Âm bản phố

Thứ 5, 08/12/2022, 23:39 (GMT+7)

Chia sẻ

1.
Hơn mười năm trước, chính xác là cuối mùa xuân năm 2008, trong một lần đi đo đạc khảo sát thiết kế cải tạo nhà cho em của một người bạn trong khu phố cổ Hà Nội; tôi tình cờ nhìn thấy một “mái ngói thâm nâu” rất đẹp và còn khá nguyên vẹn. Nếp mái thấp, khiêm nhường và ẩn sâu bên trong, cách mặt phố tới mấy lớp nhà, lớp sân. Tôi đã phát hiện ra nếp mái ấy qua một ô cửa sổ rất nhỏ ở ngôi nhà mình khảo sát nhìn sang; và rất khó khăn mới lựa được máy ảnh qua song sắt để chụp nếp mái ấy. Nó nằm lọt thỏm giữa một không gian xưa cũ, những bức tường xưa cũ. Hôm đó trời không có nắng, rất âm u; và tấm ảnh thật buồn…

20a06052-00-a-1-1.jpg

 Phố cổ Hà Nội xưa (Ảnh tư liệu)

20a06052-00-b-1.jpg
 Phố Hàng Đồng xưa (Ảnh tư liệu)

20a06052-01-1.jpg
 Những nếp mái như này liệu có còn trong phố cổ?


Có nhiều lần, tôi đứng trên tầng cao trong khu phố cổ, ở những quán café trong những ngôi nhà đã từng là nhà cổ, hay trên những quán bar nhà hàng đang đua nhau mọc lên như nấm ở phố cổ, cố gắng dõi tìm những mái nhà xưa, mà hiếm thấy được nếp mái nào trọn vẹn. Trong những hỗn độn của nhà mới xây mặt phố, nhà cũ xập xệ bên trong; chỉ thấy mái bằng, mái tôn xanh đỏ, mái fibro-ximăng xam xám…và ngổn ngang bể nước inox; những mái ngói thưa dần, thưa dần, có chỗ căng mắt cũng không tìm thấy. Tôi không có cơ hội và cũng không có lý do nào quay lại gác nhỏ nơi tôi đã từng chụp ảnh. Và vì vậy cũng không biết mái nhà hàng xóm kế bên đó có còn không? Tôi nghĩ là không!

2.
Vào dịp Tết dương lịch năm 2009, tức là sau đó hơn nửa năm, tôi cũng như nhiều người khác được “bồi hồi” ngắm phố cổ Hà Nội liêu xiêu, nhấp nhô thật đẹp. Một phố cổ Hà Nội, không phải bằng hình ảnh, một phố cổ Hà Nội có hình khối 3 chiều hẳn hoi – bằng… đất; trong lễ hội hoa bên Hồ Gươm, kế bên phố cổ thật. Đó không phải là sự tái sinh, đó là một phiên bản hoài cổ, hoài cảm; một phiên bản tưởng tượng của những thứ đã lùi vào dĩ vãng, đã không còn hiện hữu; hay nói cách khác đó là một âm bản. Người ta chỉ có thể nhìn và thấy đẹp qua một lăng kính, với một nỗi niềm…

20a06052-02-1.jpg

 Phố cổ bằng đất trưng bày trong dịp Lễ hội Hoa tại Hà Nội đầu năm 2009

Rất nhiều người, trong đó có tôi, đã thích thú, thậm chí say sưa chụp ảnh phiên bản phố này. Người ta thích thú hơn nếu so sánh với một phố cổ thật ngay bên cạnh. Bản gốc đã bị hỏng, khập khiễng và méo mó. Phố cổ bằng đất, nhỏ như món đồ chơi, dù không có chiều của thời gian nhưng lại đủ sức gợi để cho người ta tự huyễn hoặc hay ru lòng vào quá khứ! Sau đất, liệu rồi sẽ có những âm bản phố bằng gỗ, bằng đồng, hay bằng gì nữa?

3.
Năm 2010, một lần lang thang phố giữa cái nắng tháng 6, tôi lại nhìn thấy một âm bản mái phố, âm bản theo đúng nghĩa đen. Một âm bản thật “đẹp”! Dấu vết ngôi nhà và nếp mái bị phá đi còn in nguyên vẹn trên vách tường hồi chưa dỡ hết. Hình hài của bộ mái dốc với đường nét của bờ nóc, bờ chảy; những viên gạch, lớp ngói không còn nguyên vẹn, những mảng vữa loang lổ, những dấu vết lỗ xà gồ gác vào tường hồi… Tất cả tạo nên một hình ảnh xót xa, một hình ảnh thật buồn dù ngày đó trời xanh và nắng chứ không âm u. Phố đã bị bức tử, và sẽ sẽ bị bức tử dần dần, cho đến khi biến mất.

20a06052-03-1.jpg

 Âm bản phố – và những cảm xúc buồn

Và tất nhiên, sau đó, tôi còn đã gặp nhiều âm bản phố như vậy nữa. Thi thoảng đi vào phố cổ lại gặp những dấu vết mái in trên những bức tường. Những ngôi nhà cũ bị đập đi xây mới, cao hơn, sang hơn và vô cảm hơn. Dấu vết mái nhanh chóng bị phủ lấp bởi những bức tường xây cao hơn, nhanh chóng biến mất. Cũng có những ông chủ xây nhà mới vẫn làm mái dốc, nhưng có nghĩa gì với mái dốc ở tầng cao chót vót trong con phố cổ nhỏ hẹp. Hơi thở của thời gian, của năm tháng đã không còn. Những ngôi nhà chết đi, những mái phố chết đi như thế!

20a06052-04-1.jpg

 Âm bản phố – hiện thực và dự cảm

20a06052-05-768x1152-1-1.jpg
 Âm bản phố – hiện thực và dự cảm

4.
Người ta vẫn đang nỗ lực cứu lấy phố cổ Hà Nội, nhưng xem ra đã thất bại và sẽ tiếp tục thất bại. Phố cổ Hà Nội sẽ chỉ mãi còn trong tranh Bùi Xuân Phái, trong thơ Phan Vũ hay trong nét nhạc Trịnh Công Sơn… “Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu” (*) ru người ta quên đi những hiện thực bộn bề của cuộc sống để nhớ về một phố cổ của ngày xưa, của ký ức… Dẫu sao, đó vẫn là “dương bản”, là thật, ghi nhận bằng họa, bằng thơ, bằng nhạc của một phố cổ hiện hữu thời gian đó, thời khắc đó; chứ không phải là một âm bản bằng đất sét hay vật liệu gì khác.

Ngược lại thời gian; năm 2007, có một họa sỹ đã thực hiện một âm bản phố khác. Anh “hóa thạch” những ngôi nhà cổ bằng cách làm đông cứng mô hình của chúng trong những khối composit trong suốt. 36 ngôi nhà tượng trưng cho 36 phố phường Hà Nội như những khối kim cương chứa chất nhiều xúc cảm và cũng đáng suy nghĩ. (**) Tới năm 2011 anh lại tiếp tục “hoá thạch” Hà Nội thêm một lần nữa… (***); rồi tới năm 2014 lại một lần nữa… Trong dự án dài hơi của mình anh sẽ còn “hóa thạch” thêm những gì của Hà Nội? Đó là tình yêu, sự nuối tiếc hay phản ứng lại trước thực tế của phố cổ Hà Nội và một Hà Nội xưa cũ đã và đang chết đi từng ngày?

20a06052-06-1.jpg

 Nhà cổ 51 Hàng Đào – “hóa thạch” của họa sỹ Vương Văn Thạo (triển lãm “Hóa thạch sống” – 2007)

20a06052-07-1.jpg
 “Hoá thạch sống” những ngôi nhà cổ của hoạ sỹ Vương Văn Thạo (Triển lãm “Hoá thạch sống” – 2007)

20a06052-08-1.jpg
 “Hoá thạch sống” những hình ảnh Hà Nội xưa của hoạ sỹ Vương Văn Thạo (Triển lãm “Làng trong phố” – 2011)

20a06052-09-1.jpg
 “Hoá thạch sống” những hình ảnh Hà Nội xưa của hoạ sỹ Vương Văn Thạo (Triển lãm “Làng trong phố” – 2011)


Trong nỗi buồn, sự thất vọng và những dự cảm bất an, tôi chợt thấy hình ảnh phố và những mái phố đổi màu – thành phim âm bản.

Bài và ảnh: Hà Thành
© Tạp chí Kiến trúc-Nguồn

Bình luận của bạn

Tin khác