Hà Nội cần du khách nhớ đến với những giá trị tốt đẹp về văn hóa, chứ không phải những trải nghiệm đầy rủi ro như 'cà phê đường tàu'.
Việc hình thành cái gọi là "xóm cà phê đường tàu" ở Hà Nội mấy năm gần đây là hoàn toàn tự phát. Hành động này chẳng những vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, mà còn ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và du khách khi tham gia các hoạt động trên đoạn đường sắt xuyên qua năm phường thuộc diện đông dân bậc nhất thủ đô này.
Thế nên, tôi cho rằng, xóa bỏ cà phê đường tàu là việc làm cần thiết để thượng tôn pháp luật. Theo quy định, hành lang an toàn đường sắt là ba mét. Nhưng tại khu vực này, nhà dân hầu hết chỉ cách mép đường ray ngoài cùng xấp xỉ hai mét. Đành rằng sự vi phạm này là tồn tại mang tính lịch sử, các hộ dân ở đây đều sinh sống từ trước khi Luật đường bộ, Luật An toàn đường sắt có hiệu lực, nên không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều. Nhưng việc xuất hiện những quán "cà phê đường tàu" đầy nguy hiểm này không thể đánh đồng với đó.
Những người muốn giữ "cà phê đường tàu" thường lập luận rằng "đó là sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Nội". Nhưng "cà phê đường tàu" chỉ đem lại món tiền đủ sống cho một bộ phận nhỏ cư dân. Hà Nội không thể giàu lên nhờ những quán cà phê quy mô nhỏ và đầy nguy hiểm như vậy. Hình ảnh du lịch của thủ đô cũng không thể là kết quả được làm nên từ những bức ảnh "cảm giác mạnh" của những người thích "sống ảo" và coi thường tính mạng.
Dù nó có độc đáo cỡ nào, đó cũng không phải là trải nghiệm văn hóa. Vì văn hóa phải đi liền với cái đẹp mang giá trị đúng đắn. Hà Nội cần du khách nhớ đến với những giá trị tốt đẹp về văn hóa, cốt cách của con người thanh lịch, văn minh chứ không phải là nhớ về một trải nghiệm đầy rủi ro theo kiểu "đất chăng dây, cây cắm sào".
Hành lang an toàn chạy tàu theo luật định không thể là nơi kinh doanh, lại càng không thể là điểm vui chơi của du khách. Pháp luật phải được thượng tôn. Không thể đánh đổi sự an toàn tính mạng của người dân để thỏa mãn ý thích của một số người. Nguy hiểm hơn, đó còn là sự lan truyền quan niệm sai lệch các giá trị về lối sống, về những trào lưu "sống ảo" có hại cho cộng đồng, cổ vũ hành vi coi thường pháp luật trong xã hội.
Từ sáng 15/9, phố cà phê đường tàu đã bị lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm rào chắn, ngăn du khách đến tham quan, chụp ảnh do lo ngại mất an toàn đường sắt. Đây là lần thứ hai tuyến đường này bị cơ quan chức năng đóng cửa kinh doanh, buôn bán.
Trước việc người dân trong khu vực đề nghị chính quyền xem xét hỗ trợ, ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết chính quyền địa phương sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để phát triển du lịch dọc con phố độc đáo này, nhưng vẫn phải trên cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật và đảm bảo sự an toàn tính mạng cho nhân dân.
Nguyễn Vân Thiêng
>> Quan điểm của bạn thế nào? Tham gia nhóm-Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Bình luận của bạn