Chợ Giời trở thành địa chỉ văn hóa du lịch: Tại sao không?

Thứ 2, 10/04/2023, 00:06 (GMT+7)

Chia sẻ

Một dạo mất cái xe đạp, mất cốp hay đèn pha xe máy… là người ta lại kéo nhau lên Chợ Giời (chợ bán đồ cũ ở quận Hai Bà Trưng) tìm mua lại.

Có người còn nói, nếu chịu khó săn lùng ngoài Chợ Giời thậm chí có thể lắp ráp được cả một chiếc ô tô vì phụ tùng cái gì cũng có. Một khu chợ thượng vàng hạ cám gì cũng sẵn lại có giá hời, là niềm yêu thích của không ít người nhưng cũng là nơi tiêu thụ đồ gian…

Cảnh buôn bán vắng vẻ ở Chợ Giời

Vì sao vắng như… Chợ Giời?

Năm ngày sau thời điểm Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - CATP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 (Chi cục QLTT Hà Nội) và Công an quận Hai Bà Trưng bất ngờ kiểm tra 10 cơ sở kinh doanh tại Chợ Giời, nhiều người đưa ra nhận xét: Không chợ nào vắng như… Chợ Giời! Quả vậy, quanh các con phố như Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Công Trứ, Thịnh Yên, Trần Cao Vân, Lê Gia Định, khu vực Chùa Vua…, hầu hết ông chủ, bà chủ bắc ghế ngồi trước cửa hàng, ngồi quán nước, hoặc làm những việc vặt như rửa xe, dọn dẹp… Một vài cửa hàng có khách, chủ yếu là sửa xe hoặc mua bán những thiết bị phụ tùng xe máy lặt vặt. Trước đó, mỗi ngày các cửa hàng tiêu thụ hàng chục đến hàng trăm sản phẩm.

"Cả buổi sáng mới thấy 2, 3 người vào hỏi mua đồ. Mọi năm ra Tết là đông khách lắm, nhưng năm nay trầm lắng hơn hẳn. Hàng xe máy dựng trước các cửa hàng đều là xe máy cũ của nhà chủ, để bán hoặc cho khách đi thử chứ không phải xe của khách mua hàng" - một chủ quán nước tại đường Đỗ Ngọc Du cho biết.

Tại khu vực trung tâm chợ, hầu hết chủ cửa hàng ngồi không, giao dịch mua bán rất ít, lẻ tẻ vài mặt hàng như gương, đèn xe máy... Có những cửa hàng cho nhân viên đứng ra tận lòng đường để mời chào. Điểm chung của những người buôn bán tại khu vực này là sự "cảnh giác", chúng tôi đi đến đâu cũng nhận được ánh mắt dò xét. Đặc biệt, khi tôi đưa điện thoại lên chụp ảnh, có tiểu thương đã quát mắng, dọa nạt. Hiếm hoi có khách là những cửa hàng sửa chữa xe máy, còn cửa hàng buôn bán phụ tùng ô tô thì vắng hẳn.

Sự vắng vẻ này có thể do đầu năm, giới tiểu thương cũng như các "thượng đế" còn bận du xuân, tham gia các hội hè, lễ lạt. Qua Rằm tháng Giêng, việc buôn bán mới trở lại nhịp độ bình thường. Khi nhắc đến chuyện "vắng như... Chợ Giời" có phải do hoạt động của đoàn kiểm tra 5 ngày trước, hầu hết đều lắc đầu, không muốn tiếp tục câu chuyện…

Xóa điểm "nóng", tạo không gian văn hóa

Được hình thành cách đây đã vài chục năm, khu Chợ Giời gồm nhiều dãy phố, tính từ đầu Phố Huế vào Thịnh Yên và lan sang Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Công Trứ, Trần Cao Vân, Thịnh Yên, Chùa Vua thuộc quận Hai Bà Trưng… bày bán "thượng vàng, hạ cám" từ máy móc, phụ tùng ô tô xe máy, xe đạp cho đến cả con ốc, cái xô, cái chậu… và phần lớn đều là đồ cũ.

Mấy ngày Tết vừa qua, Hà Nội lại rộ lên nạn kẻ gian cậy mất gương ô tô và ra Chợ Giời sẽ tìm lại được đồ đã bị mất với giá không hề dễ chịu. Liên quan đến việc này, trong 2 ngày 14, 15-2, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng CSHS - CATP Hà Nội và Công an quận Hai Bà Trưng đã kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phụ tùng ô tô tại khu vực quanh Chợ Giời, nơi được coi là "điểm nóng" về hàng gian, hàng giả và đã thu giữ hơn 1.000 sản phẩm phụ tùng ô tô các loại như vòng bi, cần gạt nước, lô gô ốp bánh, lazăng… Toàn bộ số hàng bị thu giữ đều không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Là một người sinh ra và lớn lên ở gần Chợ Giời nên anh Trần Mạnh Tuấn ở A5 KTT Nguyễn Công Trứ cho biết, trước đây gia đình có kinh doanh buôn bán phụ tùng ô tô chủ yếu vòng bi, má phanh, dầu mỡ… nguồn hàng mua lại từ các xí nghiệp vận tải "rã" ra từ những xe phế thải hết đát. Do bố và chú ruột đều là thợ cơ khí nên gia đình anh Tuấn có được nguồn hàng phong phú và việc kinh doanh bảo đảm cho kinh tế gia đình. Nếu nói là chủ hàng tiêu thụ đồ gian thì theo anh, đây cũng chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".

Chiều 19-2, các đơn vị nghiệp vụ gồm Đội QLTT số 5, Đội 6 Phòng CSHS, Công an quận Hai Bà Trưng bất ngờ kiểm tra 11 điểm kinh doanh phụ tùng ô tô cũ trên phố Đỗ Ngọc Du, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vào thời điểm kiểm tra, các cơ sở trên vẫn đang kinh doanh bình thường. Tổ công tác liên ngành đã thu giữ nhiều mặt hàng liên quan đến ô tô như lô gô, cản trước, đèn hậu, đèn pha, gạt nước, mặt nạ xe...

Vào thời điểm thu giữ, các chủ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng. Theo ghi nhận ban đầu, số mặt hàng trên đều đã qua sử dụng.

Từ một điểm nhìn khác, theo nhà điêu khắc Nguyễn Bá Trạch, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, sự tồn tại của một khu chợ như Chợ Giời còn là một nét văn hóa. Ở các thành phố lớn của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều có các khu Chợ Giời. Cũng như ở nước ta, Chợ Giời chủ yếu là buôn bán, trao đổi những mặt hàng cũ theo kiểu "cũ người mới ta". Tham gia những khu chợ này rất thú vị khi thoải mái mặc cả, thuận mua vừa bán để cả người cần và người bán đều thấy may mắn khi đi giao dịch. Có những thành phố lớn Chợ Giời được quy hoạch thành điểm văn hóa du lịch thú vị và việc tham quan Chợ Giời thường nằm trong chương trình các tour du lịch.

Ông Nguyễn Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phố Huế cho biết thêm, trong các chuyến đi thực tế ở nước ngoài, ông đã được tham quan một số mô hình Chợ Giời. Về bản chất khu Chợ Giời đó cũng giống như của ta buôn bán đủ mọi thứ và phần lớn đều là đồ cũ. Nhưng họ đã khéo léo tổ chức những khu chợ này như một nét văn hóa bản địa hấp dẫn khách tham quan.

Chợ Giời mở theo giờ, khi ở quảng trường, khi ở những con phố, vào giờ mở cửa, hàng hóa được đưa đến để người mua lựa chọn, hết giờ khu chợ lại được thu dọn phong quang… Ông Nguyễn Song Toàn thừa nhận một thực tế: Đúng là có một thời gian khu vực gần Chùa Vua là nơi tiêu thụ đồ gian khi nở rộ việc lấy trộm biển kiểm soát xe máy. Nhưng sau này, khi thủ tục hành chính xin cấp lại biển kiểm soát bị mất trở nên đơn giản, tự nhiên việc kinh doanh mặt hàng này không tồn tại. Khu vực gần Chùa Vua chuyển thành nơi kinh doanh linh kiện điện thoại và phụ tùng xe máy.

Ông Nguyễn Văn Hoàn (86 tuổi ở 11 Ngõ 12, phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng):

Nhiều thế hệ gia đình tôi sinh ra lớn lên tại làng Đồng Nhân cũ và hiện tại con cháu tôi vẫn buôn bán ở Chợ Giời đủ các loại mặt hàng. Tôi vẫn răn dạy các cháu làm nghề buôn bán phải trọng chữ Tín và tuyệt đối không được vi phạm pháp luật, không tiêu thụ đồ gian.

Chứng kiến nhiều sự đổi thay của khu chợ, tôi mong mỏi sớm có quy hoạch chi tiết để Chợ Giời thực sự là một điểm văn hóa của Hà Nội - nơi vốn từ lâu có tên nôm là Kẻ Chợ.

Chợ Giời vẫn tồn tại cho đến hôm nay và đang chờ được quy hoạch để khang trang hơn, đẹp hơn như cách Hà Nội đã làm với những chợ truyền thống Hàng Da, Hàng Bè và hy vọng sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch… Và để làm được điều đó, rất cần những giải pháp mạnh của lực lượng chức năng như vừa qua để hàng gian, hàng giả không còn "đất sống" ở Chợ Giời, từng bước xóa đi hình ảnh về một "thiên đường đồ gian" trong tâm thức nhiều người.


Triệu Dương - Trí Lâm

VTC2.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác