Trung tâm GDNN - GDTX Nguyễn Văn Tố

Thứ 2, 29/07/2024, 23:41 (GMT+7)

Chia sẻ

Đó không chỉ là một ngôi trường! Đó là nơi dành cho những người không đặt nặng vấn đề “cơm-áo-gạo-tiền”, dùng tình yêu “khắc sâu” kiến thức cho vô vàn số phận thiệt thòi để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Bảng tin 

Cái nôi của bình dân học vụ

Lẩn khuất sau hàng cây la đà, giữa một con phố nhỏ giữa trung tâm Hà Nội, Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Nguyễn Văn Tố dễ khiến người ta nhầm là một biệt thự tư gia. Mà cũng phải, đó vốn là ngôi nhà của chí sĩ Nguyễn Văn Tố, người từng là Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ, Bộ trưởng Cứu tế xã hội, Trưởng ban Thường vụ Quốc hội, người có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đó cũng là chiếc nôi truyền bá quốc ngữ, bình dân học vụ. Từ đây, những dòng chữ quốc ngữ thiêng liêng, tiếng nói của người Việt đã được truyền bá đến mọi miền Tổ quốc. Nơi đây cũng là hội sở của Hội Quốc tế ngữ Esperanto trong những năm đầu của thế kỷ 20, đưa nhân dân đất Việt hòa nhập với nền văn hóa thế giới. 

Đón tôi ở cổng trung tâm là một “nhân vật” kỳ lạ. Thấy khách, cậu lúi húi ra kéo cánh cổng sắt. Chả nói câu gì, nhưng ý cậu có vẻ như: “Mời vào!”. Cũng lúc ấy, tiếng trống vào lớp vang lên từng hồi, khuấy động cả không gian yên tĩnh của con phố cổ. Cậu vẫn đứng “bình thản” nhìn khách dắt xe. Bất chợt xuất hiện anh bảo vệ. Hỏi khách xong, anh quay sang bảo cậu: “Sao không vào lớp?”. Cậu cười khoái chí: “Anh đánh trống thì em mới vào!”. Chiều lòng cậu, anh bảo vệ lại đánh thêm một hồi trống. Đến khi ấy, cậu mới lững thững vào lớp.

Nhìn theo “nhân vật” kỳ lạ kia, anh bảo vệ được dịp kể: “Nó học hơn 10 năm lớp 1 ở đây rồi đấy. Nhà ở tận Công viên Tuổi trẻ, ngày nào cũng đạp xe lên đây học. Chăm chỉ lắm nhưng vẫn không lên được lớp!”.

Chàng trai ấy chỉ là một trong số rất nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại đây. Tháng 6-1994, Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 trường: Trường Bổ túc Dân chính Hoàn Kiếm, Trường Bổ túc văn hóa số 8 Và Trường Bổ túc văn hóa số 9. Đến tháng 12-2016, trung tâm lại sáp nhập cùng hai cơ sở là Trung tâm Dạy nghề quận Hoàn Kiếm và Trung tâm Giáo dục Kỹ thuật Tổng hợp số 4, trở thành Trung tâm GDNN-GDTX Nguyễn Văn Tố Hoàn Kiếm. Trugn tâm hoạt động với nhiệm vụ: Đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của người dân, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cuộc sống cộng đồng. Nhiệm vụ ấy đồng nghĩa với việc trung tâm nhận đào tạo tất cả những người có nhu cầu học tập, bất kể tuổi tác, hoàn cảnh. Đó là những người lang thang, cơ nhỡ, những người chậm phát triển trí não... Năm 1996, trung tâm mở thêm lớp dành cho những người khiếm thị. Theo thống kê của trung tâm, có khoảng 50% học sinh khiếm thị sau khi tốt nghiệp tại đây đã tiếp tục học lên các trường như: Đại học Mở, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Công đoàn, Đại học Ngoại ngữ... Đặc biệt đã có những em trở thành thạc sĩ như Chu Văn Hòa - tốt nghiệp cao học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ở các lớp khác của Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố cũng có rất nhiều học sinh học giỏi và thành đạt trong cuộc sống. Học sinh Bùi Thị Loan đã đoạt giải Nhất thành phố Hà Nội và giải Nhì quốc gia giải Toán trên máy tính cầm tay, giải Ba thành phố môn Toán. Học sinh Nguyễn Thị Kim Chi đoạt giải Nhì cấp quốc gia giải Toán trên máy tính cầm tay, giải Nhất thành phố môn Văn. Khúc Hải Vân được phong danh hiệu “Hiệp sĩ Công nghệ thông tin” đã thiết lập được phần mềm đọc sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị. Nguyễn Văn Hiếu, mù cả hai mắt, hiện là giáo viên dạy Tin học của Trường Nguyễn Đình Chiểu… 

Những người “khắc sâu” kiến thức

Cái nghiệp đứng trên bục giảng gắn với thầy Phạm Đức Nam, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, từ truyền thống gia đình. Bố, mẹ, anh trai thầy đều là nhà giáo. Năm 2008, 37 tuổi, thầy Nam về đây làm Phó giám đốc. Khi ấy, tình trạng cơ sở vật chất của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố thiếu thốn đủ bề. Phòng học chật chội, cả trung tâm chỉ có... một nhà vệ sinh. Không khỏi chạnh lòng nhưng nhìn vào các thầy, cô thế hệ trước ở trung tâm, thầy Nam hạ quyết tâm mọi thứ phải làm thật chu đáo, từ việc đi sớm và về muộn nhất. Qua năm đầu hơi bỡ ngỡ, đến năm thứ hai mọi việc vào vòng quay bình thường.

Khó khăn về vật chất là đáng kể nhưng chẳng thấm gì so với việc dạy học ở Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố. Thầy Nam đã “tổng kết” việc truyền kiến thức cho học sinh nơi đây bằng đúng hai chữ-“khắc sâu”.

Lẽ thường, việc dạy học gồm hai quá trình. Thứ nhất là giáo viên truyền thụ kiến thức cho học sinh. Quá trình thứ hai là học sinh tiếp nhận và biến kiến thức ấy trở thành của bản thân. Cả hai quá trình này thường diễn ra một lần trong quá trình dạy-học, chỉ lặp lại khi cần thiết. Tuy nhiên, với rất nhiều học sinh “đặc biệt” ở Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố, giáo viên phải “khắc sâu” kiến thức vào đầu họ. Tức là, phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần một kiến thức nào đó để học sinh có thể “từ từ” tiếp nhận. Thậm chí, có những học sinh đã lên được lớp 2, nhưng trong quá trình học, giáo viên vẫn phải nhắc lại những kiến thức lớp 1.

Với học sinh khiếm thị, may mắn là khả năng tiếp thu kiến thức bình thường nhưng lại khó khăn về việc dạy và học. Thời mới mở lớp, các giáo viên tại Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố đều chưa được đào tạo về giáo dục chuyên biệt. Họ phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt, cô Lê Thu Hương, nguyên Phó giám đốc trung tâm (nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục giảng dạy), đã dành nhiều năm tâm huyết nghiên cứu tìm ra phương pháp dạy và học Toán, Lý rất hiệu quả cho học sinh khiếm thị. 

Nhắc tới cô Hương, thầy Nam thể hiện sự kính phục. Thầy kể, sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (năm 1982), cô đã quyết định chọn Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố - ngôi trường còn rất nhiều khó khăn, cả về cơ sở vật chất và chất lượng của học sinh. Đầu năm 1997, cô lại chọn gắn bó với các học sinh khiếm thị. Thời gian đầu “học làm giáo viên khiếm thị”, cô Hương gặp rất nhiều khó khăn. Với các môn xã hội các em không nhìn thấy, nhưng còn nghe được và dễ tưởng tượng hơn. Khổ nhất là môn Hình học và các môn tự nhiên, dù cố giải thích, rồi nhập vai “người mù” để giảng cho các em, nhưng cũng không ăn thua gì. Vì tình yêu với học trò, sau nhiều đêm suy nghĩ, mày mò nghiên cứu, cô Hương đã “phát minh” ra một bộ Giáo trình Toán học các lớp 10, 11 và 12. Đó là những hình vẽ, Sin, Cos, Parapol, các hình lượng giác, hình học không gian… cơ bản về Toán học có trong chương trình THPT. Sau những thành công về những dụng cụ dạy học môn Toán, cô Hương tiếp tục cùng các đồng nghiệp làm các dụng cụ cho môn Lý, Hóa học. Năm 2008, với “phát minh” đặc biệt của mình, cô đã đoạt giải Nhất quốc gia trong cuộc thi “Sáng tạo đồ dùng dạy học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Ở Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố, trừ nhân viên bộ phận hành chính, còn tất cả đều đứng lớp. Bản thân thầy Nam dù là hiệu trưởng cũng vẫn dạy Văn. Các giáo viên, nhân viên ở đây chưa bao giờ đề cập tới vấn đề quyền lợi. Bởi nếu ai đặt vấn đề thu nhập thì sẽ không thể làm việc ở trung tâm. Theo quy định, ở trường THCS, THPT bình thường, một lớp học sẽ có khoảng 35-45 học sinh nhưng trung tâm mở lớp theo nhu cầu học nên dù ít học sinh vẫn phải tổ chức lớp. Vì thế, có những lớp mở ra chỉ có 11 em theo học.

Khó khăn là thế nhưng các giáo viên tại Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố vẫn hết lòng gắn bó. Hơn thế, họ hoàn toàn không có ngày nghỉ. Điều này bắt nguồn từ việc học của những học sinh khiếm thị.

Hầu hết học sinh khiếm thị đều đã vượt quá lứa tuổi đi học bình thường. Thậm chí, có nhiều em đã có gia đình, nhiều tuổi hơn cả giáo viên. Phần lớn họ lại gặp hoàn cảnh khó khăn, rất chật vật kiếm sống. Vì thế, họ chỉ có thể tranh thủ học vào thứ bảy, chủ nhật. Thương học sinh, các giáo viên, nhân viên ở Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố đều sẵn lòng đi làm bất kể ngày nghỉ.

Lại nữa, dù là một trung tâm giáo dục của quận Hoàn Kiếm nhưng học sinh khiếm thị ở đây đến từ khắp các quận, huyện của Hà Nội và cả nhiều tỉnh, thành phố khác. Vì thế, họ đều có nhu cầu học bán trú trong hai ngày cuối tuần. Thương học sinh nghèo, các giáo viên mang cả nồi niêu, gạo nước đến trường nấu cho các em ăn.

Hàng chục năm qua, các giáo viên, nhân viên Trung tâm GDTX Nguyễn Văn Tố đã không còn nghĩ tới bản thân mình, không một ngày nghỉ ngơi, đã vượt qua bao vất vả để truyền bá tri thức cho thật nhiều những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi. Để từ đó, những con người vốn khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng có thể vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội.

Bài và ảnh: HOÀNG HÀ


Oct 2014



36phophuong.vn 

Bình luận của bạn