Bảo tồn kiến trúc bằng hình ảnh – Cần làm ngay

Thứ 6, 08/12/2023, 16:05 (GMT+7)

Chia sẻ

Khi mà công trình vì một lý do nào đó bị hủy hoại, biến mất thì những bức ảnh lưu niệm trở nên vô cùng quý giá. Quý giá không phải ở tiền bạc, mà những hình ảnh đó đã trở thành tài liệu lịch sử bắt buộc phải tiếp cận khi muốn nghiên cứu những giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật trong kiến trúc  sau này.

Cũng nhân dịp cập nhật ảnh hiện trạng các tuyến phố cổ hơn 10 năm nay đã vượt ra ngoài phạm vi ảnh những ngội nhà, những bức ảnh đã phản ánh lên tâm tư, cái nhìn đầy trăn trở của các kiến trúc sư về vấn đề bảo tồn và phát triển kiến trúc đô thị.

KTS. Nguyễn Hoàng Long – Nhà sáng lập 36pho.com: “Kiến trúc xưa lưu giữ lịch sử cho từng thời kỳ. Bảo tồn kiến trúc xưa là điều phải làm để cho thế hệ sau này hiểu và biết những dấu ấn minh chứng lịch sử của những giai đoạn đã qua.” anh cũng cho biết khi ngắm nghía cảnh quan thành phố Hà Nội và nhận thấy thành phố phát triển nhanh khủng khiếp. Bên cạnh kiến trúc, hạ tầng hiện đại làm cho không gian đô thị phong phú nhưng cũng đi kèm theo những lo lắng về bảo tồn cho các kiến trúc cổ nhất là khu vực nội đô lịch sử phát triển nhanh, rất nhiều công trình mới được xây dựng bên cạnh những công trình kiến trúc cổ đang là mối đe dọa cho vấn đề bảo tồn. Bằng cách này, cách khác người ta tìm cách loại bỏ những công trình cổ. Mặc dù có công trình đã được xếp hạng di tích rồi nhưng sau đó vẫn bị thay đổi cho mục tiêu phát triển kinh tế.”

Chúng ta biết rằng, công trình kiến trúc mang trên mình biết bao nhiêu giá trị vật chất, giá trị xã hội và giá trị tinh thần. Phát triển đô thị kéo theo sự mất đi ngày nhiều những công trình kiến trúc xưa cũ. Đập bỏ một công trình kiến trúc cũng giống như đốt đi một kho tài liệu lưu trữ về lịch sử, văn hóa xã hội, một biểu tượng vể ký ức về nơi chốn của loài người – nhất là với những công trình đã tồn tại rất nhiều năm, trải qua rất nhiều giai đoạn lịch sử. Thậm chí, ngay cả những công trình đã được bảo tồn cấm đập phá thì cũng không thể lường được sự cố gì khi gặp thiên tai, động đất…

“Hiện nay, các quy chế, quy định về bảo tồn công trình kiến trúc đã được Thành phố Hà Nội ban hành đầy đủ. Thành phố cũng lập ra ban bảo tồn, các biệt thự cũ để thực hiện theo luật di sản. Tuy nhiên quá trình làm hơi bị chậm. Công trình dù là bảo tồn hay di sản không thể nào là cái đồ vật để bảo tồn, mà có sự sống riêng của nó nên cần có quy chế thế nào để vừa bảo tồn vừa có sự sống trong đó”.

Vấn đề cần bảo tồn các công trình kiến trúc xưa nhiều giá trị trong vòng xoáy nhu cầu xây dựng và phát triển là không cần phải bàn thêm. Trong trường hợp có những công trình kiến trúc không thể bảo tồn, thì ít nhất chúng ta cũng cần có một hệ thống lưu giữ bản vẽ, hình ảnh, tài liệu ghi chép… để phục vụ công tác nghiên cứu sau này. Ngay cả trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi cũng phải xử dụng những hình ảnh trên internet thiếu rất nhiều thông tin nguồn đi kèm như năm chụp, người chụp, sự kiện gì…

Tầm quan trọng của việc lưu trữ hình ảnh công trình kiến trúc với đầy đủ thông tin và có hệ thống, nhất là những công trình kiến trúc nhiều năm tuổi, có giá trị văn hóa lịch sử đã rất rõ ràng và bức thiết.

Chúng tôi, những người làm & nghiên cứu kiến trúc xin đặt ra một số vấn đề như trên với mong mỏi được sự quan tâm, đồng cảm của toàn xã hội và nhất là những cơ quan quả lý kiến trúc đô thị chung tay trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật trong kiến trúc.

Và theo chúng tôi, một số giải pháp dưới đây có thể góp phần bảo tồn những giá trị ấy:

  • Xây dựng Trung tâm giữ liệu kiến trúc đô thị quốc gia?
  • Mở chuyên san hình ảnh về bảo tồn
  • Duy trì Cuộc thi ảnh kiến trúc thường niên
  • Số hóa nguồn ảnh tư liệu xưa trong dân
  • Luật hóa: bắt buộc lập hồ sơ lưu trữ hình ảnh mọi chi tiết trước khi thay đổi hiện trạng hoặc tháo dỡ các công trình bảo tồn

36phophuong.vn 

Bình luận của bạn

Tin khác