(29/07/2010) Dự án chỉnh trang một phần tuyến phố cổ Tạ Hiện do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư đã được giới thiệu rộng rãi từ đầu tháng 7 để tham khảo ý kiến người dân trong khu vực và sẽ sớm triển khai.
Mô hình phố Tạ Hiền sau khi được cải tạo. Ảnh: Chinhphu.vn
Người dân mong muốn cải tạo cả tuyến phố
Phố Tạ Hiện được gắn với biệt danh “Ngã tư quốc tế” do lúc nào cũng tấp nập khách du lịch nước ngoài. Hơn nữa đây là tuyến phố nằm trong khu vực trung tâm của khu phố cổ Hà Nội; giữa phố có rạp Quảng Lạc – nơi diễn tuồng nổi tiếng một thời (sẽ được trùng tu riêng).
Thời Pháp, phố Tạ Hiện có tên là Géraud dài khoảng 200 m và đến nay vẫn có sức hút kỳ lạ với khách nước ngoài. Đến với Hà Nội, điểm đặt chân đầu tiên của họ là phố Tạ Hiện. Và sau những ngày thăm thú Thủ đô và đất nước ta, phố Tạ Hiền cũng là điểm nghỉ ngơi trước lúc họ ra sân bay. Đây là tuyến phố du lịch và người dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề du lịch, thương mại.
Có lẽ vì vậy, dự án chỉnh trang phố Tạ Hiện thu hút sự quan tâm không chỉ của những người dân sinh sống tại đây mà còn thu hút giới kinh doanh du lịch.
Anh Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hà Nội Red tour cho biết, khi giới thiệu với du khách về khu phố cổ nhưng hầu hết nhà trong tuyến phố cổ đều đã cải tạo nên khó mà giới thiệu tuyến phố cổ điển hình, khó thuyết phục với du khách đây là phố cổ. Chính vì vậy, có tuyến phố cổ, không gian phố cổ mới thực sự hấp dẫn du khách và tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng.
Còn với những người dân nằm trong dự án chỉnh trang tuyến phố đều đồng ý với chủ trương cải tạo khu phố này.
Bà Ngô Ái Ngọc, nhà ở số 17 Tạ Hiện cho biết, do đã sống cả đời ở đây (bà Ái gần 70 tuổi) nên dù ngại sửa sang, xây dựng, nhưng đây là chủ trương của Nhà nước nên người dân cũng đồng tình. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng đã làm thì nên làm đồng nhất cả tuyến phố bởi tuyến phố này chỉ dài hơn 200m mà đoạn cần sửa chữa nhất là đoạn còn lại (lên tận Hàng Buồm) thì lại không thuộc dự án. Bên cạnh đó, thời gian thi công cần nhanh để tạo thuận lợi hơn cho đời sống và việc kinh doanh của các hộ dân.
Ý kiến nhà quản lý: Làm thí điểm trước khi nhân rộng
Dự án chỉnh trang tuyến phố cổ Tạ Hiện là một phần trong dự án hợp tác giữa Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp) do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn tư vấn, thiết kế, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Theo đồ án thiết kế do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội giới thiệu, phạm vi chỉnh trang là một phần của phố Tạ Hiện (dài 55m) với kiến trúc đặc trưng khoảng đầu thế kỷ XX. Trong đó, sẽ thực hiện cải tạo mặt đứng và mái dãy nhà số lẻ (từ nhà số 5 đến số 27, gồm 10 ngôi nhà liền khối, quy mô 2 tầng, mái ngói dốc, giống nhau, ảnh hưởng của kiến trúc Pháp). Còn dãy nhà số chẵn thì chỉ cải tạo lớp nhà ngoài, mặt đứng (từ nhà số 8 đến số 18B, đây là những ngôi nhà có kiến trúc tương tự giống nhau, nhưng lại mang nét kiến trúc truyền thống Việt Nam).
Hầu hết 2 dãy này đã bị biến dạng, xuống cấp, một số nhà, người dân đã cải tạo làm mất tính chất ban đầu. Do đó, mặt đứng của 2 dãy nhà sẽ được chỉnh trang tu bổ lại cho đúng với thiết kế cũ. Toàn bộ mái hiên và kích thước cửa, mái vẩy, màu sơn sẽ được thiết kế chung, đồng bộ. Vị trí lắp đặt điều hòa, biển quảng cáo cũng được sắp xếp theo quy chuẩn…. Bên cạnh đó, dự án sẽ cải tạo lại mặt đường, hệ thống thoát nước, lòng đường và hè đường, hệ thống điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng…
Ông Nguyễn Hoàng Long, đại diện Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Bộ Xây dựng) cho biết, đây là dự án cải tạo khu phố cổ có lấy ý kiến người dân. Sau đó, Ban Quản lý sẽ trình các cấp phê duyệt trước khi khởi công. Bảo tồn di sản là chung cho cả xã hội nhưng con người sống ở trong những ngôi nhà cổ đó mới là đối tượng chính nên việc chỉnh trang phải phù hợp với cuộc sống của người dân. Khi cải tạo, đơn vị thi công sẽ làm từng nhà một hoặc từng cụm liên đới.
Theo đại diện Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, đây là một trong số ít những phố còn giữ được kiến trúc đồng nhất ban đầu, nên Ban Quản lý đã lựa chọn một đoạn của tuyến phố để làm thí điểm trước rồi rút kinh nghiệm cải tạo các tuyến phố cổ khác sau này.
Kiến trúc sư Romain Orfeuvre, đại diện phía Toulouse (Pháp) nhận xét: Những ngôi nhà “hình ống” hay là nhà “nhiều gian” được thấy phổ biến ở những nơi đất chật hẹp và sâu của khu phố cổ. Đây là kiến trúc đặc trưng chỉ thấy có lẽ duy nhất tại Hà Nội. Do dân số tăng nên toàn bộ khu nhà gồm nhiều gian gắn liền với nhau và được nối với nhau qua các khoảng sân ở phía bên trong. Những người buôn bán sử dụng phần mặt phố để kinh doanh. Chỗ dành cho sinh hoạt được bố trí ở trong các gian nhà nằm cuối sân.
Trước đây, phía Pháp hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu và cải tạo ngôi nhà 87 Mã Mây và 51 Hàng Bạc để làm mẫu cho việc cải tạo của những ngôi nhà đơn lẻ. Còn dự án cải tạo một phần tuyến phố Tạ Hiện cũng để làm mẫu cho việc cải tạo các tuyến phố khác sau này. Dự án chỉnh trang phố Tạ Hiện đã được nghiên cứu cách đây hơn 4 năm và nằm trong kế hoạch dài hạn về bảo tồn phố cổ.
Lý do phía Pháp chọn phố Tạ Hiện để thực hiện cải tạo bởi theo bản thiết kế gốc của thì nơi đây có kiến trúc tổng thể hài hoà bao gồm những mặt tiền kiểu Pháp từ thời thuộc địa, nhiều ngôi nhà có kiến trúc giống nhau nên sẽ dễ dàng trong việc chỉnh trang.
Việc chỉnh trang tuyến phố dài 55 m này dự kiến khởi công vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và được nhìn nhận như là bước đi đầu tiên trong bảo tồn khu phố cổ.
Xuân Cường - Chinhphu.vn
Bình luận của bạn