, lại lái xe, đeo kính trắng, ăn mặc kiểu trí thức. Bà cho người ra ngòai kháng chiến lôi lũ con trở vào Sài Gòn, rồi cho sang Pháp. Nhốt tất cả vào trường nội trú. Một mình bà ờ Sài Gòn điều hành công việc ở 15, Carabelli. Hàng xuất cảng sang Pháp, thành đồng franc, trở về thành đồng Đông Dương, thành nhà, cửa hàng, dẫy phố ở Gia Long, biệt thự trên đường PhanThanh Giản.

Cho đến 1954, hiệp địng Genève ký kết.

Bà em xinh đẹp ngòai Việt bắc về Hà Nội trước thăm bố chồng, cụ thân sinh ông kiến trúc sư ở quê đang gặp nạn vì cải cách. Hình ảnh cuối cùng của gia đình với ông cụ, quần trắng, áo the đen, khăn xếp, chân đi guốc mộc. Địa chủ Tạ Mỹ Ân nét mặt buồn như linh cảm ngững ngày cuối cùng sắp đến. Chỉ vài tháng nữa thôi, ông sẽ bước chân vào tù. Rồi bà cắp hai đứa con vào Sài Gòn, gặp lại mẹ, gặp lại chị và những súc lụa Hà Đông.

Đường Catinat, Charner, Bonnar người đẹp tơ lụa phất phới tà áo dài, quần lụa trắng, giầy cao gót, tay lủng lẳng ví đầm.
Ông thầu khóan là em ruột ông kiến trúc sư cũng vào Sài Gòn, có thời làm quản lý cho bà chị của người chị dâu. Ông cũng mua được citroyen, Ngòai ngừoi vợ đã mất ở Hà Nội, ông lấy thêm ba bà vợ để ở ba gócSài Gòn, được tất cả 19 người con. Ông bố mỗi chủ nhật, bệ vệ complet đũi trắng, giầy “deux couleur” đi chơi chụp hình bên cái xe mầu đen, đỗ bên vườn trước dinh Norodome, cùng con cũ, con mới. Những người con gái vợ đầu cũng vào từ Hà Nội, những cô gái Hà Nội tóc uốn kiểu Sài Gòn, nhưng tung tăng áo dài, quần trắng lụa Hà Đông.

Bà chị đưa mẹ và cô em sang Pháp chơi, vẫn khăn mỏ quạ chùm đầu, phu nhân ông KTS ngòai khóac áo lông nhưng bên trong vẫn lộ cái cổ áo dài lụa đứng trong tuyết trắng Paris. Bà chị dụ cô em ở lại, Paris hay Sài Gòn cũng được, ở đâu cũng có tiền, ở đâu cũng có nhà, nhưng” đừng ra ngòai ấy”. “Rồi tôi cho người ra đón chú ấy vào”, xán lạn quá còn gì. Đã bao trí thức trở về Thành, kiến trúc sư mà vào trong này tha hồ đất sống, tên tuổi nhé, vốn liếng nhé, một trí thức từ bỏ cộng sản trở về nhé, chả thiếu thứ gì!

Ông KTS ở ngòai Việt bắc ngày đêm trông vợ mà lo sốt vó. Một đằng vợ đẹp ở xa, mọi lời cám dỗ, xã hội phía bên kia những miệng rắn hang hùm. Một đằng con đường đã đi, là lý tưởng đã nhất quyết theo rồi, sắp đến đích rồi, bỏ làm sao được. Về thôi, về thôi. Vợ đẹp nhất định trở về để ra ngòai ấy với chồng. Bỏ ngòai tai dụ dỗ, bỏ ngòai tai giận hờn. Rơi nước mắt chào mẹ, chào chị và chào những súc lụa Hà Đông đang nằm trên tủ.

Theo con đường 100 ngày, ( là thời gian quá độ cho hai miền tự do đi lại theo hiệp định Genève), bà lặng lẽ mang hai đứa con trở ra Hà Nội. Đấy là những người đàn bà của một thời, họ đẹp, họ thông minh, và họ cũng trải qua đầy những nỗi truân chuyên, biết bao giằng xé của kiếp người. Và lúc ấy cũng là thời điểm chỉ còn những súc lụa cuối cùng. Hai miền chia cắt, cũng như con người, những súc lụa Hà Đông không còn vào được Sài Gòn.

Sau khi bán hết lụa hà Đông, vẫn theo con đường bán vải, nhưng trên tủ kính thời Mỹ là những súc vải nhập từ Hồng Kông, Nhật Bản, rồi những thương vụ buôn bán về sợi, những sợi hóa học thay thế cho tơ sợi tư nhiên, nhưng chất khốc kiệt, tính cạnh tranh và kiểu làm ăn nhiều thủ đọan thời Mỹ đã đánh gục người đàn bà cổ điển của thời Pháp, những khối gia sản lớn lần lượt ra đi.

Cho đến năm 1975.

Một tối không lâu sau ngày 30 tháng tư, tôi là người đầu tiên đại diện cho gia đình ngòai Hà Nội vào Sài Gòn thăm bà bác. Từ ngã bẩy, chiếc xích lô máy trở thằng trai gầy ốm nhưng vẫn được anh xe gọi là “thầy hai” chạy băng băng dọc đường Đồng Khởi, đến chỗ ngã ba góc nguyễn Thiệp, nhà hàng Brodard trong nhấp nháy ánh đèn. Những chiếc bàn trải khăn trắng muốt kê ngòai vỉa hè, trai thanh gái lịch, những anh bồi thắt nơ chạy qua chạy lại…

Căn nhà 15 tối mờ ánh điện, sau rất lâu với nhiều lần ấn chuông, một chị người làm rụt rè mở cửa, cách cửa sắt kéo lâu ngày không dầu mỡ rít lên những tiếng rợn người. Bà bác già bước xuống, lọm khọm trong tà áo dài trắng, mái tóc bạc phơ… Những chiếc tủ kệ hai bên tường từ năm 1938 vẫn còn, cao ngất ngưởng, nhưng trống rỗng. Gần cửa là một vài bịch gạo với hàng chữ ”điểm dịch vụ bán gạo phường”. Một phần ngôi nhà đã phải sang nhượng cho người khác. Hàng ngày bà đi nhà thờ, rồi về lẩm bẩm những câu thần chú đợi ngày xuât cảnh sang Pháp đòan tụ với con cái. Hàng ngày vẫn ông thư ký già còng lưng cưỡi cái mobylette cũ từ thời Pháp tới làm việc. Mà có làm gì, ngòai việc đi đánh những bức điện sang Pháp giục tiền, hay lâu lâu đi bán dấm dúi một vài đồ kỷ vật cũ.
Tất cả chỉ còn như những chứng tích, những con người bảo tàng của một thời.

(Bà Nguyễn thị Khang mất tại Paris ngày 29 / 6 / (âm lịch) năm 2003. Thọ 94 tuổi.
Ông Cao Văn Chánh chia tay gia đình lần cuối 31 / 10 / 1945. (Mất tích bị thủ tiêu bên bờ sông Long An mấy ngày sau năm ấy ông 43 tuổi). "

Nguồn:

Bình luận của bạn

Tin khác