Nằm trên con đường giao thông huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, cầu Long Biên - cây cầu năm vắt qua sông Hồng đã trở thành một trong những biểu tượng lịch sử và công nghệ của Hà Nội.
Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Cầu Long Biên, Hà Nội được khởi dựng ngày 13/9/1898, đến nay đã có tuổi thọ trên 100 năm. Theo dòng thời gian, cây cầu chính là “vật chứng” đã chứng kiến và chịu nhiều ảnh hưởng lớn trước những biến động thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam thời kỳ cận, hiện đại.
Sau khi đặt chân vào nước ta không lâu, đặc biệt là khi đã hoàn thành cuộc xâm chiếm Đông Dương, bắt đầu ổn định bộ máy cai trị, thực dân Pháp nhận thấy để đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết cho công cuộc khai thác thuộc địa thì cần phải lưu ý xây dựng các công trình như đường sắt, đường bộ, đường sông, sân bay, bến cảng... Việc cần phải có một cây cầu hiện đại bắc qua sông Hồng nối liền Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, nối Hà Nội với Hải Phòng (nơi có những con tàu của lính viễn chinh Pháp cập bến) nhằm đáp ứng được mục đích phục vụ quân sự, giao thông, góp phần hình thành tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giải quyết được nhu cầu đi lại thông thương hàng ngày rất lớn của dân chúng, đặc biệt là khi mùa lũ lên của con sông vốn nổi tiếng là hung dữ này đã đặt ra rất cấp bách.
Cầu Long Biên năm 1925.
Với những lý do đó mà trong Báo cáo về chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất gửi cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (nhậm chức từ ngày 13/2/1989 đến tháng 3/1902) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cây cầu lớn bắc qua sông Hồng (lúc đó còn có tên gọi là sông Cái). Ông đã mạnh dạn bỏ qua những ý kiến không tán thành của một số đông quan chức người Pháp và người bản xứ, của những nhà buôn, của những người có đầu óc cổ hủ mà quyết tâm thực hiện ý đồ của mình. Công lao của ông đã được trả giá xứng đáng, bởi cùng với tên gọi gắn với dòng sông là cầu sông Hồng hay cầu sông Cái thì cầu Long Biên còn được mang tên người đã cho xây dựng và khánh thành: cầu Đume (Paul Doumer). Hiện nay ở đầu cầu vẫn còn hàng chữ nổi ghi tên ông và trên một số dầm thép vẫn còn gắn biển chữ nổi ghi tên công ty xây dựng cầu.
Sau nhiều chuyến đi khảo sát, nhiều tranh cãi, cuối cùng vào năm 1891 hồ sơ cây cầu đã được thiết kế theo những chuẩn mực hiện đại của thời đó. Ngày 6/11/1897, Chính phủ Pháp đã chính thức phê duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật và cho tiến hành tổ chức đấu thầu với 6 công ty tham gia, mỗi công ty đưa ra 2 phương án trước sự thẩm định của một Hội đồng do Thống sứ Bắc kỳ làm chủ trì.
Với phương án được đánh giá là “chắc chắn, trang nhã, có dầm chìa, tạo ra những nhịp cân đối, hài hoà” mà Công ty Daydé & Pillé được Tiểu ban Kỹ thuật của Hội đồng đề nghị chỉnh sửa lại đôi chút, sau đó thông qua. Ngày 17/1/1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Domer đã ra Nghị định chọn Công ty này làm nhà thầu chính thức với số tiền được chi là 5.900.000 francs, thời gian thi công trong 5 năm.
Ngày 13/9/1898, lễ khởi công xây dựng cây cầu thế kỷ này đã được thực hiện trước sự chứng kiến của đông đảo các quan chức và dân chúng. Điều hành công việc xây cầu là một đội ngũ gần 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp cùng với hơn 3.000 công nhân người Việt. Khi quyết toán, công trình này chi phí hết 6.200.000 francs (dôi hơn dự kiến ban đầu là 3.000 francs). Số vật liệu phải sử dụng vào khoảng hơn 3.000m đá và 6.000 tấn kim loại (trong đó có 5.000 tấn thép, 165 tấn sắt thép đã rèn, 137 tấn gang, 85 tấn tôn, 5 tấn thép đúc, 7 tấn chì...).
Việc xây dựng được thực hiện suôn sẻ, không gặp trở ngại gì lớn nên chỉ sau có hơn 3 năm đã hoàn thành vào ngày 13/2/1902. Đúng 8giờ30 ngày 28/2/1902, chuyến tàu đầu tiên chở vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương cùng đoàn tuỳ tùng tới đầu cầu để làm lễ khánh thành. Sau khi khánh thành đúng một ngày, ngày 28/3/1902, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định số 953 đưa tuyến đường sắt Hà Nội - Gia Lâm vào hoạt động cùng với việc xoá bỏ bến phà đường sông Hà Nội.
Tổng chiều dài của cầu Long Biên vào khoảng 1.862m gồm có 19 nhịp đặt trên 20 trụ, đường xe lửa ở giữa, hai bên có đường rộng 1,3m dành cho người đi bộ. Từ năm 1902 đến năm 1922, cầu Long Biên chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thông thương bằng đường sắt, người đi bộ. Về sau do nhu cầu giao thông tăng lên mới mở rộng thêm phần đường bộ hai bên dành cho xe cơ giới với 4 sàn tránh xe để xe thô sơ khi cần thiết sẽ nhường đường cho xe cơ giới.
Cầu Long Biên ngày nay.
Nằm vắt qua một con sông sâu và rộng, nổi tiếng là hung dữ với mực nước lên xuống thất thường, kể từ khi xây dựng đến nay, cầu Long Biên đã phải gánh chịu rất nhiều hậu quả nặng nề của thiên tai, địch hoạ. Đó là những trận lụt khủng khiếp gây ra vỡ đê sông Hồng vào năm 1945, vỡ đề Cống Thôn sông Đuống vào năm 1971... đã làm cho các trụ cầu bị xói lở, nước ngập dầm xe lửa... làm cho cầu bị xuống cấp nghiêm trọng. Đó là những trận chiến đấu ác liệt giữa ta và địch xảy ra trên cầu trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống Pháp, là những lần bị máy bay địch bắn phá ác liệt trong hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ vào Hà Nội năm 1967 và 1972 đã làm 1.500m cầu, 9 nhịp cầu và 4 trụ cầu bị hư hỏng nặng. Nhưng như một phép thần kỳ, chỉ sau hơn 40 ngày đêm tập trung lực lượng khẩn trương bám trụ sửa chữa, ngày 4/3/1973, cầu Long Biên lại sừng sững hiên ngang thông xe kịp thời phục vụ giao thông.
Cùng với năm tháng, cây cầu lịch sử này đã phải đối mặt với biết bao khó khăn và thử thách của cuộc sống nhưng nó vẫn cố gắng gồng mình lên để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được con người giao phó. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây thì cầu Long Biên đã bị xuống cấp nhiều. Chính vì thế, công năng sử dụng của cầu Long Biên phải giảm thiểu (dùng cho tàu hoả, xe máy, và xe đạp, người đi bộ...). Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đang phối hợp để tìm phương án phục hồi và xây lại cầu Long Biên.
Trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập quốc tế, chắc chắn thủ đô Hà Nội đã và sẽ có nhiều cây cầu lớn như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân... ra đời để phục vụ đời sống dân sinh, nhưng hình ảnh “Hà Nội có cầu Long Biên, vừa dài vừa rộng bắc qua sông Hồng đỏ nặng phù sa” đã từ lâu đi vào thơ ca, nhạc hoạ, gắn bó máu thịt đối với bao lớp người Hà Nội nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung. Cây cầu thân thương này thực sự đã trở thành một di sản văn hoá, rất xứng đáng được quan tâm, trân trọng gìn giữ và phục dựng, góp phần làm cho cảnh quan Hà Nội thêm cổ kính và sâu lắng.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01-Nguồn
Bình luận của bạn