Nguyễn Bá Đạm
Hội Trí Tri - 會致知 - La Société d’Enseignement Mutuel du Tonkin, được thành lập ngày 01/04/1892. Lúc đầu chỉ là ngôi nhà một tầng nhỏ hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, sau nhờ sự tài trợ và quyên góp mới xây dựng xong.
Nhà số 59 phố Hàng Đàn (nay là nhà số 47 phố Hàng Quạt) năm 193x
Ảnh sưu tầm
Một bút tích của cụ Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947)
Trụ sở được xây lên hai tầng, khang trang rộng rãi, thiết kế theo lối kiến trúc Trung Hoa ở 59 phố Hàng Đàn nay là số 47 phố Hàng Quạt. Nơi đây còn lưu giữ được một biển đồng hình chữ nhật chiều cao 70 cm, bề rộng 32 cm, dày 5 mm khắc chữ chìm hai mặt (chữ Pháp và chữ Nho), làm vào tháng 10/1898.
Mặt phải bên trên khắc dòng chữ Pháp ghi tên Hội kèm theo danh sách những người Pháp có công đóng góp và xây dựng. Tên vị toàn quyền Paul Doumer được đặt ở trên hàng đầu cùng với 19 người Pháp ghi rõ chức vụ sắp xếp theo thứ bậc.
Phần chữ Nho ghi bên dưới sắp xếp theo ba hàng. Một hàng dọc phía tay phải viết chữ to và đậm nét “Phụ chánh đại thần, Văn minh Đại học sĩ. Vĩnh Trung Tử Nguyễn Tướng Công”. Trong danh sách người Việt đếm được 108 người đa số là người có địa vị và quyền thế. Con số 108 phải chăng cũng có một ngụ ý nào đó.
Tên của Hội được lấy từ sách Đại học, một trong Tứ thư của nhà Nho. Trong sách đó có câu : 先致其知、致知、在格物 (tiên trí kì tri, trí tri, tại cách vật). Nghĩa là : "Trước hết để biết, biết tường tận là do biết nguyên lí sự vật"). Như vậy, "Trí Tri" là hiểu biết tường tận sự vật và mở mang kiến thức.
Mục đích của Hội nhằm thu hút các tầng lớp trí thức Nho học và Tây học; trở thành hội viên để củng cố thấm nhuần tinh thần, thắt chặt mối quan hệ đã có ở Việt Nam. Mở rộng sự am hiểu nền văn minh của nước Pháp, đẩy mạnh truyền bá tiếng Pháp phổ cập trong xứ Bắc Kì.
Dùng một thứ ngôn ngữ mà người Việt sẵn có quan hệ với người Pháp hiểu biết nhau hơn trong phạm vi có thể.
Hội còn phát triển mở rộng ra ở một số tỉnh theo điều kiện sớm muộn tuỳ từng nơi như : Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, ... Ban Trị sự đầu tiên gồm một Hội trưởng là người Pháp, cộng với ba người bản xứ.
Hội trưởng đầu tiên là ông Nordeman nguyên là Đốc học.
Tiếp nối và thay thế sau là ông Nguyễn Liên.
Ngày 28/07/1907, Hội đồng trị sự cử ba ông : Nguyễn Văn Vĩnh Trưởng tiểu ban, ông Nghiêm Xuân Quảng và ông Trần Tán Bình nằm trong Ban Trị sự, giúp việc diễn thuyết và giảng sách mỗi tuần một buổi.
Việc học mỗi tuần ba buổi vào buổi tối thứ Hai, Tư, Sáu; từ 8 giờ đến 9 giờ 30 phút; ,nhằm bổ túc cho người quá tuổi hoặc thi vào trường công không đỗ. Năm đầu tiên, lớp Ba có 30 người, lớp Nhì có 45 người, lớp Nhất có 20 người. Số học viên ngày một tăngthêm.
Tiền học phí quy định mỗi tháng : Lớp Ba 5 hào, lớp Nhì 7 hào, lớp Nhất 1 đồng. Nếu ở xa muốn về học kể cả tiền ăn và trọ ở trường thì mỗi tháng phải nộp 5 đồng.
Phụ trách dạy trong các lớp : Lớp Nhất có ông Phạm Duy Tốn. Lớp Nhì có ông Vũ Văn Trử. Lớp Ba có ông Trần Văn Hùng.
Dạy chữ Nho có ông Phạm Thiệu.
Ngoài việc học chữ để nâng cao kiến thức, học sinh còn phải rèn luyện sức khỏe, vì thể lực suy yếu không những hại cho bản thân, mà còn là gánh nặng cho xã hội.
Việc Thể dục được đặt ra. Phía sau Hội quán là bụi chuối và gốc sắn được san bằng rải cát làm sân tập luyện, dựng lên một cái xà đơn làm bằng gỗ lim để tập xà. Xung quanh có kê một số ghế gỗ. Dụng cụ đơn sơ, một vài quả tạ, chiếc sào, cuộn thừng, vài cây vợt gỗ. Huấn luyện võ ta có : côn, quyền, kiếm; do ông Nguyễn Đình Tôn, thường quen gọi là ông Cử Tôn hướng dẫn. Còn môn Thể dục thì mời người đội Tây ở trong thành Cửa Đông đến dạy.
Hội còn tổ chức một ban đứng ra dịch sách tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc, lựa chọn những quyển sách hay, mang tính chất giáo dục, hoặc nổi lên nét tinh hoa của một dân tộc.
Hôm thành lập ban 04/08/1907, có hơn 300 người tham dự, không riêng gì ở Hà Nội mà ngay các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh khác nữa cũng có mặt.
Hội đề cử ông Đỗ Văn Tâm làm Trưởng ban, ông Nguyễn Văn Vĩnh là người thảo điều lệ và lựa chọn sách. Cộng tác viên có tài năng như ông Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố và Trần Trọng Kim.
Về Pháp văn cùng với ông Vĩnh còn có ông Nguyễn Văn Tố và ông Phạm Quỳnh, dịch những bài triết luận của Pháp ra chữ Quốc ngữ, đăng thường kì trên báo Đông Dương tạp chí.
Trong kho tàng Hán văn của Trung Quốc ông Phan Kế Bính giới thiệu : Chiến quốc sách, Cổ văn, Liệt Tử, Mặc Tử, Hàn Phi Tử, Án cổ kì quan, Tiền Hán thư, Tam quốc, ... Ông Nguyễn Đỗ Mục dịch Đông Chu liệt quốc, Song phượng kì duyên, Tây sương kí, ... Lột tả được ý và lời văn. Ông Trần Trọng Kim chuyên về Nam sử và luân lí, ông Thân Trọng Huề dạy tiếng An Nam và tiếng Pháp.
Công việc dịch thuật lúc đầu không mấy ai tin. ấy thế mà chữ quốc ngữ lại làm được việc dịch chuyển từ những tư tưởng triết học cao siêu đến những áng văn chương tuyệt tác.
Hội sinh hoạt đều đặn, thường ba tháng họp một kì. Xem công việc đã làm hoặc chưa để làm tiếp. Trong quỹ có bao nhiêu ?
Các buổi diễn thuyết thường nói bằng tiếng Pháp, đề tài nói về : ngôn ngữ, văn học, dân tộc học, phong tục tập quán, vệ sinh, khoa học thường thức, ... để giúp người nghe hiểu được văn chương nước ngoài, thổ ngơi địa lý từng vùng, cách giữ gìn sức khỏe để đề phòng bệnh tật, cách giao dịch buôn bản và làm sổ sách của kế toán, ... Những người được mời đến nói chuyện đều kinh qua nghiệp vụ như : giáo sư, bác sĩ.
Năm 1915 hội Trí Tri ở Hà Nội có 13 giáo viên, đứng đầu có ông Tống Xuân Dục. Năm 1924, lớp Thành chung ban đêm đầu tiên được mở (riêng lớp này học sinh không phải trả tiền học phí nhằm khuyến khích đẩy mạnh phong trào để nhiều người theo học tiếng Pháp).
Năm 1925 ông Đào Trọng Đủ làm Hiệu trưởng.
Cụ Nguyễn Văn Tố làm việc lâu năm sẵn có uy tín, được mọi người tín nhiệm bầu làm Hội trưởng. Sẵn có tài năng cụ đã vận dụng một cách khôn khéo để thực hiện ý tưởng của mình. Muốn nâng cao dân trí thì mọi người phải biết đọc và biết viết. Trong lúc 95% dân chúng còn mù chữ, thì phải vận động họ đi học, tạo mọi điều kiện thuận lợi dễ dàng để ai cũng có thể theo học được. Người biết, dạy cho người chưa biết.
Cụ là một trong số những người trí thức sáng lập ra hội Truyền bá học quốc ngữ vào quý III năm 1938. Hội Truyền bá học quốc ngữ ngày một phát triển và mở rộng. Các lớp học mở khắp nơi. Nạn mù chữ cũng sớm được thanh toán.
Một thành tựu to lớn mà đến nay mọi người thường nhắc đến là địa điểm này diễn ra 2 sự kiện lịch sử quan trọng (mở đầu cho vận mệnh nước nhà) :
1/ Hàng ngũ Việt Minh họp bàn kế hoạch chuẩn bị cho ngày Tổng khởi nghĩa 19/08/1945.
2/ Thành lập Ban tổ chức để Hồ Chủ tịch đứng lên đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/09/1945.
Hội Trí Tri từ khi bắt đầu thành lập, qua quá trình lịch sử đã trở thành một Trung tâm sinh hoạt Văn, Trí, Thể, Mĩ của người Hà Nội trong một thời gian khá dài.
Trường Trí Tri không những là điểm văn hoá còn là điểm Di tích lịch sử Cách mạng.
( Trần Quang Dũng trích sách HÀ NỘI : NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX - XX - Nhà xuất bản Văn học năm 2010)
Bình luận của bạn