(12/10/2020) Trong tiến trình phát triển qua hơn 10 thế kỷ của Hà Nội, khu vực phố cổ Hà Nội như một thực thể sống mạnh mẽ, là nơi chứa đựng nhiều giá trị di sản đặc sắc. Gìn giữ và phát huy các giá trị này là nhiệm vụ đặt ra đã lâu, song việc thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức.
Việc trùng tu, tôn tạo khu vực phố cổ vẫn còn nhiều khó khăn.
Cần quan tâm hơn nữa
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, Thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển trên nguyên tắc xuyên suốt là hài hòa, cân bằng giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển, với các giải pháp quy hoạch theo định hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa – lịch sử vốn có, đưa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội, tạo lập sức hấp dẫn cho Thủ đô.
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong khu phố cổ luôn được chú trọng, thông qua việc khôi phục các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, lễ hội truyền thống. Việc nghiên cứu, trình diễn nghề thủ công truyền thống được tổ chức tại các điểm di tích thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia… Tất cả những yếu tố đó góp phần vào kho tàng văn hóa, nguồn di sản quý giá của Hà Nội, làm cho khu phố cổ vừa là nơi tập trung hoạt động thương mại phong phú, vừa là nơi gìn giữ nét văn hóa dân tộc.
Dẫu đã có những biến chuyển tích cực, song nhiều quy định về công tác bảo tồn còn cứng nhắc, thiếu các biện pháp cải thiện và bổ trợ làm cho môi trường sống bên trong các khu phố, ngôi nhà có giá trị bị xuống cấp. Các không gian chung quanh di tích, di sản cũng chưa được chú trọng. Một số quy định về kiểm soát không gian – kiến trúc công trình chưa phù hợp thực tế phát triển cũng như các quy định về phong cách kiến trúc, vật liệu. Kèm theo đó là sự quá tải về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong khu phố.
PGS, TS, KTS Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, cần khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao. Bởi, với nét văn hóa và ẩm thực xứ bắc thì quy hoạch kiến trúc khu phố cổ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch Thủ đô. Nhiều du khách nước ngoài thích thuê homestay, nhà trọ ở khu phố cổ Hà Nội, mặc dù có thể giá phòng cao hơn và tiện nghi không sang trọng bằng các khách sạn, nhưng họ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp và tìm hiểu văn hóa, tính cách của người Hà Nội.
Làm sao để phát huy?
Thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo các công trình di tích có giá trị văn hóa, lịch sử trong khu phố cổ, nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện nay, hoạt động của tuyến phố đi bộ đã và đang là một sản phẩm du lịch mới, có sức hút lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Điều này cho thấy, phố nghệ thuật có thể khích lệ giải pháp bảo tồn di sản, làm cho sức sống di sản mạnh mẽ hơn, cuộc sống tinh thần của người dân được nâng cao.
Đề cập yếu tố bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích khu phố cổ, PGS, TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng cho rằng, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong thời đại 4.0 sẽ có những thay đổi lớn so giai đoạn trước. Với sự hỗ trợ của công nghệ, cách thức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị sẽ có những cách làm mới hiệu quả, chính xác hơn và đặc biệt việc phát huy giá trị của di sản sẽ có nhiều cách tiếp cận mới hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều hàng phố đặc trưng của phố cổ đang dần đánh mất bản sắc và khó quản lý. Hà Nội xưa từng có tới hàng chục phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”, mà tên phố gắn liền với những mặt hàng thủ công được các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh ngay tại chỗ. Ngày nay, các phố vẫn còn tên, nhưng dần mất đi đặc trưng bán riêng một loại hàng hóa, thay vào đó là các khách sạn, cửa hàng đồ lưu niệm na ná nhau trên mọi con phố. Điều này khiến khu phố cổ thay đổi mạnh mẽ.
Vì vậy, để cộng đồng cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm ngoài công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân thì cũng cần chú trọng vai trò quản lý, chấn chỉnh một số hoạt động có dấu hiệu phá vỡ quy hoạch, cảnh quan không gian phố cổ đã diễn ra trong thời gian qua.
Bình luận của bạn