(31/12/2011) Bỏ ra 15 tỷ đồng để tôn tạo 50 mét phố, điều được trông đợi nhất ở dự án vừa hoàn thành vào sáng 29/12/2011 là những kinh nghiệm quan trọng về việc chỉnh trang, bảo tồn khu phố cổ – điều mà Hà Nội đang loay hoay trong suốt nhiều năm.
Số vốn đầu tư cho dự án là 15 tỷ đồng, chủ yếu được lấy từ kinh phí của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đơn vị chủ đầu tư là Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng).Khởi công vào cuối năm 2010, dự án này đã mất gần một năm để hoàn thành thay vì 6 tháng như kế hoạch ban đầu. Nhưng, khoảng thời gian ấy cũng “không là gì”- bởi như chia sẻ của những người trong cuộc, các thao tác lập dự án, làm thủ tục và thương thuyết với các hộ dân liên quan đã chiếm tới gần 4 năm trước khi thi công.
Mặt đứng kiến trúc của các dãy nhà cũng được cải tạo các hạng mục: kích thước cửa, mái vẩy, màu sơn…
1. 25 ngôi nhà trong đoạn phố thuộc dự án được tu bổ và chỉnh trang lại theo những kiến trúc khá phức tạp. Nửa bên số lẻ (từ số 5 tới 27) là dãy nhà liền khối, có độ sâu trung bình 15 mét, cao 2 tầng và có mái ngói dốc mang đậm phong cách kiến trúc Pháp thuộc địa. Ngược lại, nửa bên số chẵn (từ số 8 tới số 18 B) có độ sâu trung bình 9 mét và mang dáng dấp của kiến trúc truyền thống Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Đặc biệt, theo sự vận hành của lịch sử, đoạn phố này còn lác đác xuất hiện vài kiến trúc pha tạp được giới chuyên môn gọi là “Hoa lai Pháp”.
Góc phố Tạ Hiện mới được tôn tạo
“Chúng tôi đã khảo sát rất kĩ để lên kế hoạch tôn tạo lại kiến trúc “chuẩn” cho từng nhà. Vậy nhưng, thực tế thi công lại xuất hiện rất nhiều phát hiện và đòi hỏi sự điều chỉnh cho hợp lý” – KTS Nguyễn Hoàng Long, Chủ nhiệm dự án, cho biết. Chẳng hạn, ngôi nhà ngoài cùng trông ra ngã tư Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến (vốn được gọi là “ngã tư quốc tế” vì là nơi tụ tập uống bia hơi của giới Tây ba lô) cũng được “nắn” lại mặt tiền và mở thêm không gian cho phù hợp với việc bán hàng.
“Khác với cách bảo tồn di sản văn hóa như đình, chùa, di sản đô thị hiện đại dù được khôi phục nguyên trạng nhưng lại cần dung hòa được nhu cầu của người dân đang cư trú” – KTS Long giải thích.
Tuyến phố này cũng đang được quy hoạch thành phố đi bộ vào cuối tuần.
2. Trở nên “bắt mắt” hơn nhiều với việc được trả lại kiến trúc cũ, đoạn phố cổ Tạ Hiện thu hút lượng khách du lịch rất nhiều ngay từ khi dự án còn chưa hoàn thành. Và theo như dự án sắp được triển khai của Hà Nội, đoạn phố này cùng với 5 phố lân cận là Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ sẽ sớm trở thành phố đi bộ trong những ngày cuối tuần với mục đích phục vụ khách du lịch.
“Ngõ Tạ Hiện “mới” này chủ yếu sẽ trở thành không gian cho quán ăn và hàng lưu niệm. Với việc lát đá tự nhiên cho mặt đường và lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng, chúng tôi cũng đề nghị Ban quản lý phố cổ nên nghiên cứu bố trí hệ thống ghế băng công cộng bằng gỗ để phục vụ du khách trong những ngày cuối tuần” – ông Long nói thêm.
Một tuyến phố gọn gàng và sạch sẽ.
Đáng nói, theo phía thi công, việc triển khai chuẩn bị vật liệu, thi công, chỉnh sửa… các khối nhà cổ Tạ Hiện khá đơn giản và hoàn toàn nằm trong khả năng của các chuyên gia VN. Điều phức tạp nhất vẫn là việc khảo sát, phân tích hồ sơ và tìm ra những phương án “chuẩn” để trùng tu khối nhà cổ này.
Được biết, các hộ dân cư trú trong đoạn phố cổ được tôn tạo đều có thái độ rất tích cực với phía thi công, khi thực tế cho thấy họ chính là những người… hưởng lợi đầu tiên từ dự án này.
Bình luận của bạn