Khách bộ hành, đặc biệt khách du lịch ngoại quốc, khi dạo quanh bò hồ Hoàn kiếm, đoạn giũa nhà Thuỷ Tạ và Đền thờ vua Lê Lợi thường dừng lại chiêm ngưỡng cây đa cổ thụ xum xuê, mọc giữa sân khu nhà số 71 phố Hàng Trống. Đó là một trong những cây đa đẹp nhất Thủ đô Hà Nội.Cây đa này đứng trong khuôn viên toàn soạn báo Nhân dân nên thường được người dân gọi tắt là “Cây đa báo Nhân dân”.
Cây đa nhà 71 Hàng Trống ngày ấy | Những cây cổ thụ ven Hồ Gươm |
Đây đúng là một cây cổ thụ vì chu vi thân của nó khoảng 20m, cao trên 30m với tán xoè rộng, hình ô. Cây có trên 10 cành, đường kính 40-80cm, toả rộng tới 20m, tạo thành một tán là khổng lồ che phủ gần kín cả khuôn viên. Từ các cành ngang mọc ra các rễ phụ, như các cột trụ cắm vào đất để hỗ trợ thân chính chống đỡ sức nặng của cây khổng lồ này. Chúng tôi đếm được 6 nhóm rễ phụ lớn, mỗi nhóm được xây bồn đất riêng để bảo vệ chúng khỏi bị các tác động của xe cộ và con người..
Chỉ riêng cây đa này đã tạo thành một sinh cảnh riêng cho một số loài chim thú. Thật đặc biệt, tại trung tâm của Thủ đô mà có chỗ sinh sống cho một số loài động vật như chồn, sóc và tắc kè. Đến mùa cây có quả, hàng đàn chim bay đến để ăn quả đa chín mọng. Trong các buổi trưa hè, các phóng viên và cán bộ của Toà soạn báo rất thích ngồi nghỉ và chuyện chò dưới bóng cây đa mát rượi.
Về tuổi tác, cây đa này cũng thuộc loại “già làng” so với hơn 700 cây cổ thụ khác của Hà Nội. Theo điều tra của các nhà lâm học thuộc Viện Điều tra Qui hoạch rừng năm 2009, cây đạt trên 300 tuổi, vì nó đã được trồng cạnh chùa Báo Thiên xây dựng cách đây hơn 300 năm. Ngôi chùa đã bị tàn phá nhưng vì dáng đẹp nên cây đã được giữ lại cho đến ngày nay.
Sau tiếp quản Hà Nội, năm 1954, Toà soạn báo Nhân dân được đặt tại 71 hàng Trống. Khi đó cây đa này chưa to như ngày nay và sau các trận bão, cành cây thường bị gãy, vì rễ phụ ra đến đâu là bị chặt luôn đến đó, không cho chúng tiếp đất. Để tạo thành các cột chống cho các cành ngang, ông Tổng biên tập của báo Nhân dân khi đó đã quyết định: không cho bất kỳ ai được chặt rễ phụ và tạo điều kiện cho chúng tiếp đất, để chống đỡ sức nặng của các cành ngang khổng lồ và tạo dáng đẹp cho cây.
Sau đó, nhiều thế hệ cán bộ nhân viên Toà soạn báo Nhân dân đã tiếp tục bảo vệ và chăm sóc cây đa quí này. Hiện nay, Toà soạn đã giao cho một đồng chí phó Ban trị sự thường xuyên theo rõi và chăm sóc cây. Mấy năm trước, một số cành của cây đa này được treo đèn bảo vệ cơ quan, nhưng sau đó người ta phát hiện: ban đêm, ánh sáng của những ngọn đèn này đã dẫn dụ nhiều loài côn trùng, trong đó có những loài sâu gây hại cho cây, nên các ngọn đèn này đã được dỡ bỏ.
Thấy được giá trị của cây đa, UBND thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ chăm sóc và bảo vệ nó. Từ năm 2006, khuôn viên Toà soạn báo Nhân dân, được Thành phố công nhận là một trong các công trình trọng điểm của thủ đô. Hàng ngày có công nhân của của Cty Quản lý cây xanh Hà Nội đến chăm sóc bảo vệ cây trong khuôn viên.Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cũng dự kiến công nhận cây này là một trong các “ Cây Di sản của Việt Nam” trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng long sắp tới.
Chúc cho “Cụ đa báo Nhân dân” sống thêm nhiều năm nữa dể chứng minh cho giá trị lịch sử của Hà Nội và là một trong những cảnh đẹp, rất hấp dẫn của thủ đô chúng ta./.
Vũ Văn Dũng,
Hội BVTN&MTVN
Bình luận của bạn