Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
Vùng đất đã làm nên đặc tính con người, xứ Đoài đã cho họ những cung bậc cảm xúc để thành thơ, nhạc, họa. Từ đó họ đưa cái nắng và gió, sông và núi và cả cái chất phác của người dân xứ Đoài đi khắp thế giới như một niềm tự hào. Để thể hiện lòng tri ân với vùng đất đã sinh thành và nuôi dưỡng họ, những văn nghệ sĩ sau này đã đưa những tác phẩm mà các bậc tiền nhân đi trước đã gửi gắm, về với xứ Đoài. Lạ kỳ thay, hôm nay, chúng ta có thể gặp lại hầu hết các bậc nghệ sĩ lớn ấy thông qua các tác phẩm của họ - không phải tại các Viện Bảo tàng ở những nơi đô hội - mà ở bảo tàng tại những làng quê nhỏ bé của vùng đất xứ Đoài.
Bảo tàng tranh tại thôn Cổ Đô, Xã Cổ Đô, huyện Ba Vì.
Đầu tiên là Bảo tàng Sĩ Tốt & Gia đình. Bảo tàng được xây dựng tại thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, với diện tích gần 200m’ được xây 2 tầng trong một khuôn viên thơ mộng ở một làng quê có truyền thống hội hoạ. Giám đốc Bảo tàng là hoạ sĩ La Vuông, ông là con trai của cố hoạ sĩ Sĩ Tốt (1919 - 2000). Hiện nay tại Bảo tàng Sĩ Tốt & Gia đình trưng bày gần 200 tác phẩm hội hoạ, bao gồm nhiều chất liệu, chủ đề khác nhau, ở đó được chia ra các chủ đề thuộc từng giai đoạn của cố hoạ sĩ Sĩ Tốt đã sống và trải nghiệp. Những tác phẩm của ông có trong bảo tàng cho ta thấy chân dung những người thợ mỏ, những bà mẹ, những đứa trẻ... Tác phẩm “Tiếng đàn bầu” có anh bộ đội đang đánh đàn bầu, có lũ trẻ đang thích thú ngôi sao vàng trên mũ, có cô gái thôn nữ đang e ấp bên cửa. Xem tác phẩm đó ta thấy tiếng đàn bầu vọng lại tự ngàn xưa, thấy sự bình dị êm đềm ở những nơi không tiếng súng và có sự hồi sinh của hạnh phúc lứa đôi. Khi xem tác phẩm: “Tiếng đàn bầu” (triển lãm cá nhân tại 16 Ngô Quyền - Hà Nội năm 1986) của ông, cố thi sĩ Tố Hữu nói: “tôi nghe thấy tiếng đàn bầu trong tranh Sĩ Tốt”. Đúng là sự cảm nhận cái đẹp theo cách riêng của một thi sĩ. Nhưng không phải không có lý, khi tác phẩm này thật sự là một trong những tác phẩm màu dầu thành công nhất của hoạ sĩ Sĩ Tốt.
Gần 80 tác phẩm tranh hoạ của ông trong cuộc triển lãm “trăm hoa đua nở tại quê nhà, nay đã nằm trong sưu tập của giới sành chơi nghệ thuật trong và ngoài nước. Ngay từ bức tranh tham gia triển lãm đầu tiên được ông vẽ năm 1954 “Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng” của ông đã gây xúc động trong lòng người xem, tác phẩm “Đứa nào cũng được học” - giải nhì toàn quốc năm 1958. Đặc biệt, khi xem tác phẩm “Lúa non buổi sáng” của ông, một giáo sư mỹ học người Nga đã thốt lên: “... đây là một cảnh đẹp mang đến sự no ấm hạnh phúc cho mọi người; hình dung như có cú cua quẫy động dưới chân lúa; máy bay của tôi có thể bay thẳng vào tranh rất thoải mái”... Một nhận xét thật tinh tế, kiệm lời mà vẫn giầu tính biểu đạt mỹ cảm. Tác phẩm “Chân dung người thợ mở”, “Thổ hàng quân sự, “Thử nhị”, “Em nào cũng được học”... tất cả những tác phẩm, bút ký tại Bảo tàng, cho chúng ta thấy ông là người đi nhiều, đâu đó trên dải đất hình chữ S này dấu chân ông đã qua và đã đem lại cho ông cảm xúc thành những tác phẩm để lại sau này. Khi đất nước được hoà bình, ông lại có điều kiện đi nhiều hơn, tới các nước bạn xa xôi và ông đã đưa những khí thế xây dựng xã hội chủ nghĩa ở những nước ông đến vào trong tranh để phục vụ công cuộc đổi mới ở đất nước mình. Chính những đóng góp của ông cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và những cống hiến cho nền hội hoạ đương đại Việt Nam thế kỷ XX, ông đã được Nhà nước, Hội liên hiệp Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Hội mỹ thuật Việt Nam tặng thưởng nhiều huân huy chương. Đặc biệt năm 2006, Chính phủ đã xét tặng thưởng Nhà nước cho cố hoạ sĩ Sĩ Tốt.
Hiện nay, tại bảo tàng còn trưng bày nhiều tác phẩm của con trai ông - hoạ sĩ La Vuông, của cháu ông - hoạ sĩ Minh Thông.
Bảo tàng thứ hai chúng ta đến là Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ, được xây dựng tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Giám đốc bảo tàng là người phụ nữ mà bạn bè, đồng nghiệp dành cho bà với biệt danh “Người đàn bà cũng tranh về làng”, đó là hoạ sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ - hậu duệ của dòng dòng họ Phan Huy nổi tiếng. Ít ai biết, trước khi trở thành Giám đốc Bảo tàng tư nhân này, người phụ nữ đã hơn hai phần ba thời gian sống và làm việc xa quê hương, chị vẫn mang phong cách bình dị, chất phác, chân thành. Ngọc Mỹ âm thầm đi, âm thầm cảm nhận và âm thầm vẽ. Vẽ và sưu tầm hội hoạ nó như một công việc, mà theo chị nói là duyên trời định. Trong tâm hồn chị luôn ấp ủ khát vọng là làm một điều gì đó thật tốt đẹp cho quê hương trong ngày trở về. Điều ước nguyện tha thiết đó suốt bao nhiêu năm cứ canh cánh bên lòng, trở thành nỗi trăn trở đeo bám chị trên mỗi bước đi, trong từng bản ký hoạ hay phác thảo cũng như trong các việc làm từ thiện “Vì người nghèo”. Kể từ khi trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, uỷ viên Ban chấp hành CLB sưu tập mỹ thuật Hà Nội, Phó giám đốc Trung tâm UNESCO mỹ thuật môi trường, uỷ viên Ban chấp hành CLB văn nghệ sĩ xứ Đoài... Ngọc Mỹ có nhiều công việc để làm và mang sự nghiệp mỹ thuật đóng góp vào công cuộc phát triển quê hương.
Đến với Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ, chúng ta dễ dàng nhận ra bộ sưu tập tranh của chị gồm nhiều tác phẩm chọn lọc của ba thế hệ hoạ sĩ Việt Nam:
- Các hoạ sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1945): Nguyễn Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên...
- Các hoạ sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật kháng chiến Việt Bắc (1950 - 1953): Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Linh Chi, Lê Huy Hoà...
- Các hoạ sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1955 - 1984): Nguyễn Thụ, Sĩ Tốt, Trần Khánh Chương... Có cả hoạ sĩ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định (1958), học viện Mỹ thuật La Mã: Vĩnh Phối (1961 - 1963). Kho tàng tranh sưu tầm của chị còn đang không ngừng được bổ sung.
Ngoài ra, trong bảo tàng còn có hàng trăm bức tranh của Phan Thị Ngọc Mỹ. Trên chục lần triển lãm cá nhân, đồng tác giả và sưu tập tranh mà Ngọc Mỹ sưu tầm được. Qua những cuộc triển lãm đó lại càng thôi thúc cái đà sáng tạo của Ngọc Mỹ, chị miệt mài vẽ tranh, Ngọc Mỹ đã thức tỉnh ra những khả năng tiềm ẩn hội hoạ của mình trong sự kế thừa tiếp thu, đi tìm cái mới. Các tác phẩm “Cây lá bên hổ”, “Những đống rơm”, “Sân nhà”, “Con trâu cây”... đều được chị khai thác về sắc mầu dung dị, trong sáng. Ở những tranh phong cảnh quê hương “Núi chùa”, “Xứ Đoài”, xem tranh phong cảnh của chị lại làm chúng ta nhớ đến câu thơ của nhà thơ Quang Dũng về vùng quê xứ Đoài: “..Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương”./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02
Bình luận của bạn