Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Chương trình Giáo dục di sản “Hành trình Lịch sử”

Thứ 2, 28/11/2022, 15:29 (GMT+7)

Chia sẻ

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, trong đó giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Tiền sử đến năm 1945 có gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật và 20 Bảo vật quốc gia. Thời gian gần đây ngoài hoạt động tiếp đón các đoàn tham quan, nghiên cứu thì Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn là nơi tổ chức chương trình Giáo dục di sản với chủ đề “Hành trình Lịch sử” để giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ngày 26/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, các bạn trẻ sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị, hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

z3889906420134-96c1fbe92fe5b1bb464b4237f0a389df-1.jpg

 Sinh viên tham quan trưng bày chủ đề: “Những trận chiến trên sông Bạch Đằng”.

Trong tháng 11, gần 100 sinh viên Trường Đại học Hà Nội đã tham gia chương trình Giáo dục di sản với chủ đề “Hành trình Lịch sử” tại

z3889843698219-4eb09f1d1b53a0f52049f2c2bc757902-1.jpg

 Đội Đông Sơn xuất sắc với phần trình bày ấn tượng và sản phẩm ấn tượng.

Mở đầu chương trình là Hoạt động 1 “Hành trình lịch sử Việt Nam”: sinh viên được tham quan, tìm hiểu từ thời kỳ Tiền sử đến triều Nguyễn (thế kỷ 19 - 20), đặc biệt tập trung tìm hiểu sâu các chủ đề: Văn hóa Đông Sơn; Những trận chiến trên sông Bạch Đằng, Văn minh Đại Việt… qua những tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hoạt động này không chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về những sự kiện, nhân vật, triều đại… tiêu biểu trong tiến trình lịch sử dân tộc mà còn giúp các em có cơ hội khám phá, tìm hiểu những hiện vật, bảo vật độc đáo tại Bảo tàng. Từ đó, có thể ghi nhớ, liên hệ với những kiến thức lịch sử mà các em đã được học ở nhà trường.

z3889852085215-7b86b6ff1edf5374dbedcf9696021ad0-1.jpg

 Sinh viên tham quan trưng bày chủ đề: “Khám phá đời sống cư dân tiền sử và sự ra đời của đồ gốm”.

Hoạt động 2 mang tên “Những khám phá bí ẩn”: Gần 100 sinh viên được chia thành 6 đội, mỗi đội được bốc thăm ngẫu nhiên 1 trong 6 chủ đề sau:

- Khám phá đời sống cư dân tiền sử và sự ra đời đồ gốm

- Văn hóa Đông Sơn và Trống đồng Ngọc Lũ

- Thành tựu của quốc gia Đại Việt dưới triều Lý thế kỷ 11-13

- Trần Hưng Đạo và trận chiến Bạch Đằng, năm 1288

- Lê Lợi và Khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1418 - 1427

-  Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn thế kỷ 19 - 20

z3889844566987-1c994a3c505984f3cf13ab48aaed8739-1.jpg

 Đội Hào khí Bạch Đằng Giang đang thực hành, chuẩn bị cho phần thuyết trình.

Nhiệm vụ của các đội là cùng khám phá, giải mã bí ẩn về hiện vật, nhân vật, sự kiện theo đúng chủ đề của đội mình đã bốc thăm. Sau đó, cùng làm việc nhóm, quan sát trực tiếp hiện vật; làm sơ đồ tư duy trên giấy A0; chuẩn bị phần thuyết trình về nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của hiện vật/nhân vật và liên hệ thực tế về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong phạm vi liên quan đến chuyên ngành của mình.

Các đội nhóm thi nhau thảo luận sôi nổi; quan sát, thể hiện nội dung qua sản phẩm của đội mình sao cho đầy đủ, rõ ràng và hấp dẫn nhất. Đặc biệt, chương trình còn khuyến khích các bạn làm các sản phẩm công nghệ (video/clip ngắn giới thiệu những hiện vật, tài liệu bổ trợ minh họa cho chủ đề hoặc phóng sự ngắn giới thiệu về quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhóm mình).

Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, xây dựng các chủ đề Giáo dục di sản với cách thức trải nghiệm khác nhau (Đua tài trí tuệ; Đua tài thể chất, Trò chơi đội nhóm theo chủ đề…) phù hợp với đa dạng nhu cầu của nhà trường như: Hành trình lịch sử; Giáo dục khoa cử Việt Nam; Mỹ thuật cổ Việt Nam; Gốm cổ Việt Nam; Sinh viên với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, Hướng nghiệp cho thế hệ trẻ… để các trường có thể lựa chọn được chủ đề học tập phù hợp nhất.

Sự khác biệt của chương trình Giáo dục di sản “Hành trình Lịch sử” ở đây là không chỉ kết nối, gắn kết bảo tàng với nhà trường trong việc đào tạo, giáo dục lịch sử liên ngành (chấm điểm, đánh giá chuyên cần) mà còn hướng đến việc phát huy sự chủ động, sáng tạo của các em thông qua việc: sử dụng hiện vật, nội dung trưng bày bảo tàng làm cơ sở dữ liệu, cán bộ giáo dục là người định hướng, gợi ý, gợi mở và các em là chủ thể của hoạt động đó.

z3889842900745-9e7d8614e2c4c5123a3e243506cc5337-1.jpg

 Các bạn trẻ check-in tại bảo tàng.

Chương trình khép lại, các bạn sinh viên Trường Đại học Hà Nội bày tỏ sự hài lòng về cách thức tổ chức chương trình và hiệu quả chương trình mang lại cho các em cả về tri thức lịch sử cũng như những kỹ năng cơ bản mà các em được trực tiếp làm việc tại Bảo tàng như: Nghiên cứu, khám phá, tìm kiếm, chắt lọc thông tin; kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình; ứng dụng công nghệ vào sản phẩm của mình… Đây là mục tiêu, kỹ năng quan trọng mà các em cần tích lũy khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hy vọng rằng, với một hướng đi, một cách tiếp cận mới, Chương trình Giáo dục di sản “Hành trình Lịch sử” sẽ là lựa chọn phù hợp và hiệu quả đối với sinh viên, học viên các trường cao đẳng, đại học, học viên trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước.

Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác