Nguyễn Văn Uẩn
Chợ Hôm - Đức Viên: Những năm cuối thế kỉ XIX, chỗ đầu làng Giáo Phường gần giáp với thôn Phục Cổ, cạnh đường cái quan, có một bãi đất trống, người làng lúc quá trưa mang cá cua tôm, rau cỏ đến bán, lâu thành quen hoá một chợ nhỏ. Chợ họp đông vào lúc buổi chiều. Nhà cửa ở khu vực này đông dần và chợ Hôm đã từ một chợ nhỏ của làng trở thành một chợ lớn của khu vực đó, rồi chợ họp cả ngày từ sáng đến chiều tối. Quãng đường phố Huế này thêm những người buôn gà vịt từ các làng ở xa cũng tụ họp ở đây, để bán cho người trên phố xuống mua buôn và mua lẻ, do vậy đoạn phố ngang với chợ còn có tên là dốc Hàng Gà, con đường hơi cong và xuống dốc (ta không nên nhầm dốc Hàng Gà chợ Hôm với phố Hàng Gà Cửa Đông).
Nay là phố Huế (khu vực gần chợ Hôm xưa).
Từ trước đến sau chợ Hôm vẫn ở chỗ địa điểm cũ, nên vẫn chỉ là một ngôi chợ hẹp bề mặt, sau năm 1954 mới mở rộng sang đất vườn chùa Đức Viên. Chung quanh chợ có hàng rào sắt. Bên trong có hai cầu chợ, mái thấp lợp tôn. Bên ngoài phía đầu phố Harmand (Trần Xuân Soạn) chỗ lề đường sát hàng rào chợ có những hàng tôm cua cá, rau xanh; bên kia đường chỗ góc ngã tư có một cái miễu con dưới gốc cây si già, suốt ngày khói hương nghi ngút (các bà bán hàng chăm lễ bái cầu mua may bán đất). Cạnh miễu có mấy ông bà thầy bói kê chồng ngồi đợi khách xem bói. Gần đấy túm tụm đám "con sen, thằng nhỏ, vú già” thất nghiệp ngồi đợi người đến thuê, có mụ trùm đưa người môi giới ăn hoa hồng.
Trong chợ có dăm người kê bàn đổi bạc lẻ lấy các; xế cửa chợ cũng có một bà ngồi đối bạc.
Sáng sớm cho chưa họp, chung quanh chợ đã đông người; người ta mang quà sáng (xôi đỗ, bánh cuốn Thanh Trì, cháo hoa đậu kho, ...) bán cho người đi làm sớm qua đó. Sáng nào cũng có một chiếc xe ngựa của hãng bánh mì Hàng Trống, người đánh xe lâu năm ai cũng quen là ông Oánh, áo the dài khăn xếp, từ năm giờ sáng đã đánh xe qua cổng chợ, trẻ con chờ mua “bánh tây nóng xu một chiếc". Quanh chợ còn mấy gánh phở rong khá động khách ăn sáng để đi làm (quen nhất có phở bác Ê).
Chợ Hôm năm 193x
Giữ trật tự trong chợ Hôm có mấy người “cút lít” (cảnh sát ta); làm vệ sinh có các chị quét chợ, họ là những người đáo để, đóng vai “anh chị” kiếm ăn trông vào cai chợ. Cai chợ là bác Cai Đen, người mặt da thiết bì sạm nắng, búi tóc, tay lúc nào cũng lăm lăm cái roi, hay đánh những người nhà quê lớ ngớ vào chợ bán nắm đỗ, mớ ổi, ...
Ngày hội Tây “cát-tó duy-dê” (14 tháng 7, Quốc khánh Pháp), Tây cho tổ chức ngay trong chợ những trò vui ở giữa sân : đập nồi, leo cột mỡ, liếm chảo, ... Những dịp này bọn lưu manh giở ngón cờ bạc ngay hè phố, gây cãi cọ đánh lộn ồn ào.
Phố Huế năm 193x.
Chợ Hôm là địa bàn của bọn du côn dưới quyền têm trùm Ba An, một tay giỏi võ đóng vai anh chị, chuyên đánh nhau thuê. Hằng năm rằm tháng tám, chúng tụ tập thành nhóm đi múa sư tử qua trước cửa các nhà hàng phố, tranh giật giải với mấy nhóm xưng hùng xưng bá khác, mang theo dao gậy, thường gây đánh nhau, làm hàng phố phải sợ hãi “đóng cửa rầm rầm tránh mặt chúng”.
Chợ Hôm họp ở một chỗ góc phố. Sát cạnh chợ, nhà cửa cũng sớm được xây cất để buôn bán, không còn đất để mở rộng khi chợ Hôm đã thành một ngôi chợ đông đúc. Cũng do thế mà quãng đầu phố Harmand (Trần Xuân Soạn) sớm có những ngôi nhà nhỏ, những ngôi nhà một tầng cũ kĩ ra đời cùng với chợ và được coi như bộ phận của chợ ở bên ngoài hàng rào. Đó là những cửa hàng bán đủ thứ cần cho người đi chợ : những hàng xén nhỏ bày kim chỉ, xà phòng, hương, nến ... ; những hàng cơm đầu ghế; chõng nước chè điếu đóm; ... Khách hàng là bọn kéo xe, khuân vác, những người nông thôn mang sản phẩm ra chợ bán. Những ngôi nhà một tầng đó liên tiếp suốt dọc quãng phố cạnh chợ đến bãi than củi và suốt bao nhiều năm quang cảnh vẫn không hề thay đổi.
Phía sau chợ là một xóm nhỏ có ngõ con đi vào, bên trong có độ dặm ngôi nhà hẹp một tầng. Xóm nhà đó ở góc khu đất vườn chùa Đức Viên. Chùa lâu ngày đã hư nát, trong vườn còn mấy ngôi tháp cũ, lẫn trong những khóm chuối và hàng cây ăn quả. Cổng chính chùa Đức Viên có lối đi ra đường phố Huế, cạnh nhà số 75.
Chợ Hôm thời tạm chiếm.
Sau ngày tiếp quản Hà Nội cuối năm 1954, phố xá đông đúc, nhu cầu mở rộng chợ thành cần thiết. Thành phố lấy khu đất vườn chùa Đức Viên, mở thêm chỗ họp chợ và xây mấy cầu chợ nữa nối liền với khu chợ Hôm thành một ngôi chợ lớn, chợ có tên là chợ Hôm - Đức Viên.
Rồi nhanh chóng, chung quanh khu vườn chuối của chùa cũ, trông ra mặt đường của hai phố Ngô Thì Nhậm và Trần Xuân Soạn, người ta vội cất tạm những ngôi nhà nhỏ bán kiên cố, tranh thủ làm chỗ buôn bán, chỗ ở thuận tiện vì ở sát ngay chợ.
( Trần Quang Dũng trích sách HÀ NỘI NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX - Nhà xuất bản Hà Nội năm 2010)
Bình luận của bạn