Biệt thự 800 m2 trong ngõ 44 phố Hàng Bè

Thứ 5, 23/03/2023, 09:29 (GMT+7)

Chia sẻ

Gần 100 năm qua, kí ức về gia đình, những kỉ vật trong căn biệt thự số 44 Hàng Bè vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn, trân quý.
Ở phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ai cũng biết căn biệt thự được thiết kế theo kiến trúc Pháp cổ rộng 800m2 nằm sâu trong con ngõ 44. Được xây dựng vào năm 1926, căn biệt thự không chỉ nổi trội về kiến trúc độc đáo mà còn là nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm, kí ức đẹp một thời của một gia đình giàu có Hà Nội xưa. 

Ngôi biệt thự 100 tuổi thiết kế hiện đại

Chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự là cụ Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu, thương gia giàu nức tiếng phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20. 

Căn biệt thự cổ một thời với kiến trúc kiểu Pháp độc đáo, kiên cố.

 Căn biệt thự cổ một thời với kiến trúc kiểu Pháp độc đáo, kiên cố. 

Khi hai cụ mất, căn biệt thự thuộc quyền sở hữu của bà Trương Thị Mô (SN 1924), con gái thứ 2 của vợ chồng cụ Trương Trọng Vọng. Sau này, bà Mô mất, căn biệt thự được giao cho con gái là bà Lê Thanh Thủy (SN 1955) giữ gìn cho đến nay. 

Nhớ lời các cụ và bố mẹ dạy, bà Thủy luôn hết lòng chăm lo, nâng niu từng kỉ vật trong nhà. Bà coi đây không chỉ là nhà mà còn là kho tàng kí ức tốt đẹp nhất về gia đình. 

Bà Thủy kể, ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc Pháp cổ độc đáo. Nhà chạy theo hình chữ nhật, ở giữa là giếng trời, lấy ánh sáng cho tất cả các phòng. 

Dù được xây dựng gần 100 năm nhưng cách bố trí phòng ốc và đồ đạc trong nhà hết sức hiện đại, vẫn phù hợp với phong cách thời nay.

Nội thất trong nhà như: bàn ghế, sập gụ, tủ, giường… vẫn từ thời các cụ để lại, được con cháu giữ gìn. Bà Thủy không bao giờ gọi thợ đánh bóng lại đồ dùng trong nhà. Bởi bà không muốn làm mất đi những nét cổ kính xưa. Dù vậy, tất cả vẫn rất mới mẻ và hiện đại.

  Chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự 800m2 là cụ Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu.
 
Chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự 800m2 là cụ Trương Trọng Vọng và Nguyễn Thị Sửu.
 
Căn biệt thự có đầy đủ các phòng dành cho các thành viên trong gia đình, từ phòng ngủ cho người nhà, phòng dành cho khách, phòng cho người làm, phòng ăn, hệ thống nhà vệ sinh. Điểm nhấn trong căn biệt thự chính là 4 cột đá nguyên khối, chạm khắc tinh xảo các họa tiết "Đào - Cúc - Trúc - Mai" với ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng.

“Tất cả các phòng được thiết kế nối với nhau thành một thể thống nhất. Theo lời các cụ, việc làm này giúp cho các thành viên trong gia đình luôn gắn kết, vui vẻ, sống yêu thương, hòa thuận", bà Thủy chia sẻ.

Ngày trẻ, bà Thủy hay nghe mẹ kể chuyện gia đình, về việc ông ngoại tạo nên cơ ngơi này. Cụ Trương Trọng Vọng (quê gốc Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) là một doanh nhân thầu khoán giàu có nức tiếng Hà Nội. Sau nhiều năm vất vả kiếm tiền, cụ mua đất ở Hàng Bè và đưa gia đình lên thành phố sinh sống. Cũng từ đó, cả gia đình gắn bó với con ngõ 44. 

Hơn 1 năm miệt mài xây dựng với đội ngũ nhân công hùng hậu, căn biệt thự hơn 800m2 cũng được hoàn thành. Các đồ nội thất trong nhà chủ yếu bằng gỗ lim cùng các loại gỗ quý ngày xưa, chắc và bóng. 

Hành lang dẫn thẳng vào căn phòng tầng 2 nơi gia đình bà Thủy đang sinh sống.

 Hành lang dẫn thẳng vào căn phòng tầng 2 nơi gia đình bà Thủy đang sinh sống. 

Hiện gia đình bà Thủy đang sống trong một căn phòng rộng trên tầng 2 của căn biệt thự. Vừa bước vào trong, người ta đã cảm thấy sự mát mẻ, thoáng đãng, dễ chịu. Từng chiếc giường, chiếc tủ và bộ ấm chén đều khiến người nhìn dễ dàng liên tưởng tới những gia đình giàu có khi xưa.

"Căn nhà này tôi vô cùng trân quý. Tôi coi đó là món quà giá trị mà ông bà, bố mẹ để lại. Căn phòng thoáng mát về mùa hè, mùa đông lại rất ấm áp. Dù không còn bố mẹ nhưng sống ở đây tôi luôn cảm thấy gia đình lúc nào cũng đông đủ", bà Thủy tâm sự.

Nơi nuôi dưỡng tình yêu thương

Vì nét đẹp cổ kính xen lẫn hiện đại mà căn phòng trên tầng 2 của gia đình bà Thủy được nhiều đoàn làm phim, MV ca nhạc đến xin làm bối cảnh quay.

Căn biệt thự từng xuất hiện trong nhiều bộ phim Việt Nam như: Hà Nội mùa đông năm 46, Tuổi thanh xuân, Mùa lá rụng trong vườn, Khép mắt chờ ngày mai, Hương ngọc lan, Hoa xương rồng… Lúc đó, cả nhà bà lại chuyển xuống tầng 1 để nhường chỗ cho đoàn phim.

Trải qua nhiều biến động, hiện gia đình bà Thủy chỉ quản lý phần diện tích hơn 200m2. Những người họ hàng thân thiết vẫn sống quây quần xung quanh căn biệt thự, sử dụng khu sinh hoạt chung trong gia đình để nấu nướng, nhặt rau, rửa bát...

Bà Thủy lật từng tấm ảnh, kể về những kỉ niệm đẹp đẽ của gia đình.

 Bà Thủy lật từng tấm ảnh, kể về những kỉ niệm đẹp đẽ của gia đình. 

Ngoài những lúc bận việc, bà Thủy lại tranh thủ thời gian tưới cây, chăm hoa, ngồi nhâm nhi ly trà trong căn nhà của mình. Khi ấy, những kỉ niệm về gia đình, về ông bà, bố mẹ lại ùa về trong tâm trí bà. 

“Dù các cụ đã đi xa nhưng trong lòng tôi, người thân lúc nào cũng luôn bên cạnh. Bởi căn nhà chính là nơi chứa đựng những kỉ niệm tươi đẹp nhất. Tôi nhớ những bài học về đạo lý sống mẹ dạy. Tôi nhớ những câu chuyện giúp đời, giúp người bố thường hay nhắc nhở, rằng làm người ở trên đời phải biết giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Thế nên, lúc nào tôi cũng răn dạy các con, sống phải yêu thương, chan hòa, chia sẻ và biết cảm thông”, bà Thủy bộc bạch.  

Căn biệt thự nhìn từ trong ra.

 Căn biệt thự nhìn từ trong ra.

Qua những bài báo, bộ phim, căn biệt thự ở 44 Hàng Bè đã trở nên nổi tiếng. Đến nay, có nhiều người ở xa, thậm chí Việt kiều về nước đều đến tận nhà bà để xin được tham quan. Đối với bà Thủy, đó là điều đáng mừng. 

“Tôi vui vì nhà mình được nhiều người biết đến. Bởi tôi biết, ở Hà Nội, những căn biệt thự như thế này không còn nhiều. Tôi chưa từng có ý định sang nhượng nhà và chỉ mong con cháu các đời sau ở đây, giữ mãi những giá trị tốt đẹp. Chỉ có như vậy, công sức của ông bà, bố mẹ tôi bao năm gây dựng mới không vô ích”, bà Thủy bộc bạch. 

Vietnamnet

Bình luận của bạn

Tin khác